CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ BA CN17TN-A
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
Hong NguyenTue, Jul 28 at 5:13 AM
Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm A - Lm. Huệ Minh
Suy niệm Lời Chúa, ngày 28/07/2020
Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Mt 13, 36-43
THIÊN CHÚA NHẪN NẠI
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Cỏ lùng có hình dáng chẳng khác gì cây lúa nên dù là nông dân “chính hiệu con nai vàng”, dạn dày kinh nghiệm cũng khó lòng mà phân biệt được. Cỏ cũng phát triển lớn lên, ôm đòng giống hệt cây lúa, và chỉ cho đến lúc trổ bông người ta mới biết được đâu là cỏ, đâu là lúa; nhưng như thế, để không làm tổn hại đến lúa, người ta chỉ còn cách chờ đến mùa gặt – lúa gặt được thì cho vào kho lẫm, còn cỏ thì phải đốt đi.
Trên cánh đồng trần gian, tình trạng cũng không khác mấy, người lành, kẻ xấu cùng sống cạnh nhau trên hành tinh này. Có đủ thứ loại người xấu mà người ta có thể nhận ra rõ ràng vì các hành động và thái độ sống không đẹp của họ; nhưng đáng ngại nhất vẫn là những người xấu mà khoác vẻ bề ngoài tốt lành với những công việc và cách sống rất ư là “đẹp”.
Tuy thế, sự phá hoại và tội ác tiềm ẩn của họ rất ghê gớm mà khó ai có thể nhận ra; hoặc những hành động ‘đẹp’ của họ lại ẩn chứa những thói kiêu căng, tự mãn, hay nhắm kiếm cho mình một lợi ích cá nhân nào đó lớn hơn…. Vì sự khó nhận ra như thế nên việc xét đoán con người không thuộc thẩm quyền con người mà chỉ ở nơi Thiên Chúa, và điều duy nhất con người nên làm là kiểm điểm chính bản thân mình để loại đi cỏ dại ở nơi chính mình.
Mặt khác, dụ ngôn “cỏ lùng – lúa tốt” mà Đức Giê-su đưa ra trong trình thuật Tin mừng hôm nay nhắm đến một điều còn lớn hơn, đó là lòng từ bi, thương xót, kiên nhẫn, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta thường có khuynh hướng chung là muốn tiêu diệt sự dữ ngay tức khắc: “Sao Chúa không phạt cho nó méo miệng khi nó nói xấu bôi nhọ con trong khi con vô tội!” “cầu cho nó ra đường xe đụng bởi nó độc ác làm hại mọi người!”, hoặc “cái thứ xấu xa như ngữ ấy sống làm gì cho chật đất.”….Và dường như trong những tư tưởng, những mong ước xem ra rất là “hợp lý và tự nhiên” ấy lại tiềm ẩn một tư tưởng báo thù – ‘xin Chúa Trời báo oán!' Nhưng Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lối của ta.” (Tv.)
Và tư tưởng của Thiên Chúa thì khác xa với tư tưởng con người. Vì không như những cánh đồng trần gian, cỏ muôn đời là cỏ mà lúa vạn kiếp vẫn là lúa, nơi cánh đồng tâm linh con người, cỏ vẫn có khả năng cải tạo thành lúa tốt (gương những vị thánh như Maria Ma-đa-lê-na, Phao-lô, Au-gus-ti-nô, Inhaxio…) mà lúa cũng có thể biến thành cỏ dại. Do đó mà Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi, và Người luôn mong chờ nơi cánh đồng của Người một mùa gặt bội thu.
Thiên Chúa đã ban ân sủng cũng như Lời của Người cho con người. Tâm hồn con người như một cánh đồng bao la huyền nhiệm đón nhận ân sủng và hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy có được phát triển phong nhiêu, sinh nhiều hoa thơm trái tốt hay không là tùy tình trạng của mảnh đất tâm hồn này. Mảnh đất tâm hồn con người có được cày xới, chăm chút bằng sự giáo dục đúng đắn của gia đình, của xã hội và của giáo hội, thì dù ma quỉ có gieo cỏ lùng là những gương xấu, những chủ trương, triết thuyết sai lầm lôi kéo…cũng không thể lấn át được sự phát triển của hạt giống tốt trong tâm hồn.
Vì vậy, mỗi Ki-tô hữu phải được bồi dưỡng, trang bị cho mình những kiến thức thánh kinh, luân lý và giáo huấn của Giáo hội, nuôi dưỡng bằng các bí tích và đời sống cầu nguyện để có một đức tin mạnh mẽ, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, làm lẽ sống để lấn át và tiêu diệt cỏ lùng. Đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy tình yêu thương của Chúa, để chúng ta biết mong muốn điều tốt lành nơi anh chị em mình, để chúng ta biết kiên nhẫn, biết thứ tha trước những lỗi lầm, khuyết điểm của tha nhân; và xin cho mỗi Ki-tô hữu là hạt giống tốt, nên như gương sáng, như muối, như men cho đời thêm phong phú đẹp tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Lm. Huệ MinhKính chuyển:Hồng---------------------------------------------------