ĐỜI SỐNG TÂM LINH - PHÉP LẠ TRONG ĐẠI DỊCH
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
-
Chi Tran
PHÉP LẠ TRONG ĐẠI DỊCH
Thật tốt để chấp nhận hoàn cảnh cụ thể trong bình an. Thay vì than trời trách đất, xung đột trong các tương quan, Thiên Chúa muốn người ta nhận ra điều nên làm lúc này.
Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?” “Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!”[1]
Trò chuyện thiêng liêng:
Thật khó để thấy một phép lạ nhãn tiền. Theo nghĩa thông thường, phép lạ là những gì vượt lên trên sự hiểu biết lý luận của con người. Đức Mẹ Maria hoặc Chúa Giêsu hiện ra, chúng ta gọi đó là phép lạ. Người mắc bệnh hiểm nghèo tự dưng khỏi bệnh, người ta cũng gọi là phép lạ, v.v. Trước giờ chúng ta vẫn hiểu phép lạ là việc Thiên Chúa làm, có thể nhận biết bằng giác quan. Là con người, ai cũng tò mò hoặc muốn biết về những phép lạ. Hẳn nhiên Thiên Chúa không làm những phép lạ để thỏa trí tò mò của con người. Thay vào đó, Thiên Chúa làm phép lạ để thông truyền một thông điệp cứu rỗi và củng cố đức tin của chúng ta. Hoặc nói theo ngôn ngữ thần học: “Qua các phép lạ, Đức Giêsu chứng tỏ rằng Vương Quốc Đấng Mêsia được các ngôn sứ loan báo, đã hiện diện nơi chính bản thân Người. Đức Giêsu làm cho người ta phải lưu ý đến Người và đến Tin Mừng của Vương Quốc mà Người là hiện thân.”[2]
Khi đại dịch mới bắt đầu, người ta mong chờ “phép lạ” Thiên Chúa sẽ làm để sớm chấm dứt cơn ác mộng này. Thời gian đó không đến, ngược lại, thế giới càng chìm sâu trong cơn đại dịch. Người ta tiếp tục chờ “phép lạ vaccine” để chống lại con virus này. Tạ ơn Thiên Chúa đã cho các nhà khoa học tìm ra nhiều loại vaccine; tuy nhiên, nhiều nước hiện nay vẫn oằn mình chống dịch. Nhất là tại Việt Nam trong những ngày tháng này, chúng ta vẫn có thể hỏi Thiên Chúa: “Sao con chưa thấy phép lạ nào xuất hiện để cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường!”
Với câu hỏi trên, người ta muốn Thiên Chúa giống như vế: “Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người.” Trong ý hướng này, con người muốn ra lệnh cho Thiên Chúa làm theo những mong ước của con người. Họ tin Chúa với điều kiện phải có phép là xảy ra, nếu không họ dễ dàng “nghỉ chơi” với Thiên Chúa. Hẳn nhiên, chúng ta muốn hết dịch, muốn sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Đó là ước nguyện chính đáng và phải đạo. Ý hướng tốt lành đó đáng được van nài, trình lên với Thiên Chúa. Trong tâm thế này, thật tốt để chúng ta tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa quan phòng. Một xin theo ý Cha! Nếu Chúa muốn, Ngài hoàn toàn có thể đáp ứng những nhu cầu tốt lành của chúng ta. Nếu những ước nguyện của chúng ta không được nhậm lời, có ba trường hợp:
– Hoặc là chưa đến lúc Thiên Chúa trao ban phép lạ.
– Hoặc Thiên Chúa biết phải làm gì để tốt nhất cho cuộc sống hiện tại của chúng ta.
– Hoặc điều chúng ta van xin không như ý Thiên Chúa muốn.
Bạn thân mến,
Vị Minh sư trên đây trả lời: “Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!” Trong xứ chúng tôi nghĩa là lãnh địa của người Công giáo, những người tin và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Tiếc là thánh ý Chúa không dễ dàng nhận ra! Nó đòi chúng ta bình tĩnh, cầu nguyện với lòng quảng đại và tình yêu. Điều này quan trọng, bởi thánh ý Thiên Chúa luôn muốn cho con người được hạnh phúc bình an. “Đại dịch xảy ra, nhiều người qua đời, biết bao người nhiễm bệnh, cuộc sống bị đảo lộn, chẳng lẽ là ý Chúa sao?” – có người thắc mắc. Theo lý luận của con người, chúng ta có lý, nhưng theo luận lý của Thiên Chúa, mỗi người cần nhận ra và sống theo thánh ý lúc này và ở đây!
Thật tốt để chấp nhận hoàn cảnh cụ thể trong bình an. Thay vì than trời trách đất, xung đột trong các tương quan, Thiên Chúa muốn người ta nhận ra điều nên làm lúc này. Trong thời gian giãn cách và phong tỏa xã hội, về mặt tâm lý, có thể gây nhiều bất ổn và căng thẳng. Từ đó, đổ vỡ trong tương quan gia đình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hy vọng chúng ta không đi vào con đường sầu buồn đó. Hãy để cho mình và gia đình rẽ vào một hướng khác, nơi đó có Thiên Chúa, có sự nhẫn nạn, tình yêu và sáng kiến. Rồi trong bầu không khí này, chúng ta nhận ra Ý Thiên Chúa đang muốn gì cho từng người và cho cả xã hội nữa.
Một điều chắc chắn là Thiên Chúa không bao giờ rời xa con người. Dù ở đâu và khổ đau đến đâu, Thiên Chúa vẫn ở với bạn và tôi. Đó là vị Thượng Đế mà chúng ta may mắn có được. Chúa không muốn bạn ra lệnh cho Ngài làm điều này, điều kia. Ngược lại, Chúa muốn mỗi người thực thi thánh ý Chúa lúc này và ở đây. Dĩ nhiên, Chúa muốn mỗi người mỗi khác, tùy hoàn cảnh của mỗi người sống. Điều thú vị là chúng ta càng để tâm lắng nghe tiếng Chúa, tâm hồn chúng ta càng được bình an, khả năng chống dịch của mỗi người càng tăng và sức để kháng cho thể lý và tâm hồn càng mạnh mẽ hơn. Rồi khi hết dịch, chúng ta nhìn lại khoảng thời gian này với lòng biết ơn Thiên Chúa. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Sau lời lá thứ kêu gọi hướng về Sài Gòn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam[3], dường như biết bao phép lạ tình người đang diễn ra. Người người đang giúp đỡ lẫn nhau. Biết bao nghĩa tình hướng về các tâm dịch với sự giúp đỡ cụ thể, với lời cầu nguyện và sẻ chia. Đó chẳng phải là phép lạ mà Thiên Chúa đang làm để cùng đi với con người trong đại dịch sao?! Hóa ra, nếu “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” thì người ta có thể nhận ra những dấu lạ, những điều kỳ diệu vẫn đang xảy ra. Chúa muốn chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy giúp đỡ tha nhân, hãy tin tưởng vào quyền năng Chúa. Đó là ý Thiên Chúa.
Vậy ước sao mỗi người nhìn nhận đúng vai trò của Thiên Chúa. Xin đừng đòi Chúa làm phép là cho bằng được. Thật tốt khi “một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!” Lúc đó, phép lạ sẽ xảy ra. Thử tưởng tượng ai cũng làm theo ý Chúa, phép lạ cũng lan nhanh, truyền rộng đến tâm hồn mỗi người. Virus Corona đang rất mạnh, nhưng chúng ta cũng cần để phép lạ (ý Chúa), tỏa lan trong gia đình, thôn xóm và toàn xã hội mạnh hơn, nhanh hơn và cụ thể hơn.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Anthony de Mello SJ, Một Phút Minh Triết, dịch giả Đỗ Tân Hưng (mục phép lạ).
[2] Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh GHHV Piô X Đà Lạt.
[3] Xem: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-qua-sai-gon-oi-thu-keu-goi-cua-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-gui-dong-bao-cong-giao-viet-nam-42234