NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - CỐ TGM PHAOLO

DƯ ÂM CỦA THÁNH LỄ AN TÁNG ÐỨC CỐ TGM PHAOLÔ

1.

Thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã qua rồi, nhưng dư âm biến cố đó vẫn còn sâu đậm. Tôi xin chia sẻ đôi chút dư âm đó trong tôi.

Tôi tham dự lễ an táng qua màn ảnh truyền hình. Rất lặng lẽ, tôi cầu nguyện thực nhiều.

2.

Một chi tiết đã đánh động tôi cầu nguyện nhiều hơn và với tâm tình riêng tư hơn, đó là lúc ca đoàn hát bài thánh ca: “Chúa là niềm vui của con”. Đức cố TGM Phaolô đã chọn cho mình câu đó. Ngài đã cảm nhận được Chúa là niềm vui của ngài thế nào, thì tôi không rõ. Còn tôi, tôi cảm nhận được Chúa là niềm vui của tôi một cách rất riêng tư, nhất là khi Chúa đến cứu tôi, lúc tôi ở những vực sâu kêu lên với Chúa. “Từ vực sâu con kêu lên Chúa”, đó là Thánh Vịnh 130, mà vua Đavid xưa đã cầu nguyện thiết tha. Tôi cũng từ những vực sâu của tôi, mà kêu lên Chúa một cách thảm thiết.

3.

Vực sâu thứ nhất là sự yếu đuối của tôi trước lương tâm.

Sự yếu đuối trước lương tâm đã được Thánh Phaolô Tông Đồ nói lên một cách đau đớn như sau:

“Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm. Nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Vậy, thật ra không còn phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi… Muốn sự thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Tôi thực là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 15- 25).

4.

Những gì mà Thánh Phaolô nói trên đây về sự yếu đuối trước lương tâm ngài, cũng được tôi cảm nhận trong tôi một cách sâu sắc.

Đó là một vực sâu, từ đó tôi kêu lên với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đến cứu tôi. Tôi nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Chúa thương xót cứu tôi ở sự Ngài tha thứ cho tôi, chữa lành cho tôi, ban sự sống của Chúa cho tôi.

5.

Vực sâu thứ hai là sự yếu đuối của tôi trước xã hội. Yếu đuối đó là sự tôi giảng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.

Về vực sâu này, Thánh Phaolô đã rất rõ. Ngài viết:

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sức mạnh của loài người” (1Cr 1, 22- 25).

6.

Tôi có đôi chút kinh nghiệm của Thánh Phaolô. Tức là, khi tôi không những rao giảng về Đức Kitô bị đóng đinh, mà còn chủ chương bắt chước Người mà sống yêu thương khiêm nhường, hy sinh phục vụ quên mình, tha thứ, thì xã hội cho là dại, là yếu. Cái nhìn đó của xã hội như ném tôi xuống một vực sâu thăm thẳm.

Từ vực sâu đó, tôi đã kêu lên với Chúa. Chúa đã đến cứu tôi. Người an ủi tôi. Người cho tôi thấy rõ ơn cứu độ đến từ thánh giá, nơi biểu dương tình yêu thương xót Chúa.

Từ đó, Chúa đã cứu tôi khỏi những quan niệm sai lầm về người môn đệ Chúa muốn mạnh theo kiểu thế gian. Bỏ được những quan niệm sai lầm đó là việc không dễ. Tôi phải nhờ ơn Chúa.

7.

 Vực sâu thứ ba là sự yếu đuối của tôi trước Thiên Chúa.

Sự yếu đuối của tôi trước Thiên Chúa được Hội Thánh dạy tôi rất rõ, nhất là trong kinh cáo mình

Trước Thánh lễ, tôi vẫn đọc kinh đó: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…

Những lời kinh đó đặt tôi vào một vực thẳm, để từ đó tôi khiêm tốn xin Chúa thứ tha tội lỗi của tôi.

8.

Nhưng nhiều khi vực sâu đó đã không có hiệu lực, bởi lẽ tôi chỉ đọc kinh theo thói quen. Từ đó, xuất hiện một vực sâu khác, đó là khoảng cách giữa lời nói và việc làm nơi tôi. Nhận ra vực sâu đó, tôi cảm thấy sợ hãi. Chính từ vực sâu đó, tôi thường kêu lên Chúa. Chúa đã cứu tôi. Chúa cứu tôi ở sự Chúa cho tôi thấy rõ tôi là kẻ tội lỗi rất cần ơn tha thứ. Chính tôi cần đón nhận ơn tha thứ hơn bất cứ ai.

9.

Với một thoáng nhìn những gì tôi vừa trình bày trên đây cho thấy: Từ những vực sâu tội lỗi, yếu đuối, tôi đã được Chúa cứu. Từ đó, tôi nhận ra Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Niềm vui được Chúa cứu là vô biên, huyền diệu.

Niềm vui ấy xóa tội tôi trong quá khứ. Niềm vui ấy hướng lòng tôi về tương lai phía trước. Tôi sẽ được Chúa đưa tôi về Trời ở bên Chúa mãi mãi trong tình yêu thương xót.

10.

Trên đường về Trời, tôi sẽ còn gặp nhiều vực sâu. Tôi sẽ vẫn còn là kẻ tội lỗi. Tôi sẽ vẫn mãi cầu xin Chúa đến cứu tôi. Tôi sẽ vẫn cần đến ơn cứu độ từng phút từng giây.

Trên đường về Trời, tôi không cô đơn. Chúa cứu tôi, qua nhiều người tốt. Đức cố TGM Phaolô sẽ mãi là người bạn thân thiết của tôi. Tôi vẫn gọi ngài là người an ủi kẻ âu lo.

Theo gương Đức Tổng, tôi thích nói về những gì Chúa làm cho tôi, hơn là nói về những gì tôi làm cho Chúa.

: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.