GẶP GỠ ĐỨC KITO TRONG THÁNH THẦN - NGHI THỨC THỐNG HỐI-GIỚI TRẺ PANAMA
- Details
- Category: Gặp Gỡ Chúa Kitô Trong Thánh Thần
ĐTC PHANXICÔ
NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI XXXIV - 2019
Ở PANAMA TRUNG MỸ CHÂU
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
Sáng Thứ Sáu 25/1/2019
Bài Giảng cho Nghi Thức Thống Hối
ở Centro de Cumplimiento de Menores Las Garzas de Pacora
ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm giới trẻ tù tội và cử hành nghi thức thống hối với 450 em,
sau đó ngài giải tội cho 5 người trong họ, 4 nam và 1 nữ.
Đây là lần đầu tiên trong tất cả mọi ngày giới trẻ thế giới có sự kiện đích thân ĐTC giải tội vào sáng Thứ Sáu này.
"Tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta,
vì thế mà Chúa Giêsu chăm chú tiếp nhận tất cả chúng ta,
những người đang ở đây, và nếu ai không cảm thấy mình là tội nhân
- trong tất cả chúng ta đang ở đây -
họ cần phải biết rằng Chúa Giêsu sẽ không tiếp nhận họ, và họ sẽ mất đi phần tốt nhất".
"Thiên Chúa không bao giờ xua đuổi các bạn, Thiên Chúa không bao giờ xua đuổi ai;
Ngài nói cùng các bạn rằng: 'Các con hãy đến'.
Thiên Chúa chờ đời các bạn và ôm lấy các bạn,
và nếu các bạn không biết đường đến cùng Ngài thì Ngài sẽ chỉ cho các bạn,
như vị chủ chiên với con chiên của mình".
"Hắn đón nhận bọn tội nhân và ăn uống với chúng". Chúng ta vừa nghe thấy câu nói này trong bài Phúc Âm (Luca 15:2). Chúng là những lời của một số người biệt phái và luật sĩ, các vị tiến sĩ luật, thành phần cảm thấy rất bất mãn và ngứa mắt trước cách thức tác hành của Chúa Giêsu.
Bằng những lời ấy, họ muốn làm mất uy tín và loại trừ Chúa Giêsu trong mắt của mọi người. Thế nhưng, tất cả những gì họ cố gắng thực hiện đó là vạch ra một trong những đường lối liên hệ với người khác thường tình nhất của Người, chuyên biệt nhất của Người và tuyệt vời nhất của Người, đó là "Người đón nhận tội nhân và ăn uống với họ". Vậy tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta, vì thế mà Chúa Giêsu chăm chú tiếp nhận tất cả chúng ta, những người đang ở đây, và nếu ai không cảm thấy mình là tội nhân - trong tất cả chúng ta đang ở đây - họ cần phải biết rằng Chúa Giêsu sẽ không tiếp nhận họ, và họ sẽ mất đi phần tốt nhất.
Chúa Giêsu không sợ tiến đến với những ai, vì muôn vàn lý do, đã là đối tượng của ghét bỏ của xã hội, như những người thu thuế - chúng ta biết rằng những người thu thuế làm giầu bằng việc khai thác đồng hương của mình và họ đã gây ra rất nhiều phẫn uất -, hay những ai bị xã hội ghét bỏ bởi họ đã gây ra một lầm lỡ nào đó trong cuộc đời, bởi những lầm lỗi của họ, một lỗi phạm nào đó, nên họ bị gọi là tội nhân. Chúa Giêsu làm điều này vì Người biết rằng trên thiên đàng vui mừng hơn vì một người duy nhất trong những ai lầm lỗi, vì một tội nhân duy nhất hoán cải, hơn là 99 người công chính vẫn tốt lành (Luca 15:7).
Trong khi những con người này mãn nguyện với việc cằn nhằn hay phàn nàn vì Chúa Giêsu gặp gỡ hạng người mang tì tích của một lầm lỡ nào đó về xã hội, một tội lỗi nào đó, và không chịu thống hối, không chịu đối thoại với Người, thì Người lại tiến tới và tỏ ra gắn bó, bất chấp có bị mất đi tiếng tăm của Người. Người xin chúng ta, như Người luôn làm như vậy, hãy hướng mắt đến một chân trời có thể canh tân đổi mới cuộc sống của chúng ta, có thể canh tân đổi mới lịch sử của chúng ta. Tất cả chúng ta, tất cả đều có một chân trời. Tất cả chúng ta. Ai đó có thể hỏi rằng: "Tôi có một chân trời hay chăng?" Hãy mở cửa sổ ra là các bạn sẽ thấy nó, hãy mở cửa sổ yêu thương là Chúa Giêsu ra thì quí bạn sẽ thấy Người. Tất cả chúng ta đều có một chân trời. Có hai thứ tiếp cận rất khác nhau, tương phản, cách tiếp cận của Chúa Giêsu, và cách tiếp cận của những vị tiến sĩ luật. Một thứ tiếp cận cằn cỗi, vô bổ - cách tiếp cận phàn nàn và nhảm nhí, con người này luôn nói lén về người khác và tự cho mình là công chính - và cách tiếp cận khác, cách mời gọi chúng ta thay đổi và hoán cải, cách tiếp cận của Chúa, sống một đời sống mới như các bạn vừa nói cách đây ít lâu (ngài hướng về giới trẻ đã cống hiến chứng từ).
Cách tiếp cận phàn nàn và nhảm nhí
Đây không phải là một điều gì đó từ xa xưa trước, mà là hiện đại. Nhiều người không chấp nhận thái độ này của Chúa Giêsu; họ không thích thế. Trước hết bằng việc xì xèo phàn nàn, rồi bằng việc la ó, họ công khai tỏ ra bất mãn, tìm cách làm mất uy tín cách thức tác hành của Chúa Giêsu và của tất cả những ai hợp với Người. Họ không chấp nhận và họ phủ nhận cách thức tiếp cận những người khác để cống hiến cho những người ấy thêm một cơ hội. Những con người này dứt khoát lên án, họ dứt khoát làm mất uy tín và quên đi rằng trong con mắt của Thiên Chúa, họ đã tỏ ra thất cách và cần đến sự dịu dàng êm ái, cần đến yêu thương và thông cảm, thế nhưng họ lại không muốn chấp nhận lấy. Đời sống của dân chúng ở đâu được quan tâm đến, thì dường như xẩy ra chuyện dễ dàng gán ghép những dấu hiệu cùng nhãn hiệu gây sững sờ và bêu xấu, chẳng những quá khứ của người ta mà còn cả hiện tại lẫn tương lai của họ nữa. Chúng ta dán nhãn hiệu trên người ta: "con người này là như thế đó", "con người này đã làm điều ấy, vấn đề là ở chỗ đó", và người ấy phải mang nhãn hiệu này suốt khoảng đời còn lại của mình. Đó là cách thành phần lẩm bẩm càu nhàu - những con người nhảm nhí - họ là như thế vậy. Những thứ nhãn hiệu cuối cùng chỉ gây ra chia rẽ: người tốt ở đây, kẻ xấu ở kia; người công chính ở đây, tội nhân ở kia. Chúa Giêsu không chấp nhận điều ấy; đó là thứ văn hóa của tĩnh từ; chúng ta hoan hỉ trong việc "tĩnh từ hóa" dân chúng, nó làm cho chúng ta khoái chí: "Tên của bạn là gì? Tên tôi là 'tốt lành'". Không, đó chỉ là một thứ tĩnh từ. "Tên bạn là chi?" Hãy theo tên của con người: bạn là ai? Bạn đang làm gì? Đầu là giấc mơ của bạn? Lòng bạn cảm thấy ra sao? Những kẻ nhảm nhí không chú ý tới điều ấy; họ nhanh chóng tìm kiếm một thứ nhãn hiệu để hạ ai đó xuống chân của mình. Thứ văn hóa của tĩnh từ là thứ văn hóa làm mất uy tín của người ta. Hãy nghĩ về nó để đừng rơi vào những gì xã hội quá dễ dàng cống hiến cho chúng ta.
Cách tiếp cận hoán cải: cách tiếp cận khác
Phúc Âm, trái lại, hoàn toàn theo cách tiếp cận khác, cách tiếp cận của chính tấm lòng Thiên Chúa không hơn không kém. Thiên Chúa không bao giờ xua đuổi các bạn, Thiên Chúa không bao giờ xua đuổi ai; Ngài nói cùng các bạn rằng: "Các con hãy đến". Thiên Chúa chờ đời các bạn và ôm lấy các bạn, và nếu các bạn không biết đường đến cùng Ngài thì Ngài sẽ chỉ cho các bạn, như vị chủ chiên với con chiên của mình. Còn cách tiếp cận khác thì lại loại trừ. Chúa muốn hân hoan cử hành khi Ngài thấy con cái của Ngài trở về (Luca 15:11-31). Chúa Giêsu chứng thực điều này bằng việc tỏ ra cho thấy tình yêu thương xót của Chúa Cha cho đến tận cùng. Chúng ta có một Người Cha - chính các bạn đã nói như thế - tôi thích thú nghe chứng từ của các bạn: chúng ta có một Người Cha. Tôi có một Người Cha là Đấng yêu thương tôi, một điều tuyệt vời. Một tình yêu, tình yêu của Chúa Giêsu, không có giờ để mà phàn nàn trách móc, nhưng tìm cách phá vỡ cái vòng phê bình chỉ trích vô dụng, bất cần, lạnh lùng và cằn cỗi. "Lạy Chúa, tôi xin tạ ơn Chúa - vị tiến sĩ luật thân thưa - vì tôi không phải như người kia, tôi không giống như hắn". Những con người tin rằng họ có một linh hồn được tinh tuyền gấp chục lần bởi thứ ảo tưởng về một đời sống cằn cỗi chẳng có ích cho bất cứ sự gì. Có lần tôi đã nghe một nông gia nói một điều đánh động tôi: "Đâu là thứ nước tinh khiết nhất? Đúng, là nước tinh lọc", ông ta nói; "Thưa cha, cha biết không, khi con uống nước ấy, nó chẳng có mùi vị gì cả". Đó là cách mà đời sống của những ai phê bình chỉ trích cùng nhảm nhí tách mình khỏi người khác: họ cảm thấy họ rất tinh khiết, rất vô nhiễm, đến độ họ chẳng có mùi vị gì cả; họ không có khả năng mời gọi một ai; họ sống là để chăm sóc cho bản thân họ, là để làm phẫu thuật thẩm mỹ linh hồn họ, và chẳng biết giơ tay ra cùng người khác hầu giúp cho những người ấy vươn lên, như Chúa Giêsu đã làm; Người chấp nhận cái phức tạp của đời sống và hết mọi hoàn cảnh. Tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa là Cha của chúng ta - như các bạn đã nói cho chúng tôi nghe - là một tình yêu khởi động một tiến trình có khả năng thức hiện những cách sáng tạo, cống hiến những phương tiện để hội nhập và biến đổi, chữa lành, tha thứ và cứu độ. Bằng việc ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu phá hủy cái tâm thức phân chia, loại trừ, cô lập, chia cách sai lầm "kẻ lành và người xấu". Người không làm điều ấy bằng sắc lệnh, hay chỉ bằng ý hướng tốt lành, hoặc bằng những thứ khẩu hiệu hay theo cảm tính. Vậy Chúa Giêsu đã làm ra sao? Bằng việc tạo nên những mối liên kết, những mối liên hệ có thể tạo nên các tiến trình mới; đầu tư vào và vui mừng về hết mọi bước tiến. Đó là lý do Chúa Giêsu không nói với chàng Mathêu khi chàng hoán cải - các bạn sẽ thấy trong Phúc Âm: "Được, tốt lắm, Tôi chúc mừng anh, anh hãy đến với tôi". Không, Người nói cùng chàng rằng: "Chúng ta hãy hân hoan cử hành tại nhà của anh", và chàng đã mời tất cả bạn hữu của chàng, thành phần cùng với chàng đã bị xã hội kết án cùng hân hoan. Kẻ quen thói nhảm nhí, kẻ gây phân ly, không biết cách hân hoan cử hành vì họ có một tâm can cay đắng.
Tạo nên các mối liên hệ, hân hoan cử hành. Đó là những gì Chúa Giêsu làm, và bằng cách ấy Người phá hủy hình thức phàn nàn trách móc, một hình thức khó thấy được, một hình thức "dập tắt các giấc mơ" vì nó cứ xì xèo rằng: "bạn không thể làm như thế, bạn không thể làm như vậy". Biết bao nhiêu lần các bạn đã nghe điều này: "bạn không thể làm thế". Hãy coi chừng! Điều này giống như một con mối mọt gặm nhấm các bạn từ trong ra ngoài. Hãy coi chừng khi các bạn cảm thấy "bạn không thể làm thế", thì các bạn hãy vỗ vào mình rằng: "Được, tôi có thể và tôi sẽ chỉ cho bạn". Con người thì thào, con người thì thầm trong lòng là kẻ có thành kiến về những ai thống hối tội lội của mình và nhận biết các lầm lỗi của mình, nhưng không nghĩ rằng những con người ấy có thể thay đổi. Điều này xẩy ra khi họ nghĩ rằng những ai sinh ra làm nghề thu thuế thì bao giờ cũng chết như kẻ thu thuế; điều này không đúng. Phúc Âm cho chúng ta thấy hoàn toàn ngược lại. Mười một trong số 12 môn đệ đều là các tội nhân xấu xa, vì các vị đã phạm một thứ tội trầm trọng nhất, đó là các vị đã bỏ rơi Thày của các vị, có vị chối bỏ Người, có vị cao bay xa chạy. Các vị Tông Đồ phản bội Người, và Chúa Giêsu đã đến tìm kiếm các vị từng người một, và các vị là những con người đã biến đổi toàn thể thế giới này. Chẳng có ai nào trong các vị nói rằng: "bạn không thể làm thế", vì khi thấy được tình yêu của Chúa Giêsu sau việc phản bội của mình, thì "con sẽ có thể làm thế, vì Chúa ban sức mạnh cho con". Hãy coi chừng con mối "bạn không thể làm thế", rất thận trọng nhé.
Hỡi các bạn, mỗi người chúng ta còn tốt hơn nhiều những thứ nhãn hiệu người ta ghép cho chúng ta; mỗi người chúng ta còn khá hơn nhiều những tĩnh từ họ muốn gán cho chúng ta, mỗi người còn hay hơn nhiều những thứ lên án chụp lên chúng ta. Và đó là những gì Chúa Giêsu dạy cho chúng ta và xin chúng ta tin tưởng. Cách tiếp cận của Chúa Giêsu thách thức chúng ta kêu xin và tìm kiếm sự trợ giúp khi bắt đầu con đường cải tiến. Có những lúc các thứ phàn nàn trách móc có vẻ như chi phối chúng ta thì đừng tin nó, đừng nghe nó. Hãy tìm kiếm và lắng nghe những tiếng nói phấn khích các bạn nhìn về phía trước, chứ đừng nghe những tiếng nói nhấn các bạn xuống. Hãy lắng nghe những tiếng nói mở cửa sổ cho các bạn, nhờ đó các bạn thấy được chân trời: "Đúng, thế nhưng xa vời quá". "Tuy nhiên, các bạn có thể làm được. Hãy tập trung vào nó một cách thận trọng thì các bạn có thể thực hiện". Mỗi lần con mối xuất hiện "bạn không thể làm thế", thì hãy âm thầm trả lời rằng: "Tôi có thể làm thế" và tập trung vào chân trời.
Niềm vui và niềm hy vọng của hết mọi Kitô hữu - của tất cả chúng ta và của cả vị Giáo Hoàng nữa - xuất phát từ cảm nghiệm về cách tiếp cận này của Thiên Chúa, Đấng nhìn chúng ta mà nói: "Con là phần tử của gia đình Cha và Cha không thể để con bị thống trị bởi các thứ yếu tố"; đó là những gì Thiên Chúa nói với từng người chúng ta, vì Thiên Chúa là Cha - chính các bạn đã nói thế: "Con là phần tử của gia đình Cha và Cha không thể để con bị thống trị bởi các thứ yếu tố. Cha sẽ không để cho con nằm ở trong mương rãnh, không, Cha không thể mất con trên con đường con đi - Thiên Chúa nói với chúng ta, với từng người chúng ta, bằng tên gọi và tên họ - Cha đang ở bên con đây". Ở đây? Phải, Chúa ở đó. Đó là cảm giác mà Luis, đã diễn tả ở những lúc dường như mọi sự đã chẳng còn gì, nhưng có tiếng nói: "Không! không phải mọi sự tiêu tan đâu", vì bạn có một mục đích to lớn hơn khiến bạn thấy rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta luôn ở với chúng ta. Ngài cống hiến cho chúng ta con người chúng ta có thể tiến bước với, con người giúp chúng ta đạt được những đích nhắm mới.
Vậy Chúa Giêsu biến việc phàn nàn trách móc thành việc hân hoan cử hành, và nói với chúng ta rằng: "Hãy vui lên với Ta, chúng ta sẽ cùng nhau hân hoan cử hành!" Trong dụ ngôn người con hoang đàng - tôi thích một chuyển dịch tôi đã từng thấy - cho rằng người cha đã nói, khi ông thấy con mình trở về rằng: "Chúng ta sẽ hân hoan cử hành", thế là sau đó bữa tiệc bắt đầu. Và một bản dịch viết: "Sau đó bắt đầu nhảy múa". Niềm vui này, niềm vui Thiên Chúa đón nhận chúng ta, bằng cái ôm ấp của Người Cha; cuộc nhẩy múa bắt đầu.
Hỡi anh chị em: Anh chị em là phần tử của gia đình; anh chị em có nhiều điều để chia sẻ với những người khác. Hãy giúp chúng tôi nhận thức được cách thức hay nhất để sống và để hỗ trợ lẫn nhau theo con đường biến đổi mà tất cả chúng ta cần đến như là một gia đình.
Một xã hội trở thành bệnh hoạn khi nó không thể hân hoan vui mừng vì con cái của mình đổi thay. Một cộng đồng bị bệnh hoạn khi nó sống theo những gì là phàn nàn, nhảm nhí một cách tàn nhẫn, tiêu cực và vô tâm. Thế nhưng, một xã hội sinh hoa kết trái khi nó có thể phát sinh ra những tiến trình bao gồm và hội nhập, chăm sóc và nỗ lực tạo nên các cơ hội và giải pháp có thể cống hiến những khả thể mới cho giới trẻ, để xây dựng một tương lai nhờ bởi cộng đồng, nhờ được giáo dục và nhờ có việc làm. Một cộng đồng như vậy là một cộng đồng lành mạnh. Cho dù có thể cảm thấy lo ngại không biết làm sao được như thế, nhưng vẫn không thoái lui, vẫn cố gắng thử. Tất cả chúng ta giúp nhau học biết, như một cộng đồng, để thấy được những cách thức ấy, để cứ tiếp tục cố gắng và nỗ lực. Nó là một giao ước mà chúng ta cần phải phấn khích nhau bảo tồn, bao gồm cả các bạn, thành phần giới trẻ nam nữ, những vị hữu trách đối với tình trạng bị giam cầm của các bạn, cùng những vị có thẩm quyền của Trung Tâm và Thừa Tác Vụ này, cũng như tất cả gia đình của các bạn, và những vị phụ tá mục vụ của các bạn. Hãy tiếp tục chiến đấu, tất cả các bạn - nhưng đừng chiến đầu giữa các bạn với nhau nhé - chiến đấu cho cái gì đây? - chiến đầu để tìm kiếm và gặp được những đường lối hội nhập và biến đổi. Đó là điều Chúa chúc lành, điều Chúa nâng đỡ và điều Chúa hỗ trợ.
Ngay sau đây chúng ta sẽ tiếp tục với nghi thức thống hối, một nghi thức sẽ giúp cho tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm thấy được ánh mắt của Chúa, một ánh mắt không bao giờ nhìn bằng những thứ tĩnh từ, mà nhìn bằng một tên gọi, nhìn vào con mắt của chúng ta, nhìn vào tâm can của chúng ta; Người không nhìn bằng những nhãn hiệu và lên án, mà nhìn vào những người con cái nam nữ của mình. Đó là cách tiếp cận của Thiên Chúa, cách Ngài nhìn sự vật, loại trừ đi tính cách sa thải và cống hiến cho chúng ta sức mạnh để thiết lập những giao ước cần thiết, nhờ đó giúp tất cả chúng ta loại trừ đi việc phàn nàn trách móc: những giao ước có tính cách huynh đệ giúp cho đời sống của chúng ta có thể trở thành một lời mời gọi liên lỉ hoan hưởng ơn cứu độ, hoan hỉ thấy được chân trời mở ra trước mắt chúng ta, hoan hưởng tiệc mừng của người con. Xin cám ơn các bạn.
Mời xem video về nghi thức thống hối tù nhân giới trẻ
Penitential liturgy with young detainees
--------------------------------------------