Ý Nghĩa Sự Đau khổ: 8. Hãy Nhìn Lên

Bạn thân yêu, Chúa sinh ra Bạn có một bộ mặt, lúc nào cũng hướng lòng lên trời là quê chúng ta. Vì thế, thức cũng như ngủ, lúc nào Chúa cũng muốn chúng ta nhìn lên trên ấy. Mà ngay sau lúc chúng ta đã bị chôn trong lòng đất, mặt chúng ta cũng còn quay về trời.

Nhìn lên trên ấy, nhìn lên trời để làm gì, hử Bạn? Để nhớ rằng: Cha ta đang ở trên ấy, Mẹ ta đang ở trên ấy, gia đình ta, cũng như những người thân yêu ta, đang ở trên ấy, và đang đợi ta. Ta hãy nhìn lên chốn cao xa ấy, ta có hết những cái làm ta mến chuộng.

Nhưng, làm thế nào để lên được chốn ấy? Có phải hạng người ăn uống say sưa, chè chén chơi bời, chỉ biết làm thỏa xác thịt hèn hạ không? Có phải hạng người ấy, và những hạng người khác giống họ không? Không, những người ấy, họ đã có một chỗ khác, một chỗ trái với chỗ tôi nói đây.

Còn Bạn, Bạn không vào hạng người ấy.

Tất nhiên chốn cao sang ấy, không phải ai cũng lên được. Chỉ có những người theo đúng như Chúa dạy, mới lên được.

Mà thương hại thay, được mấy người theo! Chính Chúa cũng đã than phiền rằng: “Con đường hẹp là đường đưa tới nơi hằng sống, thì có ít người đi”. (21)

Chúng ta đã được diễm phúc theo Chúa thì chúng ta phải nhất định theo tới cùng, nghĩa là cho tới ngày được vào chốn trường sinh vĩnh phúc.

Vậy phải làm gì để được phúc ấy? Bạn hãy nghe lời Chúa phán: “Ta là đường, là sự thật, là sự sống” (22) “Ai theo Ta thì không đi vào con đường tối tăm” (23)

Chúa là đường. Vậy đường ấy là đường nào? Phải chăng là đường đầy hoa hồng, phải chăng là đường đi ăn cưới? Không, Bạn hãy nghe: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình đi, vác Thánh giá mình mọi ngày mà theo Ta” (24). Đó là đường Chúa đã đi, đó là chương trình Chúa đã phác ra cho hết mọi người muốn theo Chúa. Ai rẽ đường khác, thì thế nào cũng lạc. Và nếu lạc, thì thương ôi, khốn nạn và đau đớn dường nào! Nhưng tưởng làm gì đến cái ngày đau đớn ấy, và tôi ước mong ngày ấy, không khi nào sẽ xảy đến cho Bạn, và cho tôi.

Vậy Bạn thân yêu, nếu chúng ta muốn ngày thê thảm ấy không xảy đến, thì có mỗi một phương thế: “Vác Thánh giá lập công” lập công, lập công, không có công nghiệp không thể nào lên thiên đàng được, vì thiên đàng là một phần thưởng. Vậy, nếu Bạn muốn lập công, muốn cho chắc được lên nơi hằng sống, lên nơi chỉ có hạnh phúc, và không khi nào mất được nữa, thì chỉ có mỗi một phương thế, chính Chúa đã chỉ cho ta, ấy là “vác Thánh giá”. Không vác Thánh giá, thì làm sao có công nghiệp… mà đã không có công nghiệp, thì đừng hòng lên chốn nghỉ ngơi. Bạn nghĩ sao? Lập công và chịu khó, đó chính là hai chị em rất thân yêu, không lúc nào rời nhau được.

Thánh Phanxicô Năm Dấu, một lần thấy mình bị những đau khổ đè nặng trên tâm hồn và trên thân thể, đã than thở lời này cùng Chúa: “Chúa ôi, xin hãy ghé mắt nhìn đến con, xin hãy cứu giúp con, xin hãy giúp con vui lòng chịu đựng những tật bệnh giày vò thân xác con”. Phanxicô liền nghe tiếng đáp lại: “Hỡi Phanxicô, con có biết cái làm cho chiếm được nước vô giá phải có giá trị thế nào không: con hãy biết các sự đau khổ con đang chịu có giá trị hơn tất cả tài sản thế gian, dù rằng tất cả núi non biến thành vàng, dù rằng tất cả các thứ đá biển thành hạt trai, dù rằng tất cả các nước biển biến thành dầu thơm”. Thánh Phanxicô đáp lại: “Vâng lạy Chúa, con cũng đánh giá các sự đau phiền Chúa gửi đến cho con: vì con biết Chúa muốn dùng các sự đau khổ ấy để phạt tội con ở đời này, để thương xót con đời sau”. Tiếng ấy lại phán: “Hỡi Phanxicô, hãy vui mừng đi, con đường con đang đi là đường đưa đến chốn hằng sống”.

Đành rằng Chúa Giêsu đã lập công đầy đủ và dư thừa cho ta, nhưng Thánh ý Chúa muốn cho ta cũng lập công chịu khó với Chúa, không phải vì Chúa thích bắt ta chịu khó, và lấy thế làm vui. Không, cha mẹ thật tình thương con không thể thấy con đau khổ mà vui sướng được. Chúa cũng vậy. Chúa không thể vui khi thấy ta đau đớn, nhưng vì Chúa muốn chính ta có công mưu sự sống đời đời của ta, nên Chúa đã muốn cho ta chịu khó một chút. Nếu ta chỉ có được thưởng mà không có một tí công gì, thì điều ấy có thể làm bớt sự vui sướng của ta. Nhưng ta thấy chính mình cũng có công tìm kiếm lấy phúc trường sinh, thì ta sẽ vui lòng và vui sướng sống cuộc đời đầy ải này.

Vậy ta hãy cám ơn Chúa, mỗi khi gặp điều khó chịu, vì như thế, là Chúa kính nể ta, Chúa muốn ta cộng tác với Chúa để tìm nước thiên đàng của ta. Dại gì mà ta ruồng rẫy thánh giá Chúa gửi đến cho!

Chắc Bạn muốn lên thiên đàng. Vậy Bạn hãy thông công các sự thương khó Chúa; Chúa muốn vậy và chính Bạn cũng phải muốn như thế, vì điều ấy làm vinh dự cho Bạn, và, tôi nói lại, còn gì sung sướng cho bằng khi thấy mình có công trong việc mưu hạnh phúc đời đời của mình. Xin Bạn từ nay đừng ca thán, khi phải chịu một hai điều sầu muộn, trái lại, Bạn hãy tự cho mình có phúc, vì được làm chính việc Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc Bạn, ấy là chịu khó.

Người ta thuật truyện, một Thầy tu sống rất khổ hạnh trong một khu rừng vắng… ngày đêm không lúc nào ra khỏi căn lều ẩm thấp chật hẹp… ấy là chưa kể đến những thứ hình khổ Thầy dùng để làm đau cho xác. Một hôm có mấy người quý phái đến thăm, họ hết sức ngạc nhiên, khi thấy Thầy tu hành hãm mình đến thế. Họ hỏi Thầy, thì Thầy đáp lại: “Xin các ông đứng gần cửa sổ kia, rồi tôi sẽ đáp lại”. Các ông liền ra đứng gần cửa sổ. Thầy tu hành hỏi: “Các ông có xem thấy gì không?” Các ông nói: “Chỉ thấy một cái tường có mọc rêu phong và một lỗ nẻ bằng cái bàn tay”. Thầy đáp: “Chính là cái giúp tôi chịu khó. Mỗi khi xác thịt muốn nổi loạn, thì tôi nhìn qua lỗ nẻ ấy và tôi thấy thiên đàng. Thiên đàng, ôi thiên đàng!” Thầy tu hành than lên mấy lời ấy, bằng một giọng rất cảm động, nét mặt như người ngất trí, khiến mấy nhà quý phái kia thổn thức đến tận đáy lòng. Về nhà, các ông liền thu xếp việc gia đình, rồi cùng nhau từ giã thế gian, dâng mình cho Chúa.

Kết luận: Nếu chúng ta cùng chịu khó cho nhiều và cho nên, thì ngày sau những sự đau đớn cũ sẽ không còn làm chúng ta phiền muộn nữa; trái lại những giọt nước mắt cũ sẽ là căn cớ cho chúng ta vui mừng, vì chính những giọt nước mắt ấy, đã làm cho chúng ta nên giống Chúa.

Đã cùng nên giống Chúa trong sự đau khổ, thì chúng ta sẽ cùng nhau hưởng nhan Chúa, và hát bài ca yêu mến bất diệt đời đời.

“Phúc cho ai ở đời này đã khóc lóc, vì đời sau sẽ được yên ủi” (25). Sự yên ủi Chúa hứa cho chúng ta ấy, không phải là sự yên ủi mau qua chóng hết như những sự yên ủi chúng ta gặp trên đời, nhưng là những sự yên ủi lâu dài đời đời, không khi nào hết nữa. Sung sướng thay! Nhưng muốn được thế phải đi con đường Chúa đã đi, là vui lòng vác Thánh giá.

Ta hãy cầu nguyện cho nhau được vui lòng vác Thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.

Bạn nghĩ sao ?

(21) Matt. 7,14
(22) Gioan 14,6
(23) Gioan 8,12
(24) Matt 16,24
(25) Matt 5,5

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT