NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - CẦN PHÓ THÁC

SỢ TRÌU MẾN SẼ BÓP NGHẸT TÂM HỒN

 

“Ai mà quả tim không mềm yếu thì một ngày nào đó cái đầu sẽ mềm yếu!” Cách đây hơn nửa thế kỷ, G.K.Chesterton đã nói như thế và đến nay câu này vẫn chưa mất tính thời sự, ngày nay mọi sự như đi ngược với những gì là hiền dịu và yếu mềm.

 

 

Bây giờ ở đâu ai cũng nói với giọng điệu nghề nghiệp, hiệu năng đến cứng rắn, cạnh tranh và quyền lực. Trong môi trường làm việc và đôi khi cả trong gia đình, trong giới tu sĩ, cũng không có bao nhiêu chỗ cho cái gọi là “mềm yếu”, ít hiệu năng, tình cảm hay chậm chạp.

Chỉ cần kêu gọi nên nhẹ nhàng, nên dịu hiền để cho không khí được thoải mái là cũng đã làm cho người khác nghĩ sai về mình, thiếu tôn trọng mình. Thế giới chúng ta không dành chỗ cho những gì gọi là tình cảm, tính không chuyên nghiệp, kém hiệu năng, chậm chạp, yếu mềm và mong manh. Tính cứng rắn và thành tích được tôn trọng hơn.

Vì vậy đôi khi chúng ta cảm thấy môi trường làm việc và ngay cả trong gia đình có cái gì đó lạnh lẽo và vô cảm. Tuy nhiên trên thực tế cảm giác này là do nỗi sợ hãi của chúng ta.

Để tránh bị nhìn dưới khía cạnh xấu, bị cho là yếu mềm, chậm chạp, trẻ con, không chịu được áp lực, không đạt được các tiêu chuẩn của tính cứng rắn và hiệu năng nên chúng ta chấp nhận tất cả các hạn chế.

Đây là điều không nên nhưng trên thực tế nó lại xảy ra như vậy. Chúng ta không nên sợ mấy loại này nhưng thường thì chúng ta sợ. Thực tế chúng ta thường sống và làm việc trong bầu khí lạnh lẽo và vô cảm.

Trong các điều kiện này, chúng ta dễ trở nên cay đắng, lạnh lùng, chai cứng vì tinh thần ganh đua. Tiến trình này âm thầm diễn ra giống tiến trình lão hóa và bạc tóc, từ từ và khó nhận thấy. Chúng ta nhìn gương mỗi ngày và nghĩ mình cũng giống như mọi ngày… cho đến khi nhìn lại bức ảnh cũ: chúng ta choáng váng thấy mình đã thay đổi quá nhiều.

Nếu các bức ảnh cũ có thể phản ảnh tinh thần năng hoạt, tính hồn nhiên, lòng hăng say đón tiếp, lòng thương xót, niềm hân hoan vui sống thì chắc nhiều người trong chúng ta sẽ choáng khi thấy mình thay đổi quá nhiều, mình đã chai đá theo năm tháng. Sự lạnh lùng, tính dè chừng, chai cứng trước những người xa lạ với chúng ta, bây giờ nó phản ảnh qua ánh nhìn, qua cách hành động và đau khổ thay, nó đã ở trong quả tim chúng ta. Đúng, tất cả thay đổi từ từ. Chúng ta thay đổi, chúng ta tạo một võ bọc và trở thành con người mà trước đây chúng ta không nghĩ mình sẽ chọn kiểu người này để làm bạn.

Vì thế, thì giờ dành để cầu nguyện mỗi ngày là thì giờ quan trọng nhất để chúng ta trở nên dịu hiền, để tinh thần chúng ta linh hoạt trở lại, mang lại lòng hiếu khách, tình thương xót, niềm hân hoan vui sống như ngày xưa.

Cầu nguyện không chỉ là cầu nguyện thành lời. Chúng ta được mời gọi “cầu nguyện liên lỉ.” Có nghĩa là cầu nguyện trong khi làm bất cứ việc gì, chứ không phải chỉ ngồi đọc kinh.

Cầu nguyện liên lỉ, như Đức Giê-su nói, có nghĩa là đọc các dấu hiệu của thời gian, là nhìn các biến chuyển đã hình thành cuộc sống chúng ta, đọc ra dấu chỉ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngôn ngữ của Thiên Chúa là trải nghiệm Thiên Chúa ghi trong cuộc sống chúng ta. Cầu nguyện, có nghĩa là đọc cuộc sống mình theo đức tin.

Tôi nghĩ phương cách quan trọng nhất mà chúng ta nên theo hôm nay là nhìn lại, đọc theo đức tin, đón nhận như một lời cầu nguyện, một ân sủng các giây phút đã làm cho tâm hồn chúng ta dịu lại, làm chúng ta cảm thấy mình mong manh, gợi lên trong lòng chúng ta tình thương xót, nhiệt tình đón tiếp người khác, tạo cho chúng ta tình đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung. Có ý thức sẽ làm quả tim mềm dịu.

Thế giới có thể chai cứng và, nếu chúng ta không ý thức, chúng ta không xoa dịu quả tim bằng các giây phút dịu dàng cầu nguyện, thì chúng ta cũng sẽ chai cứng, lạnh lùng, hờ hững, không thân thiện tiếp đón, chúng ta cũng giống như họ mà thôi.

Thi hào Anh William Wordsworth quan sát và thấy thường thường người nào có vẽ như lạnh lùng là chỉ vì họ bị tổn thương. Tôi nghi cũng vì lý do này mà nhiều người trong chúng ta toát ra kiểu lạnh lùng này.

Phải cầu nguyện để đón nhận giây phút hiền dịu lên và để ân sủng của nó làm chúng ta trở nên dịu dàng.

Cái gì làm cho một giây phút trở nên dịu dàng? Tất cả những gì trong cuộc sống giúp chúng ta ý thức mình có môi giây sâu đậm thắt chặt lẫn nhau, các khó khăn cùng chia sẻ với nhau, các tổn thương chung, các tội lỗi giống nhau, nhu cầu cần giúp đỡ nhau: khuôn mặt đau khổ của người khác phản chiếu nỗi đau của chính mình, ý thức về cái chết thể lý, chấp nhận mình có tội, nét đẹp của thiên nhiên, lòng hăng hái và thơ ngây của trẻ con, cái mong manh của tuổi già, và dĩ nhiên, đặc biệt là những giây phút của tình mật thiết, tình bạn, các lễ hội, những giây phút hân hoan, đau khổ, mong manh cùng chia sẻ với nhau.

Thánh Gio-an Thánh Giá cho rằng vai trò của cô tịch là “để người hiền hòa nhịp với sự  dịu dàng.” Các giây phút dịu dàng là những giây phút cầu nguyện sâu đậm.

Chúng ta cần có nhiều giây phút như vậy nếu không cái lạnh lùng và vô cảm của môi trường chung quanh sẽ làm chúng ta lạnh lùng và vô cảm theo. Mỗi ngày chúng ta cần đón nhận giây phút dịu dàng này.

Chesterton cũng đã nói: “Những gì nhanh nhất là những gì mềm mại nhất. Chim muông nhanh nhẹn vì chúng mềm mại. Đá tê liệt vì nó cứng. Do bản chất của nó, hòn đá phải rơi xuống, bởi vì vật gì càng cứng thì càng yếu. Do bản chất của nó, loài chim bay cao, vì tất cả những gì mong manh đều có sức mạnh.” (Orthodoxy)

Ronald Rolheiser 

Nguyễn Kim An dịch