CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ HAI CN4MC-A

 

  •  
    Tinh Cao
     
    Sun, Mar 22 at 3:08 PM
     
     

    Thứ Hai CN4MC-A

     

    BỮA TIỆC Lời Chúa

    DÂN NGOẠI TIN LỜI CHÚA : CON ÔNG MẠNH RỒI

    Bài Ðọc I: Is 65, 17-21

    "Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa".

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Ðây Thiên Chúa phán: "Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho".

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b

    Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

    Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.

    2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. - Ðáp.

    3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

     

    Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18

    Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

     

    Phúc Âm: Ga 4, 43-54

    "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình". Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

    Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: "Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin". Viên quan chức trình lại Người: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

    Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: "Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt". Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: "Con ông mạnh rồi", nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

    Ðó là lời Chúa.

     

     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

     

     

    thành phần dân ngoại dễ tin vào Người hơn là chính dân của Người

     

    Hôm nay, Thứ Hai trong Tuần IV Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa bắt đầu có chiều hướng càng sát nghĩa hơn bao giờ hết với chủ đề "Tôi tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy nó lại" (Gioan 10:17) của chung Mùa Chay, bao gồm cả Tuần Thánh. Bởi vì, từ hôm nay, dọc suốt 2 tuần liền của thời điểm cuối cùng của Mùa Chay, Giáo Hội cố ý chọn đọc cho các ngày thường trong tuần toàn là các bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan, không còn Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, Marco hay Luca như ba tuần trước đây nữa. 
     
    Tại sao? Tại vì chỉ có Phúc Âm của Thánh Gioan, cuốn Phúc Âm cuối cùng trong 4 cuốn Phúc Âm được Giáo Hội công nhận trong sổ bộ Thánh Kinh Tân Ước, cuốn Phúc Âm về thần tính của Chúa Kitô và về Giáo Hội, mới có những đoạn Chúa Giêsu tỏ thần tính của mình ra, hay nói cách khác, Người tỏ nguồn gốc thần linh của Người ra, vừa bằng phép lạ hay dấu lạ vừa bằng chính lời tự chứng của Người liên quan đến ý Cha là Đấng đã sai Người. 
     
    Tuy nhiên, đa số dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo dân Do Thái bấy giờ nói riêng đã không thể chấp nhận chứng từ cùng chứng cớ rất chân thực bất khả chối cãi của Người, cho đến giờ của Người, tức cho đến thời điểm họ có thể thực hiện mưu đồ sát hại Người, theo đúng như dự án cứu độ của Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Người, Đấng đã "tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy nó lại" bằng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, một mầu nhiệm là tột đỉnh của chung phụng niên và của riêng Tuần Thánh, đặc biệt là của Tam Nhật Thánh!
     
    Hai bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan đầu tiên cho 2 tuần cuối cùng của Mùa Chay liên quan đến 2 phép lạ Chúa Giêsu làm, phép lạ trước, trong bài Phúc Âm hôm nay, Người làm ở Galilêa, vùng đất miền bắc xa xôi, nơi có nhiều dân ngoại sinh sống, còn phép lạ sau, trong bài Phúc Âm ngày mai, Người làm ở ngay Giêrusalem xứ Giuđêa ở miền nam, một phép lạ xẩy ra ở ngay giáo đô của dân Do Thái, do đó, đã trở thành nguyên cớ dẫn đến cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và dân của Người, nhất là với thành phần lãnh đạo ở đó bấy giờ. 
     
    Phép lạ được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, "là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa", tiếp theo phép lạ Người đã hóa nước thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana trước đó để tỏ mình ra cho các môn đệ và làm cho các vị tin vào Người là phép lạ đầu tiên (xem Gioan 2:11). Nếu phép lạ thứ nhất liên quan đến hôn nhân thì phép lạ thứ hai này liên quan đến gia đình. Bởi thế mà cuối Bài Phúc Âm Thánh ký Gioan đã cho biết tác dụng xuất phát từ phép lạ Chúa Giêsu thực hiện: "nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin".
     
    Tuy nhiên, sở dĩ Giáo Hội chọn bài Phúc Âm về phép lạ Chúa Giêsu làm cho "một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt", không phải để cho chúng ta thấy cái cân xứng giữa hai phép lạ: phép lạ thứ nhất Người làm cho các môn đệ tin Người và phép lạ thứ hai Người làm cho dân chúng tin Người, mà chính là để cho chúng ta thấy rằng thành phần dân ngoại dễ tin vào Người hơn là chính dân của Người, như phép lạ trong bài Phúc Âm ngày mai chứng thực.
     
    Đó là lý do ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Gioan đã ghi nhận lòng khao khát thần linh và thái độ mộ mến của dân chúng đối với Đấng Thiên Sai của chính dân Do Thái: "Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: 'Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình'. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ".
     
    "Chính Người đã nói: 'Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình'" ở câu Phúc Âm này không phải ám chỉ dân chúng ở Nazarét quê quán của Người đã đối xử với Người được Thánh ký Luca thuật lại (xem 4:14-30), mà là ám chỉ chung dân Do Thái là dân tộc của Người theo huyết nhục trần gian. Tuy nhiên, thành phần dân tộc của Người ít là cũng đưc chia làm hai loại hay hai hạng, hạng bình dân cởi mở và hạng trí thức lẫn quyền lực. 

    Đúng thế, "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình" được Chúa Giêsu nói đến ở đây không áp dụng vào thứ "quê hương của mình" về địa dư cho bằng về huyết nhục, về chủng tộc. Nếu "quê hương của mình" được Người nói đến ở đây là Nazarét nói riêng và Galilêa nói chung là miền thuộc lãnh vực hoạt động chính yếu của Người thì hoàn toàn không đúng, bởi ở đây "dân chúng ra đón tiếp Người". Như thế thì Người ám chỉ gì đây?

    Câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm nay là chìa khóa mở nút thắt này: "Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa". Như thế có thể hiểu là Người ám chỉ Giuđêa, nơi không tiếp nhận Người, vì Người đã sinh ra ở Bêlem Xứ Giuđêa, sinh quán của Vua Đavít, và nhất là Đền Thờ Giêrusalem là "nhà Cha" của Người nữa (xem Gioan 2:16), nơi mà dân ở Galilêa cũng "đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ".


    Hình như dân Do Thái ở Galilêa thuộc miền bắc xa xôi, xa giáo đô Giêrusalem và sống chung với nhiều người dân ngoại đã có được một tinh thần cởi mở và phóng khoáng hơn là những người Do Thái ở Giuđêa nói chung và ở giáo đô Giêrusalem nói riêng. Bởi thế nên, Thánh Gioan đã cho thấy dân Do Thái ở Galilêa đã cởi mở hơn với Chúa Giêsu: "Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ".
     
    Sự kiện "dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ" đây có nghĩa là họ rất cảm phục Người, vì Người chỉ là một người Galilêa tầm thường như họ mà đã dám làm những gì không ai có thể làm và dám làm như Người. Chẳng hạn như Người đã chẳng những dám đánh đuổi đám buôn bán trong đền thờ mà còn dám thách thức những người Do Thái chính qui ở đó bấy giờ đã ngỏ ý muốn thấy dấu lạ Người làm để chứng tỏ thẩm quyền thực sự của Người trong việc Người thanh tẩy đền thờ là nhà của Cha Người như thế (xem Gioan 2:13-23).
     
    Chính vì tấm lòng cởi mở của chung dân Do Thái ở Galilêa như vậy mà hầu như các phép lạ Người làm đều xẩy ra ở Galilêa, hơn là ở Giuđêa. Phép lạ thứ hai Người làm ở Galilêa trong Bài Phúc Âm hôm nay lại xẩy ra ở Cana là "nơi Người đã biến nước thành rượu", một phép lạ được Chúa Giêsu thực hiện cho người con trai của một viên chức triều đình (royal officer), không biết là người Do Thái hay dân ngoại, nhưng có thể nắm chắc là dân ngoại, bởi vì cuối bài Phúc Âm Thánh ký Gioan đã ghi chú thêm chi tiết: "ông và toàn thể gia quyến ông đều tin", như trường hợp của gia đình viên đại đội trưởng Roma Cornelio (xem Tông Vụ 10:1-48).
     
    Trong Phúc Âm của Thánh Gioan, thường Chúa Giêsu tự động làm phép lạ để tỏ mình ra cho người ta tin vào Người, hơn là người ta phải có đức tin đã rồi Người mới làm phép lạ, như thường xẩy ra hầu hết ở bộ Phúc Âm Nhất Lãm. Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, Người lại đề cập đến đức tin như là một điều kiện cần thiết trước khi Người làm phép lạ. 

    Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta vẫn thấy chiều hướng Chúa Kitô tỏ mình ra cho con người trước để con người tin vào Người sau theo chiều hướng chính yếu của Phúc Âm Thánh Gioan. Đó là lý do sau khi Người đặt vấn đề "nếu quí vị không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn quí vị sẽ không tin". Và Người đã tỏ uy quyền của Người ra cho người bố dân ngoại này thấy mà tin. Ở chỗ, Người không cần thực hiện những gì Người bố nghĩ là Người cần phải đến tận chỗ "đứa con trai đau liệt" của ông để chữa lành cho nó: "xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Trái lại, Người vẫn ở nguyên một chỗ mà vẫn chữa lành được nó. Thế mới hay. Mới làm cho ông càng lạ lùng và không thể không tin vào Người.

    Dầu sao thì người bố dân ngoại này cũng tin tưởng Người hơn ai hết, nên vừa khi nghe Chúa Giêsu nói "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi", thì "Ông tin lời Chúa Giêsu nói mà trở về"
    Quả thật, ông đã tin sao thì được đúng như vậy, như bài Phúc Âm ở đoạn cuối cho thấy: "Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: 'Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt'. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: 'Con ông mạnh rồi'. Nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin".

    Nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay quả thực đã phản ảnh ý nghĩa tỏ mình ra của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay qua việc Người tỏ thần tính của Người ra nơi phép lạ chữa lành bằng ý muốn toàn năng vô cùng hiệu lực của Người, một phép lạ cho thấy ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong việc tiêu diệt tội lỗi và sự chết mà ban cho con người sự sống và hạnh phúc:
     
    "Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho".
     
    Theo chiều hướng của Bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 hôm nay, Bài Đáp Ca được Giáo Hội chọn đọc cùng ngày đã chất chứa tâm tình thần linh của thánh vịnh gia cũng là của những tâm hồn thực sự nhận thức được Thiên Chúa là Đấng yêu thương và cứu độ của con người nói chung và của bản thân mình nói riêng:
     
    1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. 
     
    2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. 
     
    3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. 
     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

    MC-IV-2.mp  

     

    --
    CMC-THDC (Thân Hữu Đồng Công)
    ---
    Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "CMC-THDC".
    Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/cmc-thdc/CAKivYHpjwsidCZtHNqOu%3DvgbatXvKj%3DDJaY7jd2kNN-3SQVjvw%40m