CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ SÁU CN3TN-A

  •  
    Chi Tran
    Jan 31 at 4:48 AM
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

     

    Nước Thiên Chúa phát triển.

    31/01 – Thứ Sáu tuần 3 thường niên  – Thánh Gioan Boscô, linh mục. Lễ nhớ.

     

    LỜI CHÚA: "Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

     

    * THÁNH GIOAN BOSCO Chào đời năm 1815 tại Cáttennôvô, giáo phận Tôrinô, Gioan đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế, khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên.

    Người lập dòng các tu sĩ Salêdiêng và dòng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.

     

    BẠN VÀ TÔI THAM DỰ BỮA TIỆC LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

    Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được".

    Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

     

    TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA: Bông lúa trĩu hạt

     

    Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh

    chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.

    Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,

    chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.

    Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ

    trong tổng số dân trên thế giới.

    Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.

    Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.

    Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?

    Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,

    cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.

    Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi

    chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.

    Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không

    dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?

    Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.

    Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,

    cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.

    Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất

    là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,

    theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.

    Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng

    và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.

    Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.

    Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,

    chẳng cần con người can thiệp.

    Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này

    khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.

    Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,

    hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.

    Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.

    Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,

    vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,

    và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.

    Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.

    Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu

    và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.

    Sau hai mươi thế kỷ,

    Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.

    Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.

    Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.

    Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,

    và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.

    Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.

    Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.

    Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:

    tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,

    bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.

    Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,

    dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.

     

    *Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN:

    Lạy Chúa Giêsu,

    xin thương nhìn đến Hội Thánh

    là đàn chiên của Chúa.

    Xin ban cho Hội Thánh

    sự hiệp nhất và yêu thương,

    để làm chứng cho Chúa

    giữa một thế giới đầy chia rẽ.

    Xin cho Hội Thánh

    không ngừng lớn lên như hạt lúa.

    NHỜ ƠN CHÚA, CON QUYẾT TÂM không chùn bước,

    không dễ dãi, ngủ quên.

    Ước gì Hội Thánh trở nên men

    được vùi sâu trong khối bột loài người

    để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

    Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

    để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

     Hội Thánh

    trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

    nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

    Cuối chúng con

    biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

    nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

    Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

    nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

    Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA: Hạt giống, hạt cải

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.

    Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

    Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

    Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn.

     

    *SUY TƯ VÀ HÀNH ĐỘNG: Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

    Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

    (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

     

    ------------------------------------