ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ -ĐTC CHUC MỪNG GIÁNG SINH
- Details
- Category: 7. Đời Sống Mới Trong Thần Khí
ĐTC PHANXICÔ - CHÚC TỪ GIÁNG SINH GIÁO TRIỀU ROMA 2019
Thứ Sáu ngày 21/12/2018
"Đêm đã qua rồi, ngày gần tới.
Vậy chúng ta hãy loại trừ những những việc làm tối tăm và mang lấy khí giới ánh sáng"
(Roma 13:12)
"Bằng niềm xác tín vững chắc là ánh sáng bao giờ cũng mãnh liệt hơn bóng tối,
tôi muốn chia sẻ với anh chị em về thứ ánh sáng liên kết Christmas (lần Chúa đến lần nhất trong thấp hèn)
với the Parousia (lần đến thứ hai trong vinh quang của Người),
là thứ ánh sáng củng cố chúng ta với niềm hy vọng không làm thất vọng".
"Năm nay, trong cái thế giới hỗn loạn của chúng ta đây,
con thuyền Giáo Hội đã cảm nghiệm thấy, và tiếp tục trải qua những giây phút khó khăn,
và đã bị nghiêng ngả bởi những cơn gió mạnh và bão tố"
"Chúng ta cũng đang nghiệm thấy một thời đại mới của các vị tử đạo.
Dường như cuộc bách hại dã man và tàn bạo của Đế Quốc Roma vẫn chưa chấm dứt.
Một tân Nero luôn xuất hiện để đàn áp tín hữu chỉ vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô"
"Gương anh hùng của các vị tử đạo và vô vàn Người Samaritanô nhân lành
- giới trẻ, gia đình, các phong trào bác ái và tình nguyện viên, và rất nhiều cá nhân tín hữu cùng tận hiến tu trì -
dầu sao cũng không thể nào làm cho chúng ta bỏ qua những phản chứng và gương mù
gây ra bởi một số con cái và thừa tác viên của Giáo Hội.
Ở đây tôi sẽ nói đến hai cái họa đó là họa lạm dụng và họa bất trung".
"Tháng Hai tới đây, Giáo Hội sẽ lập lại quyết tâm mạnh mẽ của mình
trong việc theo đuổi con đường thanh tẩy một cách cởi mở.
Giáo Hội sẽ đặt vấn đề, với sự trợ giúp của các chuyên gia,
cách hay nhất để bảo vệ trẻ em ra sao,
để tránh được những thảm họa này, để chữa lành và phục hồi các nạn nhân,
và để cải tiến việc huấn luyện trong các chủng viện....
Giáo Hội sẽ không hạn hẹp vào việc chữa lành các vết thương của mình,
mà là sẽ tìm cách đương đầu trực diện với sự dữ gây ra các chết từ từ của rất nhiều con người này,
về phương diện luân lý, tâm lý và nhân bản"
Anh chị em thân mến,
Được tràn đầy niềm vui và hy vọng được tỏa rạng từ dung nhan của Con Trẻ Thánh, năm nay chúng ta lại qui tụ để trao đổi những lời chúc mừng, nhắc nhở về tất cả những nỗi hân hoan cùng với những nỗ lực phấn đấu của thể giới chúng ta cũng như của Giáo Hội.
Tôi xin gửi đến anh chị em cùng các cộng sự viên của anh chị em, đến tất cả những ai phục vụ ở Giáo Triều này, đến các vị Đại Diện Giáo Hoàng và nhân viên của các Tòa Khâm Sứ khác nhau những lời chúc Giáng Sinh ân phúc tốt đẹp chân thành của tôi. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với việc dấn thân hằng ngày của anh chị em phục vụ Tòa Thánh, Giáo Hội và Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Cám ơn anh chị em rất nhiều! (Sau đó ngài vắn tắt chào đón ĐTGM Edgar Peña Parra người Venazuela, vị vừa thay thế vai trò Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh hôm 15/10/2018).
Giáng Sinh làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui và làm cho chúng ta tin rằng không một tội nào sẽ to lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa; không một tác hành nào của chúng ta có thể ngăn cản được hừng đông của ánh sáng thần linh hiện lên ngời sáng trong tâm can con người. Lễ này mời gọi chúng ta canh tân lại quyết tâm truyền bá phúc âm hóa của chúng ta trong việc loan truyền Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và là ánh sáng của vũ trụ. Chúa Kitô, 'thánh hảo, vô trách cứ, vô tì vết' (Heb 7:26) không biết đến tội lỗi (cf. 2Cor 5:21), và chỉ đến để đền tội lỗi của dân (cf. Heb 2:17). Tuy nhiên, Giáo Hội, ấp ủ các tội nhân trong lòng mình, đồng thời cũng thánh hảo và luôn cần được thanh tẩy, liên lỉ đi theo con đường thống hối và canh tân. Giáo Hội 'tiến bước giữa những bách hại của trần gian cùng với những niềm an ủi của Thiên Chúa'" - giữa những thứ bách hại của tinh thần thuộc thế giới này và niềm an ủi của Thần Linh Thiên Chúa - "loan báo thập giá và cuộc tử nạn của Chúa cho tới khi Người đến (cf. 1Cor 11:26). Thế nhưng, bởi quyền năng của Chúa phục sinh, Giáo Hội được ban cho sức mạnh để, một cách nhẫn nại và yêu thương, chế ngự những hoạn nạn của mình và các khó khăn của mình, cả ở bên trong lẫn bên ngoài, nhờ đó Giáo Hội có thể, trung thành, bất chấp những bóng tối, tỏ cho thế giới thấy mầu nhiệm của Chúa, cho đến khi, cuối cùng, mầu nhiệm này được hoàn toàn tỏ hiện" (Lumen Gentium, 8).
Bằng niềm xác tín vững chắc là ánh sáng bao giờ cũng mãnh liệt hơn bóng tối, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về thứ ánh sáng liên kết Christmas (lần Chúa đến lần nhất trong thấp hèn) với the Parousia (lần đến thứ hai trong vinh quang của Người), là là thứ ánh sáng củng cố chúng ta với niềm hy vọng không làm thất vọng. Đó là niềm hy vọng nâng đỡ đời sống của mỗi người chúng ta, và chi phối tất cả lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Không có hy vọng thì Giáo Hội sẽ khó coi biết bao!
Chúa Giêsu được hạ sinh ở một hoàn cảnh xã hội, chính trị và tôn giáo đầy căng thẳng, bất ổn và mờ tối. Việc Người hạ sinh, được một số người trông đợi, nhưng một số khác loại trừ, thể hiện một thứ lý lẽ thần linh không ngăn chặn sự dữ mà là biến đổi nó nên thiện hảo một cách chầm chậm nhưng chắc chắn. Tuy nhiên, việc Người hạ sinh cũng cho thấy cái lý lẽ ác tính thậm chí biến đổi sự thiện thành sự dữ, để nhân loại sống trong thất vọng và tối tăm. "Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối, và tối tăm không át được ánh sáng" (Gioan 1:5).
Mỗi năm, Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa, được nhưng không ban cho toàn thể nhân loại, cho Giáo Hội và cách riêng cho chúng ta, những con người được thánh hiến, không tác động biệt lập với ý muốn của chúng ta, với việc cộng tác của chúng ta, với tự do của chúng ta và với những nỗ lực hằng ngày của chúng ta. Ơn cứu độ là một tặng ân, đúng thôi, thế nhưng lại là một ơn cứu độ cần phải được chấp nhận, yêu quí và trổ sinh hoa trái (cf. Mat 25:14-30). Là Kitô hữu nói chung và chúng ta nói riêng được Chúa xức dầu và thánh hóa, không có nghĩa là tác hành như một nhóm ưu tú, nghĩ rằng mình có Thiên Chúa trong túi của mình, mà là như những con người nhận biết rằng họ được Chúa yêu thương, cho dù chỉ là những tội nhân bất xứng. Những con người được thánh hiến chỉ là những người tôi tớ trong vườn nho của Chúa, thành phần phải giao nộp những gặt hái và chiếm được đúng lúc cho chủ nhân của vườn nho (cf. Mt 20:1-16).
Thánh Kinh và lịch sử Giáo Hội rõ ràng cho thấy rằng ngay cả thành phần được tuyển chọn thường có thể nghĩ tưởng và tác hành như thể họ là chủ nhân ông của ơn cứu độ chứ không phải là lãnh nhận nhân của ơn này, như vị giám sát của các mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là những thừa tác viên thấp hèn, như những kẻ thu giữ lộ phí chứ không phải là người tôi tớ phục vụ đàn chiên được trao phó cho họ chăm sóc.
Cũng quá thường xẩy ra nữa là, vì lòng quá nhiệt thành và lầm lẫn, thay vì theo Thiên Chúa, chúng ta lại đặt mình trước Ngài, như Thánh Phêrô, vị đã can gián Thày mình, nên đã bị Chúa Kitô quở trách thậm tệ nhất: "Hãy xéo đi, đồ Satan! Vì ngươi không nghĩ tưởng theo Thiên Chúa mà chỉ theo loài người thôi" (Mk 8:33).
Anh chị em thân mến,
Năm nay, trong cái thế giới hỗn loạn của chúng ta đây, con thuyền Giáo Hội đã cảm nghiệm thấy, và tiếp tục trải qua những giây phút khó khăn, và đã bị nghiêng ngả bởi những cơn gió mạnh và bão tố. Nhiều người đã cảm thấy cần đặt vấn đề với Chúa là Đấng dường như đang ngủ rằng: "Thày ơi, Thày không biết rằng chúng con đang gặp nguy biến hay sao?" (Mk 4:38). Những người khác, chán nản trước những tin tức cho biết, đã bị mất lòng tin tưởng và từ bỏ Giáo Hội. Còn có những người, vì lo sợ, tư lợi hay những mục đích khác, đã tìm cách tấn công Giáo Hội và làm trầm trọng thêm các thương tích của Giáo Hội. Rồi lại còn có những người không che giấu nỗi vui mừng khi thấy Giáo Hội bị tấn công mạnh. Tuy nhiên, còn nhiều, nhiều người khác nữa vẫn còn tiếp tục gắn bó với Giáo Hội, tin tưởng rằng "dù cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội" (Mt 16:18).
Trong khi đó Hiền Thê của Chúa Kitô vẫn tiến bước trong cuộc hành trình của mình giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa thành đạt và khốn khó từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Chắc chắn là những khốn khó từ bên trong bao giờ cũng là những khốn khó nhức nhối nhất và hủy hoại nhất.
Những đớn đau
Thật vậy, có nhiều nỗi đớn đau. Tất cả những người di dân, buộc phải xa lìa quê hương của mình và liều mạng, mất mạng, hay sống sót chỉ để gặp phải những cánh cửa đóng then cài, và những người anh chị em của mình trong gia đình nhân loại của chúng ta chỉ quan tâm đến lợi lộc và quyền lực chính trị! Tất cả chỉ vì sợ hãi và thành kiến! Tất cả những con người đó, nhất là những con trẻ chết đi từng ngày vì thiếu nước uống, lương thực và thuốc men! Tất cả đều nghèo khổ và bần cùng! Tất cả những thứ bạo lực nhắm vào thành phần mềm yếu và phụ nữ! Tất cả những thứ đe dọa của chiến tranh, bao gồm cả công khai hay không. Tất cả những giòng máu vô tội hằng ngày đổ ra! Tất cả những gì là bất nhân và dã man tàn bạo xẩy ra chung quanh chúng ta! Tất cả những con người thậm chí ngay đến ngày hôm nay đang bị hành hình theo phương pháp trong nhà giam của cảnh sát, nơi các nhà tù và ở các trại tị nạn nơi những phần đất khác nhau trên thế giới này!
Chúng ta cũng đang nghiệm thấy một thời đại mới của các vị tử đạo. Dường như cuộc bách hại dã man và tàn bạo của Đế Quốc Roma vẫn chưa chấm dứt. Một tân Nero luôn xuất hiện để đàn áp tín hữu chỉ vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô. Những nhóm cực đoan mới phát triển và nhắm vào các nhà thờ, các nơi thờ phượng, các thừa tác viên và các phần tử tín hữu. Các phe đảng và bè lũ mới và cũ sống bằng mối hận ghét và thù địch với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với thành phần tín hữu. Biết bao nhiêu Kitô hữu cho đến nay vẫn phải gánh chịu bách hại, loại trừ, kỳ thị và bất công khắp thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn hiên ngang tiếp tục chấp nhận cái chết hơn là chối bỏ Chúa Kitô. Khó khăn biết bao, thậm chí cho đến hôm nay, việc tự do được thực thi đức tin ở tất cả những phần đất trên thế giới, nơi mà tự do tôn giáo và tự do theo lương tâm không hiện hữu.
Gương anh hùng của các vị tử đạo và vô vàn Người Samaritanô nhân lành - giới trẻ, gia đình, các phong trào bác ái và tình nguyện viên, và rất nhiều cá nhân tín hữu cùng tận hiến tu trì - dầu sao cũng không thể nào làm cho chúng ta bỏ qua những phản chứng và gương mù gây ra bởi một số con cái và thừa tác viên của Giáo Hội.
Ở đây tôi sẽ nói đến hai cái họa đó là họa lạm dụng và họa bất trung.
Có thời Giáo Hội đã từng quyết tâm loại trừ sự dữ lạm dụng này, một thứ lạm dụng đòi Thiên Chúa báo oán, thứ lạm dụng phạm đến Thiên Chúa là Đấng luôn nghĩ đến cái đau khổ gây ra cho nhiều thiếu niên bởi các vị giáo sĩ và những con người tận hiến tu trì: những thứ lạm dụng về quyền bính và lương tâm cũng như các thứ lạm dụng về tình dục.
Theo những suy tư của mình về đề tài nhức nhối này, tôi đã nghĩ đến Vua Đavít - một vị được "Chúa xức dầu" (cf. 1 Sam 16:13; 2 Sam11-12). Ngài, vị tổ phụ của Con Trẻ Thánh cũng được gọi là "con vua Đavít", được tuyển chọn, cho làm vua và được Chúa xức dầu. Thế mà ngài đã phạm một tội tam diện, 3 thứ lạm dụng nghiêm trọng một lúc: "lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền bính và lạm dụng lương tâm". Ba hình thức lạm dụng tách biệt này dù sao cũng đồng qui và chồng chéo lên nhau.
Như chúng ta đều biết câu chuyện được bắt đầu khi vị vua này, cho dù là một tinh binh, vẫn ở nhà thanh thơi, thay vì ra trận với dân Chúa. Vua Đavit đã lợi dụng vị thế làm vua của mình, cho những gì thuận lợi và ích lợi của mình (lạm dụng quyền bính). Là vị được Chúa xức dầu nhưng vua lại làm theo những gì ngài muốn, nên đã gây ra tình trạng suy thoái về luân lý bất khả chống cưỡng và yếu mềm về lương tâm. Chính ở trong tình trạng như thế mà từ trên dinh thượng vua thấy Betsaiba, vợ của Uria người Hittite, đang tắm (cf 2Sam 11) và lấy làm thèm khát nàng. Vua đã vời nàng tới và cả 2 nằm với nhau (thêm chuyện lạm dụng quyền bính cùng với lạm dụng tình dục). Vua lạm dụng một người đàn bà có gia đình mà chồng lại vắng mặt, và để bao che tội lỗi của mình, vua cho triệu Uria về, rồi tìm cách làm cho người này về đêm nằm với vợ mà bất thành. Sau đó vua truyền lệnh cho vị chỉ huy quân đội của mình gài Uria vào chỗ chết nơi trận chiến (một lạm dụng quyền lực nữa, kèm theo lạm dụng lương tâm). Cái giây chuyền tội lỗi này chẳng bao lâu lan tỏa ra và mau chóng trở thành một màng lưới băng hoại. Vua ở nhà và coi như bình thường.
Những tia lửa uể oải và xác thịt, và "không tỉnh thức" là những gì châm ngòi cho cái giây chuyền quỉ quái của những trọng tội: ngoại tình, gian dối và sát nhân. Nghĩ rằng mình là vua, mình có quyền và có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà Vua Đavít đã đánh lừa người chồng của Betsabê, đánh lừa dân của mình, đánh lứa chính mình và thậm chí cả Thiên Chúa. Vua bỏ bê mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, bất tuân các mệnh lệnh thần linh, tác hại đến tính liêm khiết về luân lý của vua mà thậm chí không cảm thấy mình tội lỗi. Đấng "xức dầu" này tiếp tục thực thi sứ vụ của mình như thể chẳng có gì xẩy ra. Mối quan tâm của vua là bảo tồn hình ảnh của mình, tạo dáng của mình. Vì "những ai nghĩ mình không phạm trọng tội phạm đến lề luật Chúa có thể rơi vào một tình trạng hôn mê lú lẫn. Vì họ không thấy gì trầm trọng để khiển trách bản thân mình, họ không nhận ra rằng đời sống thiêng liêng của họ từ từ trở nên hâm hâm dở dở. Họ tiến tới chỗ suy yếu và băng hoại" (Gaudete et Exsultate, 164
). Từ tình trạng tội lỗi, bấy giờ họ trở thành băng hoại.
Ngày nay cũng thế, cũng có những nam nhân được thánh hiến, "vị được Chúa xức dầu", thành phần lạm dụng kẻ mềm yếu, lợi dụng vị thế của mình và quyền lực của mình để chinh phục. Họ thực hiện những tác động kinh tởm mà vẫn cứ tiếp tục thi hành thừa tác vụ của mình như thể chẳng có gì xẩy ra. Họ không kính sợ Thiên Chúa hay phán quyết của Ngài, cho đến khi bị khám phá ra và bại lộ. Các thừa tác viên đang xâu xé thân mình của Giáo Hội, khi gây nên những gương mù và làm mất uy tín của Giáo Hội trong sứ vụ cứu độ và gây ra những hy sinh cho rất nhiều những người anh em của mình.
Cả ngày nay nữa, cũng có nhiều Đavít, thành phần không nháy mắt, tiến vào mạng lưới băng hoại và phản bội Thiên Chúa, phản bội các giới răn của Ngài, phản bội ơn gọi của họ, phản bội Giáo Hội, với dân Chúa và lòng tin tưởng của những thiếu niên cùng gia đình của họ. Thường thì ở đằng sau cái dễ thương vô cùng của họ, hoạt động bất khả trách và gương mặt thiên thần của mình, họ vô liêm sỉ che đậy một con sói đồi bại sẵn sàng nuốt sống các tâm hồn vô tội.
Những thứ tội lỗi và tội ác của thành phần được thánh hiến còn bị lem luốc hơn nữa bởi sự bất trung và hổ thẹn; họ bóp méo dung nhan của Giáo Hội và làm suy hại đến uy tín của Giáo Hội. Chính Giáo Hội, cùng với thành phần con cái của mình, cũng là một nạn nhân của những tác động bất trung và những tội lỗi "biển thủ" thực sự này.
Anh chị em thân mến,
Cần phải minh tường rằng trước những cái ghê tởm này, Giáo Hội sẽ không trừ một nỗ lực nào cần phải làm để đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm những tội ác như vậy. Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách bưng bít hay coi thường bất cứ trường hợp nào. Không thể chối cãi được rằng trong quá khứ có một số tỏ ra thiếu trách nhiệm, thiếu tin tưởng, thiếu huấn luyện, thiếu kinh nghiệm - chúng ta cần phán xét quá khứ bằng những diễn giải của quá khứ - hay bị cận thị về phương diện thiêng liêng và nhân bản, đã không hành sử nhiều trường hợp một cách nghiêm cẩn và đâu vào đấy cho xứng đáng. Điều ấy không bao giờ được tái diễn nữa. Đó là việc chọn lựa và quyết định của toàn thể Giáo Hội.
Tháng Hai tới đây, Giáo Hội sẽ lập lại quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc theo đuổi con đường thanh tẩy một cách cởi mở. Giáo Hội sẽ đặt vấn đề, với sự trợ giúp của các chuyên gia, cách hay nhất để bảo vệ trẻ em ra sao, để tránh được những thảm họa này, để chữa lành và phục hồi các nạn nhân, và để cải tiến việc huấn luyện trong các chủng viện. Một nỗ lực sẽ được thực hiện để làm cho các lỗi lầm quá khứ thành cơ hội loại trừ đi các thảm họa ấy, chẳng những khỏi thân mình của Giáo Hội mà còn khỏi thân mình của xã hội nữa. Vì nếu thảm trạng trầm trọng này liên quan đến một số thừa tác viên thánh hiến nào đó, chúng ta có thể hỏi nó được bắt nguồn sâu xa như thế nào trong xã hội của chúng ta cũng như trong gia đình của chúng ta. Tóm lại, Giáo Hội sẽ không hạn hẹp vào việc chữa lành các vết thương của mình, mà là sẽ tìm cách đương đầu trực diện với sự dữ gây ra các chết từ từ của rất nhiều con người này, về phương diện luân lý, tâm lý và nhân bản.
Anh chị em thân mến,
Trong việc bàn về cái họa này, một số người trong Giáo Hội đã trách cứ một số chuyên viên truyền thông, tố cáo họ bỏ qua đa số trường hợp lạm dụng tình dục tràn ngập không gây ra bởi giáo sĩ - thống kê cho biết là trên 95% - và tố cáo họ có chủ ý muốn gây một ấn tượng sai lầm là sự dữ này chỉ liên quan tới Giáo Hội Công giáo thôi. Bản thân tôi xin chân thành cám ơn những chuyên viên truyền thông đại chúng đã chân thành cùng khách quan và tìm cách lột trần những con thú ăn thịt người này, đồng thời làm vang tiếng nói của thành phần nạn nhân. Ngay cả khi chỉ liên quan đến một trường hợp lạm dụng chăng nữa (một điều tự nó quái dị), Giáo Hội cũng xin dân chúng đừng thinh lặng mà hãy khách quan đưa ra ánh sáng, vì cái tệ hại càng lớn hơn nữa trong vấn đề này là cái tệ hại che đậy sự thật.
Tất cả chúng ta nên nhớ rằng chỉ cho tới khi vua Đavít gặp tiên tri Nathan vua mới hiểu được cái nghiêm trọng của tội lỗi vua phạm. Ngày nay chúng ta cần đến nhũng Nathan mới để giúp cho rất nhiều Đavít tỉnh giấc khỏi một đời sống giả hình và bại hoại. Xin làm ơn giúp cho Mẹ Giáo Hội trong công việc khó khăn của mình nhận ra những trường hợp thật khỏi những trường hợp giả, những tố cáo khỏi sự vu cáo, những trách móc khỏi những luồn lách, việc đồn đoán khỏi sự phỉ báng. Đây không phải là việc dễ làm, vì kẻ có tội có thể khéo léo che đậy những dấu vết của mình, cho đến độ nhiều người vợ, người mẹ và em gái không thể nào có thể khám phá ra họ ở ngay nơi những ai gần gũi với họ nhất: người chồng, bõ đỡ đầu, chú cậu, anh em, hàng xóm, thày dạy và những ai tương tự như thế. Cả thành phần nạn nhân nữa, thành phần được cẩn thận chọn lựa bởi những con thú ăn thịt người của họ, cũng thường thích giữ thinh lặng và sống trong sợ hãi thẹn thùng cùng với tâm trạng kinh hãi bị loại trừ.
Tôi muốn ngỏ lời với những ai lạm dụng thiếu niên là hãy hoán cải và hãy nộp mình cho công lý của loài người, và hãy sửa soạn cho công lý của Thiên Chúa. Hãy nhớ lời của Chúa Kitô: "Kẻ nào gây cho một trong những kẻ bé mọn đang tin vào Ta đây phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển thì hơn. Khốn cho thế gian vì có gương mù! Gương mù cần phải xẩy ra, nhưng khốn cho kẻ nào gây ra gương mù" (Mt 18:6-7).
Anh chị em thân mến,
Giờ đây tôi nói đến một thảm họa khác, đó là sự bất trung của những ai phản bội ơn gọi của mình, lời thề hứa của mình, sứ vụ của mình và việc thánh hiến của mình cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội. Họ che đậy ở đằng sau những ý hướng tốt lành để đâm chém anh chị em mình sau lưng và gieo rắc cỏ lùng, chia rẽ và hoang mang. Họ luôn tìm cách chữa tội, những thứ chữa tội về mặt tri thức và ngay cả về mặt thiêng liêng, để bình tâm tiến bước theo đường lối hư hoại.
Điều này chẳng phải là điều gì mới mẻ trong Giáo Hội. Thánh Âu Quốc Tinh, khi nói về hạt giống tốt và cỏ lùng đã cho biết: "Thưa anh em, có lẽ anh em tin rằng cỏ lùng không thể xuất phát ngay cả ở trên các tòa giám mục hay sao? Có lẽ anh em tin rằng có lùng ấy chỉ thấy ở nơi thấp hơn chứ không phải ở nơi cao hơn? Mong rằng chúng ta không phải là cỏ lùng!... Ngay cả trên tòa giám mục cũng có cả hạt giống tốt lẫn cỏ lùng; ngay trong các cộng đồng tín hữu khác nhau cũng có cả hạt giống tốt và cỏ lùng" (Serm. 73, 4: PL 38, 472).
Những lời này của Thánh Âu Quốc Tinh thúc đẩy chúng ta nhớ lại câu châm ngôn: "Con đường dẫn xuống hỏa ngục được lót trải bằng những ý hướng tốt lành". Chúng giúp chúng ta nhận thức rằng Tên Cám Dỗ, Tên Đại Cáo, là tên gây chia rẽ, gieo bất hòa, gài thù hận, thuyết phục con cái Chúa và khiến họ ngờ vực.
Ở đằng sau thành phần gieo cỏ lùng này, chúng ta luôn thấy 30 đồng bạc. Hình ảnh về Đavít như thế đưa chúng ta đến hình ảnh về Giuđa Íchca, một con người khác được Chúa chọn lại đi bán Thày mình và trao nộp Người cho tử thần. Tội nhân Đavít và Giuđa Íchca bao giờ cũng vẫn còn tồn tại trong Giáo Hội, vì họ tiêu biểu cho nỗi yếu hèn vốn thuộc về thân phận của con người. Họ là hình ảnh của các thứ tội lỗi và tội ác gây ra bởi những ai được tuyển chọn và thánh hiến. Tuy liên kết nơi tính cách trầm trọng về tội lỗi của mình, họ vẫn khác nhau ở việc hoán cải. Đavít đã hóan cải, tin tưởng vào lòng thương xót Chúa; Giuđa treo cổ tự vẫn.
Bởi vậy, tất cả chúng ta, để làm cho ánh sáng của Chúa Kitô được tỏ rạng, đều có nhiệm vụ chiến đấu với tất cả những gì là băng hoại thiêng liêng, một thứ bằng hoại "còn tệ hơn cả việc sa ngã của tội nhân, vì nó là một hình thức thoải mái và tự mãn mù quáng. Do đó nên tất cả mọi sự đều khả chấp: lừa đảo, vu khống, tự đại và các hình thức qui ngã xảo quyệt khác, vì 'ngay cả Satan cũng xuất hiện như một thiên thần sáng láng' (2Cor 11:14). Solomon đã kết thúc cuộc đời của mình trong vinh quang như vậy, trong khi Đavít, một con người vấp phạm cả thể, đã có thể bù đắp cho tình trạng ô nhục của mình" (Gaudete et Exsultate, 165
).
Những niềm vui
Giờ đây chúng ta tiến đến với các niềm vui. Có nhiều niềm vui trong năm qua. Chẳng hạn: thành quả của Thượng Nghị về giới trẻ, như Đức Hồng Y Niên Trưởng đã đề cập đến. Rồi đến tiến trình được thực hiện để cải cách Tòa Thánh. Nhiều người đang đặt vấn đề là khi nào thì việc cải cách này xong. Nó sẽ chẳng bao giờ xong, nhưng các bước tiến đã diễn ra tốt đẹp. Chẳng hạn, các nỗ lực được thực hiện để đạt tới tính cách rõ ràng và trong sáng nơi các sự vụ về tiền bạc; hoạt động đáng ca ngợi của Văn Phòng Tổng Thanh Tra và của AIF (Autorità di Informazione Finanziaria - Cơ Quan Giám Sát Tiền Bạc), các kết quả tốt đẹp IOR (The Institute for Works of Religion - cơ quan vẫn thường được gọi là Nhà Băng Vatican) đạt được; Bộ Luật mới của Quốc Đô Vatican;Sắc Lệnh về Lao Động ở Vatican, và nhiều thành quả khác ít được trông thấy. Khi nói đến các niềm vui, chúng ta có thể nghĩ đến các tân Chân Phước và Hiển Thánh là những "viên đá quí báu" trang hoàng dung nhan của Giáo Hội và tỏa rạng niềm hy vọng, niềm tin và ánh sáng trên thế giới của chúng ta. Ở đây cần phải đề cập tới 19 vị tử đạo gần đây ở Algeria: "19 sự sống được cống hiến vì Chúa Kitô, vì Phúc Âm của Người và vì nhân dân Algeria... những mẫu gương thánh đức hằng ngày, sự thánh đức của 'những vị thánh cạnh nhà'" (Thomas Georgeon, “Nel segno della fraternità”, L’Osservatore Romano, 8 December 2018, p. 6). Chưa hết, rất nhiều tín hữu hằng năm lãnh nhận phép rửa, nhờ đó làm mới lại nét trẻ trung của Giáo Hội như một người mẹ mắn con, và nhiều con cái của Giáo Hội trở về tái liên kết với đức tin và đời sống Kitô giáo. Tất cả những gia đình và cha mẹ coi trọng đức tin của mình và hằng ngày truyền đạt cho con cái của mình niềm vui của tình họ yêu thương (cf. Amoris Laetitia
, 259-290). Và chứng từ được rất nhiều giới trẻ cống hiến, thành phần can đảm chọn sống đời tận hiến tu trì và thiên chức linh mục.
Một lý do chân chính khác cho niềm vui nữa đó là rất nhiều con người nam nữ sống đời tận hiến tu trì, nhiều giám mục và linh mục, những con người hằng ngày sống ơn gọi của mình một cách trung thành, thầm lặng, thánh hảo và bỏ mình. Các vị là những con người chiếu tỏa bóng tối của nhân loại bằng chứng từ đức tin, đức cậy và đức mến của mình. Những con người hoạt động một cách nhẫn nại, vì tình yêu mến Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, cho người nghèo, cho thành phần bị đàn áp và hèn mọn nhất trong anh chị em của chúng ta; họ không tìm cách xuất hiện ở những trang nhất của những tờ nhật báo, hay nhận lấy những thứ quí mến. Bỏ lại tất cả và cống hiến đời mình, họ mang ánh sáng đức tin tới bất cứ nơi nào Chúa Kitô bị bỏ rơi, đói khát, tù đầy và trần trụi (cf. Mt 25:31-46). Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều vị linh mục coi xứ hằng ngày nêu gương lành cho dân Chúa, những vị linh mục gần gũi với các gia đình, những vị biết tên của hết mọi người và sống cuộc đời thanh đạm, tin tưởng, nhiệt thành, thánh đức và bác ái. Các vị bị truyền thông đại chúng quên lãng, thế nhưng nếu không có các vị thì tối tăm sẽ bao trùm thống trị.
Anh chị em thân mến,
Nói đến ánh sáng, các mối họa, Đavít và Giuđa, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một nhận thức đang gia tăng cần phải dẫn đến chỗ cần phải tỉnh thức và bảo vệ nơi những ai được ủy thác cho việc quản trị các cơ cấu của Giáo Hội và đời sống tận hiến tu trì. Thật vậy, sức mạnh của bất cứ tổ chức nào không lệ thuộc vào việc nó bao gồm những con người nam nữ hoàn hảo (một điều bất khả!), mà là vào việc nó sẵn sàng được liên lỉ thanh tẩy, vào khả năng nó khiêm tốn nhận biết các sai lầm của mình và chỉnh sửa chúng; và vào khả năng vùng lên sau khi sa phạm. Nó lệ thuộc vào việc thấy ánh sáng Giáng Sinh chiếu tỏa ra từ máng cỏ ở Bêlem, vào việc bước đi trên những con đường lịch sử để cuối cùng tiến đến cuộc quang lâm của Chúa Kitô.
Vậy chúng ta cần mở lòng của chúng ta ra trước ánh sáng chân thật là Chúa Giêsu Kitô. Người là thứ ánh sáng có thể chiếu soi cuộc đời và biến tối tăm của chúng ta thành ánh sáng; thứ ánh sáng của sự thiện hảo chế ngự sự dữ; thứ ánh sáng của yêu thương chế ngự hận thù; thứ ánh sáng của sự sống thắng vượt sự chết; thứ ánh sáng thần linh biến hết mọi sự và hết mọi người thành ánh sáng. Người là ánh sáng của Thiên Chúa chúng ta: vừa nghèo lại vừa giầu, vừa thương xót lại vừa công minh, vừa hiện hữu lại vừa ẩn khuất, vừa nhỏ bé lại vừa cao cả.
Chúng ta hãy nhớ câu nói sáng ngời này của Thánh Macarius Cả, một vị Tổ Phụ Sa Mạc ở thế kỷ thứ 4, về Giáng Sinh: "Thiên Chúa biến mình thành nhỏ bé! Đấng bất khả tiến lại gần và tự hữu, nơi lòng thiện hảo vô biên và bất khả xóa mờ của mình, đã mặc lấy một thân thể và biến mình thành nhỏ bé. Theo lòng nhân lành của mình, Ngài đã hạ mình xuống khỏi vinh hiển của Ngài. Không ai ở trên trời hay ở trên trái đất này có thể thấu suốt được sự cao cả của Thiên Chúa, và không ai ở trên trời hay trên trái đất này có thể thấu biết được làm sao Thiên Chúa lại biến mình thành nghèo nàn và nhỏ bé cho người nghèo và người bé nhỏ. Sự cao cả của Ngài bất khả thấu thế nào thì việc bé nhỏ của Ngài cũng vậy" (cf. Ps.-Macarius, Homilies IV, 9-10; XXII, 7: PG 34: 479-480; 737-738).
Chúng ta hãy nhớ rằng Giáng Sinh là lễ của "vị Thiên Chúa cao cả đã biến mình thành nhỏ bé và nơi thân phận bé nhỏ của mình vẫn không thôi cao cả. Và trong vấn đề biện chứng về cao cả và nhỏ bé này, chúng ta thấy được nỗi êm ái dịu dàng của Thiên Chúa. Một chữ mà thế tục luôn cố gắng loại ra khỏi tự điểm đó là chữ êm ái dịu dàng. Vị Thiên Chúa cao cả trở thành nhỏ bé, Đấng cao cả và vẫn tiếp tục trở nên bé nhỏ" (cf. Homily in Santa Marta, 14 December 2017; Homily in Santa Marta, 25 April 2013
).
Mỗi năm, Giáng Sinh cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ tiếp tục chiếu soi, bất chấp tình trạng khốn cùng của con người. Nó cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng Giáo Hội sẽ vươn lên từ những gian nan hoạn nạn này tất cả những gì là mỹ miều, thanh tẩy và rạng ngời hơn nữa. Tất cả mọi tội lỗi và sa phạm cùng sự dữ do một số con cái của Giáo Hội vấp phạm sẽ chẳng bao giờ có thể làm nhạt nhòa vẻ đẹp trên dung nhan của Giáo Hội. Thật vậy, chúng thậm chí là một chứng cớ vững chắc cho thấy sức mạnh của Giáo Hội không lệ thuộc vào chúng ta mà tối hậu vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế và là ánh sáng của vũ trụ, Đấng đã yêu thương Giáo Hội và hiến sự sống mình cho Giáo Hội là Hiền Thê của Người.Giáng Sinh cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng những sự dữ trầm trọng xâm nhập vào qua một số người không bao giờ có thể bao phủ tất cả sự thiện hảo Giáo Hội đã tự nguyện hoàn thành được trên thế giới này. Giáng Sinh cống hiến niềm tin tưởng rằng sức mạnh thực sự của Giáo Hội và của những gì chúng ta nỗ lực hằng ngày, rất thường ẩn khuất, - như ở Giáo Triều này, với các vị thánh của mình -, là ở nơi Thánh Linh, Đấng dẫn dắt và bảo vệ Giáo Hội qua mọi thế hệ, biến ngay cả tội lỗi thành cơ hội tha thứ, thất bại thành cơ hội canh tân, và sự dữ thành cơ hội thanh tẩy và vinh thắng.
Xin cám ơn anh chị em rất nhiều và chúc tất cả mọi người một Giáng Sinh Vui Vẻ Hạnh Phúc!
(sau khi ban phép lành kết thúc, ngài nói tiếp:)
Cả năm nay nữa, tôi xin để lại cho anh chị em một quà tặng nho nhỏ. Nó là một thứ cổ điển: Tiểu Luận về Thần Học Khổ Chế và Thần Bí của Tanquerey, theo ấn bản tiếng Ý mới đây, được biên soạn bởi Đức Giám Mục Phụ Tá Roma Libanori soạn và bởi Cha Forlai, linh hướng Chủng Viện Roma. Tôi nghĩ rằng nó là một tác phẩm hay. Đừng đọc nó từ đầu đến cuối, mà hãy xem nhân đức này hay nhân đức nọ, cách sắp xếp hay ngôn từ... Nó sẽ giúp ích cho chúng ta, cho việc canh tân của bản thân cũng như của Giáo Hội. Nó là quà tặng cho anh chị em!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Xin xem toàn bộ biến cố trao đổi chúc mừng Giáng Sinh ở Tòa Thánh năm 2018 này ở cái link video dưới đây: