NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - SỬA LỖI CHO NHAU
- Details
- Category: Người Tín Hữu Trưởng Thành
-
Chi Tran - Sep 27 at 5:01 AM
SÁU CÂU HỎI ĐỂ SỬA LỖI CHO NGƯỜI ANH EM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Chúng ta không biết khi nào, làm thế nào và lỗi nào thì cần sửa cho người anh em? Linh mục giáo sư thần học Dominique-Benoît de La Soujeole, Dòng Đa Minh sẽ giúp chúng ta.
1- Cách nào tốt nhất để sửa lỗi người anh em?
KHÔNG CÓ CÔNG THỨC PHÉP LẠ
Việc sửa lỗi tùy thuộc vào người phạm lỗi, tùy mức độ nặng nhẹ cũng như tùy lúc nào là lúc thuận tiện… Linh mục Dominique-Benoît lưu ý, sửa “lỗi nhẹ” và sửa “tội trọng” khác nhau. Hình thức để sửa cũng rất quan trọng. Khi Thánh Têrêxa Avila thấy chị em mình sai, ngài phát triển một đức tính ngược lại: hành động tốt hơn. Còn các Giáo phụ sa mạc thì nhiều mưu kế hơn. Viện phụ Poemen kể câu chuyện sau: “Một tu sĩ thường ăn cơm với một đồ đệ, người đồ đệ này thường có thói quen gác chân lên bàn ăn. Trong một thời gian dài, viện phụ âm thầm chịu đựng không nói gì. Cuối cùng, chịu không được, cha đến gặp một viện phụ cao niên. “Đem anh đó đến cho tôi!” Khi đến giờ ăn, người đồ đệ chưa kịp làm gì thì viện phụ cao tuổi gác hai chân lên bàn. Anh đồ đệ trẻ rất khó chịu. “Thưa cha, cha làm vậy là không được!” Viện phụ vội rút hai chân về và nói: “Con có lý.” Về với thầy của mình, người đồ đệ không bao giờ làm chuyện bất lịch sự này nữa.” Có thể dùng một đoạn Sách Thánh phù hợp, một bài viết khôn ngoan, một câu chuyện ngắn, hạnh các thánh hay các châm ngôn của các Tổ phụ sa mạc để sửa lỗi. Cách thường dùng nhất vẫn là thẳng thắn thảo luận, trực tiếp và ngay lập tức.
Và cụ thể?
Đừng rắc rối vô ích: để sửa một người bạn hay một người thân, gặp nhau vài phút trong căn phòng phù hợp, tránh những cặp mắt tò mò là đủ. Ông Guillaume, một cựu trưởng hướng đạo cho biết: “Tôi đã sửa một vài lần, tôi hẹn ở nhà tôi bên ly bia, vừa thoải mái vừa nghiêm túc.” Nơi chốn và bầu khí là quan trọng. Không nên “kẻ đứng trong người đứng ngoài” hay “người ngồi người đứng”, như thế không tốt. Bà Claire và chồng là Xavier giải thích: “Thường thường chúng tôi ngồi ở bàn, sau khi chúng tôi nhắc cho nhau nhớ, mình ở đây là để giúp nhau, chứ không phán xét nhau.” Nếu có chuẩn bị trước thì sẽ tốt hơn. Nhưng cũng có thể thẳng thắn hoặc ngẫu nhiên và phải tùy theo phản ứng của người kia. Ông Guillaume có kỹ thuật riêng của mình: “Tôi luôn đưa ra các thất bại riêng của mình để người kia thấy, như thế để chứng tỏ không ai là thánh.”
2- Có phải theo bốn giai đoạn Chúa Giêsu đưa ra không? Nhất là đoạn cuối?
KHÔNG CÓ TỰ ĐỘNG
Linh mục Dominique-Benoît lưu ý ngay: “Tin Mừng không đưa ra các thủ tục nghiêm ngặt như các thủ tục của bộ luật dân sự.” Linh mục giải thích: “Các giai đoạn trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu muốn chứng tỏ cho thấy, tội, dù trước hết là của cá nhân, nhưng nó có ảnh hưởng trên cộng đoàn và cộng đoàn bị tổn thương.” Tin Mừng Thánh Mát-thêu mang tính giáo hội học nhất trong bốn Tin Mừng, tổn thương trên cá nhân người phạm tội cũng là tổn thương cho toàn giáo hội. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Sự tồn tại của chúng ta liên kết với sự tồn tại của người khác, trong chuyện tốt cũng như chuyện xấu; tội cũng như tình thương đều có chiều kích xã hội”. Chính vì vậy mà Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến hai khía cạnh, cá nhân và giáo hội. Giai đoạn cuối (Nếu Hội thánh mà họ cũng không nghe, thì hãy kể họ như người ngoại hay người thu thuế) là một trong các nền tảng của Sách Thánh để thi hành vạ tuyệt thông. Linh mục Dominique-Benoît nêu rõ: “Điều này không nhất thiết phải can thiệp và lại càng không phải là chuyện tự động. Nó phải đáp ứng các điều kiện rõ ràng của công lý và phải rất thận trọng. Lỗi phải rất nặng và tạo tai tiếng nặng cho cộng đoàn”.
3- Trên lỗi nào cần sửa trong tinh thần anh em?
TẤT CẢ TỘI LÀM GIẾT ĐỨC BÁC ÁI
Linh mục Dominique-Benoît nêu rõ: “Sửa lỗi trong tinh thần anh em liên quan đến tất cả các tội, dù nhẹ hay nặng, bởi vì mọi tội đều làm tổn thương, thậm chí còn giết chết đức bác ái.” Như thế không nên chỉ sửa lỗi nặng; cũng phải sửa các lỗi nhẹ vì các lỗi này có thể dẫn đến việc phạm các lỗi nặng hơn. Thánh Âugutinô đã viết: “Cọng cỏ nhỏ là gốc của cái xà, vì cái xà sinh từ cọng cỏ. Khi tưới cho cọng cỏ này là mình làm cho cái xà lớn lên”. Linh mục giải thích: “Chẳng hạn tội tham ăn mới đầu có thể do thiếu điều độ khi uống, nhưng nếu không sửa đổi thì có thể phát triển thành mối tội đầu”.
4- Chúng ta có thể sửa lỗi vợ chồng, người chủ, các con khi đã trưởng thành không?
CÓ, NHƯNG PHẢI RẤT TẾ NHỊ
Sửa lỗi trong tinh thần anh em chỉ có thể làm giữa hai người bình đẳng về mặt tinh thần, nghĩa là không ai có thẩm quyền trên người kia. Linh mục giải thích: “Đó là trường hợp bình đẳng giữa hai vợ chồng, giữa anh chị em, giữa những người đã được rửa tội trong cộng đoàn. Ví dụ, cha xứ là người đã rửa tội, tôi, giáo dân cũng đã rửa tội, nếu tôi thấy cha phạm một lỗi chống lại đạo đức chung trong Giáo hội, thì việc sửa lỗi trong tinh thần anh em có chỗ đứng ở đây. Nếu không có bình đẳng thì khi đó sửa lỗi trong tinh thần cha con (bề trên và cấp dưới)”. Tuy nhiên nếu cấp dưới thấy bề trên phạm một lỗi chống lại đạo đức chung của mọi người, thì họ có thể nói với cấp trên của mình, trong cương vị là anh em thì khi đó họ được xem bình đẳng”. Còn quan hệ giữa cha mẹ con cái, người cha, người mẹ sẽ sửa lỗi khi con chưa trưởng thành. Khi con đã trưởng thành thì sửa lỗi sẽ trong tinh thần anh em vì khi đó con đã người lớn và có được bình đẳng về mặt tinh thần. “Nhưng phải rất tế nhị: kinh nghiệm mà cha mẹ có trong cuộc sống, dù con đã lớn, các con cũng cảm thấy cha mẹ có một ưu thế nào đó.”
5- Và nếu tôi không thuyết phục được người anh em, tôi phải kiên trì hay rút lui?
PHẢI CẨN THẬN PHÂN ĐỊNH
Thánh Âugutinô, được lặp lại bởi Thánh Tôma Aquinô, thừa nhận có thể rút lui và sửa lỗi với ba lý do: 1. “Bởi vì chúng ta nên chờ lúc thích hợp hơn”; 2. “Bởi vì chúng ta sợ họ trở nên xấu hơn”; 3. “Bởi vì chúng ta sợ nếu làm áp lực trên họ, họ sẽ xa đức tin”. Thánh Tôma nói thêm, nếu “bị trở ngại trong việc sửa lỗi thì việc sửa lỗi trong tinh thần anh em không còn là điều tốt nữa”. Linh mục Dominique-Benoît phân tích: “Việc sửa lỗi trong tinh thần anh em cũng như việc thực thi mọi đức hạnh (ở đây là đức bác ái của lòng thương xót) phải được giải quyết bằng đức tính thận trọng. Đức tính thận trọng có hai khía cạnh. Về mặt trí tuệ, nó đánh giá cao trường hợp cụ thể trên quan điểm của sự thật: hành vi người anh em vi phạm là một tội, tự bản chất và trong hoàn cảnh chính xác nào? Nhưng đức tính thận trọng cũng là một đức tính đạo đức (đầu tiên) trong nghĩa, nó phải đánh giá cao các điều kiện có thể thành công, trong trường hợp cụ thể này, hành vi được đề nghị, đó là sửa lỗi. Nếu về mặt trí tuệ, sau khi đã kiểm và thấy đây đúng là một tội, thì về mặt đạo đức phải đặt câu hỏi sau: tôi phải can thiệp bây giờ không? Tôi có phải là người được đặt đúng chỗ để làm không? Nếu không, tôi có phải báo cho một người đúng chỗ hơn tôi không? Nếu có, thì làm sao có được cách tốt nhất để chuyện này được thực hành tốt nhất? Nói cách khác, việc can thiệp của tôi phải được lượng định một cách nghiêm túc”.
6- Trước khi khuyên bảo người khác, mình có phải quét nhà mình trước không?
CỌNG RÁC VÀ CÁI XÀ
Tin Mừng đã nói tất cả. “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7, 3-5). Khi chúng ta đến gần người anh em mình để sửa, chúng ta không tự cho mình là người hoàn toàn và ở ngoài mọi chỉ trích. Sửa lỗi trong tinh thần anh em không phải là phán xét nhưng là anh em giúp nhau. “Tôi cũng vậy, tôi cũng để người khác sửa lỗi cho tôi, và có thể ngay chính người anh em mà tôi sửa cho họ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)