ĐỜI SỐNG TÂM LINH - SỨC MẠNH CỦA NƯỚC

  •  
    Long Nguyen
    Sun, Feb 12 at 4:23 PM
     
     
     
     

    Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được

    Bởi
     Khải Minh
     -
    11/01/2023
     
     
     

    Cuộc sống vốn dĩ không quá phức tạp như chúng ta nghĩ, không phải cứ mạnh mẽ mới là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Đôi khi chính sự hạ mình, khiêm nhường, lấy mềm mỏng thắng cương cường lại là cách tốt nhất để hoá giải mọi vấn đề.

    Trong cuộc sống chắc hẳn ai cũng sẽ có lúc gặp những tình huống khó khăn, mâu thuẫn, thông thường khi gặp vấn đề nếu không thể kìm chế được cảm xúc của bản thân, nên cũng dễ nổi nóng và chắc chắn là sẽ không có một tâm thái tốt để giải quyết vấn đề. 

    Người có trí tuệ dùng cách thức mềm dẻo để hoàn thành công việc, mềm dẻo thì thắng cứng mạnh, đấu trí cao minh hơn nhiều so với đấu lực. Có câu “nước chảy đá mòn”, nước tuy mềm yếu nhưng không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.

    Lão Tử là một thánh nhân nổi tiếng thời Xuân Thu, ông đã để lại cho đời muôn vàn đạo lý tin hoa “thuận theo tự nhiên”, những học thuyết và đạo lý của Lão Tử khuyên răn thế nhân làm người phải biết trọng đức, tu thân dưỡng tính, biết mềm mỏng đúng chỗ, cương cứng đúng lúc, sống thuận theo tự nhiên, không tranh với đời thì thiên hạ không ai tranh giành với mình.

    Có một câu chuyện về Lão Tử và người thầy của mình: Lão Tử, thuở nhỏ theo học Thương Dung tiên sinh, vị thầy này đã truyền thụ tường tận cho ông các nghi lễ phức tạp của thời nhà Chu. Tuy nhiên, đối với Lão Tử khi còn trẻ tuổi, việc học quá nhiều các nghi tắc xa lạ khiến cuộc sống của mọi người dường như thêm phần mệt mỏi và khó khăn hơn.

    Khi Lão Tử lớn lên, Thương Dung tiên sinh tuổi đã rất cao. Lão Tử đến thăm thầy của mình khi thầy ốm nặng và sắp không qua khỏi.

    Thầy Thương Dung chỉ vào miệng mình và hỏi người học trò này: “Có phải lưỡi của ta vẫn còn không?”

    Lão Tử thấy lạ bèn thưa rằng: “Nếu lưỡi của thầy không có, thì sao thầy có thể nói được?”

    Thầy Thương Dung lại hỏi: “Vậy răng của ta đâu?”

    Khi Lão Tử nói rằng thầy không còn chiếc răng nào cả, thầy Thương Dung đã hỏi ngược lại học trò: “Con có biết tại sao ta lại hỏi con điều này không?”

    Lão Tử chợt hiểu ra. Thầy của ông muốn ông nhận ra rằng những chiếc răng vốn cứng và chắc, nhưng những vật cứng lại dễ gãy, trong khi lưỡi thì mềm, dẻo dai mà lại bền bỉ hơn nhiều.


    Lão Tử đã nhận ra rằng đây là một nguyên lý có thể áp dụng trong bất kỳ mối quan hệ nhân luân hay sự việc nào trên thế gian, nơi mà một người cần có trí tuệ để duy trì sự mềm mỏng. Mềm mỏng ở đây có nghĩa là trở nên dịu dàng và điềm tĩnh, trở nên tĩnh lặng và bình hòa. Lão Tử đang đề cập đến một sự mềm mỏng mà trên bề mặt dường như là yếu ớt nhưng nội hàm bên trong lại là sự mạnh mẽ và giúp một người trở nên nhân từ, rộng lượng, và vị tha hơn.

    Trong cuốn sách “Đạo Đức Kinh” của mình, Lão Tử có viết: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.”

    Ông còn viết rằng: “Mềm thắng cứng, nhu thắng cương, thiên hạ ai cũng biết thế, mà có mấy ai làm được … Sự thật thường nghe có vẻ mâu thuẫn.”

    Trong khi người thầy Thương Dung dạy Lão Tử các quy tắc lễ nghi của nhà Chu và nhấn mạnh vào sự khiêm cung và tư tưởng khoáng đạt. Lão Tử đã ngộ ra một nguyên lý có nội hàm thâm sâu hơn: Đạo (Quy luật của tự nhiên và vũ trụ) có thể từ từ len lỏi vào tâm thức của con người như một dòng nước nhẹ nhàng, lặng lẽ tẩy tịnh và truyền thụ tiêu chuẩn đạo đức cho nhân loại.

    Nước chảy đá mòn, nước tuy mềm nhưng xuyên thủng được đá. Vậy nên mềm mỏng chính là đại sức mạnh, trên đời này không có thứ gì có thể mềm hơn nước và lại có thể mạnh hơn nước, nước có thể khắc chế được những thứ cứng rắn nhất trên đời.

    “Nước chảy đá mòn”, nước tuy mềm yếu nhưng không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được. 

    “Binh vô thường hình, thủy vô thường thế”, vì những thứ mềm mỏng có thể dễ dàng uyển chuyển biến hóa cho nên có thể thích ứng với vạn sự. Còn thứ cứng rắn lại khó có thể biến hóa. Đây cũng là điều trong binh pháp Tôn Tử: “Vô hình thắng hữu hình”.

    Chẳng hạn một cái cây khô thì rất dễ bị gió làm cho gãy, tuy nhiên cây còn sống biết thuận theo chiều gió mà lay chuyển thì lại chẳng hề gì. Đạo lý làm người và cây cũng lại như thế, những thứ có sinh mệnh thì đều mang một thân thể mềm, chết rồi thì liền biến thành cứng.

    Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe những câu như: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”;

    “Chồng giận thì vợ bớt lời –  Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”; “Khiêm tốn bao nhiêu vẫn thấy thiếu, tự kiêu một chút đã thấy thừa” hay “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao”… 

    Đôi khi chính sự hạ mình, khiêm nhường, nhún nhường người khác chính lại là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, đây cũng là nghệ thuật thành công trong cuộc sống.

    Khải Minh biên tập

     

    --