ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ

KITÔ HỮU CHỊU CÙNG MỘT PHÉP RỬA NHƯ CHÚA GIÊSU

 

“Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Gioan 3: 5) 

I/ Chịu phép rửa để làm chứng.

Chúa Kitô khi bước vào sứ vụ công khai, Ngài đã mở đầu những tháng ngày thi hành sứ vụ đó bằng cách để cho thánh Gioan Tẩy giả thực hiện phép rửa trên Ngài, như được thuật lại trong Tin Mừng thánh Máccô:

Hồi ấy, Chúa Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Ngài liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Máccô 1:9-11).

Trong sách Tin mừng theo thánh Máccô, cũng như trong sách Tin mừng theo thánh Gioan, người ta không tìm thấy những trình thuật về thời thơ ấu, vể máng cỏ, về thánh gia, về các vị vua hiền sĩ. Tuy nhiên, giống như cuộc hiển linh mà thánh Mátthêu nói với chúng ta: cuộc tỏ mình ra cho Ba Vị Hiền Sĩ Phương Đông, đại diện cho tất cả những người dân ngoại, không phải Dân Riêng của Thiên Chúa, thì thánh Máccô cũng nói với chúng ta về một cuộc hiển linh khác.

Cuộc  hiển linh theo thánh Máccô chính là việc Chúa Kitô chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, là việc Thiên Chúa tỏ mình ra, là sự mạc khải rằng nơi con người của Chúa Giêsu, toàn thể sự sống Ba Ngôi được thể hiện: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Chúa Cha xác nhận Con Ngài trong Thánh Thần. Thiên Chúa tỏ mình ra qua sự nhập thể của Chúa Con, Đấng chịu phép rửa bởi ân huệ của Chúa Thánh Thần, là Đấng sau đó sẽ được ban cho tất cả những ai sẽ lãnh nhận phép thánh tẩy trong Chúa Con. 

II/ Sự tuyển chọn.

Phép rửa, giống như phép cắt bì trong Cựu ước, là dấu hiệu của Giao ước, của sự tuyển chọn. Tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều được kêu gọi để được cứu độ, nhưng trong lịch sử thánh, trong tiến trình của Mặc Khải, một số người được tuyển chọn, được chọn để thực hiện một sứ mệnh cụ thể. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương nhưng một số người có phần dành riêng cho mình, một phần đặc biệt giống Chúa Kitô, tư tế, tiên tri và vua. Trong Chúa Giêsu Kitô, tất cả những người được tuyển chọn này đều được làm phép rửa trong nước, Thánh Thần và máu, như thư thứ nhất của Gioan nói cho chúng ta biết “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật. Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều” (1 Gioan 5, 6-8).

Nước, thần khí và máu là ba dấu chỉ của sự khai tâm Kitô giáo: nước trong phép rửa tội, Thánh Thần trong phép thêm sức, máu trong phép Thánh Thể. Ba dấu chỉ này là dấu hiệu của sự tuyển chọn, sự lựa chọn cụ thể của Thiên Chúa để hình thành nên thân mình của Chúa Kitô là Giáo hội. Sự lựa chọn này, cũng như trong Cựu Ước, không phải là kết quả của bất cứ công lao đặc biệt hay những năng khiếu phi thường nào, đó hoàn toàn chỉ là ân ban và sự cho không. Sự tuyển chọn đó vẫn là một mầu nhiệm thâm sâu và không khơi dậy bất cứ niềm tự hào nào từ phía chúng ta, như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1215 viết:

Bí tích Thánh Tẩy là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa…Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng. mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi. Dìm xuống,vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa” (Thánh Ghêgôriô Nadien, Bài giảng 40, 3-4).”

III/ Được tuyển chọn để làm đầy tớ.

Để tránh mọi sự kiêu ngạo, danh hiệu được trao cho những người được tuyển chọn này là danh hiệu đầy tớ. Trong Cựu Ước, Môsê, Nôê, Đavít, Ábraham được gọi là tôi tớ. Đây là danh xưng vinh dự của các ngài. Chúng ta cũng được kêu gọi trở thành tôi tớ qua phép rửa của chúng ta, cũng như chính Chúa Kitô đã trở thành tôi tớ. Đây là ý nghĩa của việc rửa chân trong sách Tin Mừng Gioan “Vậy nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau. Ta đã nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng làm như vậy. “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Tôi tớ không lớn hơn chủ,kẻ được sai không lớn hơn người sai nó” (Gioan 13: 14-16). Sự tuyển chọn này không làm cho chúng ta vượt trội hơn những người khác, mà ngược lại, mời gọi chúng ta hãy biến mình trở thành những người sau chót, nhỏ bé nhất, những đầy tớ của anh em chúng ta, giống như hình ảnh của Đức Kitô, là người phục vụ:Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”  (Mc 10:45) và: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).

Thánh Phaolô nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Ngài cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa” (Cl 1:24-26).

IV/ Việc làm chứng.

Và sự phục vụ, mà chúng ta phải đáp ứng trước tiên, như Thánh Gioan nói với chúng ta, là sự phục vụ cho việc làm chứng – μαρτυρ trong tiếng Hy Lạp, cũng là tử đạo – martyr: “Khi Ðấng Bầu Chữa đến, Ðấng Ta sẽ gởi đến từ nơi Cha, Thần khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta. Và các ngươi cũng làm chứng, vì từ ban đầu các ngươi hằng ở với Ta.” (Gioan 15: 26-27). Isaia cho chúng ta biết rằng Lời của Thiên Chúa đến thế gian để làm cho nó sinh hoa kết trái và sinh ra hạt giống “Vì cũng như mưa với tuyết từ trời sa xuống, tất không lùi lại về trời, nếu đã không thấm nhuận đất đai, nếu không làm cho đất sinh sản, nảy chồi, và cho người gieo có giống, cùng bánh cho người ta ăn. Cũng vậy, lời của Ta, một khi đã xuất từ miệng Ta, sẽ không về lại với Ta, hư luống, nếu không thực hiện điều Ta đã muốn, nếu không đạt được sự Ta sai làm.” (Isaia 55: 10-11). Rao giảng Lời là việc làm chứng về đức tin của những người đã được rửa tội. Việc làm chứng này là của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ngay cả trước khi thành lời nói. Theo tiếng Hy Lạp μαρτυρ – nhân chứng, chính là người tử đạo – martyr. Vị tử đạo trong Giáo hội không hẳn là người đổ máu chính mình, trừ khi bị bắt buộc chọn lựa một trong hai: hoặc Chúa Kitô, hoặc một giá trị trần thế nào đó như sự sống, danh vọng, tiền của, tình cảm…, lại càng không làm đổ máu người khác, mà thực sự là người hiến mạng sống mình cho người khác bằng những cung cách sống và phục vụ đa dạng, phong phú khác nhau. Phép rửa là một cuộc tuyển chọn, nhưng là một cuộc tuyển chọn cam kết suốt đời phục vụ con người. Phép rửa này sai chúng ta đi phục vụ, mà sự phục vụ cao quý trên hết chính là loan báo cho toàn thế giới Tin Vui Mừng rằng mọi người đều là con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng qua Người Con Yêu Dấu của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô, luôn luôn tìm kiếm những con chiên lạc “Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi” (Mátthêu 18: 12-14), và những đứa con hoang đàng, để trao lại cho họ quyền làm con, ban lại sự sống và niềm hạnh phúc đích thực: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng” (Luca 15:  20-24). Phép rửa này sai chúng ta đi công bố rằng chính trong nhân loại mà Thiên Chúa tìm thấy niềm vui của Ngài.

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói rõ:

Sau khi chấp nhận ban phép rửa cho Chúa Giêsu giữa những kẻ tội lỗi (Lc 3,21; Mt 3,14-15), Gioan Tẩy giả đã thấy và giới thiệu Ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”(Ga 1,29) (Ga 1,36). Như vậy ông cho thấy rằng Chúa Giêsu vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh (Isaia 53,7) (Giêrêmia 11,19) và gánh tội lỗi muôn dân (Isaia 53,12), vừa là Chiên Vượt Qua biểu tượng cho việc Israel được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu (Xuất hành 12,3-14) ( Ga 19,36; 1Cr 5,7). Toàn bộ cuộc đời của Chúa Kitô diễn tả sứ mạng của Ngài “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc10,45)” (GLGHCG, số 608).

GLGHCG, số 1273 còn nói rõ hơn:

Được tháp nhập vào Hội Thánh nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đã được ấn tích thánh hiến để họ thi hành việc phụng tự Kitô giáo (Lumen Gentium 11). Ấn tín rửa tội vừa cho họ khả năng vừa đòi buộc họ phụng sự Thiên Chúa, bằng cách tham dự tích cực vào phụng vụ của Hội Thánh và thực thi chức vụ tư tế cộng đồng bằng đời sống thánh thiện và đức mến năng động để làm chứng cho Chúa (LG 10). 

Cuộc tuyển chọn như vậy không phải là hồi kết, nhưng nó là khúc mở đầu dành cho người khác. Đó là sứ mạng sai chúng ta đi vào thế giới để mang Tin mừng về sự cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Thiên Chúa ban cho tất cả những người đã chịu phép rửa ân sủng của Ngài để họ sống trọn vẹn sự tuyển chọn này, sự tuyển chọn mà họ đã nhận nơi phép rửa được Chúa Kitô truyền lại cho các Tông đồ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Máccô 16: 15-16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã thanh tẩy chúng con bằng nước, máu và Thánh Thần, xin tiếp tục thanh tẩy chúng con, để chúng con luôn được đầy tràn sự sống thần linh của Chúa. Xin cho chúng con, một khi đã trở thành con cái đích thực của Chúa trong chân lý và tình yêu thương, được trở nên những con người phục vụ, mang Tin Mừng Cứu Độ của Chúa đến cho mọi người chung quanh. Amen.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

n

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa C

Video Player
 
00:00
 
31:19
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục