SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - - THỨ HAI CN6TN-A
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
Tinh Cao - Feb 16 at 3:36 PM
Thứ Hai CN6TN-A
THAM DỰ BỮA TIỆC Lời ChúaVÀ TIỆC THÁNH THỂ MỖI NGÀYBài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11
"Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn".
Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì.
Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.
Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.
Ðáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).
Xướng: 1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân. - Ðáp.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.
6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 11-13
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ðó là lời Chúa.
SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
ĐỨC KITÔ - ĐIỀM LẠ
Hôm nay là Thứ Hai trong Tuần VI Thường Niên Năm Chẵn, Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco thuật lại cho chúng ta biết về một cuộc đụng độ gây ra bởi thành phần vẫn theo dõi Chúa Giêsu để bắt bẻ Người và tìm cách tố cáo Người, một đối thủ không đội trời chung của họ trên đấu trường dân Do Thái, thành phần dân chúng không thông luật bằng họ, không giữ luật như họ, thậm chí còn được họ dạy luật cho, bấy giờ lại chẳng những tỏ lòng kính phục và tôn sùng nhân vật xuất hiện từ một nơi chẳng có danh tiếng gì, được gọi là Nazarét (chứ không phải ở gần giáo đô Giêrusalem như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả), xứ Galilêa (chứ không phải xứ Giuđêa là nơi thuộc vương quốc Đavít), mà còn kéo nhau đổ xô tuốn đến với nhân vật này.
Thánh Marco đã trình thuật lại cuộc đụng độ này như sau: "Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: 'Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào'. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia".
Dầu sao chúng ta cũng thấy rằng, về phía thành phần biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay, bất chấp thành kiến và ác cảm của mình, họ vẫn cứ tiếp tục nhẫn nại theo đuổi nhân vật Giêsu Nazarét, vì họ muốn biết nhân vật này thực sự là ai, từ đâu đến. Bởi thế, họ mới "xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người", để xem Người uy quyền đến đâu theo kiểu trần gian của họ. Thế nhưng, cho dù Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu là "điềm lạ" trong dân và cho dân chính mắt họ đã thấy, như việc Người chữa lành đủ mọi bệnh nạn tật nguyền của dân, hay khu trừ ma quỉ cho dân, thế mà họ vẫn chưa cho là "điềm lạ", vẫn cứ muốn "một điềm lạ" theo ý nghĩ, ý thích và ý muốn chủ quan của họ.
Bởi thế mà họ chẳng thế nào và chẳng bao giờ thấy được "một điềm lạ" nào như ý riêng của họ ở nơi Chúa Giêsu, như chính Người cũng đã khẳng định cho họ biết trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Hành động tiếp ngay sau của Chúa Giêsu như được Phúc Âm thuật lại đó là: "Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia". Nghĩa là họ ở bờ bên này, và Người ở bờ bên kia, không thể gặp nhau, đúng hơn họ không thể gặp Người khi Người ở với họ, trái lại càng làm họ xa Người hơn, đúng như Người sau này quả quyết về họ và báo trước cho họ biết rằng nơi Người đi họ chẳng những không thể nào tới được, mà còn chết trong tội lỗi của họ ngay chính lúc họ đi tìm Người, nghĩa là muốn tìm biết Người nữa (xem Gioan 7:34, 8:21), và quả thực mọi sự đã xẩy ra đúng y như vậy, khi Thượng Tế Caipha sau này nhân danh Thiên Chúa để hỏi thẳng Người có phải là Đấng Thiên Sai hay không, và sau khi Người nói về mình thì bị Hội Đồng Đầu Mục Do Thái hầu như đồng thanh lên án tử cho Người (xem Mathêu 26:63-66).
Thật ra chính bản thân của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét là "một điềm lạ" đối với chung dân Do Thái và riêng thành phần trí thức trong dân cũng như thành phần lãnh đạo của dân. Ở chỗ, Người chỉ là một con người tầm thường chẳng ai biết tới, xuất thân từ một sinh quán vô danh tiểu tốt trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái, mà lại tự nhiên trở thành một nhân vật phi thường, có thẩm quyền về giảng dạy trước mặt dân chúng, cùng với quyền lực chữa lành cùng trừ quỉ cho dân, nhờ đó đã lôi kéo được cả dân của mình mà còn cả dân ngoại ở các vùng phụ cận nữa. Nhưng có lẽ Người là "một điềm lạ" nhất của họ là khi Người cứu được người khác mà không cứu được mình, không thể xuống khỏi thập tự giá (xem Mathêu 27:42). Đó mới là "một điềm lạ" thực sự cứu độ con người khỏi tội lỗi và sự chết mà "ai chấp nhận Người (nơi "điềm lạ" này) thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12).
Đúng thế, đối với thành phần trí thức trong dân Do Thái và thành phần lãnh đạo của dân do Thái thì nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét quả là một thử thách cả thể đối với họ, chẳng những trong về nguồn gốc bí ẩn của nhân vật này, mà còn về hành vi cử chỉ "dị chúng nhân" đầy vẻ bất bình thường thậm chí quái đản của nhân vật ấy nữa. Tuy nhiên, "cái khó nó bó cái khôn" mà nếu họ chân thành tìm kiếm chân lý khách quan hơn là chủ quan, ở chỗ khiêm tốn hạ mình xuống, thì mọi sự nơi nhân vậy này và về nhân vật này sẽ trở nên hoàn toàn khác hẳn. Đó là lý do Thánh Giacôbê Tông Đồ, vị tông đồ đặc biệt của dân Do Thái, như Tông Đồ Phaolô của Dân Ngoại, trong Bài Đọc I hôm nay đã khuyên nhủ họ sống khôn ngoan như sau:
"Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì. Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa".
Quả thực là như thế, thành phần trí thức trong dân Do Thái cũng như thành phần lãnh đạo của dân Do Thái sở dĩ muốn biết về nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, muốn tìm kiếm chân lý mà lại quay ra sát hại chân lý, bởi vì, đúng như Thánh Giacôbê đã nhận định trong Bài Đọc I hôm nay: "ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa".
Bởi thế, thành phần "xin Người một điềm lạ trên trời" mà không được cần phải có một tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.
3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài.
4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ.
6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên