CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CHA MINH ANH

 

  •  CHA MINH  ANH
     


    MỪNG CHÚA PHỤC SINHXIN CHÚA KITÔ PHỤC SINH 'PHỤC SINH' LÒNG TRÍ, TRÁI TIM VÀ NGHỊ LỰC CỦA QUÝ CHA, QUÝ ANH CHỊ TRONG MÙA HỒNG PHÚC NÀY.
     

     

    KHÔNG KẾT THÚC Ở ĐÓ

    “Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối”.

    Wilbur Chapman nói, “Nếu trở thành một Kitô hữu là điều đáng giá, thì vẫn ‘không kết thúc ở đó’, nó còn có nhiều điều hơn nữa. Điều vui thích bình thường nhất đối với những ai chúng ta gặp gỡ, sẽ thúc đẩy chúng ta nói với họ về Chúa Kitô!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Phục Sinh cho thấy, trong tình yêu, luôn có một điều gì đó cấp bách, thôi thúc; một điều gì đó không thể chậm trễ! Maria Mađalêna ra mộ Chúa Giêsu “từ sáng sớm khi trời còn tối”; “Phêrô và Gioan cùng chạy ra mộ”. Cả ba đều thấy, “tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”. Thế nhưng, như ý tưởng của Wilbur Chapman, câu chuyện ‘không kết thúc ở đó!’.

    Maria không thể đợi trời sáng; bởi lẽ, lửa mến thiêu đốt trái tim cô, một phụ nữ dám đi ra nghĩa địa một mình lúc trời còn tối! Thấy tảng đá đã được lăn ra, “Cô liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. “Chạy” là một phần không thể thiếu của trình thuật này. Maria chạy; Phêrô và Gioan chạy,

    “Gioan chạy nhanh hơn!”. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu luôn tạo ra một cảm giác cấp bách. Những gì họ nhìn thấy ở ngôi mộ có thể được nhìn thấy mà không cần chạy chút nào, nhanh chóng là dấu hiệu của tình yêu đối với Thầy! Cũng thế, nếu muốn trải nghiệm Chúa Kitô và quyền năng phục sinh của Ngài, tôi cũng cần có cảm giác cấp bách trong mối quan hệ với Ngài; ngõ hầu qua tôi, Tin Mừng Phục Sinh ‘không kết thúc ở đó’.

    Họ chạy đến mộ, “Gioan cúi mình xuống, thấy những khăn liệm để đó. Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ, và khăn che đầu Người trước đây”. Thế nhưng, ‘không kết thúc ở đó’, Gioan viết, “Bấy giờ môn đệ kia vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông đã thấy và đã tin!”.

    Tuyệt vời! Không có niềm tin, những thực tế khơi dậy hy vọng và kỳ vọng sẽ chỉ gây ra nhầm lẫn. Cả ba đều nhìn thấy ngôi mộ trống, nhưng đức tin có hạn của họ cần thời gian để phát triển và chấp nhận quà tặng tuyệt vời này. Bởi lẽ, mộ trống là dấu hiệu của chiến thắng trọn vẹn nhất, tình yêu tột độ nhất và sự hiện diện mạnh mẽ nhất của Đấng Phục Sinh!

    Gioan kết luận, “Các ông còn chưa hiểu; theo Thánh Kinh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”. Đức tin bắt đầu với kinh nghiệm của giác quan nhưng ‘không kết thúc ở đó’, nó cần được đào sâu những trải nghiệm, những lời của Thầy, “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, bị giết chết; nhưng ngày thứ ba, sẽ sống lại”; “Hạt lúa mì gieo xuống đất, mà chết đi, thối đi; nó sẽ sinh nhiều bông hạt”…

    Và những gì Thánh Kinh đã nói về Thầy, “Viên đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường”. Cuối cùng, Phêrô, Gioan và Maria, sẽ có một niềm tin chắc chắn vào Chúa Phục Sinh, trở thành những sứ giả của Phục Sinh; nhưng trước tiên, họ cần nhìn thấy ngôi mộ trống, nhặt các khăn vải. Họ cần được thấy và chạm vào Ngài. Tất cả sẽ gây nên ngạc nhiên, suy gẫm; và cuối cùng, nhận thức ngày càng tăng, sẽ tạo ra niềm tin.

    Anh Chị em,

    Maria tin rằng, Giêsu rất quyền năng, đã thật sự chết! Thế nhưng, tình yêu cô dành cho Ngài chẳng hề chết! Cô “ra mồ từ sớm” cốt chỉ để thăm nấm mồ. Giêsu ấy đã ra khỏi mồ, Ngài đã phục sinh như lời Ngài tiên báo. Ngài đang sống giữa chúng ta; Ngài mong chúng ta mỗi ngày chạy nhanh tới bàn tiệc thánh khi trời còn tối với con tim đầy tràn tình yêu để gặp Ngài.

    Có như thế, sự Phục Sinh của Chúa Kitô sẽ ‘không kết thúc ở đó’, nhưng qua chúng ta, thế giới sẽ nghe Tin Mừng. Phêrô và Phaolô trong hai bài đọc hôm nay đã làm điều đó. Tại nhà Cornêliô, Phêrô rửa tội cho gia đình ông và nói về Chúa Giêsu cho nhiều người; Phaolô cũng mời gọi, “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa”.

    Tuy nhiên, Phục Sinh không chỉ liên quan đến các tông đồ, nó ‘không kết thúc ở đó’, mà còn liên quan đến cuộc sống và đức tin của tôi; Phục Sinh mời gọi tôi thay đổi và thay đổi hoàn toàn, như các môn đệ đã thay đổi. Ngày tôi thay đổi; đúng hơn, ‘được biến đổi’ cũng là ngày đáng được hát lên như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa biết cách chuẩn bị cho các môn đệ cảm nghiệm ‘Sự Hiện Diện Phục Sinh’ của Chúa một cách sâu sắc và thâm trầm. Xin cũng chuẩn bị cho con như thế!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng