ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CẦN CÓ GIỜ THẢNH THƠI

Hãy sống thảnh thơi một chút!

“Chúng con đừng sống một cách hời hợt chung chung, nhưng có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong sự thật, nhờ đó chúng ta có mối thân tình với Chúa và với anh chị em mình“ (Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

 

Một lời khuyên của vị cha nhân từ thật tha thiết tỏ tình thương yêu đàn con thật thiết thực và thấu hiểu sâu xa con cái biết chừng nào! Trong đời sống thường ngày, chúng ta rất cần những  những khoảnh khắc lắng đọng tâm hồn trong thinh lặng, không làm gì cả, không nghĩ suy gì cả, ta chỉ việc buông bỏ tất cả để trí tâm thân thả lỏng, trùng xuống, lặng lẽ để tất cả tế bào trong con người dãn ra, nghỉ ngơi thảnh thơi. 

Đó là khoảnh khắc giá trị cho sự tồn tại của đời sống! ta sống chầm chậm một chút, thanh thản một chút, trống không một chút để tăng giá trị cho một cuộc sống xây trên nền tảng đạo đức, nhân ái, để an nhàn mỉm cười với sự tự do ngơi nghỉ của mình trong Đấng Tạo Dựng mình.

Đó là những khoảng khắc sống trong hiện tại, chỉ có Thiên Chúa ở trong mình và mình hãy bình dị ngồi yên, thầm lặng nhìn ra ngoài cửa sổ và thả hồn mơ mộng, hay nằm dài trên thảm cỏ, mơ màng ngắm trời xanh mây trắng trên đầu, hít thở đầy buồng phổi làn không khí trong lành giữa những cây cối quanh mình, mà tạ ơn Cha Nhân Lành cho mình mọi sự để mình được hưởng dùng.  

Chúng ta cần có những lúc suy tư như thế để tăng giá trị của sự tồn tại. Chúng ta có thể ngồi dưới ánh mặt trời, để được sưởi ấm cơ thể, lắng nghe âm thanh của trái đất, thưởng thức hương thơm của cỏ cây … mà ngợi ca Đấng Toàn Năng  cho chúng ta những thời gian và không gian đẹp tươi đầy sức sống của vũ trụ, chúng ta vui hưởng làn gió nhẹ mơn man trên gò má, và thích thú thưởng thức mái tóc đang đùa vui nhẩy múa trên đầu mình, mơn man hai bên gò má mà mỉm cười hạnh phúc… mà tạ ơn Đấng Tối Cao.

 Những khoảnh khắc trống không này cần được sử dụng để lấp đầy bình yên cho tâm hồn bằng cách dùng thời giờ để cầu nguyện với Lời Chúa, để suy tư về những ân sủng mà Ngài đã rộng lượng, quảng đại vô cùng trao ban  cho riêng từng cá nhân, để xử dụng những tạo vật mà phụng thờ và tôn vinh Ngài. Khi mình ca ngơi, tôn vinh Ngài thì mình chính là người được hưởng lợi ích thiêng liêng, vui hưởng sự sống cho sung mãn.

 Những giờ cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa hằng ngày, chúng ta sẽ dành 15 phút hay nửa tiếng đồng hồ vào một thời điểm nhất định, hẹn vói Chúa Giêsu để tâm sự với Ngài. Các bạn cứ thử đi rồi sẽ thấy mình nhận được biết bao hoa thơm quả ngọt nơi dòng sông tình yêu của Ngài, sẽ được hoan hưởng những lời ngọt ngào an ủi biết bao!  Cũng có thễ đôi khi nhận được lời mắng mỏ vì mình đang làm điều gì sai trái… nhưng thật hạnh phúc được Cha  mình sửa dạy phải không ạ?

Một số người trong chúng ta bị đam mê lôi kéo vào mục tiêu của họ đến mức họ không thể có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, cho tâm hồn thảnh thơi, và thể xác được hồi phục thì mới tồn tại cách tốt đẹp.  Thật đáng thương cho những người này, vì họ nghĩ những công việc bận rộn là một thước đo của cuộc sống có ý nghĩa.

Theo ý nghĩ của tôi, một người bình thường, theo đuổi một lý tưởng gì thì cũng chỉ đủ khả năng làm tròn bổn phận trong lý tưởng đó với tất cả tận lực của khối óc và con tim, song vẫn luôn cần ơn thánh Chúa trợ giúp vì „không có Thầy các con chẳng làm được gì“. Khi mình theo đuổi một lý tưởng để cuộc sống có ý nghĩa, mình vẫn còn bổn phận mưu sinh, công việc làm ăn nuôi sống mình, nuôi sống gia đình đã chiếm đến 9o% thời giờ của mình rồi.

Chúng ta cần nỗ lực lên kế hoạch tận dụng từng giây từng phút một cách có mục đích, mọi khoảnh khắc đều nên đem lại kết quả nào đó, theo cách này hay cách khác, phải giải quyết hay xử lý công việc một cách tự do theo sự mách bảo của lương tâm và của lý trí với sự soi sáng của Thần Khí Chúa.

Hãy dành cho bản thân vài phút không làm gì cả. Hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại. „Ai có khoảnh khắc hiện tại là có Thiên Chúa, ai có khoảnh khắc hiện tại là có tất cả“ (Thánh Teresa Avila). Các bạn sẽ thấy đời mình thật đáng trân quý biết chừng nào./-

Elisabeth Nguyễn (14.5.2020)

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts