SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CHÚA NHÂT HIỂN LINH- NỘI NGUYỄN
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
Jerome Nguyen Van NoiThu, Dec 31 at 2:46 AM
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH NĂM B (03/01/2021)
THIÊN CHÚA CỦA MUÔN DÂN MUÔN NGƯỜI
(Is 60,1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12)
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Nhà văn hào George W. Truett đã viết một câu bất hủ về Chúa Giê-su Ki-tô như sau: “Christ was born in the first century, yet he belongs to all centuries. He was born a Jew, yet He belongs to all races. He was born in Bethlehem, yet He belongs to all countries.” (tạm dịch: Đức Ki-tô sinh ra vào thế kỷ thứ nhất, nhưng Người thuộc mọi thế kỷ. Đức Ki-tô sinh ra là một người Do-thái, nhưng Người thuộc mọi chủng tộc. Đức Ki-tô sinh ra ở Bê-lem, nhưng Người thuộc mọi quốc gia). Câu nói trên khá phù hợp với ý nghĩa của Lễ Hiển Linh hôm nay.
Thật vậy, Hiển Linh có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra. Mừng Lễ Hiển Linh là chúng ta mừng sự kiện Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại được biểu trưng bởi ba nhà thiên văn hay chiêm tinh Phương Đông lặn lội theo ánh sao đến xứ Giu-đê tìm Thiên Chúa mới giáng sinh. (Vì thế Lễ được gọi là Lễ Ba Vua).
Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, vì từ trước tới giờ, người Do-thái quan niệm rằng: Thiên Chúa là Thiên Chúa riêng của họ. Thật ra Thiên Chúa là Chúa của muôn dân, muôn loài, của người Do-thái cũng như của các dân khác. Nói cách khác Ơn Cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại là Ơn Cứu độ phổ quát nghĩa là dành cho hết mọi dân, mọi nước và mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, giai tầng xã hội. Chúng ta hãy mở rộng tâm trí để hiểu và sống ý nghĩa của Lễ Hiển Linh.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 60,1-6): “Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi” Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Ep 3,2-3a.5-6): "Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa" Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 2,1-12): "Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua" Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)
* Thiên Chúa mà ngôn sứ I-sai-a công bố là một Đấng Thiên Chúa đem niềm hân hoan và ánh sáng chan hòa, đem giầu sang và vinh quang đến cho thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Ít-ra-en. Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa thành một con người và con người này đã được biến đổi hoàn toàn, thậm chí trở thành điểm tập trung của muôn dân muôn nước, nhờ sự kiện Thiên Chúa đến trần gian, trong nhà Gia-cóp.
* Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô giới thiệu với tín hữu Ê-phê-xô và mọi người là một Đấng Thiên Chúa đã giao phó cho Phao-lô sứ mạng rao giảng Kế hoạch hay Nhiệm cục Cứu độ của Người: đó là dân ngoại cùng được thừa kế như/với người Do Thái để cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban là Ơn Cứu độ trong/nơi/nhờ Chúa Ki-tô Giê-su. Nói cách khác Phao-lô được giao sứ mạng loan truyền một bí mật xưa rày vẫn được giấu kín của Thiên Chúa. Đó là, vì yêu thương, Thiên Chúa sẽ cứu độ hết mọi người, không phân biệt mầu da, sắc tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc hay địa vị xã hội, có đạo hay lương dân.
- Thiên Chúa mà Thánh Mát-thêu muốn thế giới nhận ra là Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và làm một trẻ sơ sinh được bọc tã nằm trong máng cỏ; nhưng lại là Đấng thu hút và đón tiếp hết mọi người, từ kẻ chăn chiên nghèo hèn (theo con mắt phàm trần) đến hạng quan quyền vua chúa (cũng theo con mắt phàm trần) như ba nhà thiên văn từ Phương Đông. Thái độ và cử chỉ (sấp mình thờ lạy) cũng như lễ vật (vàng, nhũ hương, mộc dược) mà ba nhà thiên văn Phương Đông dâng tiến Hài Nhi Giê-su, mạc khải cho chúng ta thấy chân dung đích thực của Trẻ Sơ Sinh: Người là Vua, là Chúa và là Đấng sẽ tự hiến thành Lễ Vật toàn thiêu cứu độ muôn dân muôn nước.
3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?) Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa:
- một là chúng ta hãy nhìn nhận, đón rước Hài Nhi Giê-su với tư cách Người là Vua, là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc hết mọi người trong nhân loại, không phân biệt nguồn gốc, địa vị xã hội.
- hai là, cũng như Thánh Phao-lô, chúng ta được Thiên Chúa giao một sứ mạng cao cả là làm cho người ta biết kế hoạch của Thiên Chúa là Ngôi Lời đến trần gian để cứu chuộc hết mọi người, giáo cũng như lương, để mọi người, mọi dân, mọi nước làm thành một Thân Thể, một Gia Đình, một Cộng Đồng duy nhất. Vì thế chúng ta có sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng cho những người chung quanh.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Chúa là Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Sống với Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta nơi Chúa Giê-su Hài Nhi. Sống một cách mật thiết, biết ơn và vâng phục.
4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là chúng ta thực hiện hai việc cơ bản sau:
- Một là cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng, nhìn nhận và đón rước Hài Nhi Giê-su là Vua, là Chúa, là Đấng Cứu độ nhân loại.
- Hai là đặc biệt quan tâm đến những người sống chung quanh ta mà chưa nhận biết Thiên Chúa và Chương Trình Cứu độ của Người để chúng ta ra sức giúp họ nhận biết Chúa và chấp nhận Kế hoạch và Ơn Cứu độ Phổ quát của Người.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Mầu Nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho các dân tộc chưa nhận biết Mầu Nhiệm và Kế Hoạch Cứu Độ nhân loại của Thiên Chúa, để họ sớm được nghe và đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để quy tụ muôn dân muôn nước thành một gia đình, gia đình của Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho các vị lãnh đạo trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, để mọi Ki-tô hữu siêng năng tìm Thiên Chúa và suy phục Người cũng như chu toàn sứ mạng làm ngôi sao dẫn đường cho những ai chân thành tìm kiếm Thiên Chúa và giúp họ gặp được Chúa và tôn vinh Người như ba nhà thiên văn Phương Đông xưa!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho các tín hữu già trẻ lớn bé trong giáo xứ chúng ta để mọi người vững bước dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho những người bé nhỏ, nghèo khó, thiếu thốn, bệnh tật, tù tội... trong xã hội, để những người ấy biết dâng cho Hài Nhi Giê-su tất cả những gì họ có, tất cả những gì họ phải chịu trong cuộc đời.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sài-gỏn ngày 31 tháng 12 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.