CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH -THỨ BA
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
CẢM NGHIỆM SỐNG LC Thứ Ba, Tuần XII Thường Niên, Năm Chẵn - 2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36 - Mt 7, 6. 12-14YÊU NHƯ CHÚA YÊU, YÊU NHƯ CON CÁI THIÊN CHÚA
“Điều các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!”.
Một nhà thần học nói, “Cái chết không dập tắt ánh sáng từ người Kitô hữu; họ như ngọn đèn phải tắt vì bình minh đã đến! Lúc đó, bạn để lại tất cả những gì bạn có, và mang theo tất cả những gì bạn là! Chớ gì, cuộc sống của bạn là một cuộc sống ‘Yêu như Chúa yêu, yêu như con cái Thiên Chúa’; và bạn sẽ từ giã cuộc đời với tư cách là con cái Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bạn sẽ từ giã cuộc đời với tư cách là con cái Ngài!”. Để được vậy, xem ra, chúng ta còn phải đi xa hơn những gì Lời Chúa hôm nay gợi ý, “Điều các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!”; nói cách khác, ‘Hãy yêu, để được yêu lại!’. Rõ ràng, đó mới chỉ là cấp độ tự nhiên, cấp độ con người; nó còn phải đạt đến một cấp độ cao hơn, cấp độ Giêsu, cấp độ Thiên Chúa, ‘Yêu như Chúa yêu, yêu như con cái Thiên Chúa!’.
Bạn sẽ “làm gì” để người khác sẽ “làm gì” đó với bạn? Thành thật mà nói, tôi muốn người khác làm nhiều điều cho tôi; tôi muốn được tôn trọng, được đối xử công bằng... nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, tôi muốn được yêu, được hiểu, được biết đến và được chăm sóc. Trong thâm sâu, ai trong chúng ta cũng nhận ra nỗi khát khao tự nhiên này, được Chúa và người khác yêu; khát khao chính đáng này phát xuất từ trái tim, vì tự bản chất, tôi được tạo dựng cho tình yêu! Tuy nhiên, Lời Chúa còn cho thấy sự cần thiết của một điều ngược lại, chúng ta còn phải cho đi những gì chúng ta mong nhận được; đã có ‘khát khao nhận’, ắt cũng cần ‘khát khao trao!’. Nói cách khác, cần nuôi dưỡng cho mình một khao khát ‘biết yêu’ ở mức độ khao khát ‘được yêu’ cho chính mình. Tắt một lời, ‘Hãy yêu, để được yêu!’, dù ở đây, mới chỉ là cấp độ cơ sở.
Thật thú vị, ‘Hãy yêu!’, không chỉ áp dụng cho con người, nhưng xem ra cũng có thể áp dụng cho Thiên Chúa. Bài đọc Các Vua cho biết, nhận lá thư đe doạ của vua Assyria, vua Giuđa, đem bức thư lên đền thờ, trải nó trước mặt Chúa; và trong tin yêu, ông trình bày lên Chúa, “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con!”. Chúa đã yêu thương nhận lời, Ngài đã cứu vua, “Ngài củng cố thành đô đến muôn thuở muôn đời”, như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo!
‘Hãy yêu!’, dẫu ở cấp độ nền tảng, nhưng xem ra cũng thật khó! Xu hướng ích kỷ của chúng ta là đòi hỏi, mong đợi từ người khác, đang khi lại ‘giữ cho mình’ một tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với những gì cho đi! Điều quan trọng là ‘Hãy yêu’ trước! Khi xem đây là nghĩa vụ đầu tiên và cố gắng thực hiện nó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, chúng ta sẽ hài lòng khi cho đi, hơn là khi nhận lại; nghĩa là, chúng ta sẽ “làm cho người ta”, bất kể những gì họ “làm cho mình”, vẫn là điều chúng ta thực sự thấy thoả mãn. Và như thế, chúng ta bắt đầu nên giống Chúa Giêsu!
Anh Chị em,
“Điều các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!”; hoặc, ‘Hãy yêu, để được yêu!’, dù được xem như khuôn vàng thước ngọc; nhưng thực ra, nó chỉ nói lên rằng, nếu sống tốt, bạn sẽ được đối xử tốt. Hãy nhìn lên thập giá! Chúa Giêsu đã nêu gương khi Ngài sống tình yêu ở một chiều kích cao hơn, siêu phàm hơn. Ngài yêu cho đến chết; không phải yêu những kẻ yêu mình, Ngài yêu cả những kẻ thù, những kẻ đóng đinh Ngài. Ngài yêu đến nỗi bất chấp quy tắc vàng của con người, Ngài không ‘yêu để được yêu’ lại. Ngài yêu không tính toán, không cần đền đáp và cũng không cần ăn mày tình yêu của ai. Lý do, Ngài là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu. Vì thế, ai yêu như Chúa yêu, người ấy sống đúng với tư cách con cái Thiên Chúa, người ấy được Thiên Chúa yêu thương. Như vậy, Tin Mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta đi xa hơn, “Yêu như Chúa yêu, yêu như con cái Thiên Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con rũ bỏ mọi tầm thường trong đời sống, hầu con có thể đạt đến một cấp độ ‘yêu như Chúa yêu, yêu như con cái Thiên Chúa!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Kính chuyển:
Hồng