Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 10. Một Linh Hồn

Bạn thân yêu, đây là bức thư của một linh hồn đầy lòng ký thác trong tay Chúa. Tác giả nó là một học sinh trường Đệ tử, độ 17 tuổi, tuy còn ít tuổi, nhưng Bạn đọc rồi sẽ thấy, em đã học được đức phó thác trong tay Chúa, không kém những người tập đàng nhân đức đã lâu.

 

+   +   +

Huế, 15-6-42

Thăm Thầy yêu dấu.

Em gửi thư thăm Thầy, vì có một sự tình cờ mới xảy đến cho em là em phải về luôn. Vì là Thánh ý Chúa, nên em viết mấy hàng thăm Thầy. Năm học vừa qua, em vẫn luôn luôn khoẻ mạnh, công việc học hành cũng có phần hết quả. Tưởng là Chúa chọn em sau này nhưng ai ngờ ý Chúa mầu nhiệm, Ngài muốn định em đi lối khác, nhưng đàng nào? Em còn tối tăm chưa thấy chút gì hết. Vậy vì lòng mến Chúa Giêsu, xin Thầy cầu cùng Chúa soi sáng chỉ đàng cho em luôn luôn, và điều em nguyện ước hơn hết là đừng bao giờ chán nản ngã lòng, nhưng luôn luôn phải tin cậy Trái tím Đ.C.G. và Đức Mẹ, luôn luôn cầu nguyện theo ý Thánh Anphongsô.

Em trông nơi lời cầu nguyện của Thầy lắm lắm…

Đó không phải là vì sức khoẻ, mà là vì lẽ ngăn trở riêng ở gia đình em.

Cám ơn Thầy hết sức…

Nay thư.

+   +   +

Đọc xong bức thư ấy, Bạn có cảm tưởng gì? Một người hãy còn trẻ tuổi, đức hạnh có, minh mẫn có, được thầy yêu, được bạn mến, hết sức theo đuổi ơn Kêu gọi… Nếu là người thường, thì đã than thở, đã oán trách gia đình. Nhưng người này thì không. Em ấy đã ký thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Em không xin gì khác, chỉ xin bền lòng theo ý Chúa.

Một tấm gương hy sinh hiếm có, một tấm gương ký thác cảm động.

Bạn thân ái, trong đời Bạn, rồi không thiếu việc đau đớn như thế. Có lẽ Bạn đã gặp. Nếu chưa thì Bạn hãy chờ, nó sẽ đến, mà có lẽ càng lâu càng nhiều, khiến Bạn không kịp xoay sở. Bạn sẽ bị người đời bỏ vạ, sẽ bị họ nghi ngờ cho Bạn những điều không có, họ sẽ phao những điều rất quái gở có thể làm tổn hại danh tiếng của Bạn. Mà điều làm Bạn đau đớn hơn cả, là họ sẽ làm Bạn mất thanh danh ở những người Bạn tin yêu nhất trên đời. Nhiều người đã gặp, và tôi nói trước để khi đến lượt Bạn, Bạn đừng ngạc nhiên, và có đủ can đảm chịu cho nhẫn nại.

Nhiều người không xấu bụng, họ không có ý làm mất thanh danh ta để họ sướng. Không, nhưng vì họ bị một ý tưởng quá mạnh ám ảnh, nên trong khi phán đoán, họ không làm chủ mình. Những người ấy trước mặt Chúa, nhiều khi họ không có tội hay cùng lắm chỉ có tội nhẹ. Đã đành, Chúa không yêu những lời nói hại đến thanh danh người khác, nhưng chắc một điều, là Chúa muốn chúng ta chịu cho nhẫn nại, Chúa thích nhìn xem ta chiến đấu cùng sự đau khổ, Chúa ở cạnh ta, Chúa không để ta mồ côi. Mặc dầu cả thế gian mưu hại ta, nhưng nếu Chúa ở cùng ta, ta đừng ngại, đừng sợ: Cây ngay không sợ chết đứng. Và lời Thánh Phaolô: “Nếu Chúa ở cùng ta, thì ai làm gì được ta?” (31) Lời ấy ta hãy đem ra suy ngắm để thêm sức mạnh.

Tôi không muốn nói: Bạn không được bầu chữa cho mình. Không, nhiều khi Bạn có nghĩa vụ phải tự bầu chữa. Nhưng không khi nào được làm hại đến thanh danh người khác trái đức thương yêu và công bình. Vậy khi nào Bạn có quyền và có thể, lại có nghĩa vụ bầu chữa, để cứu vãn tiếng tốt của Bạn, Bạn hãy làm việc ấy trong sự bình tĩnh, và nếu có thể được, Bạn hãy bàn hỏi trước với Cha linh hồn, hoặc người nào khôn ngoan, kẻo lúc Bạn muốn cứu vãn tiếng tốt, Bạn lại mất tiếng tốt thêm, như đã xảy đến cho nhiều người. Hoặc sẽ làm phiền lòng Chúa là điều quan trọng hơn tiếng tốt của Bạn. Ngoài ra, Bạn hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ.

Nói đến đây, tôi sực nhớ lại mấy câu truyện rất ý nghĩa.

Trước là truyện Thánh Giêrađô. Thánh Giêrađô là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Thầy là người rất thánh thiện, đã từng làm nhiều phép lạ lúc còn sống. Các Đấng Bề trên không bắt bẻ được điều gì, và rất có lòng tôn trọng Thầy. Nhưng Chúa đã để cho Thầy gặp một sự khó rất nặng. Thầy bị cáo gian về tội dâm dục. Chúa để cho Cha Bề trên cả lúc ấy là Thánh Anphongsô lầm và phạt Thầy rất nặng, trừ việc đuổi ra khỏi Dòng. Thầy Giêrađô nín lặng không tìm đàng chữa lỗi.

Chúa không thể chịu thua lòng anh hùng khẳng khái ấy. Sau Chúa cho Thánh Anphongsô biết mình đã bị lừa và từ đấy càng tin yêu Thầy Giêradô hơn trước.

Rồi chính Thánh Anphongsô cũng bị một sự rất đau phiền, có một không hai trong lịch sử các Thánh. Chính Người là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã làm Giám mục và chép bao sách vở để bênh vực Giáo hội và Đức Giáo Hoàng. Người đã làm cho bao nhiêu người ăn năn trở lại, đã làm cho bao nhiêu phép lạ, đã nói bao lời tiên tri… Thế mà về cuối đời, Chúa đã để cho chính Đức Giáo Hoàng lầm và đuổi Người ra khỏi Dòng. Thánh Anphongsô đã làm gì trong cơn đau đớn ấy ? Người chỉ nói một câu: “Ý Đức Giáo Hoàng là ý Chúa”; chỉ có thế, không hề ca thán nửa lời. Người lại còn can những người muốn nhắc đến việc ấy. Sau chính Đức Giáo Hoàng đã phạt Người lại hết sức lo cho Người được phong thánh.

Và đây là truyện Thánh nữ Têrêsa Cả, Đấng sửa lại luật Dòng Kín Camêlô (ta thường gọi tắt là Dòng Kín).

Hồi Têrêsa vào Dòng Kín, tuy trong dòng vẫn còn nhiều người ăn ở đạo đức, nhưng ta cũng phải công nhận rằng, cái tinh thần siêu việt của Dòng Kín, khi ấy cũng bị giảm giá đi nhiều. Người thế gian thường năng lui tới chuyện trò, làm các Chị mất thời giờ, chia trí, và xa dần cõi thánh thiện.

Phải chứng kiến cái cảnh suy sụp ấy, Têrêsa đã làm gì? Têrêsa đã khóc, khóc rất nhiều, ngày thì khóc với Chúa trước Nhà Chầu, đêm thì khóc một mình trong phòng vắng… Têrêsa chưa cho thế là đủ. Một tiếng bên trong âm thầm, nhưng mãnh liệt, thúc bách Têrêsa phải làm một việc khác, một việc có hiệu lực hơn nước mắt: Têrêsa được lệnh Chúa dạy, sửa lại luật Dòng Kín để chị em giữ luật nghiêm ngặt như lúc dòng mới sáng lập.

Công việc ấy nào phải một trò chơi. Lập dòng còn dễ, chứ sửa luật dòng không phải chuyện dễ. Làm thế nào để vượt được một lớp người đã từng theo một khuôn khổ nhất định, một cái khuôn khổ đã đành không hoàn thiện, nhưng chưa đến nỗi đốn mạt. Têrêsa biết, và chính Chúa cũng tỏ cho Têrêsa biết, sẽ phải vượt qua nhiều đoạn trường gian lao, trong khi thi hành sứ mệnh Chúa đã ủy thác. Nhưng đã sẵn có một tâm hồn quảng đại và khẳng khái, Têrêsa nhất định đương đầu với hết mọi nỗi khó khăn, để thi hành đúng lời Chúa.

Thấy nói đến việc sửa luật dòng, thiên hạ bắt đầu xôn xao bàn tán: “Chà, cái cô mặt tươi như hoa hồng ấy mà nói chuyện sửa luật dòng à? Dễ thường cô tưởng các bà các chị trong dòng, là bọn người hư thân cả chắc!?”

Không những họ nói, không những họ cười, không những họ nhạo, họ còn xử tàn tệ hơn nữa. Hỏa ngục như đã một phen đắc thắng: vì không những chỉ có những người phần đời, là những người xưa nay vẫn thường lui tới làm hại các chị, không những chỉ có các chị em dòng “Ngôi Hai Giáng thế” là dòng Bà đang ở lúc ấy, mà cả đến nhiều vị linh mục cũng ra mặt phản đối và công kích. Có những nhà giảng thuyết lên tòa giảng công nhiên bỉ báng xỉ mạ Bà, họ cho Bà là người giả hình, là đứa kiêu ngạo, là con dở người, là phường rối đạo… Cha Bề trên Tỉnh Dòng Camêlô nhất định không cho Bà làm theo ý Bà. Thêm vào đấy, chính cha linh hồn của Bà cũng hùa với dư luận để cấm đoán công kích Bà. Nhưng, như ta đã biết, Bà Thánh đã qua hết các cơn giông tố phũ phàng ấy, và đã sửa lại được luật Dòng Kín như chúng ta thấy ngày nay.

Những truyện ấy chứng minh cái gì, thưa Bạn? Những truyện ấy chứng minh câu nói trên kia: Bạn hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Và ở đây tôi nói thêm: Chúa và Đức Mẹ sẽ có thừa kế, để gỡ tiếng tốt cho Bạn.

Vậy gương người thanh niên viết bức thư kia rất có sức yên ủi Bạn, trong khi Bạn bị những điều đau đớn bất ngờ, nhất là khi không phải lỗi Bạn. Bạn hãy nhìn nhận tay Chúa trong hết mọi sự. Nếu Chúa không thích cái việc xảy đến, vì ở trong ấy có tội, thì ít ra Chúa muốn Bạn dùng dịp ấy để chịu khó và để tỏ lòng Bạn tin cậy kính mến Chúa.

Xin Bạn ghi sâu vào lòng và ngày ngày cầu xin cho được như vậy, không thế, thì sự đau đớn không làm ích gì cho ta, trái lại, chỉ làm thêm đau khổ, đời này đã vậy, mà có lẽ cả đời sau.

 

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

(31) Rom. 8,31