CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ BA CN PHỤC SINH

 

  •  
    Tinh Cao
    Mon, Apr 13 at 3:41 PM
     
     
     

    Thứ Ba Bát Nhật Phục Sinh

    PHỤ NỮ RẤT CAN ĐẢM TÌM GẶP CHÚA

    Bài đọc 1
    Cv 2,36-41

     

    Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su.

    Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

    36 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô nói với người Do-thái rằng : “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”

    37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

    Đáp ca
    Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.5b) 

    Đ.Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

    4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
    mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
    5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
    tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

    Đ.Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

    18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
    kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
    19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
    và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

    Đ.Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

    20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
    bởi Người luôn che chở phù trì.
    22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
    như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

    Đ.Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

    Tung hô Tin Mừng
    Tv 117,24

    Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

    Đây là ngày Chúa đã làm ra,

    nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.

    Tin Mừng
    Ga 20,11-18

     

    Tôi đã thấy Chúa, và Người đã nói với tôi.

    Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

    11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

     

     

     

    "Nhân vật chính trong các phụ nữ ra thăm mộ Chúa Kitô từ sáng sớm là Mai Đệ Liên... tai của chị nghe được rõ tiếng của Chúa mà chị lại cứ tưởng là người làm vườn nào đó, cho tới khi chị được chính Người gọi đích danh của chị"  - Tại sao?

     

    Nhân vật chính trong các phụ nữ ra thăm mộ Chúa Kitô từ sáng sớm là Mai Đệ Liên, có thể chị là người đầu tiên rồi các bà khác ra sau nhập bọn, và chị là người cuối cùng ở lại bên mộ Chúa để tìm cho bằng được xác của Vị Sư Phụ vô cùng kính mến của chị, thế mà, khi chị được chính Người hiện ra và tai của chị nghe được rõ tiếng của Chúa mà chị lại cứ tưởng là người làm vườn nào đó, cho tới khi chị được chính Người gọi đích danh của chị:  

     

     


    "
    Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy". 

     

    Thánh thi (Giờ Kinh Sáng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh - bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giò Kinh)

     

    Gió sớm lâng lâng quyện sáng về,

    Trong bình minh nhuốm sắc pha lê,

    Thấp thoáng bóng chân người thôn nữ,

    Viếng mồ chẳng ngại dẫm sương khuya.

     

    Vội vã dầu thơm đặt cạnh mồ,

    Nhưng kìa ai lật tảng đá to?

    Khăn liệm xếp đây: sầu tuyệt vọng!

    Xác Người đã lạc mất phương mô?

     

    Buồn ngấm hàng mi lệ ứa trào

    Hương lòng thờ kính gửi trời nao?

    Tín đồ mất Chúa, ôi cô quạnh!

    Mỏm đất trơ vơ, cả huyệt sầu.

     

    Thoạt đâu gió đẩy đất rung rinh,

    Thôn nữ sầu tan vội ngoảnh nhìn:

    Hai người xiêm áo in màu tuyết

    Reo vang: "Con Chúa đã phục sinh!"

     

    Thôi cả trào vui ngập biển lòng,

    Thả buồn cho gió cuốn mông lung;

    Xăm xăm quay gót băng đồng nội,

    Thôn nữ vui mừng vượt nắng trong.

     

    Ôi Chúa phục sinh, phút rợn trời,

    Thảo nào đêm dậy ánh sao tươi,

    Gió đàn, hương ngát trăng kiều diễm

    Hòa tấu lừng uy đón đợi Người!

     

     

     

    Tuy nữ nhân vật Mai Đệ Liên được bộ Phúc Âm Nhất Lãm liệt kê vào số những người phụ nữ ra mồ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, như thể các bà suốt đêm không ngủ, chỉ chờ đến sáng, qua ngày hưu lễ, để ra thăm mộ của Đấng các bà kính mến và thương quí, nhưng, căn cứ vào các chi tiết được thuật lại ở cả bộ Phúc Âm Nhất Lãm cũng như Phúc Âm Thánh ký Gioan thì Mai Đệ Liên dường như là người ra mộ sớm nhất, đi một mình chứ không đi chung với các bà kia.

     

    Bởi thế, theo Phúc Âm Thánh Gioan của chính Chúa Nhật Phục Sinh Lễ Rạng Đông thì Mai Đệ Liên đã chạy về báo tin ngay cho các tông đồ và vì thế 2 môn đệ đại diện là Phêrô và Gioan đã chạy ra mộ (xem Gioan 20:1-10). Còn các bà kia ra sau cũng chạy về báo tin cho các tông đồ, như Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở Lễ Vọng Phục Sinh Chu Kỳ Năm C, thì bấy giờ chỉ có môn đệ Phêrô chạy ra mồ (chắc lần thứ hai) và lần thứ hai này có thể đã làm cho người môn đệ ấy "cảm thấy lạ lùng" hơn lần thứ nhất.

     

    Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan hôm nay cho thấy lần hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu, sau khi hiện ra cho chung các bà trong bài Phúc Âm hôm qua, cho riêng một mình Mai Đệ Liên, người phụ nữ ra mồ sớm nhất và đã chạy về báo cho các tông đồ, nhưng sau khi hai môn đệ Phêrô và Gioan từ mộ trở về thì chị vẫn tiếp tục ở lại mồ để "khóc" vì không thấy xác của Đấng chị đã từng được diễm phúc xức dầu thơm hai lần (xem Luca 7:37-38; Gioan 12:3) khi Người còn sống, và nhất định tìm cho bằng được thi thể vô cùng cao trọng của Người: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người".

     

    Ở đây chúng ta mới thấy rằng cái tiền thức về Chúa Kitô là một con người đã chết và cái niềm tin về người chết chỉ sống lại vào ngày tận thế (xem Gioan 11:24) chứ không phải trước ngày tận thế đã hoàn toàn chi phối chính bản thân của một con người hết sức thiết tha kính mến Chúa Kitô, tha thiết tìm kiếm Người, nên chắc chắn có một cảm giác rất bén nhậy về Người, như "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" là Gioan, thế mà khi nghe thấy tiếng của Người, chị vẫn không nhận ra ngay lập tức, mà lại "tưởng là người giữ vườn". Cho đến khi, phải, cho đến khi chị nghe Người gọi đích danh tên của chị: "Maria". Bằng không, bị tiền thức chi phối, thậm chí bị thành kiến điều khiển, con người có khuynh hướng biến thực tại khách quan thành tưởng tượng chủ quan, chẳng như như Mai Đệ Liên đã biến thực tại Chúa Giêsu Phục Sinh thành một người làm vườn bởi tiền thức phục sinh không xẩy ra bấy giờ.

     

    Đúng thế, Thiên Chúa thường tỏ mình ra cho chung con người, nhưng đồng thời Ngài cũng tỏ mình ra cho từng người nữa, để họ cảm nghiệm thần linh về Ngài như Ngài tỏ mình ra cho họ, nhờ đó họ có thể trở thành chứng nhân trung thực của Ngài và cho Ngài. Cách thức Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người khiến họ dễ nhận ra nhất và cảm kích nhất đó là chạm đến đời tư của họ, như Chúa Kitô đã chạm đến đến tư của người phụ nữ Samaritanô sống với 6 người đàn ông không phải là chồng của chị (xem Gioan 4:16-18).

     

    Ở đây, Chúa Kitô đã chạm tên gọi của chị Mai Đệ Liên, khiến chị nhận ngay ra Người và trở thành chứng nhân của Người và cho Người: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy". Đó là "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".

     

    Hình như chỉ có những ai đã từng có một cái gì đó tiêu cực mới được Chúa gọi đích danh. Điển hình nhất có "Matta (Luca 10:41) lo lắng bối rồi nhiều chuyện nên ghen với Maria em mình, hay viên trưởng ban thu thuế lùn "Giakêu" trước khi thống hối ăn năn (Luca 19:5), hoặc "Simon" (Luca 22:31) để báo trước cho vị môn đệ sắp chối Thày 3 lần, hay "Philiphê" (Gioan 14:8) là người môn đệ xin Thày tỏ cho biết Cha trong khi chính Thày là hiện thân của Cha, hoặc "Saulê" (Tông Vụ 26:14) khi nhân vật Pharisiêu nhiệt thành này đang hung hăng bắt bớ Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, hay "Lazarô" là một tử thi chết đã 4 ngày, tiêu biểu cho hậu quả tội lỗi của con người cần được cứu độ. Riêng chị Mai Đệ Liên ở trong bài Phúc Âm này,Chúa Kitô không gọi tên của chị khi chị đang sống cuộc đời bê tha tội lỗi mà là vào lúc chị đã trung thành theo Chúa cho đến cùng.

     

    Ở đây chúng ta còn thấy rằng những lời Chúa Kitô phán về thành phần mẹ của Người và anh chị em của Người, mà bấy giờ Người chỉ vào thành phần các môn đệ của Người (xem Mathêu 12:49-50), nay đã được ứng nghiệm nơi lời Người phán với chị Mai Đệ Liên: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Bởi vì, Người sống lại để ban cho họ sự sống, sự sống thần linh của Thiên Chúa, qua Thánh Thần Người thông truyền ra cho các vị (xem Gioan 20:22), nhờ đó các vị được hiệp nhất nên một với Người, "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21). 

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

    PS.BatNhat-3.mp3  

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHoUtnwvYiCfRXMxjBGQ7rcjLX1VdJUyzYg2xyUaxHUDpA%40mail