NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - PHÁT BIỂU SAU THÁNH LỄ
- Details
- Category: Người Tín Hữu Trưởng Thành
-
nguyenthi leyenTue, Aug 4 at 1:55 AM
VẤN ĐỀ PHÁT BIỂU CÁM ƠN SAU THÁNH LỄ:
“Chúc mừng ơi! Xin đừng giảng và dạy đời!”
Vừa qua, trên một số trang web Công giáo đã đăng tải bài viết có tựa đề “Chúc mừng ơi! Xin đừng giảng và dạy đời!” của tác giả LM An-tôn Ma-ri-a Vũ Quốc Thịnh [1]. Bài viết có nội dung liên quan đến bài phát biểu cám ơn của vị đại diện HĐMV tại một giáo xứ nọ nhân dịp Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Khấn Dòng.Vừa qua, trên một số trang web Công giáo đã đăng tải bài viết có tựa đề “Chúc mừng ơi! Xin đừng giảng và dạy đời!” của tác giả LM An-tôn Ma-ri-a Vũ Quốc Thịnh [1]. Bài viết có nội dung liên quan đến bài phát biểu cám ơn của vị đại diện HĐMV tại một giáo xứ nọ nhân dịp Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Khấn Dòng.Đây là một thông lệ có vẻ rập khuôn rất phổ biến hiện nay tại các giáo xứ ở VN tạm gọi là “Thi đua phát biểu cám ơn sau thánh lễ”. Không biết xuất phát từ đâu và từ khi nào mà hễ có Lễ là sẽ có một bài phát biểu trang trọng của một vị chức sắc đại diện đoàn thể hay đại diện giáo xứ, mà hễ có phát biểu là có chúc mừng, có cám ơn, có ca ngợi, có tôn vinh, có tặng hoa, có vỗ tay …
Cũng nên nhắc lại là vào khoảng cuối tháng 9-2019, tôi có viết một bài với tựa đề “Vài suy nghĩ về việc phát biểu cám ơn trong thánh lễ” [2], qua đó tôi đã nhân câu chuyện xảy ra tại một giáo xứ nọ thuộc giáo phận Bà Rịa, để bàn về vấn đề làm thế nào để đơn giản hóa và định hướng lại việc phát biểu cám ơn trong và sau các thánh lễ đặc biệt nào đó, nhất là lễ đó có ĐGM đến chủ sự.
Câu chuyện mà tôi tham khảo lúc đó đại khái thế này, trong thánh lễ ban phép Thêm Sức tại nhà thờ giáo họ biệt lập Vô Nhiễm, giáo hạt Bình Giã, giáo phận Bà Rịa, sau khi nghe vị đại diện cộng đoàn phát biểu cám ơn đại ý là Đức cha dù bận bịu trăm công ngàn việc, đường sá xa xôi, nắng nóng oi ả...nhưng ngài vẫn đến giáo xứ ban bí tích Thêm Sức cho các em... Sau đó, đến lượt ĐGM Giáo phận Bà Rịa, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đáp từ. Ngài đã thẳng thắn góp ý với vị đại diện là lần sau không nên cám ơn như thế nữa, vì đối với vị mục tử của giáo phận, đây là bổn phận, nhiệm vụ chính yếu của chủ chăn, nếu không làm công việc này thì không còn là chủ chăn nữa. Không nên khách sáo với nhau làm gì mà cứ thật lòng ứng xử với nhau, đừng dùng sáo ngữ hay xông hương nhau nữa.
Dịp này, Đức cha Emmanuel cũng nhấn mạnh thêm là, làm mục tử là để phục vụ vô vị lợi. Chúa đã ban chức mục tử cho các vị mục tử cách vô vị lợi. Khi xã hội chạy theo bề ngoài, hình thức thì Giáo hội hơn bao giờ hết cần nội dung và lòng chân thành. Nếu không thì Giáo hội chẳng khác gì xã hội.
Nếu không thì Giáo hội chẳng phát triển được. Xin hãy cám ơn nhau bằng những lời mộc mạc, đơn sơ, chân thành tự tận đáy lòng. Giám mục mà không ban phép Thêm Sức cách nhưng không, thì không còn là Giám mục nữa. Linh mục mà không thi hành trách nhiệm của mình cách nhưng không, thì không còn là linh mục nữa.
Quả thực câu chuyện về lời phát biểu cám ơn của vị đại diện giáo họ Vô Nhiễm và lời nhắn nhủ góp ý của ĐGM giáo phận Bà Rịa đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Ngay khi nội dung câu chuyện trên được đăng tải trên mạng xã hội FB, nhiều tín hữu giáo dân đã đọc và đưa ra bình luận (comment) ngay, đa số tán đồng ý kiến của Đức cha Emmanuel và mong rằng các cha xứ cũng nên giúp giáo dân thay đổi não trạng, để khi phát biểu cám ơn, thì biết phải nói gì, nói như thế nào cho thích hợp, làm sao cho đơn giản, chân thành, tránh sáo ngữ, bôi bác...
Dựa vào bài viết của LM Vũ Quốc Thịnh, tác giả bài viết đã dẫn trên, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
1- Cám ơn, nhưng đừng có dài dòng khách sáo
Chúng ta ai cũng biết rằng, biết ơn là đức tính cao quý của con người. Và biết ơn thì phải biết cách bầy tỏ ra bên ngoài bằng việc cám ơn. Như có câu nói sau đây: “Không nghĩa vụ nào khẩn cấp hơn việc bầy tỏ lòng biết ơn” (James Allen).
ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nói đến lòng biết ơn như là đặc điểm của người Ki-tô hữu. Ngài nhấn mạnh, “Đây là thái độ, là một lòng biết ơn lan tỏa, giúp mỗi người chúng ta biết ơn những người quan tâm đến nhu cầu của chúng ta. Khi ai đó ban tặng cho chúng ta điều gì, chúng ta không được nghĩ rằng chúng ta xứng đáng với điều này. Lòng biết ơn, trước hết đó là dấu hiệu của một nền giáo dục tốt, nhưng đó cũng là đặc điểm của người Kitô hữu. Nó đơn giản nhưng là dấu hiệu chân thực của Nước Thiên Chúa - vương quốc của lòng biết ơn và tình yêu nhưng không”. [3]
Tuy nhiên, trên thực tế để việc phát biểu cám ơn của chúng ta đạt hiệu quả tốt thì nên tránh dài dòng, tốn kém thời gian và nhất là tránh mang tính bôi bác khách sáo. Khi nghe phát biểu kiểu như thế thì bất kỳ ai cũng có cảm giác như mình đang bị tra tấn bởi các sáo ngữ, bởi những lời tung hô có cánh…
Và đây là câu chuyện có thật do LM Vũ Quốc Thịnh kể lại:
“Thánh lễ đã dài hơn một tiếng giữa tiết trời vào hè nóng bức. Dĩ nhiên không ai muốn và vì lòng mến nên đã hiện diện trong thánh lễ. Với những người gần xứ thì không đáng ngại nhưng có những người phải vượt đường dài cả nửa ngàn cây số để đến tham dự thánh lễ.
“Trước khi thánh lễ khép lại, cha ‘chủ xị’ đã ngỏ lời cảm ơn cộng đoàn dân Chúa thay cho quý linh mục tu sĩ hôm nay mừng lễ. Kế đến, phép lịch sự cũng như xã giao hay nhân bản thì dĩ nhiên vị đại diện của Hội đồng Mục vụ tiến đến trước bàn thờ để ‘thi hành phận sự’.
“Và, chuyện gì đến đã đến! Một bài chúc mừng không như mọi người mong đợi. Nếu là tâm tình gói ghém tình cảm thì cộng đoàn còn có thể ráng lắng nghe người đó nói. Thế nhưng rồi bài chúc mừng khởi đi từ tâm tình của nhà văn nào đó viết cách đây 70 năm. Chưa hết. Sau thời gian 70 năm thì cộng đoàn lại nghe những khó khăn gian khổ của việc tu trì từ thập niên 80” ...
Nội dung cám ơn của phát biểu của vị đại diện này đã đi trệch hướng, ra khỏi những gì cần nói và nên nói. Do đó, việc đi lòng vòng, miên man là điều khó tránh khỏi.
2- Cám ơn, chứ không phải giảng đạo hay dạy đời
Có lẽ do lòng đạo đức hăng say nhiệt tình mà nhiều vị đại diện đã đẩy bài phát biểu của mình, từ chỗ cám ơn thuần túy chuyển sang “rao giảng Lời Chúa” cho tất cả mọi thành phần cử tọa có mặt trong thánh lễ. Việc nói Lời Chúa không sai, nhưng không đúng chỗ, khiến cho nhiều người không đồng tình.
Câu chuyện của LM Vũ Quốc Thịnh được kể thêm, như sau:
“Vẫn chưa hết! Vị đại diện còn trích dẫn những câu Kinh Thánh xem ra là ngoạn mục nhưng chả ăn nhập gì đến ý nghĩa của Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Khấn Dòng. Và, cũng chưa hết, bài chúc mừng đó được sáo ngữ đến độ ví von quý cha quý thầy mừng lễ như con thuyền lướt sóng. Khuyến mãi thêm cho bài giảng (đúng nghĩa hơn cho bài cảm ơn) là nói về việc Chúa Giêsu Phục Sinh.
“Lòng nhẫn nại và chịu đựng của con người có giới hạn của nó để rồi vài linh mục đồng tế không nhịn được nữa mà nói khá lớn tiếng: ‘Chúc mừng chứ không phải giảng lễ! Đủ rồi!...’.
“Dường như những tiếng kêu đó cũng không ngăn được ‘dòng nước lũ tràn trề’ đang chảy nơi vị đại diện. Bài giảng vẫn tiếp tục cho đến lúc những người cầm hoa phải khều để vị đại diện đó đáp.
“Một cha có lẽ chịu không nổi nên buột miệng hơi to tí: ‘Bài này còn hay hơn bài giảng của cha hồi nảy giảng mừng Ngân Khánh nữa!!!’ ”.
Thiết nghĩ, một bài phát biểu cám ơn mà nội dung lại lấn sang một bài “giảng lễ” thì quả là rất mạo hiểm và thiếu khôn ngoan. Bởi vì cử tọa tham dự trong thánh lễ không chỉ gồm tín hữu giáo dân mà còn có cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nữa.
Ngoài ra, đã có nhiều trường hợp, thay vì tập trung vào chủ điểm “cám ơn” thì vị đại diện lại cao hứng đẩy bài phát biểu sang lãnh vực “dạy đời”. Việc này đã gây ra một hiệu ứng ngược, thay vì đồng cảm với người nói, thì cử tọa lại tỏ ra dị ứng, khó chịu.
3- Cám ơn, xin đừng xông hương nhau!
Một điều mà nhiều vị đại diện có nhiệm vụ soạn bài phát biểu cám ơn mắc phải, đó là dùng nhiều từ ngữ có cánh kiểu sáo ngữ để làm sao bài nói của mình nghe thật kêu, thật bóng bảy, thật hấp dẫn! Thực ra, điều đó không cần thiết, vì xét ra chẳng những không thích hợp mà lại còn có thể “làm hỏng” cả buổi lễ tôn giáo trang nghiêm và thân tình.
LM Vũ Quốc Thịnh trong bài viết đã dẫn, có đoạn chia sẻ như sau:
“Thú thật, đã từ lâu, mong lễ long trọng nào mà chủ tế ban phép lành xong thì chạy ngay chứ không có can đảm đứng lại để nghe lời cảm ơn cũng như chúc mừng. Chỉ có khi chưa ban phép lành thì đành phải đứng lại như Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Khấn Dòng này.
“Thiết nghĩ con người sống với nhau cần tấm lòng chứ không cần ngữ nghĩa mà là ngữ nghĩa sáo rỗng như là: Bài giảng của Cha... chúng con hết lòng khắc cốt ghi tâm... Công đức hy sinh của Đức Cha... chúng con không thể nào kể xiết... nghe xem ra về mặt ngữ nghĩa thì hay và đẹp nhưng điều con người cần với nhau hơn cả chính là tấm lòng. Dĩ nhiên cũng cần có lời cảm ơn, lời chúc mừng nhưng xin hết sức ngắn gọn và đủ ý…”.
Tác giả Giuse Nguyễn Kích, trong một bài viết có nhan đề “Đừng sáo ngữ! Đừng xông hương nhau!” nhân câu chuyện phát biểu cám ơn trong thánh lễ ban phép Thêm Sức tại nhà thờ giáo họ biệt lập Vô Nhiễm, giáo hạt Bình Giã, giáo phận Bà Rịa, đã viết như sau: [4]
“Thánh Phao-lô đã dạy: ‘Anh em đừng rập theo thói đời này’ (Rm 12, 2). Một vĩ nhân đã nhận định: ‘Lời nói đẹp thì thường không được thật. Lời nói thật thì thường không được đẹp’.
“Chúa đã dạy: ‘Chỉ có sự thật mới giải thoát các con’ (Ga 8, 32).
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là những liều thuốc cực độc tiêu diệt linh hồn chúng ta.
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng giống như nụ hôn của Giu-đa bán Chúa. Hắn dùng phương tiện tốt để đạt mục đích xấu.
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng làm chúng ta đánh mất chính mình, không còn nhớ mình là ai và đang ở đâu.
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là thứ thuốc mê ru ngủ làm chúng ta quên mất thân phận mong manh tro bụi và mỏng dòn tội lỗi của mình.
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng lôi chúng ta ra rất xa tình yêu và lòng thương xót của Chúa. …” ./.
Aug. Trần Cao Khải