ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ -ĐTC HUẤN TỪ CN28TN-A
- Details
- Category: 7. Đời Sống Mới Trong Thần Khí
-
Tinh CaoSun, Oct 11 at 9:35 AM
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm A
Bằng trình thuật về Dụ ngôn Tiệc cưới trong đoạn Phúc Âm hôm nay (cf. Mt 22:1-14),
Chúa Giêsu nói lên dự án Thiên Chúa đã phác họa ra cho nhân loại.
Đó là cách thức phản ứng của Thiên Chúa:
khi Ngài bị loại trừ, thay vì bỏ cuộc, Ngài lại bắt đầu lại và muốn mời gọi tất cả những ai ở ngoài đường phố, không trừ một ai.
Không ai bị loại trừ khỏi nhà của Thiên Chúa.
Việc chấp nhận lời mời gọi chưa đủ để theo Chúa; người ta cần phải hướng tới một hành trình hoán cải, cuộc hành trình thay đổi tâm can nữa.
Tấm áo thương xót, được Thiên Chúa không ngừng cống hiến cho chúng ta, là tặng ân nhưng không của tình yêu Ngài; nó chính là ân sủng.
Xin chào anh chị em thân mến!
Bằng trình thuật về Dụ ngôn Tiệc cưới trong đoạn Phúc Âm hôm nay (cf. Mt 22:1-14), Chúa Giêsu nói lên dự án Thiên Chúa đã phác họa ra cho nhân loại. Vị vua "thiết đãi tiệc cưới cho con mình (câu 2) là hình ảnh Chúa Cha, Đấng sửa soạn cho toàn thể gia đình nhân loại một niềm vui tuyệt vời yêu thương, cùng mối hiệp thông với Người Con duy nhất của Ngài. Hai lần vị vua này sai các đầy tớ đi mời gọi các khách được mời, nhưng đều bị họ từ chối; họ không muốn thứ tiệc này, vì họ có lo đến những thứ khác: ruộng vườn và buôn bán. Chúng ta cũng rất thường coi những thích thú cùng với các thứ vật chất trước Chúa là Đấng mời gọi chúng ta - mà Ngài mới gọi chúng ta đền dự một bữa tiệc. Tuy nhiên, vị vua trong dụ ngôn này không muốn phòng tiệc trống rỗng, vì ông muốn cống hiến các kho tàng nơi vương quốc của Ngài. Bởi vậy ông đã nói với các đầy tớ của ông rằng: "Thôi thì các ngươi hãy ra khắp đường phố mà mời đến tiệc cưới bao nhiêu người các người thấy" (câu 9). Đó là cách thức phản ứng của Thiên Chúa: khi Ngài bị loại trừ, thay vì bỏ cuộc, Ngài lại bắt đầu lại và muốn mời gọi tất cả những ai ở ngoài đường phố, không trừ một ai. Không ai bị loại trừ khỏi nhà của Thiên Chúa.
Từ ngữ chính yếu được Thánh ký Mathêu sử dụng liên quan đến các cùng tận của các con đường, hay những tận điểm của các đường phố và các con đường dẫn đến vùng làng mạc, bên ngoài vùng dân cư, những nơi cuộc sống bấp bênh bất ổn. Vị vua trong dụ ngôn sai các đầy tớ của mình đến với chính thứ nhân loại ở ngoài đường phố này, tin tưởng tìm thấy những con người muốn đến dự bữa tiệc cưới. Vậy là phòng tiệc tràn đầy "thành phần bị loại trừ", những ai "ở bên ngoài" dường như không bao giờ xứng đáng để tham dự một bữa tiệc, một bữa tiệc cưới. Thật vậy, vị chủ tiệc này, vị vua ấy, bảo các sứ giả rằng: "Hãy mời gọi hết mọi người, cả tốt lẫn xầu. Hết mọi người!". Thiên Chúa thậm chí mời gọi cả những ai xấu nữa. "Không, tôi là kẻ xấu xa; tôi đã làm nhiều điều bậy bạ..." Ngài mới gọi anh chị em: "Hãy đến, cứ đến, cứ đến!" Chúa Giêsu đã dùng bữa với thành phần thu thuế, những con người tội lỗi trước mặt công chúng; họ thật là xấu xa. Thiên Chúa không sợ những thứ tâm trí bị tổn thương bởi nhiều thứ hung ác tàn bạo của chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta. Giáo Hội được kêu gọi để vươn tới những đường phố thường nhật, tức là tới những vùng sâu vùng xa về địa lý cũng như về cuộc sống, những nơi chốn ở ngoài lề xã hội, các tình trạng của những ai cắm lều sinh sống và là những thành phần dư thừa vô vọng của đời sống nhân loại. Đó là không phải là vấn đề ổn định thoải mái, cùng với những đường lối quen thuộc trong việc truyền bá phúc âm hóa và chứng từ đức ái, mà là mở cửa lòng của chúng ta cũng như cộng động của chúng ta ra cho hết mọi người, vì Phúc Âm không chỉ giành riêng cho một thiểu số ứu tú. Thậm chí cả những ai sống bên lề xã hội, những ai bị xã hội loại trừ tẩy chay và khinh khi miệt thị, đều được Thiên Chúa coi là xứng đáng với tình yêu thương của Ngài. Ngài dọn bữa tiệc cho hết mọi người: chính nhân cũng như tội nhân, kẻ tốt cũng như kẻ xấu, trí thức cũng như thất học.
Tối hôm qua, tôi đã có thể gọi điện thoại cho một vị linh mục lão thành Ý quốc, một vị thừa sai ở Ba Tây từ khi còn trẻ, nhưng luôn hoạt động với thành phần bị loại trừ, với người nghèo. Ngài đang sống bình an tuổi già của ngài: ngài đã thiêu rụi cuộc đời của mình cho người nghèo. Đó là Giáo Hội Mẹ của chúng ta; đó là vị sứ giả của Thiên Chúa ra đi đến các giao lộ.
Tuy nhiên, Chúa vẫn đặt một điều kiện, đó là mặc chiếc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại với bài dụ ngôn. Khi phòng tiệc đầy rồi thì vị vua đến chào mừng các vị khách cuối cùng, thế nhưng ông thấy một người trong họ không mặc áo cưới, một thứ áo choàng cụt tay nhỏ mà mỗi vị khách nhận được như quà tặng ở cửa vào. Dân chúng đã đến như họ đã ăn mặc, như họ đã có thể phục sức; họ không trang sức kiểu tham dự hội hè. Thế nhưng, ở cửa vào, họ được cống hiến cho một chiếc áo choàng nhỏ, một tặng ân. Con người ấy, vì loại trừ tặng ân nhưng không này, đã tự loại trừ bản thân mình: vị vua chỉ còn biết tống anh ta ra ngoài. Con người này đã chấp nhận lời mời gọi, nhưng rồi đã cho rằng nó chẳng có nghĩa lý gì với mình: anh ta là một con người tự mãn; anh ta không muốn thay đổi hay để cho Chúa đổi thay anh ta. Chiếc áo cưới - tấm áo choàng nhỏ này - biểu hiệu cho lòng thương xót Thiên Chúa nhưng không cống hiến cho chúng ta, tức là ân sủng của Ngài. Không có ân sủng, chúng ta không thể tiến bước trong đời sống Kitô hữu. Tất cả là hồng ân. Việc chấp nhận lời mời gọi chưa đủ để theo Chúa; người ta cần phải hướng tới một hành trình hoán cải, cuộc hành trình thay đổi tâm can nữa. Tấm áo thương xót, được Thiên Chúa không ngừng cống hiến cho chúng ta, là tặng ân nhưng không của tình yêu Ngài; nó chính là ân sủng. Nó đòi phải được đón nhận một cách ngỡ ngàng và hân hoan: "Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã ban cho con tặng ân này".
Xin Đức Maria Rất Thánh giúp chúng ta noi gương bắt chước thành phần đầy tớ trong dụ ngôn của Phúc Âm, bằng việc ra khỏi những thứ khung cảnh sống của chúng ta cùng với các thứ quan niệm thiện cận của chúng ta, để loan báo cho hết mọi người rằng Chúa mời gọi chúng ta đến dự tiệc của Ngài, để cống hiến cho chúng ta ơn cứu độ của Ngài, cống hiến cho chúng ta tặng ân của Ngài.
(Sau Kinh Truyền Tin, trong số các điều khác, như hỏa hoạn khắp nơi, hay ngưng bắn, hoặc tân chân phước v.v., ngài nói đến ý chỉ của ngài trong Tháng 10/2020 như sau:)
Anh chị em thân mến,
Tôi xin nhắc lại ý cầu nguyện tôi giành cho Thánh Mười này, đó là: "Chúng ta hãy cầu cho tín hữu giáo dân, nhất là nữ giới, bởi phép rửa đã lãnh nhận, biết tham gia hơn nữa vào các lãnh vực hữu trách trong Giáo Hội". Vì không ai trong chúng ta được rửa tội mà là linh mục hay giám mục: tất cả chúng ta được rửa tôi như là một giáo dân, nam cũng như nữ. Giáo dân đóng vai chính của Giáo Hội. Ngày nay cần mở rộng chỗ cho sự hiện diện của nữ giới một cách sống động hơn nữa trong Giáo Hội, và cho một sự hiện diện của một nữ giáo dân, nhưng theo chiều kích của nữ giới, vì nói chung phụ nữ bị loại ra ngoài. Chúng ta cần phải cổ võ việc hội nhập của nữ giới vào những vị trí có những quyết định quan trọng. Chúng ta hãy cầu nguyện, để, bởi phép rửa, thành phần giáo dân, nhất là nữ giới, được tham phần hơn nữa vào những cơ cấu trách nhiệm trong Giáo Hội, mà không dính liền với chủ nghĩa giáo sĩ trị, làm hủy hoại đặc sủng giáo dân, cũng như làm mờ nhật dung nhan của Mẹ Hội Thánh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu