SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -GIẢI ẢO CUONC65 SỐNG-CN16TN-C

CHIA SẺ TIN MỪNG -Chúa Nhật thứ 16 Thường Niên (21-7-2019)

Cần cân bằng
giữa cầu nguyện và hành động

  • St 18,1-10a:(1) Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê (…). (2) Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông (…) (6) Ông Ápraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo : «Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh». (7) Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. (8) Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

 đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

  • TIN MỪNG: Lc 10, 38-42

Hai chị em Mácta và Maria


(38) Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. (39) Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: «Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!» (41) Chúa đáp: «Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi».

Câu hỏi gợi ý:

  1. Giữa Mácta và Maria, có thể dựa vào hai cách phục vụ khác nhau của hai cô để xét đoán cô nào yêu quí Đức Giêsu hơn không? Tại sao?

    2. Trong đời sống tâm linh, giữa cầu nguyện và hành động, cái nào cần thiết và quan trọng hơn cái nào? Có thể chuyên tâm vào một cái để rồi bỏ cái kia không? Tại sao?

    3.  Giữa việc quan tâm tới chính Chúa và với công việc của Chúa, điều nào quan trọng hơn? Ta thường quan tâm tới điều nào?

Suy tư gợi ý:


  1. Có nhiều cách thể hiện tình thương khác nhau

    Hai chị em Mácta và Maria, người nào cũng đều thương mến Đức Giêsu, nhưng mỗi người thể hiện tình thương của mình với Ngài một cách. Cả hai đều muốn làm đẹp lòng Ngài, phục vụ Ngài và hy sinh cho Ngài. Mácta chắc hẳn là một người có bản tính hoạt động và khéo léo trong việc nội trợ, nên đã phục vụ Ngài bằng hành động là chuẩn bị đãi Ngài một bữa ăn thịnh soạn. Còn Maria chắc hẳn có bản tính ít hoạt động hơn, nên biểu lộ sự quý mến bằng sự ân cần qua lời nói, cử chỉ bên ngoài. 

    Chúng ta không thể dựa trên hai cách biểu lộ tình cảm khác nhau ấy để đánh giá ai yêu quí Ngài hơn. Có thể cả hai đã tự phân công theo khả năng và khuynh hướng của mình để làm hai công việc cần thiết khác nhau trong việc tiếp đãi Đức Giêsu. Để tiếp đãi Ngài cho chu đáo, không thể chỉ làm một trong hai việc đó. Nếu cả hai đều làm như Maria, thì tới bữa ăn lấy gì tiếp đãi Ngài? Nếu cả hai đều làm như Mácta thì ai hầu chuyện Ngài suốt thời gian trước bữa ăn?

    Thiên Chúa dựng nên con người với nhiều tâm tính và khuynh hướng khác nhau để con người bổ túc lẫn nhau trong những việc đòi hỏi sự đa dạng mà một người không thể kiêm hết. Tất cả những tâm tính và khuynh hướng khác nhau ấy đều cần thiết và hữu ích

    Vì thế, người thông đạt biết chấp nhận sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ: biết hài lòng khi thấy người khác quan niệm hay suy nghĩ khác mình, hành động theo đường lối khác mình. Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng ấy là một biểu hiện của sự trưởng thành về trí tuệ và tâm linh. Không tôn trọng sự khác biệt và đa dạng thường dẫn tới độc tài, và hậu quả của độc tài là đau khổ và nghèo nàn. 

    Người Kitô hữu cần phải có một cái nhìn toàn diện để có thể chấp nhận sự khác biệt và đa dạng của nhau, nhờ đó chúng ta dễ liên kết với nhau và cả với những người ngoài Kitô giáo nữa. Cái nhìn cục bộ khiến ta đòi hỏi người khác phải giống mình nên rất dễ gây khó chịu và chia rẽ. Đó là cách nhìn của Mácta, muốn em mình cũng phải phục vụ Đức Giêsu theo cách giống như mình.

    Về mặt tình cảm, mỗi người có một cách biểu lộ tình cảm khác nhau: người giàu lý trí hoặc có bản tính thụ động cho dù có yêu tha thiết cách mấy cũng khó có thể biểu lộ tình cảm theo cách của người giàu tình cảm hoặc có bản tính năng động được. Vì không hiểu điều này nên nhiều người biểu lộ tình yêu theo kiểu của mình và cứ nghĩ hễ ai yêu thì cũng phải biểu lộ ra giống như mình. Do đó, họ dễ bất mãn hoặc thất vọng khi thấy người mình yêu thể hiện tình yêu đối với mình theo kiểu khác mình. Từ đó hai bên không hiểu được tình yêu của nhau để rồi cùng đi đến thất vọng và đau khổ.


    2.  Cần dung hòa và cân bằng giữa cầu nguyện và hành động

    Đời sống tâm linh hệ tại việc yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng mỗi người yêu mến và gắn bó với Ngài cách khác nhau. Ta không thể nói người dành thật nhiều thì giờ đọc kinh cầu nguyện thì yêu mến Thiên Chúa hơn là người làm việc nhiều cho Ngài và tha nhân mà ít dành thì giờ để trò chuyện với Ngài. Làm việc cho Ngài cũng là một cách cầu nguyện hữu hiệu: đó là cầu nguyện bằng hành động. Tương tự như Mácta tuy không trò chuyện với Ngài, nhưng trong khi làm thức ăn, cô luôn luôn nghĩ đến Ngài với lòng thương mến và cố hết sức làm thức ăn cho thật ngon để Ngài cảm nhận được sự quý mến của cô.

    Tuy nhiên, chúng ta cần dung hòa và cân bằng giữa cầu nguyện và hành động. Dung hòa và cân bằng thế nào còn tùy thuộc vào quan niệm, tính khí và khuynh hướng tự nhiên của mỗi người. Là con người, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng thái quá hoặc bất cập. Có người chỉ biết đọc kinh cầu nguyện mà không chịu hành động, người ấy không phải là người yêu mến Chúa nhiều. Cũng vậy đối với người chỉ biết hành động mà không cầu nguyện.

    Khi vào các đan viện, ta thường thấy khẩu hiệu «Ora et labora» (=hãy cầu nguyện và làm việc) được viết ở nhiều nơi để nhắc nhở tinh thần phải có của các đan sĩ. Chữ «» ở đây rất quan trọng: «cầu nguyện làm việc», chứ không phải «cầu nguyện hoặc làm việc». Nghĩa là phải làm cả hai. Ai thiếu một trong hai, hoặc có cái này quá nhiều mà cái kia quá ít thì sự thánh thiện của người ấy chưa phải là cao. Nơi người thánh thiện thật sự, mức chênh lệch giữa hai yếu tố ấy không lớn. 

    Cầu nguyện mà không hành động thì chỉ là cầu nguyện hời hợt và giả dối, vì cầu nguyện thật sự tất yếu phải dẫn đến hành động (x. Mt 7,21-23). Còn hành động mà không cầu nguyện thì không có gì bảo đảm được động lực của hành động ấy là vì Chúa và tha nhân, mà thường là vì một động lực vị kỷ nào đó (như ham tiếng khen, thích nổi tiếng, v.v…) khiến cho hành động ấy dù to tát cũng kém giá trị (x. 1Cr 13,3).


    3.  Cần chú ý tới con người hơn công việc

    Khi tiếp đãi khách, việc ngồi trò chuyện với khách và việc đãi khách một bữa cơm, hay mời khách một tách trà, một điếu thuốc, một cái bánh, đều cần thiết. Tất cả đều nhắm phục vụ cho khách, tỏ ra yêu quí khách. Khi phân công thì phải có người làm việc này kẻ làm việc kia, không nên bỏ đi việc nào.
  2. Nhưng nếu so sánh hai việc ấy, thì việc trò chuyện với khách vẫn quan trọng hơn, vì việc này nhắm trực tiếp tới con người của khách. Còn việc chiêu đãi khách chỉ nhắm đến khách một cách gián tiếp. Khách đến để gặp gỡ, tiếp xúc, nói chuyện, cảm thông với chủ nhà chứ không phải để được đãi món này vật kia. Nếu không thể lo được cả hai chuyện, thì phải ưu tiên cho việc trò chuyện với khách. Vì thế, việc Mácta yêu cầu em mình bỏ tiếp khách để xuống làm bếp là không hợp tình hợp lý.
  3. Vì thế, Đức Giêsu mới nói với Mácta để chị ý thức việc nào cần thiết hơn: «Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi» (Lc 10,42). Ngài nói thế vì Mácta đã quá chú trọng tới bữa cơm chiêu đãi Ngài hơn chính bản thân Ngài.

    Thông thường, trong đời sống tâm linh, nhiều khi ta quá chú trọng tới việc phục vụ cho công việc của Chúa hơn là phục vụ chính Chúa. Nghĩa là ta chưa phân biệt được cái nào chính cái nào phụ, cái nào là mục đích cái nào là phương tiện. Tương tự như trong đời sống gia đình, nhiều bậc cha mẹ quá chú trọng tới việc làm ăn để cho con cái được đầy đủ, nhưng chính vì quá lo chuyện ấy nên đã quên chăm sóc chính bản thân chúng. Điều đó khiến chúng cảm thấy bị hụt hẫng, bị thiếu thốn tình cảm của cha mẹ một cách trầm trọng. Nhiều đứa con đã phải than phiền: «Con cần tình thương, cần sự yêu thương và quan tâm chăm sóc của cha mẹ hơn là cần đầy đủ về vật chất». 

    Rất có thể chúng ta cũng đang có một thái độ tương tự như thế đối với chính Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Ngài muốn ta quan tâm đến chính Ngài hơn là tới công việc của Ngài. Điều đó không có nghĩa là ta không cần quan tâm tới việc của Ngài. Chúng ta cần phải có một tỷ lệ hợp lý giữa hai sự quan tâm ấy. Riêng tôi – người viết bài này – tôi thường tự cho mình một tỷ lệ 55/45 hay 60/40. Nghĩa là sự quan tâm tới chính Chúa phải chiếm khoảng 55 đến 60%, còn tới công việc của Ngài chỉ khoảng 40 đến 45%. Hai quan tâm ấy phải ngang ngửa nhau, nhưng quan tâm đến chính Ngài phải chiếm phần quan trọngvà ưu tiên hơn. Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: «Maria đã chọn phần tốt nhất» (Lc 10,42).


    CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, trong đời sống tâm linh, có lúc con có khuynh hướng chú trọng tới việc đọc kinh cầu nguyện quá nhiều mà không quan tâm hành động theo những gì mà việc cầu nguyện đòi hỏi trong cuộc sống. Có lúc con lại có khuynh hướng ngược lại. Xin cho con biết dung hòa và cân bằng giữa hai khuynh hướng ấy. Chỉ như thế, con mới thật sự sống đúng thánh ý Cha.

 

Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Cầu nguyện và hành động cả hai đều cần thiết cho đời sống tâm linh
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/07/tn16b.html). 

 

Posted by Nguyen Chinh Ket at 5:19 AM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

 ------------------------------------