Mượn Xác
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Có một loài ốc mang tên ốc “mượn hồn”. Nó là con ốc đã chết từ lâu, sóng biển trôi nó dật dờ. Rồi có kẻ đi mượn nó để sống. Kẻ mượn nó là một con cua nhỏ. Gặp chiếc vỏ ốc lăn lóc này, con cua nhỏ chui vào nương thân, lấy vỏ ốc làm nhà. Từ đó, nó lê đi trong đời. Không biết câu chuyện có thật vậy không. Nghe như có vẻ hoang đường. Tuy nhiên có điều chắc chắn, vỏ ngoài là ốc nhưng bên trong lại là con cua nhỏ có còng cứng.
Không biết gốc tích nó từ đâu. Ai mượn hồn ai, ai mượn xác ai. Chuyện chắc là không thật. Nhưng lối đặt tên cho loài ốc nhỏ đó: Ốc “mượn hồn”, tự cái tên ấy có phần mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa là hồn xác ấy thuộc về nhau, sống với nhau. Nghe như đâu đây, trong Kinh Thánh cũng có câu chuyện mượn hồn, mượn xác na ná: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20). Xác thì xác Phaolô, mà hồn lại là hồn Kitô.
* * *
Ðã là cuối mùa. Ðức Kitô đứng trên đê nhìn trời chiều mênh mông. Nắng hoàng hôn nhuộm đỏ ối cả một đồi dâu. Tóc Người bay rối trên trời chiều cô tịch. Cánh đồng vẫn mông mênh ngát vàng. Dạt dào. Một không gian lúa đến mùa rũ chín vào nhau. Người vung tay hái, nhưng kỳ lạ thay, Người chỉ là hồn. Cánh tay Người chỉ là vô hình với vào thinh không hụt hẫng. Lúa cứ là lúa. Thời gian từ từ xuôi mùa. Rồi đi buổi chiều. Rồi về buổi sáng. Gió xạc xào đưa lúa chín mùa quá độ rơi trên đồng vắng. Người xôn xao lòng dạ. Nhìn đồng lúa không người gặt mà bối rối khôn nguôi.
Có người nông phu bước qua. Ðức Kitô vội vã vui mừng bảo anh ta dừng chân. Nói chuyện về đồng lúa thiếu thợ gặt rồi hồn Người muốn mượn đôi tay anh ta để bước xuống cánh đồng. Lưỡng lự, người thanh niên chối từ cúi đầu bước. Thế là, Ðức Kitô bùi ngùi khoé mắt băn khoăn. Cứ nhìn đồng lúa không thợ gặt mà xót xa. Người muốn mượn đôi tay để cho hồn Người ký thác.
* * *
Sau khi Ðức Kitô đặt nền tảng Giáo Hội của Ngài trên Phêrô, về trời rồi, Ngài tiếp tục xây dựng Giáo Hội. Nhưng Ngài xây dựng Giáo Hội của Ngài bằng cách nào? Hai khuôn mặt tông đồ cột trụ, Phêrô và Phaolô đã sống xác của mình nhưng với hồn của Ðức Kitô. Nói cách khác, Ðức Kitô xây dựng Giáo Hội bằng cách lấy hồn mình rồi đi “mượn” xác thân con người.
Phaolô nổi tiếng với các tông thư mục vụ, chúng ta sẽ dựa vào Thánh Kinh Thư này để khai triển đề tài. Rồi lấy việc làm của Phêrô để soi sáng thêm cho căn bản trong Thánh Kinh Thư của Phaolô.
Xác Phaolô nhưng hồn Kitô
Trong văn viết, nhiều lần Phaolô kêu gọi tín hữu của mình hãy mặc lấy hồn Kitô. Hoặc diễn tả cách khác là để hồn Ðức Kitô sống trong thân xác mình. “Anh em hãy bỏ những hành vi ám muội và mặc lấy con người mới” (Col. 3: 10). Nhưng rõ hơn là chính lời trực tiếp thú nhận mình đã để cho hồn Ðức Kitô sống trong thân xác mình.
“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20).
“Tôi sẽ không dám nói đến điều gì Ðức Kitô đã không dùng tôi để thi thố ra” (Rom. 15: 18).
“Chính Người làm bật sáng nơi lòng chúng tôi, để chúng tôi làm cho thiên hạ nhìn biết, trong ánh sáng ấy, vinh quang của Thiên Chúa chói lòa nơi Ðức Kitô” (2 Cor. 4: 6).
Xác Phêrô nhưng hồn Kitô
“Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tùy ý” (Yn. 21: 18). Ðây là lúc xác Phêrô mà hồn cũng Phêrô, xác ông đi đâu thì hồn ông đi đấy. “Khi về già, ngươi sẽ giang tay ra và NGƯỜI KHÁC sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Yn. 20: 18). Lúc này, xác thì xác Phêrô mà hồn là hồn NGƯỜI KHÁC, hồn Ðức Kitô.
Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại chuyện Phêrô chữa người què như sau:
Có người què từ khi lọt lòng mẹ sinh ra, được người ta khiêng đến đặt thường ngày bên cửa Ðền thờ để xin của bố thí với khách Ðền thờ. Nó thấy Phêrô và Yoan sắp vào thì xin của bố thí. Phêrô nhìn thẳng vào nó, Yoan cũng thế, và nói: “Nhìn lên chúng tôi!” Nó chú ý vào các ông, hy vọng cũng được chút gì. Nhưng Phêrô nói: “Bạc vàng tôi không có, song điều tôi có là Ðức Kitô người Nazareth, nhân Danh Ngài anh hãy chỗi dậy mà bước đi!”. Nó nhẩy vùng lên, đứng dậy vào Ðền thờ cùng các ông, vừa đi vừa nhẩy, và ngợi khen Thiên Chúa.
Sau đó, người què níu lấy Phêrô và Yoan, còn toàn dân, theo lời tường thuật kể tiếp, “họ chạy ùa tới các ông ở hành lang Salômôn, họ rất kinh ngạc.” Bấy giờ, Phêrô lên tiếng khẳng định không phải ông, mà chính hồn Ðức Kitô đã dùng ông mà thực hiện ơn sủng:
Các ông, người Israel, tại sao lại đăm đăm nhìn chúng tôi, như thể bởi quyền phép riêng gì, hay lòng đạo đức của chúng tôi mà chúng tôi làm cho người què này bước đi được? ? Ðức Yêsu, kẻ các ông đã nộp. Vị khơi nguồn sự sống, các ông đã giết đi, Ðấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết. Chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ tin vào Danh Ngài, chính danh Ngài làm cho anh ta lành mạnh (Tđcv. 3: 1-16).
Rồi một lần khác nữa, trên đường xuống Lyđa, ông gặp Ênê, một người đã tám năm trời liệt giường vì bất toại. Ông nói: “Ðức Kitô chữa lành anh. Hãy chỗi dậy, dẹp chõng đi!” Lập tức người ấy chỗi dậy (Tđcv. 9: 32).
Phêrô chối không phải ông chữa lành những người tật nguyền này, nhưng là chính Ðức Kitô. Nói cách khác, vì tin vào Danh Ngài mà hồn Ðức Kitô, qua lời nói của Phêrô đã chữa họ. Khi nói Phêrô xây dựng Giáo Hội bằng những việc làm cả thể, đó chỉ là cách diễn tả ông đã để hồn Kitô mượn xác mình mà xây dựng nhiệm thể ấy. Ông luôn luôn khẳng định rằng không phải ông hành động. Khi nói “mượn hồn”, điều ấy không hàm ý loại bỏ sự tự do chấp nhận lời mời gọi, là sống trọn vẹn trong tự do đích thực là Ðức Kitô.
* * *
Lạy Chúa,
Hôm nay có những việc Chúa muốn làm mà Chúa không làm được nữa vì Chúa không còn xác thân như con. Ngay trên quê hương của con vì nghèo đói mà nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá con người. Vì nghèo đói mà bao nhiêu tuổi thơ phải lầm than không được học hành. “Trong tâm tư biết bao người ngày đêm cô đơn buồn không nói. Nhưng ai đâu đến với họ để hát tiếng hát của niềm vui”. Chúa muốn mượn bàn tay con để xoa dịu một nỗi bất hạnh. Chúa muốn mượn đôi chân của con để dìu em đến trường. Con có dám để Chúa mượn đời con cho hồn Chúa sống không.
Con xin lấy lời ca của Nguyễn Duy như kinh chiều phụng vụ mơ ước dâng Chúa đêm nay. “Xin cho con suốt một đời tình yêu cho đi là lẽ sống. Xin cho con biết trung thành hoàn tất những bước chân đẹp xinh. Nguyện một đời con tìm đến, đến với hết những ai chân tình để tình người vẫn còn xanh ngát hương như hoa xuân trên cành.”
Lm. Nguyễn Tầm Thường