HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THƯ HAI CN7TN- C
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Hai sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm-C
HỌC HỎI, CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 1, 1-10
"Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài".
Khởi đầu sách Huấn Ca.
Mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người và có từ trước muôn thuở.
Ai đếm được cát biển, giọt mưa và số ngày từ muôn đời? Ai đã đo được trời cao, đất rộng và biển sâu? Ai có thể khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước muôn vật?
Sự khôn ngoan được tác tạo trước muôn loài, và trí khôn được dựng nên từ vạn kiếp. Nguồn mạch sự khôn ngoan là lời Thiên Chúa trên các tầng trời, và lối vào sự khôn ngoan là các giới răn vĩnh cửu.
Căn nguyên sự khôn ngoan được mạc khải cho ai? Ai hiểu biết được mưu toan của sự khôn ngoan? Luật lệ khôn ngoan đã được mạc khải và tiết lộ cho ai? Và ai thấu triệt được trăm ngàn đường lối của nó?
Chỉ có một Ðấng Tối Cao là Ðấng Tạo Thành toàn năng, là Vua uy quyền và rất đáng kính sợ, Người ngự trên toà sự khôn ngoan và là Thiên Chúa thống trị.
Chính Người đã tạo thành sự khôn ngoan trong Thánh Thần, Người đã nhìn xem, tính toán và đo lường. Người đã đặt nó trên mọi công trình của Người, trên mọi sinh linh tuỳ lòng rộng rãi của Người, Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. - Ðáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, từ đời đời vẫn có Chúa. - Ðáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 13-28
"Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm Cảm Nghiệm
"Chính để phá hủy công việc của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra" (1Gioan 3:8).
Suy Niệm:
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco thuật lại sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho một đứa con trai cho khỏi bị quỉ câm ám. Sự việc chữa lành này xẩy ra sau biến cố Người biến hình trên núi (xem Marco 9:1-13), lúc Người cùng ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan xuống núi để đến với các môn đệ khác đang chờ Người ở dưới núi, và cũng chính là lúc "Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông".
Thánh ký Marco không thuật lại cho chúng ta biết chi tiết về vấn đề tranh luận giữa 9 môn đệ của Chúa Giêsu với các luật sĩ thông luật hơn các vị, thế nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng về vấn đề trừ quỉ, một vấn đề sau đó đã được chính các vị đặt ra hỏi Chúa Giêsu, và cũng là vấn đề thành phần luật sĩ này đã có lần trước đó xuyên tạc rằng Người lấy quỉ tướng mà trừ quỉ con (xem Marco 3:22).
Cũng có thể là bấy giờ các môn đệ ở dưới chân núi chờ Người thì đã cùng nhau và thay nhau trừ quỉ, nhưng không được, nên bị nhóm luật sĩ có mặt bấy giờ châm biếm: "Thày của các người đâu rồi. Các người làm gì mà trừ quỉ được, làm gì bằng sư phụ của các người, một tay phù thủy chuyên môn lấy quỉ tướng mà trừ quỉ con. Thứ tà thuật che mắt trẻ con chứ làm gì qua mặt bọn này được..."
Tất nhiên, nghe thấy thế, tự ái đoàn thể của các vị không thể nào không nổi lên, và vì thế các môn đệ có thể đã nhào vô bênh vực Thày và bảo vệ danh dự cho cả nhóm, chẳng hạn bằng cách chống đỡ như: "Các ông đừng có mà nói bậy. Thày của chúng tôi là một Đấng quyền năng xuất chúng chứ không phải tầm thường như các ông... Người mà có ở đây thì các ông cứ mở mắt ra mà xem... như lần trước..."
Chắc có thể vừa nói đến đây thì Chúa Giêsu cũng vừa xuất hiện. Bởi thế, ngay mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco đã cho thấy phản ứng của dân chúng bấy giờ như sau: "Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người...". Tại sao đám đông "kinh ngạc" - Phải chăng vừa nói đến Người thì Người liền xuất hiện!?
Tại sao họ lại có một phản ứng tương phản cùng một lúc: "sợ hãi" và "chạy đến chào Người"?? Đáng lẽ "sợ" Người thì theo phản ứng tự nhiên thì phải tránh Người chứ sao lại "chạy đến chào Người" là làm sao??? Phản ứng trái ngược lại xẩy ra cùng một lúc chỉ có thể hiểu là có một số thì cảm thấy "sợ hãi", chẳng hạn như thành phần luật sĩ, còn những người khác thì vui mừng "chạy đến chào Người" như họ gặp được vị cứu tinh của họ.
Trong những người vui mừng ấy chắc chắn là có các vị tông đồ, nhất là người cha của em trai nạn nhân bị quỉ câm ám. Bởi vì, con ông bị quỉ ám hành hạ, trong khi đó không ai có thể trừ quỉ được, thậm chí cả thành phần môn đệ của Chúa Giêsu, như ông đã thành thật mô tả cho Chúa Giêsu biết: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực".
Chắc bấy giờ thành phần luật sĩ, cho dù vẫn ngờ vực quyền năng trừ quỉ của Chúa Giêsu, cũng vẫn tò mò theo dõi xem Người có thật trừ được quỉ hay chăng và trừ quỉ như thế nào. Và ngay trước mắt của họ bấy giờ, như Thánh ký Marco thuật lại, họ chứng kiến thấy rằng: "Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất". Nghĩa là cái oai phong và quyền năng của Chúa Giêsu ở ngay sự hiện diện của Người, chứ chưa nói đến việc Người ra tay hay đến lúc Người ra tay.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ra tay trừ quỉ ngay, cho dù thấy hiện tượng em trai nạn nhân bị quỉ ám hành hạ như thế. Không biết có phải Người muốn cho thành phần luật sĩ này tin vào Người hơn qua việc Người ra tay trừ quỉ ám, khi Người lên tiếng hỏi người bố một câu hỏi có vẻ dư thừa không cần thiết cho lắm, nhưng Người cố ý như vậy để người bố nói ra cho thành phần luật sĩ ngờ vực này biết tình trạng em trai nạn nhân bị quỉ ám này khốn khổ là chừng nào bao lâu còn bị quỉ ám và ma quỉ dữ dội ác độc đến đâu, để một khi em trai nạn nhân được thoát quỉ ám thì họ biết được quyền năng của Người không phải là những gì bùa phép tà thuật.
Người bố đã thuật lại cho riêng Chúa Giêsu và mọi người chung quanh bấy giờ đều nghe thấy rằng: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó". Người bố còn thêm ngay sau đó rằng: "Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". "Chúng tôi" đây bao gồm gia đình của ông: cả đứa con nạn nhân và bố mẹ của cháu, vì cha mẹ cùng ông bà và anh chị em trong cùng một gia đình làm sao chịu được khi thấy một người thân yêu của mình bị quỉ ám khốn nạn kéo dài như vậy.
Nghe thấy thế Chúa Giêsu vẫn chưa chịu ra tay ngay. Người vẫn như chần chờ làm sao ấy. Bởi thế, trước khi ra tay, Người còn nhắc nhở người bố một điều kiện tối yếu bất khả thiếu để Người ra tay, nhờ đó thành phần luật sĩ duy luật chỉ cậy vào việc mình làm mới thấy rằng duy đức tin mới là yếu tố cứu độ chính yếu, và câu Người bảo ông bố như ngầm giục ông hãy tuyên xưng đức tin đi thì mọi sự sẽ được như ý: "'Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được'. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: 'Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi'".
Làm gì thì làm, Thiên Chúa bao giờ cũng lợi dụng mọi sự để mưu ích chẳng những cho người nhận ơn mà còn cho những người khác nữa. Chẳng hạn, trong bài Phúc Âm hôm nay, Người chờ cho tới khi, như Thánh ký Marco ghi lại, "thấy đám đông tuôn đến", Người mới ra tay để "trợ giúp lòng tin yếu kém của (người bố)" cũng như làm cho chính đám đông nói chung và thành phần luật sĩ nói riêng tin vào Người. Quả thật, sau đó Người không còn chần chờ gì nữa và đã chính thức công khai ra tay như thế này:
"Người nạt thần ô uế rằng: 'Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa'. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: 'Nó chết rồi'. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên".
Sự kiện sở dĩ chỉ có Chúa Giêsu mới trừ được quí ám trong trường hợp này, trong khi môn đệ của Người thì không, chẳng những vì tự mình Người là Đấng quyền năng, mà còn vì hai lý do chính yếu sau đây:
Trước hết, trong khi về phía người bố thì yếu đức tin, đúng như sự thật được Chúa Giêsu vạch trần ra ngay từ đầu: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta", như thể để Người làm cho các người thấy mà tin, thì về phía người trừ là các môn đệ của Người lại không hội đủ điều kiện, như trong câu Người trả lời riêng cho vấn nạn bất khả trừ quỉ của các vị sau đó: "'Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?' Người đáp: 'Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay'".
Cảm Nghiệm:
Thật ra, khi chịu chết trên cây thập giá, như con rắn đồng được Moisen treo lên cột cao trong sa mạc để cứu những ai bị rắn cắn nhìn lên đó (xem Gioan 3:14-15), Chúa Kitô cũng đã trừ quỉ cho nhân loại rồi: "Chính để phá hủy công việc của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra" (1Gioan 3:8).
Thành phần lãnh nhận Phép Rửa, tức là được thông phần vào cái chết của Người (xem Roma 6:3), thật sự đã được trừ quỉ ám, nghĩa là được Người giải phóng khỏi ách nô lệ của ma quỉ, khỏi quyền thống trị của chúng, gây ra bởi nguyên tội mà họ dù không phạm cũng bị vướng mắc.
Tuy nhiên, cho dù nhờ Phép Rửa, Kitô hữu được thanh tẩy, được trừ khỏi bị quỉ ám, nhưng thực tế cho thấy mầm mống nguyên tội vẫn còn nguyên nơi bản thân họ, bởi thế, đam mê nhục dục và tính mê nết xấu vẫn là nội công của ma quỉ nơi họ, khiến họ vẫn bị ma quỉ tiếp tục ám một cách nào đó.
Thế nhưng, mỗi lần Kitô hữu bị quỉ ám hành hạ, đến độ lúc nào cũng chỉ muốn giết chết họ bằng tội trọng, như chúng đã đầy đứa bé trong bài Phúc Âm hôm nay "xô vào lửa, vào nước để giết nó", thì Kitô hữu lại cần phải trừ quỉ một lần nữa, và thường xuyên nhiều lần như vậy, bằng Bí Tích Hòa Giải!
Còn ai mong muốn sát hại tận diệt linh hồn con người bằng ma quỉ được gọi là tử thần này, và vì là tử thần nên hắn luôn "xô" đẩy linh hồn con người vào chỗ chết như vào "lửa" hận thù ghen ghét ("lửa" đây ám chỉ "hồ lửa" cũng là "cái chết lần hai" trong Khải Huyền 20:14-15), cũng như vào "nước" đam mê nhục dục ("nước" đây ám chỉ trận lụt hồng thủy thời Noe đã nhận chìm hết con người bấy giờ toàn là xác thịt dâm loạn - xem Khởi Nguyên 6:1-6).
Thật vậy, nơi Bí Tích Hòa Giải chất chứa quyền năng trừ quỉ của Chúa Kitô, Đấng giải thoát những ai tin vào Người, những ai thành tâm thống hối chạy đến với lòng thương xót bao la bất tận của Người mỗi khi thấy mình sa ngã phạm tội mất lòng Người.
Thành phần môn đệ của Chúa Kitô không thể nào trừ được quỉ ám nơi "các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn" nếu chính họ cũng bị quỉ ám như ai, tức là họ sống không sạch tội, một tình trạng thiêng thiêng cho thấy, họ thực sự "không cầu nguyện và chay tịnh": "không cầu nguyện".
Ở chỗ không sống nội tâm với Chúa, và "không chay tịnh" ở chỗ không chịu cẩn thận khổ chế giác quan và bản tính tự nhiên, nên khó tránh dịp tội và phạm tội.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
--------------------