CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO?
Hoa trái của đức tin là tình yêu
Hoa trái của tình yêu là phục vụ
Hoa trái của cầu nguyện là đức tin
Hoa trái của phục vụ là hòa bình.
(Thánh Têrêsa Calcutta)
Theo thánh Têrêsa Calcutta, ngài cho rằng, cầu nguyện là nguồn gốc phát sinh hoa trái đức tin, tình yêu, phục vụ và hòa bình. Cầu nguyện là một điều rất cần thiết trong đời sống nguời Kitô hữu. Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, là hướng tâm hồn lên Chúa, sống thân mật với Chúa, giống như người con thưa chuyện với cha mình. Các tông đồ xin Chúa Giêsu dạy cho họ cầu nguyện. Chúa Giêsu nói: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho." Tuy nhiên, có những điều chúng ta cầu xin mà không được, và có những ước muốn mà Chúa vẫn không thực hiện theo ý của mình, chúng ta cảm thấy thất vọng, chán nản và buông xuôi. Vậy, chúng ta phải cầu nguyện như thế nào?
Chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa cầu nguyện qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Một người Pharisiêu và một người thu thuế. Người Pharisiêu đứng cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế kia. Con ăn chay một tuần hai lần và nộp một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, anh ta đấm ngực mà rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ có tội." Ta nói cho các ngươi, người này trở về nhà mình, anh ta sạch tội, và sống công chính hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.
Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy người Pharisiêu hiên ngang bước vào Đền thờ, đứng thẳng cầu nguyện, ông ta liệt kê ra những đức hạnh của mình, đó là: ăn chay, nộp thuế, không tham lam, không gian dâm và không làm chuyện bất chính. Sau đó, ông ta lại so sánh mình với những người khác, ông ta tự hào mình là người công chính và khinh chê người khác. Cuối cùng ông ta trở thành người xấu. Lý do nào dẫn ông ta trở thành người bất chính? Tội thứ nhất là vì ông ta quá “nổ” đề cao mình, khinh chê người khác, tự cho mình là người đạo đức, đó là tội kiêu ngạo. Tội thứ hai là vì ông ta tham danh vọng, ông ta muốn Chúa biết công đức mình làm, để được ca tụng và khen thưởng ông ta, đó là một thứ đạo đức giả hình. Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Chúa Giêsu đã nói với nhóm người biệt phái rằng: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta.”
Trái lại, người thu thuế chỉ nói một câu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”Ông ta nhận thức về tội lỗi của mình. Ông ta không dám ngước mắt lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn thú tội mình. Một thái độ khiêm tốn biết nhìn nhận tội lỗi của mình. Người thu thuế ra về, ông ta trở thành người công chính. Người công chính là người thành thật, không gian dối, giả hình.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ, những người biết xưng nhận tội lỗi và cầu xin tha thứ thì được tôn trọng hơn những người không hề chịu xét mình, nhưng lại tự đặt mình cao hơn người khác, và Chúa đã khiển trách họ, "Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cái đà trong mắt mình?" (Mat 7:3).
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta dễ dàng nhận thấy não trạng của những người Pharisiêu hơn là chấp nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa và tha nhân. Cho nên, lời cầu nguyện không được Chúa nhận lời. Thánh Giacôbê nói: “ Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” Lời cầu nguyện của người thu thuế được Chúa nhận lời vì đó là lời cầu thành thật, khiêm tốn và ngay lành.
Lời cầu xin được thực hiện với ý ngay lành. Khi chúng ta cầu xin điều gì, chúng ta ý thức rằng, điều đó có đẹp lòng Thiên Chúa không? Nó có mang lại lợi ích cho linh hồn của chúng ta không? Như lời Chúa Giêsu nói:" Anh em cứ xin thì sẽ được". Khi cầu nguyện chúng ta phải đặt niềm tin vào Chúa, và kiên nhẫn chờ đợi để Chúa đoái thương và chúc phúc. Mỗi ngày, chúng ta dành thời giờ cầu nguyện với Chúa. Như Ápraham cầu xin Chúa tha thứ cho hai thành phố tội lỗi Xôđôm và Gômôra, như Môsê dang tay cầu nguyện để cho dân Israel đánh thắng quân A-ma-lếch.
Và chúng ta hãy học cầu nguyện từ Chúa Giêsu dạy qua Kinh Lạy Cha, đó là:
1. Xin cho con biết làm danh thánh Chúa vinh hiển.
2. Xin cho con biết ăn năn sám hối mỗi ngày.
3. Xin cho con biết tạ ơn Chúa mỗi ngày.
4. Xin cho con những ơn cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
5. Xin cho con biết tránh sa chước những cơn cám dỗ.
Lm. John Nguyễn.