TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH SỐ 222 - LM QUẢNG TRẦN

  •  
    Quảng Trần C.Ss.R
     
    Mon, Sep 19 at 1:46 PM
     
     

    Số 222: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R. thứ hai, ngày 19 tháng 9 năm 2022.

     [Lưu Ý: Từ số này trở đi, nếu quý vị muốn nghe Audio, có thể vào đường link sau: https://www.youtube.com/watch?v=i-KHwQh97XY&t=7s]

    BUÔNG BỎ

    ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU

    Chúa Giêsu nói:

    “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em,

    và cả mạng sống mình nữa,

    thì không thể làm môn đệ tôi được.

    Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,

     thì không thể làm môn đệ tôi được” (Luca 14: 26 – 27).

     

    Đức Giêsu dạy những người đi theo Người DƯỜNG NHƯ rất nghịch lý so với những giáo huấn thông thường theo bản chất tự nhiên của con người. Lẽ bình thường, những nhà đạo đức, giáo dục học dạy người ta là YÊU THƯƠNG những người thân và GHÉT kẻ thù. Trái lại, Chúa Giêsu lại dạy YÊU THƯƠNG kẻ thù, cầu nguyện cho người bắt bớ anh em. Người ta dạy GHÉT kẻ thù và yêu thương người thân. Trái lại, Chúa Giêsu lại dạy GHÉT người thân và YÊU kẻ thù.

    Xem Tin Mừng Matthew 5: 43 – 44

    “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

    Xem Tin Mừng Luca 14: 26

    “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

    Chúa Giêsu dạy chúng ta những điều nghịch với bản chất tự nhiên của con người. Làm thế nào để chúng ta hiểu được giáo huấn không giống với lẽ thường tự nhiên? Chúa Giêsu mời gọi những người đi theo Chúa, trở thành môn đệ của Chúa, phải đặt TÌNH YÊU Chúa trên hết, Chúa phải là chọn lựa đầu tiên, phải chiếm chỗ nhất trong tim của người đi theo Chúa, và nếu có những gì cản trở tình yêu của ta đối với Chúa, thì chúng phải bị gạt bỏ hết, xếp lại phía sau lưng ưu tiên số một: Chúa Giêsu.

    Thánh Gregory Cả đã giải thích tuyệt về giáo huấn tưởng chừng như nghịch lý của Chúa Giêsu như sau:

     đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa.

    Phải nắm rõ thứ tự ưu tiên trong thang giá trị của tình yêu: Chúa phải là trước hết và trên hết, và các thọ tạo phải xếp sau.

    Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ, những người đi theo Chúa, phải chọn Chúa là ưu tiên số một, và những thứ khác phải xếp sau:

    “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Luca 14: 26 – 27).

    Cái giá để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là phải vượt qua mọi chướng ngại vật, nếu chúng cản trở ta trên con đường trở thành môn đệ; và đồng thời cũng phải buông bỏ những quyến luyến, những tình thân, nếu chúng làm cản bước ta trong hành trình theo Chúa. Vì lẽ, Thiên Chúa đặt để nơi con người một khát vọng hạnh phúc vô biên, con người chỉ có thể thoả mãn được khát vọng hạnh phúc vô biên ấy khi là môn đệ, ở trong tình thân với Thiên Chúa mà thôi. “Hạnh phúc không ở bên trong hay ở bên ngoài chúng ta. Hạnh phúc chỉ ở duy nơi Thiên Chúa. Và nếu một khi ta có được Thiên Chúa, thì ta có được hạnh phúc ở khắp mọi nơi” (Happiness is not in us, nor is happiness outside of us. Happiness is in God alone. And if we have found him, then it is everywhere) (Blaise Pascal).

    Vượt qua các chướng ngại vật và buông bỏ các tình thân là một thách đố không bao giờ dễ dàng, vì những thứ này luôn bám chặt lấy mỗi người chúng ta, luôn rình rập, sẵn sàng cản trở hành trình trở nên môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta. Nếu chúng ta không tập từ bỏ, không cẩn thận chúng ta chỉ có cái danh là người đi theo Chúa, mà không phải là người Kitô hữu – người có Chúa Kitô. Người đi theo giữa đám đông, chưa hẳn đã là người môn đệ.

    Chuyện kể rằng: Có một người kể với một giáo sư danh tiếng ở đại học Harvard về một chàng thanh niên rằng:

    - Anh ấy nói với tôi rằng, anh ta là học trò của giáo sư, có phải không ?

    Vị giáo sư thẳng thắn trả lời :

    - Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi nhưng anh ta không phải là học trò của tôi.

    Câu chuyện trên muốn nhắc nhở rằng một người có thể ngồi trong lớp, theo học một thầy giáo nào đó, nhưng chưa chắc đã là học trò của thầy giáo. Là một người trong lớp, với danh xưng là một học trò, thì rất dễ, nhưng để là một người hiểu, sống theo những điều vị thầy dạy thì không dễ. Tương tự, chúng ta có thể theo Chúa, nhưng không sống những giáo huấn của Chúa. Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, thì một trong những yếu tố quan trọng là phải TỪ BỎ. Vậy, đâu là những điều chúng ta cần tập từ bỏ ngay và trường niên?

    Từ bỏ những dính bén với của của vật chất.

    Từ bỏ những gì thuộc về quá khứ hào hùng hay bi đát của mình.

    Từ bỏ những thứ không thuộc về mình.

    Từ bỏ những thói quen xấu.

    Từ bỏ cái tôi.

    Có rất nhiều thứ ta cần từ bỏ để bớt bị cản trở trong hành trình trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, giữa muôn vàn thứ cần phải từ bỏ, có lẽ thứ cần từ bỏ nhất chính là cái tôi. Từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính mình là thứ từ bỏ khó nhất, gian khổ nhất. Và nếu như không từ bỏ cái tôi, thì coi như chưa từ bỏ. Vì lẽ, nếu không từ bỏ CÁI TÔI để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, thì không cẩn thận, CÁI TÔI của tôi TRỞ THÀNH Chúa và bắt Thiên Chúa trở thành môn đệ của CÁI TÔI của tôi. Thay vì là môn đệ của Chúa, thì tôi chính là chúa và biến Thiên Chúa thành môn đệ của tôi.

    Từ bỏ cái tôi là từ bỏ những thứ thuộc về bên trong, bên sâu thẳm nhất của con người, chúng liên quan đến bản thân mình. Từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính mình phải từ bỏ nhiều thứ, nhưng có thể tóm vào ba thứ sau: tham, sân và si.

    Tham là tính tham lam: tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham quyền, tham thế. Chính những cái tham này là duyên cớ xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau.

    Sân là tính nóng nảy. Tính nóng nảy, bốc đồng thường nguyên do thúc đẩy chúng ta làm những điều dại dột, gây ra những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho cho mình và cho những người khác. Theo các bác sỹ y khoa, giận là nguyên do gây ra các bệnh ung thư. Giận làm cho các tế bào ung thư phát triển nhanh.

    Si là ngu muội, tối tăm, và là không thông tuệ. Nếu sống trong ngu muội dẫn đến không phân biệt được đúng sai, khư khư giữ sống trong thành kiến sai lầm. Ngu muội dễ chạy theo những thứ mê tín, giả đối.

    Điều quan trọng nhất của từ bỏ chính mình đó là không sống theo Ý MÌNH, mà là sống theo Ý THIÊN CHÚA, vâng phục ý định của Thiên Chúa có về mình. Marian Billups Booth là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp. Cô đang thực hiện các việc truyền giáo với nhiều thành công, và một tương lai bao hứa hẹn đang chờ đón. Tuy nhiên, thật không may mắn, không lâu sau đó, cô bị bệnh và cái chết gần kề. Một người bạn nói với cô, sẽ rất tiếc khi một phụ nữ như cô bị bệnh tật làm cản trở công việc của Chúa. Marian nhẹ nhàng trả lời một cách hết sức sâu sắc và thánh thiện như sau: “thật tuyệt vời khi làm công việc của Chúa, nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi thuận theo ý muốn của Ngài! Được hấp thụ một nền ‘văn hoá cứu sống’ của Chúa Kitô, nên dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”

    Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Đâu là điều làm tôi mất bình an nhất lúc này? Làm sao tôi có thể từ bỏ nó, buông nó để có được sự bình an? Tôi có kinh nghiệm gì về CÁI TÔI đáng ghét của tôi? Những người xung quanh của tôi suy nghĩ vì về CÁI TÔI của tôi? Khiêm nhường, dễ chịu, dễ lắng nghe… hay là kiêu ngạo, nóng tính, thù vặt…?

     

    --
    Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.
    ---