Gian Nan Cho Niềm Tin

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và Mai Ðệ Liên là một gặp gỡ gian nan. Một bên là tiên tri, một bên là gái điếm, cả hai đều bị xã hội kết án. Nếu Mai Ðệ Liên vì niềm tin mà gian nan thì Ðức Kitô cũng sẵn sàng gian nan cho niềm tin của kẻ tin Ngài.

Vì niềm tin mà gian nan

Trên đường đời, hôm nay Mai Ðệ Liên đã đi tìm một địa chỉ rất mới: Ðó là địa chỉ cứu rỗi. Tôi gọi vì niềm tin mà gian nan vì muốn gặp Ðức Kitô mà người phụ nữ này đã phải chấp nhận những cái nhìn xỉ nhục của người đời. Hôm nay, bà phải đương đầu với cả xã hội đang kết án bà. Ði về một địa chỉ mà đám đông là dòng sông ngăn cách, một địa chỉ phải leo qua những cây cầu mà đám đông là kết án. Cho niềm tin dẫn về địa chỉ ấy, bà chấp nhận gian nan ngược theo chiều gió mà đi.

Gian nan cho niềm tin

Dẫu người phụ nữ can đảm, nhưng sự can đảm này vẫn mang một giới hạn. Bà đã mang tiếng là người tội lỗi, còn gì danh dự để mà sợ mất, bà chỉ chấp nhận gian nan mà thôi. Do đó, vì niềm tin mà người đàn bà gian nan thì gian nan đó cũng không thể so sánh với gian nan mà Ðức Kitô sẵn sàng chấp nhận cho niềm tin của bà.

Sự kiện Chúa để cho bà công khai ngồi cạnh mình là thái độ can đảm khác thường. Nó khác thường đến độ người Biệt phái mời Ngài đã phải tự nói với mình: “Ông này, nếu quả thực là tiên tri, ắt đã biết người đàn bà sờ đến mình kia là ai, và thuộc hạng nào chứ: Một đứa tội lỗi” (Lc. 7:39).

Nhìn vào sự kiện người đàn bà tội lỗi ngồi cạnh Chúa người ta có thể đặt những nghi ngờ về Ðức Kitô như: Nếu không quen biết sao người phụ nữ này lại theo ông ấy đến đây? Ðã liên hệ từ bao lâu? Ông ấy có là tiên tri thật không? Ðức Kitô có thể bị hiểu lầm, bị mất danh dự. Ðối với kẻ tin Ngài là tiên tri thì giờ này có thể đặt nghi vấn về niềm tin của mình. Ðối với kẻ dửng dưng thì giờ này là lúc sáng tỏ cho lời xác quyết của Pharisêu: “Chúng ta biết rằng tên đó là một đứa tội lỗi” (Yn. 9:23). Ðối với kẻ chống đối thì giờ này là lúc vinh quang cho lời bảo chứng: “Nó mê ăn uống, giao du với phường thu thuế và quân tội lỗi” (Mt. 11: 19).

Trong phòng tiệc, tất cả thượng khách được mời đang ngả mình trịnh trọng trên thảm quý chằm chằm nhìn Ngài. Tại sao Ðức Kitô lại để cho một phụ nữ ngồi bên cạnh xõa tóc xức dầu thơm? Ngài không mắc cỡ trước biết bao cặp mắt nhìn về mình? Ngài không sợ mất danh dự vì gặp gỡ người đàn bà như thế? Phải chăng Ngài cũng ngượng ngùng lắm, phải chăng Ngài cũng sợ bị hiểu lầm lắm. Nhưng vì một người đã bước trong gió ngược gian nan mà gởi niềm tin thì Ngài cũng sẵn sàng gian nan đi ngược chiều gió đón nhận niềm tin ấy.

* * *

Lời con cầu nguyện

Ðã có một lần, dân chúng ùa đi theo, giữa đám người đó, có những thái độ theo dõi, có những cặp mắt tò mò, rồi họ ngỡ ngàng khi thấy Chúa dừng lại dưới gốc cây, nói vọng lên: “Giakêu, xuống mau, hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi” (Lc. 19:5). Hôm ấy, người ta cũng nói về Chúa: “Ông ấy vào ngụ nhà một người tội lỗi” (Lc. 19:7).

Bữa tiệc hôm nay nặng nề làm sao. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn nhìn về phía Chúa. Cái ngày Chúa tắt ngang qua Yêricô, rồi gặp Giakêu cũng vậy, cả đám đông đang theo, rồi bất chợt Chúa bỏ họ, chỉ nói chuyện với một tâm hồn. Hôm nay cũng thế, các khách tiệc trang trọng, thế mà Chúa bỏ hết, chỉ nói chuyện với một tâm hồn.

Ở cả hai hoàn cảnh, cho dù giữa đám đông, giữa một rừng người nhưng Chúa cứ đi tìm một người. Giữa một khung trời nhưng Chúa cứ chờ đợi một khung trời. Ở Chúa như có một cung đàn mà đám đông là lạc giọng. Khi đám đông đi tìm nguyên tắc thì cung đàn kia lại là lòng xót thương. Khi đám đông chờ đợi phán quyết thì tiếng lòng nọ lại là nhân từ. Khi đám đông là nghiêm phạt thì trái tim ấy lại là bao dung. Cứ như thế, họ lạc nhau.

Lúc Chúa nói với người phụ nữ: “Tội lỗi con đã được tha” (Lc. 7:48). Ðám đông đã nghĩ trong lòng: “Ông này là ai mà dám tha tội” (Lc. 7:49). Nhưng Chúa chẳng quan tâm gì đến họ. Chúa không trả lời họ. Chúa chỉ nói với người phụ nữ thôi (Lc. 7:50). Thái độ của Chúa cũng giống như ngày Giakêu đến gặp Chúa.

Người phụ nữ cứ đi gặp Chúa, chẳng bận tâm với đám đông. Ðám đông cũng chẳng thể làm Giakêu ngại ngùng. Còn Chúa, Chúa cũng là người không biết mắc cỡ trước những con mắt cợt đùa với lòng thương xót. Con thấy khi động đến lòng xót thương là Chúa bỏ tất cả những tập tục nghi thức.

Lạy Chúa, niềm tin của con là tiếng gọi tìm lòng thương xót. Lòng thương xót của Chúa là địa chỉ cho niềm tin con đi về. Niềm tin và lòng thương xót giao thoa với nhau. Nếu thế, trong đời sống của con, chỉ có niềm tin mà không có lòng thương xót thì niềm tin ấy lạc lõng biết lối nào đi.

Lm. Nguyễn Tầm Thường