GẶP GỠ ĐỨC KITO TRONG THÁNH THẦN

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 12-12-2018

 

 Kinh Lạy Cha - Bài 2: Lời nguyện cầu của con người

  

 

"'Kinh Lạy Cha' là kinh nguyện đi sâu vào thực tại cụ thể của con người"

 

 

"Cầu nguyện được bắt đầu bằng chính đời sống"

 

Pope Francis speaks at weekly General Audience

 

"Chúa Giêsu không muốn dập tắt những gì là con người nơi việc cầu nguyện;

Người không muốn làm cho nó bị tê liệt"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục buổi giáo lý về "Kinh Lạy Cha" vừa được bắt đầu tuần rồi. Chúa Giêsu đặt lên miệng lưỡi các môn đệ của Người một kinh nguyện ngắn gọn táo bạo được kết cấu bởi 7 vấn đề - một con số không phải là ngẫu nhiên tình cờ trong Thánh Kinh mà là ám chỉ tính cách viên trọn. Tôi nói rằng táo bạo, vì nếu Chúa Kitô không gợi ý, thì có lẽ chẳng có ai trong chúng ta - chẳng có thành phần thần học gia nổi nang nhất - dám cầu cùng Thiên Chúa như thế. Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người tiến đến cùng Thiên Chúa mà tin tưởng tỏ bày một số điều nguyện cầu: trước hết là liên quan đến Ngài, sau đó đến chúng ta. Không có Lời Dẫn Nhập nơi "Kinh Lạy Cha". Chúa Giêsu không dạy các công thức để "làm cho mọi người mến" Chúa, trái lại, Người mời gọi cầu nguyện cùng Người để khỏi bị trở ngại bởi những gì là băn khoăn lo sợ. Người không bảo hãy thưa cùng Thiên Chúa là "Đấng Quyền Năng", là "Đấng Tối Cao", "Chúa rất xa cách chúng con; con là một kẻ khốn nạn". Không, Người không nói như vậy, mà chỉ là "Lạy Cha", hoàn toàn đơn sơ, như con cái hướng về cha của chúng. Chữ "Cha" này nói lên lòng tin tưởng cậy trông của con cái.

"Kinh Lạy Cha" là kinh nguyện đi sâu vào thực tại cụ thể của con người. Chẳng hạn chúng ta xin lương thực, lương thực hằng ngày của chúng ta, một nguyện cầu đơn sơ nhưng thiết yếu, một nguyện cầu cho thấy rằng đức tin không phải là một thứ "trưng bày", không dính dáng gì tới đời sống, một nguyện cầu vang lên khi tất cả mọi nhu cầu khác đã được mãn nguyện. Trái lại, cầu nguyện được bắt đầu bằng chính đời sống. Cầu nguyện - Chúa Giêsu dạy chúng ta - không bắt đầu nơi việc hiện hữu của con người sau khi no bụng, mà cầu nguyện ở ngay bất cứ chỗ nào có con người, có bất cứ ai đang đói khổ, đang khóc lóc, đang đối chọi, đang đau khổ và đang đặt vấn đề "tại sao". Ở một nghĩa nào đó, lời cầu nguyện tiên khởi của chúng ta là tiếng kêu được kèm theo hơi thở đầu tiên của chúng ta. Tiếng khóc chào đời của một đứa bé sơ sinh là những gì loan báo thân mệnh của cả đời sống chúng ta: cơn đói liên lỉ của chúng ta, nỗi khát liên lỉ của chúng ta và việc tìm cầu hạnh phúc liên lỉ của chúng ta.

Chúa Giêsu không muốn dập tắt những gì là con người nơi việc cầu nguyệnNgười không muốn làm cho nó bị tê liệt. Người không muốn chúng ta nản chí đặt vấn đề và yêu cầu, khi biết chịu đựng tất cả mọi sự. Trái lại, Người muốn hết mọi đau khổ, hết mọi lo âu vươn tới Trời và trở thành một cuộc đối thoại.

Có người đã từng nói rằng sống đức tin là thói quen kêu khóc.

Tất cả chúng ta cần phải như Batimê trong Phúc Âm (xem Marco 10:46-52) - đoạn Phúc Âm về Batimê, con của Timê - thuật lại người mù này ngồi ăn xin ở cổng thành Giêricô. Rất nhiều người tốt lành ở chung quanh anh ta truyền anh ta phải im tiếng. "Im đi! Chúa đang đi ngang qua. Im. Đừng có quấy rối. Sư phụ có nhiều điều cần phải làm; đừng làm phiền đến Người. Ngươi cứ kêu la điếc cả tai. Đừng có mà phiền nhiễu". Tuy nhiên, anh ta không nghe lời khuyên đó: bằng việc cương quyết thánh đức, anh ta hy vọng thân phận thảm thương của anh ta cuối cùng thế nào cũng giúp cho anh ta được gặp Chúa Giêsu. Nên anh ta càng la to hơn! Và có người nhã nhặn bảo anh ta rằng: "Đừng nhé. Người là Vị Sư Phụ đó, chúng tôi van xin anh! Anh tệ quá đi!" Anh ta đã kêu gào vì anh ta muốn thấy, anh ta muốn được chữa lành.

"Ngài Giêsu ơi, xin thương xót tôi!" (câu 47), Chúa Giêsu đã cho anh ta được nhìn thấy và nói với anh ta rằng: "đức tin của anh đã chữa anh" (câu 52), như thể cho thấy rằng điều quyết liệt cho việc chữa lành này là lời cầu nguyện, một lời thỉnh cầu tin tưởng vang lên, mãnh liệt hơn cả "cái cảm quan tốt lành" của rất là nhiều người muốn anh ta câm nín. Lời cầu nguyện chẳng những đi trước việc cứu độ mà con chất chứa việc cứu độ một cách nào đó, vì nó giải thoát con người khỏi nỗi thất vọng của những ai không tin rằng có rất nhiều trường hợp bất khả chịu đựng mà vẫn có lối thoát.

Như thế, các tín hữu chắc chắn cũng cảm thấy nhu cầu cần phải ca tụng Thiên Chúa. Các Phúc Âm trình thuật cho chúng ta thấy tiếng than vãn hân hoan bộc phát từ tâm can của Chúa Giêsu, tràn đầy những gì là tri ân ngưỡng mộ đối với Chúa Cha (xem Mathêu 11:25-27). Các Kitô hữu tiên khởi thậm chí còn cảm thấy cần phải thêm một lời tụng ca vào đoạn văn của "Kinh Lạy Cha" nữa: "Vì uy quyền và vinh hiển của Cha đến muôn đời" (Didache, 8,2).

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta cần phải chấp nhận cái lý thuyết cho rằng lời nguyện kêu xin là một hình thức cho thấy đức tin yếu kém, trong khi đó lời nguyện chân thực nhất chỉ thuần là lời ca khen chúc tụng, lời cầu tìm kiếm Thiên Chúa mà không đặt nặng bất cứ lời cầu xin nào. Không, không đúng. Lời nguyện kêu xin là những gì chân thực, là những gì tự phát, là một tác động của niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, Đấng thiện hảo, Đấng Quyền Năng. Nó là một tác động của đức tin trong tôi, một kẻ nhỏ bé, một tội nhân, thiếu thốn. Thế nên, một lời nguyện kêu xin một điều gì đó thì rất cao quí. Thiên Chúa là Cha, Đấng vô cùng thương cảm chúng ta và muốn con cái của Ngài nói với Ngài một cách dạn dĩ, trực tiếp, bằng cách gọi Ngài là "Cha", hay, trong những lúc khó khăn, thân thưa rằng: "Nhưng Lạy Chúa, Chúa đã thực hiện cho con những gì đây?" Bởi vậy, chúng ta có thể nói với Ngài hết mọi sự, bao gồm cả những điều méo mó và khó hiểu xẩy ra trong đời sống của chúng ta. Ngài đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ ở với chúng ta luôn mãi, cho đến ngày cuối cùng chúng ta sống trên trái đất này. Chúng ta hãy cầu Kinh Lạy Cha, bắt đầu một cách đơn giản như thế này: "Lạy Cha" hay "Cha ơi". Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta rất nhiều. 

https://zenit.org/articles/general-audience-full-text-a-prayer-that-asks-with-trust/

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu