VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - MÙA COVID
- Details
- Category: 6. Văn Hóa & Gia Đình
-
Chi Tran
MÙA COVID VỚI GIA ĐÌNH
Trong mùa Covid, tôi với bạn có thời gian nhìn lại cách cư xử của mình với gia đình...
Trong những ngày đối diện với dịch Covid 19, tôi thấy từ được nhiều người nhắc đến là “chán”. Chán vì không được đến trường, chán vì không được đi làm, chán vì không được đi lễ, chán vì không được đi chơi, chán vì không thể đến công sở. Và có muôn vàn lý do “chán” khác nữa.
Nhưng có một người trẻ làm cho tôi thoát ra khỏi chữ “chán” và thấy được ý nghĩa của một công việc rất đỗi bình thường, đó là về bên gia đình: bạn ấy về nhà tránh dịch và thấy vô cùng hạnh phúc.
Qua bạn trẻ này, tôi muốn gửi vài tâm tư với những bạn đã, đang và sẽ xa gia đình vì cuộc sống mưu sinh hay vì những lý do khác nhau của cuộc sống.
Tôi hỏi bạn trẻ đó: Dịp này nghỉ làm, em đi đâu? Bạn ấy nói về nhà, và một ngày với bạn ấy rất bình thường: sáng dọn đồ ra cho mẹ bán, rồi ngồi trong nhà đọc sách, nửa buổi ra lấy đồ vào nấu ăn. Trưa đến hai mẹ con ăn cơm, chiều lại tiếp tục như thế. Một ngày với bạn ấy rất giản đơn nhưng bạn ấy nói là rất hạnh phúc vì lâu lắm rồi mới được ở nhà với mẹ nhiều ngày như thế, vì mẹ một thân một mình, nhưng bởi mưu sinh cuộc sống mà bươn chải, nên đành xa mẹ thôi.
“Cảm ơn vì có thời gian ở bên mẹ”, đó là câu mà bạn ấy nói với tôi. Tôi chạnh lòng, và suy nghĩ về cha mẹ ở nhà. Có thời gian dường như tôi cứ loay hoay với đám bạn này, mối tương quan nọ mà quên mất cha mẹ. Ngay cả những bữa cơm với cha mẹ cũng dường như là một thứ gì đó xa xỉ với tôi.
Tôi quan sát và cũng nhận thấy nhiều người trong dịp tránh dịch cũng muốn trốn gia đình, sợ ở nhà, sợ đối diện với những giá trị rất bình thường và quá ư quen thuộc. Tôi nghĩ đến những vần thơ của Lương Đình Khoa:
Năm chúng ta 20 tuổi
chỉ quen ngước nhìn lên trời cao,
bỏ những quan tâm của gia đình bên ngoài niềm vui phố xá
hớn hở với từng cuộc vui,
xum xoe với đám đông người xa lạ
mấy ai biết mình
nhưng vẫn nghĩ mình trên tất cả
ngày nào cũng là ngày vội vã
với nắng mưa…Đôi lúc, hạnh phúc thật giản đơn, đó chỉ là được ăn cơm với mẹ, được nhìn mẹ trong mái nhà yêu thương nhưng mấy ai cảm nghiệm được điều đó.
Chúng ta không vui vì cha mẹ thường rất khó tính chứ không dễ dãi với ta như bạn bè hay người dưng; cha mẹ nói chuyện không dễ nghe như người thương ta ngoài phố thị.
Trước mặt đám bè bạn, ta được chứng tỏ là ta, được là anh hai, chị ba, trong khi đó trong mắt cha mẹ, ta mãi mãi là đứa trẻ đáng yêu.
Tuổi trẻ ta muốn chứng tỏ giá trị, muốn nói với thế giới “ta là ai”, muốn chứng tỏ với đời rằng ta có sức mạnh. Ta muốn “là một, là riêng, là thứ nhất; không ai có thể bè bạn nổi cùng ta” [1].
Nhưng trước mặt cha mẹ thì ta như một đứa trẻ chưa trưởng thành, luôn bị nhắc nhở bởi những việc chẳng đâu vào đâu.
Ta có thể ngồi chém gió với bạn bè và người bên ngoài cả tiếng, vì chúng ta nghĩ là hiểu nhau; chúng ta có chung thứ ngôn ngữ “rất đẹp” của tuổi trẻ.
Còn cha mẹ ta là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng chỉ lủi thủi bên lũy tre làng, chưa ra khỏi nếp nghĩ mà ta cho là cổ hủ, không biết Facebook là gì, chẳng biết Zalo là chi… Cha mẹ vẫn cứ thế, vẫn nghĩ rằng chỉ cần yêu con theo cách riêng của mình.
Tôi và bạn nhiều lúc muốn hét thật lớn “sao cha mẹ không hiểu con”, “đúng là cổ hủ quá...”
Những bữa cơm bên gia đình nhiều lúc quanh đi quẩn lại mấy món “ngoài chợ xã”, cá kho thì mặn, cơm thì nấu bằng thứ gạo khô khó nuốt. Ta thích ăn mì nhưng mẹ lại nói với ta rằng mì nóng và không tốt. Ta thích nhịn ăn sáng để ngủ vùi vì cho rằng “mất ăn không bằng mất ngủ”, nhưng mẹ lại nói với ta “ăn sáng là ăn cho chính ta, ăn trưa là ăn cho khách và ăn tối là ăn cho kẻ thù”...
Ta thích thức khuya và dậy muộn vì với ta “đêm về khuya vắng mới được là mình” thì mẹ lại nói với ta “ngủ sớm khỏe xác, dậy sớm khỏe hồn”. Ta đi chơi ăn mặc hơi ngắn ngủn một chút vì cho rằng đó là mốt của tuổi trẻ, có quyền phô lên nét đẹp của Tạo Hóa ban tặng thì mẹ lại nói với ta “con gái nên ăn mặc kín đáo nết na, nét đẹp của tâm hồn và trí tuệ mới tô lên nét đẹp thật sự cho con”. Ta uống tí bia rượu với bạn bè vì “nam vô tửu như cờ vô phong”, mẹ lại nói với ta “tuổi trẻ con lấy sức khỏe đổi lấy rượu và bạn bè, đến già con sẽ lấy gì để đổi lại sức khỏe”…
Nói chung, tôi cũng như bạn, dường như luôn có những mâu thuẫn với cha mẹ - những người ta cho là “cổ hủ”, “quê mùa”… Nhưng trên đời này, trong tương quan nhân loại làm gì có tình thương nào thật hơn tình thương cha mẹ dành cho con. Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe nhiều lắm. Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống [2]?
Tôi và bạn vẫn đi tìm hạnh phúc, vẫn đi tìm lẽ sống cho cuộc đời mình. Đôi lúc ta muốn chứng tỏ mình là người can đảm phi thường trước người khác bằng cách “tỉ thí tửu lượng”, “hơn thua trong những trò chơi vô bổ”, “dẫn đầu trong những cuộc xích mích”… Nhưng người em này cho tôi cũng như bạn hiểu rằng, đôi lúc dám làm những việc đơn giản cho mẹ, dám sống những ngày có vẻ tẻ nhạt với mẹ mới là một người can đảm phi thường.
“Về nhà” là về với cội nguồn, về với một tình cảm thiêng liêng nhất mà mỗi con người có thể, nơi đó cho ta hơi ấm trong những lúc lạnh lẽo, cho ta sức mạnh để vượt qua nỗi đau thử thách của cuộc đời, nơi cho ta chỗ trú ẩn những lúc ta thấy chênh vênh, là nơi cho ta nép mình khi thấy ngoài kia giông tố, “có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về, đó là nhà”.
Trầm lắng, tôi lại nhớ những vần thơ của Nguyễn Đình Khoa:
Về nhà đi, bởi trong mỗi cuộc đời
Ai cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu,
Một mẹ, một cha, cho bàn chân tìm lối về hiếu nghĩa
Dù dang cánh chạm chân trời góc bể
Hãy cứ về khi có thể - để thương…
Níu giữ trên tay thứ hạnh phúc cội nguồn …Mong rằng những người có cơ hội về gia đình trong dịp này, sẽ sống những giây phút ấm êm và hạnh phúc bên gia đình và người thân, làm những cử chỉ yêu thương cho cha mẹ và anh chị em mà những ngày đi học hay đi làm xa nhà ta không có cơ hội để làm. Bởi dù có ước mơ, dù có hoài niệm, dù có thuốc thần tiên chăng nữa, ai trong đời cũng phải thốt lên như Du Phong:
Con trở về mơ ước nhỏ nhoi thôi:
Suốt cuộc đời được vui bên cạnh mẹ
Nhưng cuộc đời nói rằng con không thể…
Mới một chút thảnh thơi, tóc mẹ đã bạc màu.Trong dịp Covid, có những dòng tin: “Cha mẹ mất, nhưng do dịch bệnh không thể về bên”, những dòng status: “Bệnh nhân bị nhiễm covid chết lặng lẽ, không được gặp người thân trước khi chết do bị cách ly”. Có khi nào bạn và tôi tự hỏi, nếu ngày bố mẹ lâm bệnh nặng mà ta không có mặt bên cạnh thì như thế nào?
Tiền bạc có lẽ cha mẹ rất cần, nhưng họ cần hơn ở sự trưởng thành và tình yêu thương của con cái.
Có khi nào bạn tự hỏi “nếu chỉ có một ngày để sống”, bạn sẽ làm gì, bạn sẽ nói gì với cha mẹ?
Tôi cũng tự hỏi mình và thấy mình thật vô lý: Chỉ học với nhau ba năm cấp Ba, tôi và bạn bè chụp hình làm kỷ yếu, viết lưu bút, tặng nhau những kỷ vật, ôm nhau khóc như mưa. Nhưng rồi, trên những chặng đường tương lai, ta có những mối tương quan mới, trong số những người bạn cũ, ta giữ được mấy người?
Còn với gia đình, nước mắt chúng ta lại khô hoánh.
Nhìn một người bán vé số, một cụ ông ăn xin, một người nông phu lầm lũi, tôi và bạn có thể xót xa, thương cho thân phận của những người đó. Nhưng nhìn những giọt mồ hôi lấm chấm rơi của cha, những vết nhăn của mẹ, ta thấy đó chỉ là chuyện bình thường của thời gian.
Ta không có một kỷ yếu gia đình, ta không lưu giữ những kỉ niệm đẹp bên mẹ cha. Những lúc ta mê man do bệnh tật, những lúc ta cảm thấy thế giới như quay lưng lại, khi ta sụp đổ và ngã quỵ giữa đường đời thì ta mới hiểu giá trị của “gia đình”.
Tôi và bạn, những người có trái tim quảng đại, thích làm việc tình nguyện, chúng ta đến các bệnh viện hay trung tâm dã chiến. Cho các người bệnh tật ăn uống và giúp những công việc khác cho họ, các bạn rất vui, rất hạnh phúc.
Nhưng tôi và bạn phản ứng thế nào khi về với gia đình, bên cha mẹ và người thân của mình? Ta có khó chịu khi rửa chén bát, đi nạnh kẹ với anh chị em của mình, ta khó chịu khi nấu cháo cho mẹ, ta sợ bẩn tay, sợ bẩn quần áo khi phụ việc cha mẹ…?
Bạn có khi nào suy nghĩ rằng, để cho ta có đôi tay đẹp đẽ và mượt mà, cha mẹ ta đổi bằng sự chai sạn của đôi tay họ; để có cái áo đẹp cho ta, nhiều bậc cha mẹ đã vá đi vá lại cái áo của mình bao nhiêu lần… Nói chung rất nhiều thứ cha mẹ phải hi sinh và đánh đổi để tôi cũng như bạn có được cuộc sống như hôm nay.
Khi nhìn vào các bạn, tôi mong rằng những người ngoài sẽ chúc phúc cho cha mẹ - Đấng sinh thành đã sinh ra những người con hiếu nghĩa, những con người biết lẽ trước sau, biết những giá trị cội nguồn, biết trân quý những bữa cơm gia đình, biết đón nhận những bất toàn của cha mẹ mình, biết chứng tỏ giá trị bản thân đích thực của một người có đức tin.
Rồi dịp giãn cách xã hội cũng sẽ qua đi, tôi và bạn cũng sẽ trở lại với nhịp sống bình thường, đi học hay đi làm, rồi cũng sẽ xa cha mẹ và gia đình. Khi đó, nhìn lại khoảng thời gian chúng ta ở nhà, chúng ta thấy ấm lòng vì được sống bên mẹ cha nhiều thời gian hơn, hay ta cảm thấy như một gánh nặng thật sự với người thích tự do tung cánh ngoài kia?
Chính dịp tránh dịch ở nhà, tôi với bạn có thời gian và nhìn lại cách cư xử của mình với gia đình, với người thân và đặc biệt là với cha mẹ mình.
Nhìn lại để chúng ta sống tốt hơn tương quan này, hiểu được tấm lòng cha mẹ hơn, hiểu những sự hí sinh cao cả, rồi tự hỏi rằng: Nếu một ngày cha mẹ ta ra đi, ta có ngồi đó khóc thét lên vì hối hận, vì những vết thương lòng do ta gây ra cho cha mẹ mình hay chúng ta thấy bình an vì đã sống trọn “hiếu nghĩa” với các ngài?
Hoàn Phạm - Hội Thừa Sai Việt Nam (TGPSG)