VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NGÀY CỦA CHA

(Viết về người cha của tôi nhân “Ngày của Cha” – Chúa nhật 16.6.2019)

*BA TÔI QUÊN TUỐT*

ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

1. Tôi hỏi: “Ngày xưa con trốn học, bị cô giáo hạ bậc hạnh kiểm. Ba có nhớ không, ba?”.

Ba tôi hỏi lại: “Có như vậy sao con?”.

2. Tôi hỏi: “Ngày xưa, nhiều lần con hư, quên lời dạy, quên việc nhà, quên cả những bài tập về nhà. Ba có nhớ không, ba?”.

3. Tôi hỏi: “Ngày xưa, nhiều lần, vì hiếu động, con phá phách, làm phiền hàng xóm, hàng xóm gọi ba sang nhà họ, họ kể tội con, họ nói nặng lời ba. Ba có nhớ không, ba?”.

4. Tôi hỏi: “Ngày xưa, nhiều lần ba dẫn con đến trước mặt người lớn, buộc con phải xin lỗi họ. Cuối cùng chính ba còn thêm: Cháu nó hư, xin ông bà bỏ qua cho. Tôi sẽ dạy cháu. Tôi sẽ dạy cháu… Ba có còn nhớ không, ba?”.

5. Tôi hỏi: “Ngày xưa, có lần, trong khi gây nhau với lũ bạn trang lứa, người lớn nghe được, nhưng thay vì khuyên can, họ lại bênh con của họ. Họ miệt thị ba mẹ. Lúc bấy giờ, con không hiểu những lời miệt thị ấy. Bây giờ con đã hiểu và nghe buốt tâm hồn. Chắc lúc đó ba buồn lắm! Ba có nhớ không, ba?”.

6. Tôi hỏi: “Ngày xưa, có lần con mải rong chơi, con rong chơi đến quên giờ cơm, quên cả chiều đã hết nắng. Vừa mới đi làm về, còn chưa kịp hớp một ngụm nước, ba và mẹ phải tất tả lao đi tìm con. Ba có nhớ không, ba?”.

7. Tôi hỏi: “Ngày xưa, có lần ba làm ngựa để con cưỡi trên lưng. “Ngựa” đang phi ngon lành, bỗng dưng con đòi “ngựa” phải phi qua con mương phía trước nhà. Sợ con té xuống mương vì không thể giữ thăng bằng, ba cương quyết không theo ý con. Con giận dỗi, khóc lóc, giãy giụa. Ba có nhớ không, ba?”.

8. Tôi hỏi: “Ngày xưa ba chở con trên chiếc xe đạp thồ. Nhìn bạn mình được ba nó chở đi học bằng chiếc xe thật đẹp. Trưa tan học về, con đòi ba mua một chiếc xe y như thế. Ba bảo, con ráng họ, ăn nhiều, lớn tí nữa rồi ba sẽ mua. Con không chịu, giận ba. Ba còn nhớ không, ba?”.

9. Tôi hỏi: “Nhà mình nghèo. Trời mưa anh em chúng con phải lấy đủ các loại thau, xô, chậu, xoong, nồi… hứng nước mưa bên trong nhà. Buổi chiều hôm ấy, ba đi làm về, chở theo sau cuộn giấy carton có tráng dầu hắc (có người gọi là nhựa đường – loại dùng lợp nhà tạm thời). Đêm ấy một mình ba leo lên mái nhà, phủ cuộn giấy lên trên mái. Đến khuya ba mới lợp xong. Ba lợp lại mái nhà đã rách vào ban đêm, vì sáng mai ba không thể bỏ việc làm. Ba vẫn nhớ phải không, ba?”.

10. Tôi hỏi: “Nhà mình nghèo. Nhưng có lần con bị bệnh phải nằm bệnh viện. Người ta đòi một khoản viện phí, nếu không, họ sẽ từ chối chữa trị cho con. Cả ba và mẹ thay nhau năn nỉ.

Sau cùng, con nghe ba nói: Xin bác sĩ thương con tôi, tiếp tục nhận con tôi. Tội nghiệp nó lắm. Tội nghiệp nó lắm. Xin cho tôi khất đến chiều nay thôi… Rồi suốt ngày hôm ấy con không một lần thấy ba vào thăm con.

Đến chiều, ngay đúng giờ người ta bắt đầu đóng cửa phòng “Thu ngân”, con lại thấy bóng ba chạy thật nhanh. Rồi ba cúi đầu trước một cô gái hình như nhỏ tuổi hơn ba. Người ta cũng thương tình mở cửa đón ba. Hôm ấy ba là người khách cuối cùng của phòng “Thu ngân” trong bệnh viện.

Rời phòng Thu ngân với tờ hóa đơn trên tay, đôi môi ba khẽ cười vì đã có thể tiếp tục chữa bệnh cho con.

Nhưng sao con lại thấy đôi chân ba như chẳng thể nhấc lên nổi. Ba bước thấp bước cao đầy vẻ mệt mỏi, khác hẳc lúc ba chạy vào.

Ba tìm đến chiếc ghế đá bên hiên bệnh viện nằm xuống đó. Hơi thở của ba nặng nhọc, đôi mắt trũng sâu, gương mặt phờ phạc, đầu tóc rối bù… Ba vẫn nhớ phải không, ba?”…

Thật lạ lùng. Tất cả các câu hỏi về sự nhọc nhằn, xưa ba đã từng vì chúng tôi mà chịu đựng, ba chỉ trả lời tôi bằng câu hỏi khác: “Có như vậy sao con?”, y như ba chẳng còn nhớ gì hết vậy.

Nhiều lắm. Nhiều thật nhiều những gì mà ba mẹ đã cho chúng tôi. Mười điều kể ra, chỉ là đại diện, chỉ là nói thay cho tất cả mọi điều mà một đời ba mẹ tôi sống và hiến dâng cho lũ cháu, đàn con.

Những điều xảy ra ấy, dẫu thời gian có thể đã trôi xa lắm. Nhưng cũng có những hoàn cảnh chưa lâu. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe ba mẹ nhắc lại những lao đao mà ba mẹ đã từng nếm trải.

Riêng ba, người đàn ông hay trầm ngâm, hiền lành, ít nói, chỉ nhắc đi nhắc lại: “Giờ ba thật hạnh phúc vì các con của ba đã thành đạt, đã nên người”. Ba khuyên: “Chỉ cần anh em chúng con yêu thương nhau là đã trả hiếu cho ba mẹ”…

Kính thưa ba, đỉnh Thái Sơn có thể không nhớ nổi bao nhiêu lần mình đã trơ gan cùng bão táp. Ba của con có thể quên tất cả những gì mà một đời cặm cụi hao gầy cùng sương gió vì chúng con.

Còn chúng con, làm sao chúng con có thể quên được Thái Sơn của lòng mình? Càng nên hình nên dáng bao nhiêu, càng trải nghiệm giữa đời, và thấm thía những cú ngã trong đời, hoặc những lần bị đời đối xử bạc đãi…, chúng con càng muốn trở về căn nhà xưa có hũ cà muối của ba, có chén cơm thơm lừng của mẹ. Dẫu nghèo nhưng vô cùng ấm áp, vô cùng bình yên.

Ba ơi, rong ruổi mải giữa đời, đã biết bao nhiêu lần chúng con thèm trở về đặt mình lên chiếc chiếu đã sờn của nhà mình; thèm kê đầu lên chiếc gối mẹ mới vá vì chính con làm rách sau trận nô đùa với các em, lấy gối làm vũ khí đập vào lưng nhau ình ịch; thèm vô cùng được một lần nữa ngồi trên chiếc xe đạp thồ cũ kỹ của ba và nghe tiếng cót két, cót két vang trên phố, khiến mọi người phải quay nhìn ba con mình…

Nhà mình nghèo, nhưng thuở ấy có ba, có mẹ luôn ở bên, con hạnh phúc không gì bằng…

Ba! Con muốn gọi thật nhiều, muốn gào thật to tiếng “BA” diệu kỳ của lòng con. Con xin ghi tâm khắc cốt đến muôn đời những nhọc lao bươn chải của ba mẹ để anh em chúng con có ngày hôm nay.

Ba mẹ không hoàn hảo. Đơn giản, ba mẹ chỉ là những người cha, người mẹ như bao nhiêu người làm cha, làm mẹ. Nhưng ba mẹ luôn yêu chúng con bằng tình yêu hoàn hảo.

Con cám ơn Chúa vì Chúa đã cho con làm con của ba mẹ. Con thấy phép lạ mà Chúa đã ban cho con trong suốt cuộc đời làm người trên dương thế này không hề ở đâu xa mà chính là ba, là mẹ. Ba mẹ là phép lạ, là hồng ân, là hình ảnh, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa mà con được hưởng cách hết sức sung mãn nơi cõi trần này.

Con hãnh diện vì được làm con của ba, làm con của mẹ. Con muốn thốt lên từ tận trái tim mình lời biết ơn chân thành. Con muốn gào lên từ tận hồn mình những lời mà suốt nhiều năm con vẫn ôm ấp nhưng ngại nói thành lời: Con yêu ba mẹ.

Ba ơi, con cảm ơn ba đã sinh ra con. Cảm ơn ba đã chăm sóc, nuôi dưỡng con đến khi trưởng thành. Cảm ơn ba đã dạy dỗ con. Cảm ơn mọi nỗ lực, mọi nhọc nhằn của ba để con có hôm nay.

Cảm ơn ba đã vui, đã cười hay đã khóc, đã đau vì con. Cảm ơn ba, vì tận tới bây giờ ba vẫn âm thầm dõi theo từng bước con đi. Cảm ơn ba. Con muốn bày tỏ thật nhiều về lòng biết ơn của con. Vì, đơn giản, ba là ba của con.

Dù con có trở thành ai đi chăng, có đạt tới địa vị nào, thì mỗi khi trở về mái nhà của mình, con luôn là đứa con của ba, của mẹ. Con thích nhìn mẹ cười. Con thích ngã mình vào lòng ba.

Mỗi khi về dưới mái nhà mình, chỉ cần nhìn ba mẹ, con thấy cuộc đời đầy lao tác của con, con thấy mọi mang gánh mà người đời có khi vô tình có khi cố ý đã từng giáng trên đôi vai con tan biến hết. Ba mẹ chính là sức mạnh, là nỗ lực, là sự chịu đưng, là nghị lực của con.

Về dưới mái nhà mình, được ở bên ba mẹ, con cảm nhận bình an, thanh thoát và hạnh phúc. Về dưới mái nhà mình, con tưởng chừng cả một bầu trời yêu thương đang đổ ập xuống cho chỉ một mình con tận hưởng.

Ba ơi, mẹ ơi, hãy sống thêm với anh em chúng con thật lâu nhé. Ở độ tuổi tám mươi và gần tám mươi như ba mẹ, mỗi lần nghĩ đến là con phát sợ…

Nhiều đêm bất chợt giật mình thức giấc, nhớ lại hai lần mỗ tim và mạch máu của ba, nhớ đến bệnh cao đường và huyết áp của mẹ con khó khăn để có thể chợp mắt…

Con chỉ còn biết phó dâng ba mẹ cho lòng từ bi của Chúa. Anh em chúng con nguyện sống tốt, đoàn kết cùng nhau trong yêu thương, để ba mẹ có thể vui hưởng thêm chút thời gian của tuổi già…

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

-----------------------------------------