CẢM NGHIỆM SỐNG LC -THỨ NĂM CN6TN-A
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
Tinh CaoFeb 19 at 3:22 PM
Thứ Năm CN6TN-A
BỮA TIỆC Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 1-9
"Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: "Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này". Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: "Còn anh, anh đứng đó", hoặc: "Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi". Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được thừa hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó. Không phải những người giàu có dùng quyền hành áp bức anh em, và lôi anh em ra toà án đó sao? Không phải chính họ thoá mạ thánh danh tốt đẹp đã được kêu cầu trên anh em sao?
Ðã hẳn, nếu anh em giữ trọn vương đạo như Thánh Kinh dạy, là "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình", thì anh em làm phải. Nhưng nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Ðáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 27-33
"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Ðó là lời Chúa.
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
"Thày là Đức Kitô" - "dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi"
Vấn đề chính yếu của Bài Phúc Âm cho ngày Thứ Năm tuần VI Thường Niên hôm nay là vấn đề nhận biết căn tính của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, một nhận thức vô cùng quan trọng đối với nền tảng đức tin Kitô giáo. Vì nếu nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét không phải "là Đức Kitô", nghĩa là không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái thì Người cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, mà chỉ là một vị giáo tổ thuần nhân như Đức Phật Thích Ca sáng lập Phật giáo hay Nhà Tiên Tri Muhammed sáng lập Hồi giáo, hoặc như Khổng Tử với Khổng giáo hay Lão Tử với Lão giáo thôi.
Chính nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đã sống cả cuộc đời trần gian của mình để chứng thực mình, bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng chính biến cố Vượt Qua tột đỉnh của mình, "là Đức Kitô" (Marco 8:29), "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27). Đó là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về một con người mang tên Giêsu ở Nazarét, con ông Giuse và bà Maria, một chân lý vô cùng quan trọng liên quan đến thực tại thần linh về nhân vật lịch sử thần linh này: Ngài là ai? Đó là lý do: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: 'Người ta bảo Thầy là ai?'"
Đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Chúa Giêsu tự động hỏi, đúng hơn trắc nghiệm thành phần môn đệ được Người tuyển chọn làm tông đổ để trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người xem các vị ý thức về Người ra sao hay tới đâu. Thật vậy, sau một thời gian được sống gần gũi với Người, được tận mắt xem thấy Người cùng các việc Người làm cùng thái độ Người sống, tận tai nghe Người giảng dạy và tận tay được chạm đến Người (xem 1Gioan 1:1-2), chính các tông đồ (chứ không phải "người ta bảo Thày là ai?") đã được Người trắc nghiệm và được các vị trả lời qua vị đại diện tông đồ đoàn là Thánh Phêrô rằng: "Thày là Đức Kitô".
Hình như câu tuyên xưng này của tông đồ Phêrô rất chính xác rồi, nên "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả", như các tông đồ đã quả thực nhận thức không sai. Đúng thế, việc Chúa Giêsu trắc nghiệm các tông đồ về căn tính chân thực vô cùng quan trọng của Người không phải là để các vị loan báo thực tại thần linh này, loan truyền chân lý cứu độ về Người này, mà là để cho Người tiếp tục tỏ mình ra cho các vị hơn nữa, tỏ cho các vị thấy một mầu nhiệm về Người, một mầu nhiệm vô cùng kinh hoàng mà Người không thể tiết lộ cho các vị biết cho đến sau khi trắc nghiệm các vị, một mầu nhiệm liên quan đến chính căn tính "là Đức Kitô" của Người, những gì vừa được các vị xác tín và chí lý tuyên xưng.
Mầu nhiệm kinh hoàng khủng khiếp đối với thành phần tông đồ theo Người đó là: "Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó". Chính vì là một mầu nhiệm hết sức kinh hoàng khủng khiếp đối với các tông đồ như thế mà các vị chẳng hiểu gì hết, tá hỏa tam tinh lên khi vừa nghe xong, nhất là người tông đồ phải nói là hăng máu nhất là Phêrô, vị đã tỏ ra hoảng hốt tới độ "kéo Người lui ra mà can trách Người".
Không ngờ, vị tông đồ đầy thành tâm thiện chí này và cả các tông đồ khác lại càng bàng hoảng sửng sốt hơn khi chính hành động đầy kính mến của các ngài, qua tông đồ Phêrô, tỏ ra muốn bảo vệ Người, muốn điều tốt nhất cho Người, lại bị Người thậm tệ quở trách như chưa bao giờ thấy: "Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: 'Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người'". Như thể các vị vừa vấp phạm một điều gì dữ dằn quá sức tưởng tượng, đến độ đã trở thành "Satan" trước nhan Người. Nghĩa là các vị đã cám dỗ Người (vì "Satan là tên cám dỗ cả và thế gian" - Khải Huyền 12:9) làm những gì trái ngược với Cha Người là Đấng đã sai Người, một điều quá cấm kỵ đối với Người, Đấng từ trời xuống thế gian không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai (xem Gioan 6:38).
Thật ra, xét theo lý lẽ trần gian thì tông đồ Phêrô cũng chẳng sai gì, bởi theo ngài, cũng như bất cứ một người bình thường nào, đã là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai từ Thiên Chúa mà đến thì phải là Đấng có quyền năng vô địch, có thể giải thoát dân của Người khỏi lầm than khốn khó, khỏi cảnh làm nô lệ ngoại bang, như thời các Quan Án xưa sau khi dân vào Đất Hứa và trước thời kỳ quân chủ của dân Do Thái. Đằng này, Đấng Thiên Sai như được ngài tuyên xưng và được Thày công nhận như thế mà lại được chính Thày tiết lộ cho biết rằng chính bản thân Người "sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi" nghĩa là gì, không thể nào chấp nhận được.
Đúng thế, tông đồ Phêrô bị Thày nặng lời khiển trách chỉ "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người", mà "việc loài người" thì bao giờ cũng tầm thường, thậm chí hầu như lúc nào cũng phản ngược lại với ý muốn tuyệt đối tối cao, khôn ngoan thượng trí và toàn thiện toàn ái của Thiên Chúa, một ý muốn chỉ nhắm đến chỗ cứu độ loài người, tìm hết cách làm sao để loài người có thể được hiệp thông thần linh với Ngài theo đúng dự án thần linh tạo dựng của Ngài.
Thực tế cho thấy Kitô hữu chúng ta, qua Phép Rửa, đã tin vào Chúa Kitô. Thế nhưng, trong đời sống đạo, lại hoàn toàn phản kitô, ngôn hành phản lại chính đức tin của mình, điển hình là trường hợp của Thánh Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi thế, để trắc nghiệm xem chúng ta có thực sự tin vào Người hay chưa, hãy coi đức bác ái của chúng ta với tha nhân thì biết, vì đức ái là hoa trái của đức tin, là tột đỉnh của đức tin. Trong ngày chung thẩm, chúng ta sẽ bị Chúa phán xét bề ngoài về đức ái, nhưng bề trong về đức tin, và dê và chiên chỉ khác nhau ở chỗ tỏ lòng bác ái hay không thôi, trong khi cả hai đều nói "chúng tôi có thấy Chúa đâu?" Thánh Giacôbê trong Bài Đọc 1 hôm nay chủ trương đúng như vậy, theo công thức "nếu tin thì đừng" như sau:
"Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: 'Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này'. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: 'Còn anh, anh đứng đó', hoặc: 'Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi'. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?... Nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật".
Tâm tình của những ai tin vào Chúa và sống đức bác ái yêu thương được phản ảnh qua Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên