ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KẺ THÙ CỦA TÔN GIÁO

  •  
    Chi Tran
    Jul 26 at 7:53 PM
     
     
     

    MÙA CAO ĐIỂM CHO KẺ THÙ CỦA TÔN GIÁO

     

    Đây là những ngày khó khăn cho những người tin vào thể chế Giáo Hội và tôn giáo. Ngày nào cũng có tin tức nói về tội lỗi, tham nhũng, lạm dụng quyền uy, cuồng tín sai lạc, niềm tin bị phản bội – tất cả đều được làm nhân danh tôn giáo hay dưới vỏ bọc tôn giáo!

     

     

    Tệ nạn ấu dâm nơi các linh mục Công Giáo La Mã, các vụ tai tiếng tình dục và tiền bạc nơi các nhà truyền giáo trên truyền hình, các vụ bắt cóc làm con tin,  các vụ ném bom do những người chính thống quá khích Ả-rập, Công giáo Ai-len và Hồi giáo Sikh, những vụ này và các vụ khác ít tai tiếng hơn in đầy ở các trang nhất. Có người nói, “đây là vụ Watergate của Giáo Hội!”

     

    Vì thế, việc nhiều người bị lung lay đức tin là chuyện dễ hiểu. Niềm tin, một khi bị phản bội thì khó khôi phục. Vào thời kỳ đẹp nhất, lòng tin vào thể chế tôn giáo đã khó, bây giờ với các vỡ mộng như thế này thì càng ngày tín hữu càng nghĩ tốt hơn là sống độc lập, không cần đến thể chế Giáo Hội.

     

    Ngoài ra, đối với những người xem thường hay phớt lờ thể chế tôn giáo (người theo thuyết bất khả tri, chống tôn giáo, chống hàng giáo sĩ), thì đây là mùa cao điểm.

     

    Tất cả tai tiếng này góp phần củng cố thêm mối hoài nghi đã có sẵn nơi họ. Tôn giáo là trò lừa bịp; trên thực tế thể chế Giáo Hội chỉ để phục vụ quyền lợi cho những người tổ chức nó; độc thân trong Giáo Hội La Mã chỉ là bề mặt; mỗi người có một quan điểm riêng; trong Giáo Hội cũng như bất cứ đâu, tình dục và tiền bạc là tiếng nói cuối cùng: phần cơ chế của tôn giáo là phần làm hỏng đức tin; lòng hy sinh không vụ lợi không có trong các giáo hội; người ta có thể sống tốt mà không cần đến tổ chức tôn giáo; Đức Giê-su xây dựng nước trời, con người xây nhà thờ. Tất cả các biểu hiện kiểu Watergate này cuối cùng đang phơi bày sự thật!

     

    Nói gì và làm gì khi đối diện với các chuyện này?

     

    Mọi chữa lành đều bắt đầu bằng cách nạo vết thương. Dù đau đớn và nhục nhã trước các chuyện này, chúng ta nên biết ơn vì sự thật đã được phơi bày. Về lâu dài, sự thật sẽ làm cho chúng ta tự do.

     

    Ngắn hạn thì, chẩn đoán không được tích cực cho lắm. Chúng ta phải chuẩn bị cho một mùa, có lẽ sẽ rất dài, của đau đớn triền miên, của bối rối và bào mòn đức tin. Chúng ta phải chấp nhận nó, chấp nhận mà không tủi thân, không hợp lý hóa, không biện minh cho sự non nớt, hoặc mọi cố gắng làm dịu độ nặng của các tai tiếng này. Một phần chúng ta có bệnh và, vì vi rút đã tiêm nhiễm vào cơ thể, nó sẽ đi theo tiến trình của nó và cơ thể, đau đớn, nóng sốt, phải xây dựng một hệ thống miễn dịch mới. Ngắn hạn, chúng ta chỉ có thể làm theo sách Ai Ca khuyên: “Hãy nếm bụi tro và chờ đợi!”

     

    Ngoài điều ấy ra, ai trong chúng ta không trực tiếp liên quan đến các tai tiếng này, dù trên phương diện cá nhân hoặc tập thể, phải cự lại cám dỗ tách mình ra khỏi Giáo Hội với thái độ, “Đừng nhìn tôi, tôi vô tội, đây là vấn đề của người khác, không phải của tôi!”

     

    Đó là vấn đề của chúng ta, dù chúng ta vô tội hay có tội. Mọi kitô hữu, cũng như tất cả tín hữu chân thành đều là một thân thể. Thân thể Đức Ki-tô. Tất cả chúng ta đều ở cùng trong thân thể này, với Đức Kitô. Chúng ta có thể không dễ dàng hiệp thông với nhau trong giây phút ân sủng của Giáo Hội, các thánh, các thánh tử đạo, và các thành tựu đáng hãnh diện, thì chúng ta nhanh chóng tách biệt mình ra khỏi lịch sử tối tăm, các tranh chấp, tội lỗi, nạn ấu dâm và tai tiếng tình dục và tiền bạc của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, là tín hữu, là liên kết với ân sủng và tội lỗi.

     

    Trong bối cảnh này, cần nhấn mạnh Đức Kitô đã chết giữa hai người kẻ trộm. Chúa vô tội; họ có tội. Tuy nhiên, vì sự hy sinh của Người trong bối cảnh này, Chúa bị phán xét như người kẻ trộm, những người hiện diện lúc đó xem Chúa cũng xấu như hai người kẻ trộm. Dân chúng nhìn vào thập giá mà không phân biệt được ai có tội, ai không. Họ đánh giá những gì họ thấy như nhau. Đối với họ, ai bị đóng đinh đều giống nhau.

     

    Giáo Hội lúc nào cũng bị phán xét theo cách đó. Là thành viên của Giáo Hội là liên đới với cộng đoàn, với tội lỗi và với những người có tội. Đức Ki-tô là mục tiêu của ngờ vực và hiểu lầm. Mọi cáo buộc đều nhắm hết vào Người. Với Giáo Hội của Người, điều này cũng sẽ luôn luôn đúng.

     

    Giống như Đức Ki-tô, Giáo Hội luôn bị những người ở ngoài phán xét, theo công thức chống đối, đây là tổ chức của những người lạm dụng trẻ em, bịp bợm, dối trá, trộm lành và trộm dữ. Thập giá của Đức Kitô vẫn tiếp diễn và vẫn đồng hành theo các bi kịch cá nhân của những người tội lỗi chân thành cũng như không chân thành. Đức Ki-tô luôn luôn bị đóng đinh giữa các kẻ trộm.

     

    Tuy nhiên Giáo Hội không cần phải đưa ra một biện minh đặc biệt nào cho chuyện này. Đức Giê-su đã có mặt ở đó. Tại sao Giáo Hội không có mặt ở đó?

     

    Cách đây một thế kỷ, Thần học gia Tin lành, Friedrich Schleiermacher đã nói trong cuốn Các bài nói chuyện với những người khinh nền văn hóa tôn giáo (Speeches to the Cultured Despisers of Religion) rằng, lúc nào cũng có cám dỗ khinh miệt tôn giáo dưới vỏ bọc tích cực, nhất là dưới khía cạnh lịch sử cụ thể trong các giáo hội nơi mà, giáo hội  bị vướng mắc một cách vô vọng và bất lực với tội lỗi, nhỏ nhen và các nhược điểm của người bình thường. Lúc nào cũng có cám dỗ nói rằng, “Tôi có thể luận giải về Thiên Chúa, nhưng tôi sẽ không dính líu đến tất cả các xáo trộn của con người mà chúng ta gọi là Giáo Hội này!”

     

    Câu nói đó là câu nói của người dị giáo. Đó là cũng là câu nói của người muốn từ bỏ Đức Ki-tô để theo ngẫu tượng. Đức Ki-tô đi với những người tội lỗi, ăn uống với họ, bị cáo buộc với họ và chết cùng họ. Giáo Hội đúng khi liên đới với Người, đặc biệt trong chuyện này. Gần đây Giáo Hội đã chết đi với nhiều người tội lỗi. Giáo Hội vẫn đang bị nhục – nhưng, đó là thập giá!

     

    Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

     

    Nguyễn Kim An dịch

    (phanxico.vn 22.06.2019