HIỆP THÔNG VỚI CÁC TÍN HỮU ĐÃ KHUẤT
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Người Công giáo coi tháng Mười Một là tháng cầu nguyện cho những tín hữu đã khuất. Nhưng tháng Mười Một bắt đầu bằng Ngày lễ Các Thánh. Vậy điều gì kết nối hai điều này?
Vâng, hai điều này có liên quan với nhau. Tháng Mười Một là tháng cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhưng nói đúng hơn, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là biểu hiện “sự hiệp thông của các thánh.”
Kinh Tin Kính các Tông Đồ tuyên bố chúng ta tin “các thánh thông công”. Tuy nhiên, có lẽ không ít người Công giáo vẫn chưa rõ hết ý nghĩa của “sự hiệp thông của các thánh”, cũng như nhiều quan niệm nền tảng khác của giáo lý Công giáo.
Nói một cách đơn giản, “sự hiệp thông của các thánh” là mối dây yêu thương gắn kết người ta với nhau trong sự hiệp nhất với Chúa: là những người còn sống trên thế gian này vốn vẫn đang thực hiện việc cứu rỗi của họ; là những người trong luyện ngục mà sự cứu rỗi đã được đảm bảo nhưng vẫn chưa được thực hiện cách trọn vẹn; là những người trên thiên đàng nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện và sống sự sống đích thực. Theo truyền thống, người Công giáo gọi ba điều này là Giáo hội Chiến đấu, Giáo hội Đau khổ và Giáo hội Chiến thắng, như Hiến chế Lumen Gentium - Ánh sáng Muôn dân - diễn tả: “Bởi thế, cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các Thiên Thần theo Ngài (Mt 25,31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Ngài (1Cor 15,26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện (alii hac vita functi purificantur) và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có” (số 49)
Điều đó có nghĩa là Giáo hội lớn hơn giáo xứ hay giáo phận của mỗi người tín hữu, ngay cả lớn hơn toàn thể Giáo hội ở đây và bây giờ trên trần gian. Giáo hội trải rộng vượt xa khỏi nơi đây và bây giờ vào tận cõi vĩnh cửu. Giáo hội là “toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại” (Kinh tạ ơn II), cùng các tín hữu đang chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng trên trần gian này để nên thánh thiện: “Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật. "Muốn lên cao, phải bắt đầu lại mãi, bắt đầu này tiếp nối bắt đầu kia. Ai trèo lên sẽ không ngừng mơ ước điều họ đã biết" (T. Grêgôriô thành Nitsê, bài giảng 8)” (GLCG số 2015). Giáo Hội còn bao gồm các linh hồn đang trải qua giai đoạn thanh luyện cuối cùng khỏi tất cả những ràng buộc còn lại với tội lỗi, trong luyện ngục. “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên Đàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục” (GLCG số 1030-1031).
Luyện ngục vẫn là tiến trình biến đổi nên thánh – nhưng là tiếp tục ở đời sau – tiến trình mà một người đã bắt đầu với đầy đủ ý chí tự do của mình khi còn sống ở đời này, một tiến trình tiếp tục loại bỏ mọi thói hư tật xấu, dính bén tội lỗi, chết đi cho chính mình theo gương mẫu “Kenosis – tự hủy ra không, vét cạn chính mình đến tột cùng” của Chúa Kitô, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíphê 2,8). Ngay cả các tội nhẹ, tuy chưa đến nỗi làm ngăn trở phần rỗi, nhưng đã làm mất lòng Chúa thì cũng cần phải tiếp tục loại bỏ. Vì tội nhẹ làm ngăn trở lòng mến Chúa trọn vẹn và vì thế cần được Chúa tha thứ. Theo thánh Tôma Aquinô, tội nhẹ có thể được tha thứ bằng một hành vi mến Chúa cách trọn vẹn. Thế nhưng, khi còn sống trên đời này, hành vi mến Chúa mang tính cách “tự nguyện” và có giá trị đền tội. Khi đã chết, thì hành vi đó mang tính cách “thụ hình”, “chịu đựng”. Nơi luyện ngục tiến trình này không còn tùy thuộc vào ý chí tự do của linh hồn nữa, chỉ còn cậy dựa vào lòng xót thương có sức thanh luyện của Thiên Chúa, vào sự cầu bầu của các linh hồn đã hưởng kiến Thiên Chúa - là các thánh trên thiên đàng – và vào Hội thánh còn ở nơi trần gian, “Do mầu nhiệm "Các Thánh Hiệp Thông", Hội Thánh phó thác người quá cố cho Thiên Chúa từ bi và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong Thánh Lễ” (GLCG số 1055).
Vì vậy, là những người Công giáo, những gì chúng ta làm vào tháng Mười Một là cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, nghĩa là những người đã sống xong cuộc sống của họ. Việc cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời không chỉ là một “việc tốt” mà chúng ta làm vào tháng Mười Một như một sở thích.
- Nhưng tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời? Có phải đó chỉ là một hành động từ thiện thêm vào tùy ý mình? Hay đó là một việc cần thiết?
- Thưa đó là việc cần thiết. Cầu nguyện cho những người đã qua đời là một phần không thể thiếu để trở thành người Công giáo đích thực, trở nên thành viên hiệp thông của Giáo hội.
- Tại sao những tín hữu đã qua đời cần chúng ta cầu nguyện cho?
- Bởi vì những tín hữu đã qua đời không thể tự giúp mình nữa. Họ cần đến chúng ta.
- Tại sao họ không thể tự giúp mình nữa?
- Bởi vì họ đã vượt qua lằn ranh giữa cái sống và cái chết, không thể thay đổi được nữa.
- Nhưng tại sao cái chết lại là lằn ranh quyết định? Cái chết không phải do Thiên Chúa tự quyết định sao?
- Không phải thế. Cái chết là lằn ranh cuối cùng, chấm dứt khả năng chọn lựa và quyết định của ý chí tự do con người đối với định mệnh đời đời của mình. Sau cái chết, ý chí tự do của con người không thể tự quyết về số phận vĩnh cữu của mình nữa.
Đó là lý do tại sao các linh hồn trong luyện ngục cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có thể giúp ích cho các linh hồn trong luyện ngục bằng việc dâng lễ, lần chuỗi Mân Côi, thực hiện các việc hy sinh hãm mình hàng ngày, các việc bác ái, cầu nguyện... như một biểu hiện rõ ràng của tình liên đới hỗ tương trong tình bác ái theo Thánh ý của Thiên Chúa Quan Phòng. Đáp lại, cũng chính các việc tốt lành đó làm cho sự chuyển cầu của các linh hồn trong luyện ngục nên hữu hiệu cho chúng ta. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium - 21/11/1964, số 958 nói rõ: “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ.” Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.”
Đây là lý do tại sao chúng ta, những người còn sống trên trần gian, và những người đã kết hiệp với Chúa Kitô trên thiên đàng, và những người đang chờ đợi trong luyện ngục, có thể cầu nguyện cho nhau để cùng kết hiệp với Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời không chỉ là một “việc tốt” mà còn là một phần trong chính mạch sống của Giáo hội, đó là đức ái siêu nhiên, yếu tố quyết định liên kết và hợp nhất chúng ta với Thiên Chúa là Tình yêu: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).
Công đồng Vatican II dạy rằng ơn cứu độ không phải là việc cá nhân, rằng chúng ta được cứu độ không chỉ với tư cách cá nhân mà còn trong sự hiệp thông cộng đoàn: “Hội Thánh là “sự hiệp thông của các Thánh”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các thực tại thánh” (sancta), nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích này “biểu thị và thực hiện sự hợp nhất của các tín hữu, những người hợp thành một Thân Thể trong Đức Kitô. Thuật ngữ này cũng chỉ sự hiệp thông của “những người thánh” (sancti) trong Đức Kitô, Đấng “đã chết cho mọi người.” Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người. Chúng tôi tin sự hiệp thông của tất cả các Kitô hữu, nghĩa là của những người lữ hành nơi trần thế, những người đã qua đời và đang được thanh luyện, và những người đang vui hưởng vinh phúc thiên quốc, tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất; và chúng tôi cũng tin rằng trong sự hiệp thông đó, chúng tôi được hưởng nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của các Thánh của Ngài, các Đấng luôn lắng nghe những lời cầu khẩn của chúng tôi.” (Lumen gentium, số 960-962).
Trong tháng Mười Một, vâng theo lời dạy của Giáo Hội, chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện, để mầu nhiệm các thánh cùng thông công trở nên “cụ thể trong đời thực” của chúng ta.
Phêrô Phạm Văn Trung