Bóng mát

Bóng mát cần thiết để dừng nghỉ. Thiếu bóng mát cuộc hành trình sẽ mệt lắm. Vì bóng mát chỉ để dừng nghỉ, nên nếu ngày nào bóng mát giữ chân tôi lại không muốn tôi lên đường thì lúc đó bóng mát trở thành đánh lừa tôi. Thiếu bóng mát cuộc hành trình sẽ mệt nên tôi cần bóng mát. Trong cái cần bóng mát ấy, dễ đưa tôi đến chỗ ôm giữ bóng mát như một nuối tiếc không muốn rời bỏ.

Có những bóng mát của một ngày hành trình dài trên đường đi bộ. Nhất là, khi mồ hôi đong vào những sợi nắng chẻ tóc. Nhất là, khi gặp một trời hạ hực nắng và gió không hiền hòa. Lúc đó, tôi cần một bóng mát làm sao!

Dù là bóng mát của một quán trọ hay bóng mát của một tàng cây, bóng mát vẫn chỉ là “bóng” chứ không phải là “thực”. Vì là bóng, nên bóng mát không thể là nơi tôi nương trú. Tôi chỉ dừng chân rồi đi. Cái nguy hiểm của bóng mát là có thể làm chậm trễ hành trình tôi đi tới, có thể đánh mất đường về của tôi.

Từ bóng mát trên đường đi dẫn tôi đến “bóng mát cuộc đời”.

Bóng mát cuộc đời.

Có nhiều thứ bóng mát trong cuộc đời. Một ngày nào đó với lo âu trĩu nặng, rồi có một tình thân đến chia sẻ. Một ngày nào đó bơ vơ, rồi có một tâm hồn đến cho nương tựa. Ðấy đều là những bóng mát. Trong lúc cơ cực, một tấm lòng rộng lượng đến nâng đỡ. Những bóng mát như vậy cần thiết biết bao. Trong đời ai cũng cần những bóng mát như thế. Cuộc sống không giản dị êm đềm, có những quãng vắng lặng lẽ, có những khúc đi gian nan, để rồi cuộc sống cần những bóng mát cuộc đời.

Trong những bóng mát cuộc đời ấy có những bóng mát nguy hiểm, bóng mát lừa dối. Giữa những bóng mát cần thiết có những bóng mát bất chính. Người ta lẫn lộn những bóng mát ấy với nhau. Vì đặc tính của bóng mát là cho người ta “chất mát”. Ðam mê và tội lỗi cũng là một thứ bóng mát. Nhiều khi tội lỗi và đam mê càng cho người ta nhiều “chất mát” hơn.

Thí dụ trong hôn nhân, thí dụ trong đời tu, vì một lúc yếu lòng, vào một mùa thu ảm đạm. Rồi, ở một nơi nào đó trong tâm hồn mình, thấy bâng khuâng gợi nhớ, thấy man mác một nỗi sầu trống vắng thiếu thốn. Người ta dễ đi tìm “bóng mát cuộc đời” bằng lỗi chung thủy.

Ðời là con đường dài. Những lúc chớm sáng bình minh, người ta hăng hái lên đường, nhưng vào trưa oi bức, người ta muốn dừng nghỉ. Những ngày hạnh phúc êm ả người ta không cần bóng mát cuộc đời. Những ngày chán nản, bơ vơ, người ta không muốn lên đường, lúc ấy, những quán hạnh phúc bên đường dễ cám dỗ mời mọc làm sao.

Bóng mát và người chăn chiên.

Người chăn chiên nhìn về cuối chân trời. Nắng vẫn hanh, nhưng trong lòng người chăn chiên, chiều đang đổ xuống rất mau. Ðường vẫn còn dài. Người chăn chiên nhủ lòng: Phải ra khỏi cánh rừng khi chiều về!

Chúa Kitô cũng vậy, thời gian đối với Ngài là mùa màng cứu rỗi. Ngài nhìn cuộc sống của tôi với chiều đi mà nôn nao, hối hả: “Bao lâu còn sáng ngày, Ta phải làm việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm tối đến không ai còn làm việc được nữa” (Jn. 11:10).

Người chăn chiên tính toán kỹ lưỡng. Trời còn hanh nắng đó, nhưng phải lên đường cho kịp tránh hoàng hôn. Bầy chiên nào có biết, chúng chỉ thích an nghỉ dưới tàng cây rợp bóng. Cái êm dịu của bóng mát làm chúng ngại lên đường. Chúng muốn thiu thiu ngủ hơn ra đi. Chiều cứ xuống, chầm chậm không lời báo động. “Trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, lấy vợ lấy chồng cho đến ngày ông Noe vào tầu. Và lúc chẳng ai để ý gì, thì lụt đến và cuốn trôi đi tất cả” (Mt. 24: 38-39). Khi giấc ngủ vừa tỉnh, muốn lên đường thì đã muộn. Hoàng hôn xuống mà chưa ra khỏi cánh rừng là bóng tối bủa vây, là nguy hiểm rình chờ, sói rừng sẽ xuất hiện. Những bóng mát ấy là cõi chết rất êm. Những bóng mát đánh lừa.

Người chăn chiên lành nghề thì biết khúc đường còn bao lâu, quãng dài cần thiết bao nhiêu thời giờ để ra khỏi cánh rừng. Cho dù trời có nắng, mồ hôi có chảy, người chăn chiên vẫn cứ hối hả thúc chiên lên đường, không cho nó nằm nghỉ dưới bóng mát tàng cây. Nỗi tâm tư của người chăn là chiên chẳng hiểu mình. Chúng trách cứ, oán than. Trong bóng mát ấy, bầy chiên than thở, tại sao một chút hạnh phúc mà Ngài cũng lấy đi. Bao lần trong đời, con người đã nhìn hình ảnh người chăn chiên như kẻ khó tính, không cảm thông. Một chút hạnh phúc mà Ngài cũng không cho. Một chút an ủi mà Ngài ngăn cấm. Người chăn chiên biết cái rình mò của bóng đêm. Nhìn đường còn xa mà lo âu thương bầy chiên, nếu trời đổ tối mà chưa ra khỏi cánh rừng thì sao. Sói đến. Chết chóc. Ðổ vỡ. Dù chiên muốn hay không, người chăn chiên vẫn nhủ lòng: Nhất định phải bắt chúng lên đường!

Chúa Kitô cũng thế. Ngài thấy những “bóng mát cuộc đời” giả tạo của tôi mà lo âu. Ngài biết bóng mát ấy đang đánh lừa tôi. Bóng mát ấy có thể là tình cảm bất chính, là tiền bạc tôi không rõ ràng trong khi có trách nhiệm cầm giữ. Bóng mát ấy có thể là quyền hành tôi được trao phó, nhưng mà để thoả mãn hơn là phục vụ. Bóng mát ấy cũng có thể là giấc ngủ dài vì ngại ngùng khi thấy hành trình xám hối đòi nhiều cố gắng. Bóng mát ấy có thể là một thứ đam mê.

Những thứ bóng mát này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cùng một địa chỉ là lừa gạt tôi.

Khi nói về bóng mát (shadow), cả bốn Phúc Âm chỉ nói đến 2 lần. Và cả hai lần tiếng bóng mát đều liên quan đến sự chết. Lần thứ 1 trong Matthêu: “Kẻ ngồi trong bóng tối sự chết” (Mt. 4: 16). Lần thứ 2 trong Luca: “Kẻ ngồi trong tối tăm bóng chết” (Lc. 1: 79).

Trong khi những lời giảng dạy, nhiều biến cố quan trọng giữa Chúa và con người hầu hết đều xẩy ra trên đường đi đổ nắng chứ không ở trong bóng mát.

Thí dụ:

Trên đường đi Ngài hỏi họ: Người ta nói Thầy là ai? Và Phêrô tuyên tín Thầy là Ðức Kitô (Mt. 8: 27-27).

Khi bắt đầu lên đường. Một người đến hỏi: Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời (Mt. 10: 17).

Dọc đường lên Jerusalem, Ngài nói: Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời, các ký lục và thượng tế… (Mc. 10: 32-34).

Trên đường đi, họ bắt ông Simon vác thánh giá đỡ cho Ðức Kitô (Lc. 23: 26).

Trên đường đi đến một làng nọ. Mười người phong cùi đến gặp Ngài (Lc. 17: 11).

Cuộc gặp gỡ sau biến cố Phục sinh cũng xẩy ra trên đường Emmaus. Hai ông kể lại chuyện xẩy ra khi các ông đi đường và các ông đã nhận ra Chúa lúc Ngài bẻ bánh (Lc. 24: 35).

Giakêu gặp Chúa cũng là gặp trong lúc đi đường (Lc. 19: 4).

Khi người chăn chiên dùng gậy đánh để bầy chiên khỏi ươn lười ngủ vùi trong bóng mát, cũng là lúc, để thức tỉnh tôi, Chúa trao cho tôi “chút bánh đau thương và ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ tôi sẽ không bao giờ rời bỏ tôi. Khi chân tôi xiêu bên phải, vẹo bên trái, chính tai tôi nghe tiếng từ đàng sau phán: Ðây là đường hãy đi theo đó” (Isaia 30: 18-21). Chúa biết ngày nào tôi còn nằm trong “bóng mát” giả tạo ấy, tôi chỉ ôm mơ một bóng hình hạnh phúc ảo ảnh. Những êm đềm ấy chỉ lừa dối tôi thôi.

Bóng cây mát ven đường đánh lừa bầy chiên để đêm tối ập xuống thế nào thì “bóng mát cuộc đời” đam mê cũng đánh lừa tôi để tôi mất mùa ơn sủng như thế.

* * *

Lạy Chúa,
Bao lần tâm tư Chúa buồn phiền khi thấy con dại dột nằm ẩn mình trong bóng mát. Những cảm xúc ngọt ngào của bóng mát chỉ cho con hạnh phúc giả mà thôi. Nó cản đường con về đồng cỏ quê trời. Nó làm chậm chân con ra khỏi cánh rừng nguy hiểm cho linh hồn. Những ngày con sống như thế, Chúa thấy thời gian đổ vỡ đã gần kề mà con vẫn ngủ, thì con xin Chúa, như người chăn chiên tốt lành, hãy dùng gậy mà đánh, mà lùa chiên ra khỏi bóng mát.

Xin cho con nhớ lời thánh Phaolô nhắn gởi: “Hỡi con chớ khinh chê lời sửa phạt của Chúa, chớ ngã lòng khi Chúa trách mắng con. Vì Chúa sửa trị kẻ Chúa yêu và đánh phạt kẻ Chúa nhận làm con. Chúa dùng đau khổ để dạy anh chị em. Thiên Chúa đối xử với anh chị em như đối xử với con cái. Có con nào mà cha không phải sửa phạt ư? Nếu anh chị em không nhận lời răn dạy như mọi người, anh chị em là con ngoại tình chứ không phải con thật nữa. Ðàng khác cha phần xác sửa dạy ta mà ta còn tôn kính, phương chi ta càng phải vâng phục cha phần hồn là Ðấng ban sự sống cho ta. Cha phần xác sửa trị ta theo ý riêng mình và vì lợi ích tạm thời, còn cha phần hồn thì vì lợi ích thực sự là để ta được thông phần vào sự thánh thiện của cha. Thật vậy, mọi sự sửa phạt lúc đầu chỉ gây buồn tủi, chẳng có đem lại an ủi đâu, song về sau, những kẻ vui lòng chịu thử thách như vậy, sẽ được sự bằng an và sự công chính làm phần thưởng (Hipri 12: 4-11).

Nguyễn Tầm Thường