ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - ĐTC HUẤN TỪ CN12TN-B

  •  
    Tinh Cao
     
     

     

    ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B

     

    Thân ái chào anh chị em,

    Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Mk 6:1-6) nói với chúng ta về tình trạng bất tin tưởng của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng ở các làng mạc khác của xứ Galilêa, Chúa Giêsu đã trở về Nazarét, nơi Người đã khôn lớn với Mẹ Maria và Bõ Giuse; và vào ngày hưu lễ, Người bắt đầu giảng trong hội đường. Nhiều người lắng nghe Người xì xèo với nhau rằng: Bởi đâu hắnlại khôn ngoan như thể nhỉ? Hắn chẳng phải là con bác thợ mộc và bà Maria, những người dân làng quá quen thuộc của chúng ta hay sao?" (vv.1-3). Đối lại với phản ứng này, Chúa Giêsu đã khẳng định sự thật đã từng trở thành một lời nói khôn ngoan phổ thông, đó là "một vị tiên tri không được trân trọng ở quê hương xứ sở của mình, nơi họ hàng của mình và nơi gia đình của mình" (v.4). Chúng ta đã từng nói điều này nhiều lần...

    Chúng ta hãy suy nghĩ về thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ đã quen biết Chúa Giêsu, nhưng họ đã không nhận biết Người. Đó là những gì khác biệt giữa quen biết và nhận biết. Thật vậy, tính chất khác biệt này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể hiểu biết những điều khác nhau về một con người nào đó, có được một ý nghĩ nào đó về người ấy, dựa vào những gì người khác nói về người ấy, chúng ta có lẽ còn gặp được người ấy hết lúc này đến lúc khác trong khu xóm của mình; thế nhưng, tất cả những điều ấy vẫn chưa đủ. Đó mới là một thứ kiến thức thôi, theo tôi, mới là những gì bình thường, nông cạn, những gì chưa có tính chất nhận biết về cái đặc thù của con người đó. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ này, đó là chúng ta nghĩ chúng ta biết nhiều về một người nào đó, một con người thậm chí tệ hại, chúng ta sử dụng những nhãn hiệu này nọ để gán ghép cho họ, và nhốt họ vào trong những gì là thành kiến của chúng ta. Những người đồng hương của Chúa Giêsu đã quen biết Người 30 năm trời vẫn cứ như thế, nên họ cứ tưởng họ đã biết hết mọi sự! "Vậy thì thằng nhỏ này không phải là đứa bé chúng ta đã từng thấy khôn lớn, người con trai của bác thợ mộc và bà Maria hay sao? Những điều này từ đâu mà có chứ?" Tâm trạng bất tin tưởng này... thực sự cho thấy họ chưa bao giờ nhận biết được Chúa Giêsu thực sự là ai. Họ vẫn ở tầm mức ngoại diện, và chối bỏ những gì là mới mẻ về Chúa Giêsu.

    Ở đây chúng ta đụng tới cái then chốt thực sự của vấn đề này, đó là chúng ta để cho tính chất thuận lợi của thói quen và tính chất độc đoán của thành kiến chi phối làm chủ, khó cởi mở trước những gì là mới mẻ và để cho mình cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ. Chúng ta cai trị bằng những thái độ, với những thành kiến... Nó thường xẩy ra trong đời sống khi chúng ta tìm kiếm thấy những gì từ cảm nghiệm của chúng ta, thậm chí tìm kiếm nơi con người ta chỉ thấy những gì đối nghịch với những ý tưởng và đường lối suy nghĩ của chúng ta, để không bao giờ cố gắng thay đổi. Điều này thậm chí xẩy ra với cả Thiên Chúa nữa, và ngay cả với thành phần tín hữu chúng ta nữa, chúng ta là thành phần cứ nghĩ rằng chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu, chúng ta đã quá biết về Người, và chỉ cần lập đi lập lại những điều bao giờ cũng giống nhau là đủ. Như thế vẫn chưa đủ với Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu không cởi mở với những gì là mới mẻ, nhất là - xin anh chị em nghe cho kỹ đây - cởi mở trước những gì là lạ lùng của Thiên Chúa, không biết ngỡ ngàng bàng hoàng, thì đức tin trở thành một thứ kinh cầu buồn chán, dần dần trở thành nhạt nhẽo vô nghĩa như một thói quen, một thứ thói quen xã hội.

    Tôi vừa nói đến chữ bàng hoàng ngỡ ngàng. Bàng hoàng ngỡ ngàng là gì? Bàng hoàng ngỡ ngàng xẩy ra khi chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa: "Tôi đã gặp Chúa". Thế nhưng chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm đó là nhiều lần một con người gặp gỡ được Chúa Giêsu và nhận biết Người thì họ đã cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng. Phần chúng ta, chúng ta cần phải theo đuổi con đường này, đó là nhờ được gặp gỡ Thiên Chúa mà cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng. Nó như là một thứ bảo chứng thư chứng tỏ việc gặp gỡ ấy là những gì thực sự xẩy ra chứ không phải là những quen thuộc.

    Sau hết, đâu là lý do tại sao những người đồng hương của Chúa Giêsu đã không nhận biết và tìn vào Người? Tại sao? Đâu là lý do? Chúng ta có thể nói vắn tắt rằng họ không chấp nhận cái đê hèn của việc Nhập Thể. Họ đã không hiểu biết mầu nhiệm Nhập Thể này, họ lại còn không chấp nhận mầu nhiệm ấy: họ đã không biết được nó. Họ đã không biết được lý do và họ đã nghĩ nó là những gì là đê hèn khi tính chất bao la cao cả của Thiên Chúa lại được tỏ ra ở những gì là bé mọn nơi xác thịt, khi Người Con Thiên Chúa lại trở thành người con của một bác thợ mộc, khi thần linh lại phải ẩn kín nơi loài người, khi Thiên Chúa lại có dung nhan hình hài ngôn ngữ, hành vi cử chỉ của một con người tầm thường. Đó là một thứ đê hèn: việc nhập thể của Thiên Chúa, tính chất cự thể của Người, 'đời sống hàng ngày' của Người. Thiên Chúa đã trở thành cụ thể nơi một con người, Con Người Giêsu Nazarét, Người đã trở thành một kẻ đồng hành tiến bước, Người đã biến mình làm một với chúng ta. Chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu rằng "Chúa là một người trong chúng con". Thật là một lời cầu nguyện tuyệt vời! Chỉ vì một người trong chúng ta hiểu biết chúng ta, hỗ trợ chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta rất nhiều. Một vị chúa trừu tượng, xa cách thực sự thì thoải mái hơn, vị chúa không dính dáng gì đến những tình huống nào hết, và chấp nhận một thứ đức tin xa vời với đời sống, với các vấn đề, với xã hội. Hay chúng ta thậm chí còn muốn tin vào một vị chúa 'gây ra những tác dụng đặc biệt', vị chỉ thực hiện những gì là phi thường và bao giờ cũng gây ra những cảm xúc mạnh. Anh chị em ơi, Thiên Chúa lại đích thân nhập thể: Vị Thiên Chúa khiêm hạ, Vị Thiên Chúa dịu dàng, Vị Thiên Chúa ẩn thân, Ngài cận kề gần gũi chúng ta, sống với những gì là bình thường của cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

    Bởi thế, những gì xẩy ra cho những người đồng hương của Chúa Giêsu cũng xẩy ra cho chúng ta nữa, khi chúng ta có nguy cơ không nhận biết Người khi Người băng ngang qua chúng ta. Tôi xin lập lại một câu nói tuyệt vời của Thánh Âu Quốc Tinh: "Tôi cảm thấy sợ hãi Thiên Chúa, sợ Chúa, khi Người băng ngang qua". Thế nhưng, hỡi Thánh Âu Quốc Tinh, tại sao ngài lại sợ chứ? "Tôi sợ rằng tôi không nhận ra Người, tôi sợ rằng khi Chúa băng ngang qua: Timeo Dominum transenuntem. Chúng ta không nhận ra Người, chúng ta bị Người làm cho ghê sợ, chúng ta nghĩ tưởng theo cõi lòng của chúng ta về thực tại này.

    Giờ đầy, trong nguyện cầu, chúng ta hãy xin với Đức Mẹ, Vị đã đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi đời sống hằng ngày của Mẹ ở Nazarét, cho có được một đôi mắt và tấm lòng thoát khỏi những gì là thành kiến, và có được một cặp mắt mở ra để được bàng hoàng ngỡ ngàng: "Lạy Chúa xin cho chúng con được gặp gỡ Chúa!" và khi chúng ta gặp gỡ Chúa thì xẩy ra tâm trạng bàng hoàng ngỡ ngàng này. Chúng ta gặp gỡ Người một cách bình thường: bằng đôi mắt mở ra trước những gì là lạ lùng của Thiên Chúa, trước sự hiện diện thấp hèn và kín đáo của Người nơi cuộc sống hằng ngày.

     

    https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210704.html

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

    --