HẠNH PHÚC HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

"Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa"(Mt. 5:9). Tôi đọc đi đọc lại Câu Kinh Thánh trên đây, rồi tôi cầu xin Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi thông hiểucụm từ xây dựng hòa bình. Bỗng nhiên, tôi liên tưởng tới Kinh Tám Mối Phúc Thật, Chúa dạy ở Điều Thứ Bảy rằng:"Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật; vì chưng họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Suy đi nghĩ lại, tôi nhận thấy hai cụm từ này có ngữ nghĩa tương đồng. Vẫn nhờ Thần Linh Chúa soi dẫn, nên tôi lần lượt nảy sinh những cảm nghiệm của riêng mình về đề tài Gia Đình Hạnh Phúc mà tôi đang trăn trở ngẫm suy.

Giờ đây,tôi đã tuệ ra bốn điểm chính liên quan đến đề tài này và tôi xin hân hạnh chia sẻ những tâm tư của tôi cùng Quý Thân Phụ, Thân Mẫuvề đề tài này, đó là: những yếu tố then chốt giúp cho gia đình hạnh phúc; những thách đố hằng rình rập để phá tan hạnh phúc gia đình; những thành quả và hậu quả trong đời sống gia đình mang lại và những mẫu gương gia đình đáng cho mọi gia đình noi theo.

Trước tiên, tôi xin đề cập đến những yếu tố then chốt giúp cho gia đình hạnh phúc.

Yếu tố tiên khởi: cha mẹ, con cái làm sao trên thuận dưới hòa. Một khi mọi thành viên trong gia đình tạo được hòa khí rồi, nghĩa là tạm ví như hơi thở cần cho đời sống - không khí hòa thuận trong gia đình cũng tương tự y như thế.

Yếu tố kế tiếp: mọi người trong gia đình phải hết lòng để ý lo cho nhau. Không phải chỉ một chiều là cha mẹ phải có trách nhiệm lo cho con cái, mà cả vợ chồng cũng cần chăm lo cho nhau; đồng thời con cái cũng phải có bổn phận  tự ýgiúp đỡ cha mẹ bằng cách vâng lời, ngoan ngoãn và vui vẻ chia sẻ việc nhà với cha mẹ.

Yếu tố tiếp theo: mọi thành viên trong gia đình phải biểu lộ tình yêu thương nhau bằng nụ cười hồn nhiên, bằng sự hỏi han thân tình với nhau, chia vui với nhau và an ủi nhau trong lúc có tâm sự buồn.

Yếu tố sau cùng: khi trong gia đình có sự bất hòa giữa con cái, bất kể chúng còn trẻ dại, đã trưởng thành hoặc chúng đã lập gia đình. Trong những tình huống khó xử, trước hết cha mẹ phải tỏ ra công bằng, tế nhị trong việc can ngăn, xét xử để giải hòa những hiềm khích ngay từ khi nó mới còn trứng nước, tựa như ngọn lửa vừa chợt nổi lên là cần dập tắt ngay tức thì, chớ để cho nó bùng lên và lây lan đến độ cháy rụi hết tình gia đình đã suốt bao năm vun bồi. Cha mẹ hãy dùng kinh nghiệm từng trải của mình để giảng khuyên cho con cái qua bốn bước sau đây: biết nhận lỗi, hối lỗi, xin lỗi và dốc lòng chừa. Nếu cha mẹ đã thường xuyên làm gương tốt cho con cháu bằng cách xin lỗi nhau trước sự chứng kiến của con cháu hoặc cha mẹ không ngần ngại xin lỗi con cháu, khi cha mẹ lỡ làm cho một con cháunào buồn phiền. Một khi tiếng xin lỗi đã trở thành thói quen tốt trong gia đình như thế rồi, cho dù đôi khi trong gia đình có mưa gió nổi lên, nhưng sau cơn mưa gió, trời lại quang đãng và nắng đẹp lại sáng lên.

Như vậy,gia đình sẽ có hạnh phúcbằng cách luôn nở nụ cười tươi với nhau cùng nhau áp dụng triệt để bốn yếu tố căn bản tôi vừa nêu trên.

Kế đến, tôi muốn nêu ra những thách đố hằng rình rập để phá tan hạnh phúc gia đình.

Thách đố thứ nhất, cha mẹ phải làm sao kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình. Câu nói:"Không có thực làm sao vực được đạo?" còn có nghĩa bóng, khiến tôi thiển nghĩ: ý nói cơm không đủ no, áo không đủ mặc, thiếu thốn tư bề trong một gia đình như thế, làm sao duy trì được hạnh phúc!?

Thách đố thứ nhì, việc đưa /đón con nhỏ ở Nhà Giữ Trẻ và việc di chuyển con đếnTrường Tiểu Học vào hai buổi sáng đi, chiều về. Cha mẹ phải căn cơ thời giờ làm sao cho thuận tiện đôi bề, để đưa con đến trường đúng giờ, đồng thời cha mẹ cũng không bị trễ giờ tới nơi làm việc.

Thách đố thứ ba, vợ chồng không còn thời giờ dành riêng cho nhau. Hai người cùng phải bận rộn đi làm; vì đời sống văn minh tân tiến ngày nay đòi hỏi nhiều nhu cầu vật chất cao, nên một đầu lương không đủ để trang trải mọi chi phí trong gia đình. Vợ chồng nhiều khi nghĩ họ giống như hai cỗ máy chạy song hành, mệt mỏi, chẳng còn hơi sức đâu mà thổ lộ tâm tình với nhau.

Thách đố thứ tư, vấn đề gửi tiền, gửi quà về giúp đỡ thân nhân hai bên nội / ngoại bên QNhà. Vợ chồng cần thảo luận và lập ra phương án rõ ràng, qui định theo mức tài chánh khả thi. Điều tối kỵ là hai bên cần tỏ ra công minh chính đại trong việc chuyển quà / tiền làm sao tránh đừng làm mất hạnh phúc gia đình.

Thách đố thứ năm, chẳng may trong gia đình có một thành viên gặp tai nạn phải săn sóc lâu ngày hoặc có người bất thần Bác Sĩ cho biết người này mắc bệnh hiểm nghèo. Gặp trường hợp Chúa định cho phải chịu sự khó như vầy, mọi người trong gia đình cần tập họp mỗi buổi tối, để cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ cho người bệnh vâng theo Thánh Ý Chúa trong niềm phó thác cậy trông; đồng thời, cả gia đình cũng xin Chúa ban ơn mạnh sức cho người nào tình nguyện chăm sóc cho người bệnh.

Thách đố sau cùng, trong trường hợp cha mẹ ly dị nhau. Lẽ tất nhiên con cái phải gánh chịu hậu quả tai hại khôn lường. Chúng bị hoang mang, ngã lòng trông cậy, chán nản rồi bỏ bê học hành; hoàn cảnh này dễ dàng đưa đẩy con cái vào vòng hư hỏng, trong khi chúng gặp bạn bè cũng có cùng cảnh ngộ. Còn cha hoặc mẹ là nạn nhân của cuộc chia tay cũng gặp rất nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống mới.

Chung qui, cả sáu thách đố trên đây đều trở thành những cây cầu cheo leo, vắt vẻo đe dọa hạnh phúc gia đình.

Tiếp  theo, tôi xin phân tích những thành quả và hậu quả trong đời sống gia đình mang lại.

Về những thành quả của một gia đình hạnh phúc, có thể sánh ví như hoa lá tốt tươi trổ sinh từ nơi cha mẹ, hằng hết lòng đầu tư vào việc giáo dục con cái cho chúng thành nhân và thành thân. Con cái thành nhân, nghĩa là con cái hiểu biết những điều nhân nghĩa, có lòng thương người như thể thương thân. Ngoài ra, con cái thành nhân là người luôn mang theo hành trang:"Điều gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình hãy làm điều đó cho người khác; ngược lại, nếu mình không muốn người khác làm điều ấy cho mình thì mình cũng đừng làm điều đó cho người khác", đó là tóm lược Lời Chúa dạy khuyên về Đức Bác Ái. Còn con cái thành thân, nghĩa là khi con cái bước vào trường học để học hành, tạo cho mình một vốn liếng kiến thức cao, tạo dựng được một nghề nghiệp vững vàng theo ý muốn.Rồi khi con cái bước vào trường đời là để phục vụ xã hội tùy theo nghề nghiệp chuyên môn của mình, chứ không phải chỉ lo làm giàu mà quên đi những điều nhân nghĩa.

Còn về hậu quả của một gia đình bất hạnh,khi cha mẹ đã ly dị nhau, họ làm mất niềm tin nơi con cái, khiến cho tinh thần con cái bị suy sụp thê thảm, nên chính họ đã dẫn con cái đến những hậu quả khôn lường cho từng cá nhân con cái. Chúng bỏ dở việc học hành, không có nghề nghiệp chuyên môn trong tay sau này. Khi tới tuổi lập gia đình, chúng đâm ra nghi ngờ cuộc tình của chúng:không biết có gì bảo đảm, vững bền, vì gương xấu cha mẹ còn sờ sờ trước mắt và vết thương lòng chúng phải bao năm gánh chịu chưa lành, nên chúng cảm thấy mất niềm tin khi chúng muốn xây dựng một gia đình mới.

Như thế,những thành quả và hậu quả trong đời sống gia đình hạnh phúc hoặc bất hạnh tùy thuộc hoàn toàn vào gương sáng nơi cha mẹ.

 

Sau cùng, tôi xin đan cử một vài mẫu gương gia đình đáng cho mọi gia đình noi theo.

Một là gia đình Bà Thánh Mo-ni-ca là mẹ của Thánh Âu-gút-ti-nô.Bà cầu nguyện trong nước mắt gần 20 năm trời cho Âu-gút-ti-nô, con của bà bỏ đàng tội lỗi.Sau cùng, cậu đã được Thánh Am-rô-si-ô cảm hóa và rửa tội cho cậu trong sự vui mừng khôn tả của bà. Bà đã nêu gương sáng đạo đức và cầu nguyện cho các bà mẹ Công Giáo.

Hai là gia đìnhBà Thánh Ma-ga-ti-ta, mẹcủa Thánh Gio-an Đôn Bót-cô.Bà nói với Cha Đôn Bót-cô trong ngày chịu chức Linh Mục: “Con đừng lo nghĩ tới mẹ nữa, con chỉ cần cầu cho mẹ thôi là đủ rồi. Việc lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn”. Bà nói thế vì sợCha Thánh lợi dụng chức linh mục mà đem tiền về cho bà, để bù lại hoàn cảnh nghèo khổ trước kia của gia đình bà.

Ba là gia đình Thánh Nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Bà mẹ của Thánh Nữ rất đạo đức, có lần bà nói: “Tôi chỉ ao ước có nhiều con để dẫn chúng về Trời”. Trước khi lập gia đình bà rất muốn đi tu nhưng Chúa không gọi. Còn thân phụ của Thánh Nữ cũng là người đạo đức và hiền lành, ông cũng muốn dâng mình cho Chúa, nhưng Chúa không gọi. Khi vcủa ông mất, ông ở vậy nuôi dậy năm người con và sau này cả năm đều dâng mình cho Chúa tất cả.Trong số bốn người chị của Tê-rê-xa : ba chị đi tu trong dòng kín và một chị đi tu dòng Đức Bà Thăm Viếng.Năm 2015,cả hai cha mẹ của Thánh Nữ Tê-rê-xa Đều được Đức Giáo Hoàng Francis phong Hiển Thánh.

Tựu chung, gương kiên trì cầu nguyện của Thánh Monica, gương dâng hiến con trọn vẹn của Mẹ Thánh Gioan Donbosco và gương nuôi dạy của Thân Phụ năm chị em Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mãi mãi là những mẫu gương cho các bậc cha mẹ muốn xây dựng thành công hạnh phúc gia đình.

Nhìn chung, một gia đình hạnh phúccần mọi người luôn nở nụ cười tươi như hoa với nhau.Cho dù những thách đố có khó cách mấy, nếu mọi người cùng cố gắng giúp nhau vượt qua thì hạnh phúc gia đình sẽ vẫn tồn tại.Rồi đếnnhững thành quả trong đời sống gia đình hạnh phúc cũng đều tiếp tục phát triển và duy trì; ngay cả những hậu quả cũng có thể chặn đứng và có thể tìm cách khắc phục, một khi trong gia đình biết ngồi lại bàn thảo, nhận ra lỗi lầm, xin lỗi nhau và cùng quyết tâm bỏ qua quá khứ, mà chỉ cùng nhau hướng về những sự tốt đẹp cho tương lai.

Riêng về ba mẫu gương của Thánh Monica, của Mẹ Thánh Gioan Donbosco và của Thân Phụ năm chị em Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mãi mãi đáng cho các bậc cha mẹ muốn xây dựng thành công hạnh phúc gia đình noi theo.

Theo thiển nghĩ của tôi, trên bình diện toàn cầu: vì gia đình nhân loại luôn luôn đánh mất sự hòa bình, cho nên chiến tranh triền miên xảy ra từng giây phút ở khắp nơi trên thế giới. Trong phạm vi nhỏ hẹp của mỗi gia đình, lý do làm mất sự bình an xuất phát từ mỗi cá nhân, bắt đầu: từ nơi người cha, người chồng; từ nơi người mẹ, người vợ; từ nơi con cái trong gia đình, nên dẫn đến hậu quả làm cho gia đình mất hạnh phúc. Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Thánh Cố Giáo Hoàng Gioan Đệ Nhị, khi Ngài muốn hoán chuyển câu nói của Tể Tướng Caesar rằng:"Muốn hòa bình - Hãy sửa soạn chiến tranh!!!" trở thành câu:"Muốn hòa bình - Phải sửa soạn công lý." Chỉ khi nào chúng ta sửa soạn công lý, nghĩa là xây dựng hòa bình, cũng đồng nghĩa với làm cho người hòa thuận, chúng ta mới tận hưởng được thân tâm an lạc và sẵn sàng làm sứ giả hòa bình ngay trong gia đình mình.

Tôi xin mượn vài bài Thánh Ca tuyệt vời sau đây để cảm ơn Quý Thân Phụ, Thân Mẫu trong các gia đình và để kết thúc bài chia sẻ về đề tài Gia Đình Hạnh Phúccủa tôi. Bây giờ, tôi hân hạnh thân mời Quí Vị cùng thưởng thức vài Bài Thánh Ca Việt & Anh rất thẩm sâu cả về ngữ nghĩa và ngữ cảnh:

Kinh Hòa Bình. Kim Long:

1/ https://www.youtube.com/watch?v=FID3P5VPZUQ

Make Me A Channel of Your PEACE:

     https://www.youtube.com/watch?v=sE9std-lwXQ

2/ God, Give Me Peace - Rebeca Rhymes:

https://www.youtube.com/watch?v=rgEHleZJeLg

3/He Gives Me Peace:

     https://www.youtube.com/watch?v=CyuF6FDn5yQ

Fx Nguyễn Văn Mơ