NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - TRUYỀN GIÁO BẰNG CHỨNG TÁ

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sun, Oct 18 at 1:45 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     

    Truyền giáo bằng chứng tá: Ai cũng có thể làm được

    (Khánh nhật Truyền giáo)

    Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Và thường chúng ta nghĩ rằng đó là việc của các linh mục, các nam nữ tu sĩ, của tiểu ban truyền giáo, hay của một số người có ơn gọi đặc biệt như Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô Xaviê,… chứ chẳng phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo, thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?

    - Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh

    Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo. Về điểm này, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài nói: “Dù cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng yêu mến Chúa, tôi cũng có thể cứu được một linh hồn”.

    Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.

    - Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương

    Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần. Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau”. Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,…

    Những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo họ, giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. 
    Xin dẫn chứng:
    Một cô gái ngoại giáo lấy người Công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo. Cô ta trả lời: “Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào”
    Tìm hiểu, người ta mới biết được bà mẹ chồng dù rất siêng năng đọc kinh, dự lễ và đã từng bỏ ra gần cả một chục triệu bạc cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo. Do đó cô nhất quyết không theo đạo bao lâu chưa thấy người theo đạo sống tốt hơn.
     

    Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.

    - Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hoá, văn minh

    Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế, nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài, lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó. Dĩ nhiên, nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hoá sự chết, văn hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hoá bảo vệ và thăng tiến sự sống, sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỹ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ.

    Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

    Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, đặc biệt trong Năm Đức Tin, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.

     
    Lm. Giuse Nguyễn Thành Long