ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỪNG SƠ HÃI

ĐỪNG SỢ HÃI

CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 4,35-41

Khi ấy, lúc chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bên bờ bên kia đi!”. Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”. Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”. Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

 

ĐỪNG SỢ HÃI

Một sĩ quan người Anh cùng gia đình xuống tàu đi tới một miền xa lạ. Đang lênh đênh trên biển trên biển thì bỗng có giông bão khủng khiếp ập tới. Hành khách trên tàu cuống cuồng lo sợ, nhất là bà vợ của viên sĩ quan. Bà thấy ông vẫn bình thản thì bực bội và trách ông không quan tâm tới nỗi lắng của vợ con cùng các hành khách.

Ông im lặng ra khỏi phòng một lát rồi trở lại, nghiêm nét mặt rút kiếm ra dí vào cổ vợ. Bà vợ tái mặt, nhưng rồi phá lên cười. Viên sĩ quan hỏi: “Thấy mũi kiếm sắp đâm vào người mà em không sợ sao?” – “Việc gì em phải sợ? Em biết anh vẫn thương em mà!” –  “Thế tại sao em bắt anh phải sợ khi biết Thiên Chúa luôn yêu chúng ta? Và cơn bão này cũng ở trong bàn tay Thiên Chúa!”.

Đó là bài học mà Đức Giê-su cũng muốn dạy cho các môn đệ và chúng ta trong phép lạ dẹp yên cơn bão hôm nay. Trong trình thuật Mc, sau loạt các dụ ngôn là một loạt bốn phép lạ mà “dẹp yên cơn bão” là phép lạ đầu. Bốn phép lạ này có nét đặc trưng là đã không được thực hiện trước mặt dân chúng, nhưng chỉ “trước mặt các môn đồ”: thành thử chúng là những “dụ ngôn bằng hành vi”, cần được giải thích vừa trên bình diện biểu tượng vừa trên bình diện thực tế. Vậy ta hãy nghe giáo huấn chất chứa trong sự kiện. Lối đọc thần học một biến cố không làm mất đi lịch sử tính của nó, mà còn mang lại cho nó tất cả chiều sâu.

  1. Dẫu Thiên Chúa đang ngủ

Trên bình diện thực tại lịch sử, ta hãy tưởng tượng một buổi chiều mùa hè đẹp, Đức Giê-su mượn chiếc thuyền của Si-môn Phê-rô và chầm chậm rời xa bờ hồ Ti-bê-ri-át. Sau cái nắng như thiêu ban ngày, là sự mát mẻ buổi chiều hôm. Sau cảnh hỗn độn mệt nhoài với đám đông, là giây phút thân tình với nhóm bạn hữu giữa biển. Chính Đức Giê-su đã có sáng kiến về những khoảnh khắc yên tĩnh này: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”. Gió thuận. Cánh buồm no gió nhẹ rung. Người ta chỉ nghe được tiếng ùng ục yếu ớt của nước đang chẻ mũi thuyền và vài tiếng kêu của chim mòng biển. Mệt mỏi vì cả ngày giảng dạy, Đức Giê-su ngủ say “như chết”, đầu kê trên chiếc gối đằng đuôi. Phê-rô cầm tay lái gần bên Người,

Nhưng thật đáng tiếc nếu dừng lại ở kiểu đọc thứ nhất này. Khi biết rằng mỗi từ mỗi câu trong các trình thuật Tin Mừng ấy đều đã được giải thích trong giáo lý thời nguyên thủy, thì ta cũng cần cố gắng đọc chúng theo lối biểu tượng, y như các Giáo phụ đầu tiên.

Cụm từ “Ngày hôm ấy” đâu phải là một kiểu nói vô thưởng vô phạt để bảo rằng “ngày (giảng dạy bằng) dụ ngôn” đã kết thúc. Ngoài ra, đối với Mc, việc sự kiện này tiếp nối sự kiện kia là một kết cấu thần học hơn là một phóng sự. “Ngày hôm ấy” sẽ chẳng phải là một ngày bình thường. Phê-rô sẽ nhớ nó mãi suốt đời ông. Vì đó là “Ngày Giavê” thời danh mà Cựu Ước thường nhắc tới, ngày quyền lực Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ, ngày được báo trước bằng những thảm họa thời cánh chung (Ge 2 và 3). “Lúc chiều đến”. Đây không chỉ là buổi chiều êm dịu đang xuống dần, nhưng cũng là “giờ tăm tối”, giờ của thử thách (x. Mc 14,17; Ga 9,4; 13,30). “Bờ bên kia” không những chỉ bờ hồ đối diện, nhưng cũng chỉ việc đi qua thế giới bên kia, vốn là số phận mỗi người lúc xế chiều cuộc sống, và là ngày trọng đại của mình, “ngày gặp gỡ Thiên Chúa” mà mọi ngày khác đều chỉ là chuẩn bị.

 “Bỗng nổi lên một trận cuồng phong…” Cơn bão có thật. Ngày nay cũng thế, hồ Ti-bê-ri-át vẫn nổi tiếng với những cơn gió bất ngờ và dữ dội, thổi xuống từng loạt từ cao nguyên Golan. Hơn bất cứ ai khác, do nghề nghiệp của mình, Phê-rô biết rõ chúng, các trận đổi gió đột ngột khiến buồm kêu đôm đốp và thuyền bè chao đảo.

Nhưng đâu cần ra biển mới chịu các “cơn bão”. Mọi ngôn ngữ trên thế giới đều sử dụng từ này để nói lên “thử thách bất ngờ ập xuống một con người”. Và trong Kinh Thánh, chủ đề cơn bão thường là biểu tượng của các tà lực. Cuộc sáng tạo được quan niệm như chiến thắng của Thiên Chúa trên “hỗn mang” của biển cuồng nộ (x. St 1,2). Theo thần thoại xưa của dân Sê-mít, biển là “đại vực thẳm”, nơi ngự trị của thuồng luồng, thủy quái, Lê-vi-a-than, biểu tượng của ma quỷ (x. Is 27,1; Tv 74,13; G 9,13; Đn 7; Kh 12 và 13).

Nhưng cuồng phong thì mặc cuồng phong, “Đức Giê-su vẫn ngủ”, mắt nhắm nghiền, hơi thở đều đặn. Chi tiết này gợi hứng cho ta lời cầu nguyện nào? Lạy Chúa, Ngài có ý gì thế? Ngài thật khó hiểu! Trong Thánh Kinh, từ “giấc ngủ” thường được dùng để nói đến “cái chết” (x. Tv 13,4; Đn 12,2; Ep 5,14; Ga 11,11; Mc 5,39-41). Và cũng hình ảnh ấy được dùng để diễn tả sự “dửng dưng” của Thiên Chúa, sự “vắng mặt” của Người: “Lạy Chúa, xin chỗi dậy, sao Ngài ngủ mãi? Thức dậy đi nào!” (Tv 44,24; 35,23; 59,6; 78,65; Is 51,9-10). Vâng, trong các cơn bão nhân loại của chúng ta, đúng là Thiên Chúa xem ra ngủ kỹ. Đâu phải chỉ con người hiện đại mới phát minh chủ đề “Thiên Chúa đã chết”! Đây là cảm thức của thân phận con người, vốn thấy mình bất lực, bị đe dọa, trước một Thiên Chúa không can thiệp trên mức độ các “nguyên nhân tự nhiên” mà để cho các mãnh lực tử thần hành động, một Thiên Chúa xem ra ngủ khì.

  1. Người cũng đã chỗi dậy

 “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Lời cầu nguyện tiệt diệu, nên biến thành lời cầu nguyện của ta trước cơn bão cuộc đời. Qua câu chuyện có thật được Mc kể lại này (theo lời rao giảng của Phê-rô), chúng ta thành thử có thể coi đây là cơn bão lớn của cuộc Khổ nạn, vốn đã lay động con thuyền nhỏ của cộng đoàn Tông đồ lúc Đức Giê-su ngủ trong cái chết. Nhưng, bất chấp các quyền lực sự chết, tượng trưng bởi “biển cả”, Đức Giê-su đã phục sinh. Chúng ta gặp lại chủ đề Kinh thánh về “biển”, hình ảnh các mãnh lực chống lại con người, vì Mc sử dụng ở đây cùng những ngữ vựng như khi Đức Giê-su “ngăm đe” ma quỷ, bắt chúng “lặng im câm mồm” (Mc 1,25; 9,25).

Câu trả lời cứng cỏi: “Sao nhát thế? Anh em chưa có lòng tin sao?” áp dụng thật đúng vào thời điểm cuộc Khổ nạn, lúc tất cả môn đệ chạy trốn, chối bỏ, nghi ngờ. Ba lần, Mc sẽ lặp lại rằng các Tông đồ “không tin”: “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy” (Mc 16,11.13.14).

Đấy là cơn bão của các Tông đồ. Còn đâu là cơn bão của riêng tôi? Thiên Chúa sẽ dẹp yên chúng chứ? Đọc Tin Mừng cách ngây ngô, ta có thể tưởng như vậy. Cảnh yên tĩnh trở lại của hồ Ti-bê-ri-át khiến ta mơ ước một cuộc sống bình an, có Thiên Chúa thường xuyên can thiệp ở mức độ các nguyên nhân tự nhiên để tránh cho ta thử thách, cái chết. Nhưng một lối đọc Tin Mừng cách chân chính sẽ khiến ta thấy Đức Giê-su kêu mời ta “thanh luyện đức tin”. Chính khi trải qua “giấc ngủ sự chết” mà Đức Ki-tô giải thoát ta khỏi các quyền lực hỏa ngục lẫn tử thần. Không phải bất cứ niềm tin nào cũng trấn áp được các cơn bão, nhưng chỉ niềm tin vào “Đức Giê-su Ki-tô tử nạn phục sinh”. Ơn cứu rỗi ta tin vào đâu có giúp ta thoát khỏi, kiểu phép lạ, cách ưu đãi, các khổ đau gắn chặt với bản tính con người! Niềm tin xác tín về quyền lực của mình vẫn không ngăn cản Đức Giê-su trải qua “giấc ngủ của nấm mộ”. Chính khi đích thân trải qua thử thách mà chúng ta mới có thể “sang bờ bên kia”. Nhưng Đức Giê-su có đó, với ta, trong các thử thách ta chịu. Thật là một trang biểu tượng tuyện vời!

 

  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Lễ Chúa Nhật XI Thường Niên B

Video Player
 
00:00
 
27:02
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục