Gần đây, tôi có nhận được một lá thư của một phụ nữ có cuộc sống vạn phần đắng cay nuốt hết vào lòng. Trong vài tháng, cô bị chồng ly dị, bị mất việc, bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà cô đã sống lâu nay, bị kẹt trong chỗ ở mới vì lệnh phong tỏa Covid, và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư nan y.
Thật quá sức chịu đựng. Có lúc, cô đã sụp đổ, lòng đầy tức giận và chỉ muốn bỏ cuộc. Cô hướng về Chúa Giêsu trong cay đắng: “Nếu Chúa có đó, dù chắc là không có đâu, thì Chúa biết những chuyện này chứ? Chúa có bao giờ cô đơn như thế này đâu!” Tôi nghĩ chúng ta ai cũng có những lúc như thế này. Chúa có biết những cảnh này không?
Nếu chúng ta tin vào Tin Mừng, thì Chúa Giêsu biết hết những cảnh này, không phải bởi ngài có ý thức thần thánh, nhưng bởi như người phụ nữ tôi vừa kể, Ngài biết ngay từ đầu cảnh phải đơn độc, bị gạt ra ngoài thế giới bình thường của nhân loại.
Điều này đã rõ ràng ngay từ khi Ngài ra đời. Tin Mừng nói rõ cho chúng ta biết, Mẹ Maria phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng bò vì nhà trọ không còn chỗ. Do người chủ trọ nhẫn tâm! Tội nghiệp ông ta đã phải chịu chê trách hàng thế kỷ. Tuy nhiên, nghĩ như thế là bỏ sót điểm chính của câu chuyện và hiểu sai ý nghĩa của nó. Bài học của câu chuyện này không phải là về sự tàn nhẫn vô lương tâm ngự trị thế gian, hay là thế giới quá bận tâm đến bản thân mà chẳng để ý thấy Chúa Giêsu giáng sinh, mặc dù những ý này cũng đúng. Đúng ra, điểm mấu chốt là, Chúa Kitô, được sinh ra như một kẻ ngoài lề, một kẻ nghèo hèn, một người ngay từ đầu đã không được đặt vào guồng quay chính của xã hội. Như tác giả Gil Bailie nói, Chúa Giêsu là người bị tất cả nhất trí loại trừ. Sao có thể khác được chứ?
Với con người của Chúa Giêsu, với thông điệp trọng tâm của Ngài là tin mừng cho người nghèo, và với việc Ngài đi vào cuộc sống nhân loại để trải nghiệm mọi điều trong đó, kể cả đau đớn và sỉ nhục, khi mà đáng ra Ngài có thể sinh ra trong cung điện, được nhiều hỗ trợ và tâm điểm của mọi chú ý yêu thương. Khi đồng cảnh ngộ với người nghèo, Ngài đã phải sinh “ngoài thành phố” như cách nói của tu sĩ Merton, và nó mang một ý nghĩa ẩn dụ lớn lao. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết nỗi đau và tủi nhục của người bị loại trừ, người chẳng có chỗ trong xu thế chủ đạo trần thế.
Khi xem kỹ các Tin Mừng, chúng ta thấy, chẳng nỗi đau, về cảm xúc hay thể lý nào, mà Chúa Giêsu chưa trải qua. Có thể nói, không một ai, bất chấp nỗi đau của chính mình, có thể nói vứi Chúa Giêsu rằng: Ngài đâu phải trải qua những gì con đã trải qua! Chúa Giêsu đã trải qua hết rồi.
Trong những năm mục vụ, Ngài đã đối diện với chối bỏ, chế nhạo và bị đe dọa liên tục, có lúc phải trốn đi như tội phạm lẩn trốn. Ngài cũng cô độc, ngủ một mình, không có được những sự thân mật bình thường của con người, không có gia đình riêng của mình. Rồi trong cuộc thương khó và cái chết, Ngài đã trải nghiệm những nỗi đau cảm xúc và thể lý cùng cực nhất. Về cảm xúc, Ngài đã “đổ mồ hôi máu”, và về thể lý, khi chịu đóng đinh, Ngài đã trải qua nỗi đau cùng cực, sỉ nhục cùng cực mà một con người có thể gánh chịu.
Như chúng ta đã biết, đóng đinh thập giá được người La Mã dựng lên như hình phạt tử hình, nhưng họ còn nghĩ xa hơn thế nhiều. Nó được dựng lên để tạo ra đau đớn và sỉ nhục nhiều nhất có thể cho người chịu nạn. Chính vì thế mà thỉnh thoảng người ta cho người chịu đóng đinh dùng thuốc phiện, không phải để làm giảm cơn đau, nhưng để người đó không ngất đi và thoát khỏi cơn đau này. Đóng đinh cũng được dùng để sự sỉ nhục lên đến cùng cực. Và để làm thế, họ lột trần người bị đóng đinh, phơi bày bộ phận sinh dục, và trong cơn co thắt lâm tử, bộ ruột lỏng ra sẽ là sự tủi nhục cuối cùng. Một vài học giả còn cho rằng trong đêm trước khi vác thập giá, có khi Ngài còn bị binh lính xâm hại tình dục. Thật sự, không có nỗi đau hay sỉ nhục nào mà Ngài chưa gánh chịu.
Theo Kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Sẽ có những điểm chùng xuống trong cuộc đời chúng ta, khi hoàn cảnh buộc chúng ta phải nâng tâm trí và tâm hồn lên với Chúa theo một cách có vẻ đi ngược với cầu nguyện. Có lúc, chúng ta sẽ tới điểm bùng nổ, khi mà trong sự sụp đổ, giận dữ, hổ thẹn và tuyệt vọng, chúng ta nghĩ không một ai, kể cả Thiên Chúa, quan tâm đến chúng ta, chúng ta cực kỳ cô độc, và thế là, dù có ý thức hay không, chúng ta sẽ đối đầu với Chúa Giêsu qua những lời này:
“Chúa biết gì về chuyện này chứ!” Và Chúa sẽ lắng nghe lời đó như một lời cầu nguyện, một tiếng kêu chân thành từ cõi lòng, hơn là một lời bất kính.
Rev. Ron Rolheiser, OMI