CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ BA CN7PS-C

Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 20, 17-27

"Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: "Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 67, 10-11. 20-21

Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. - Ðáp.

2) Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia. Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin cùng Cha, và Người sẽ ban cho các con Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 1-11a

"Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

"Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

"Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 

Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" trong bài phúc âm cho Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh hôm nay được hiện tỏ nơi lời cuối cùng của Chúa Giêsu: "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha". 

 

Thật vậy, chiều kích hiệp nhất không thể nào thiếu tính chất thuộc về nhau và ở với nhau. Thuộc về nhau: "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con", và ở với nhau:"phần Con, Con về cùng Cha". 

 

Thế nhưng, "mọi sự của Con" được Chúa Kitô nói đến ở đây là gì, nếu không phải là thành phần các môn đệ của người bấy giờ và sau này làm nên Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội. Đó là lý do chính Chúa Giêsu đã xác nhận các môn đệ của Người là tất cả "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con": "mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con", "mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con", và "những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha". 

 

Chính vì "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con" như thế mà Chúa Kitô đã muốn cho họ cũng được hiệp nhất thần linh với Người và qua Người với Cha của Người nữa, bằng cách, như Người thưa cùng Cha của Người trong bài Phúc Âm: 1- ban sự sống đời đời cho họ: "Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để Con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con"; 2- và tỏ danh Cha cho họ: "Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con... những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con".   

 

Bài Phúc Âm hôm nay là phần thứ nhất trong 3 phần của Đoạn Phúc Âm 17 được Thánh ký Gioan ghi lại, bao gồm tất cả Lời Nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô. Phần đầu (hôm nay - Thứ Ba) của Lời Nguyện này liên quan đến chính bản thân Chúa Kitô và vinh hiển của Người, phần hai (ngày mai - Thứ Tư) liên quan đến các tông đồ và đặc ân thánh hóa của các vị, và phần ba (ngày kia - Thứ Năm) liên quan đến chung nhân loại và mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa. 

 

Trước hết, "vinh hiển" của Chúa Kitô đây là gì? Tại sao Người lại xin Cha của Người làm cho Người được "vinh hiển"? Xin thưa, "vinh hiển" của Chúa Kitô đây là "vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian". Tức vinh hiển là "Con Thiên Chúa" của Chúa Kitô, một vinh hiển mà Người xin Cha của Ngài xin hãy làm sáng tỏ trước chung thế gian và riêng các môn đệ của Người, nhờ đó, Người cũng làm cho Cha được "vinh hiển" ở chỗ các môn đệ của Người cũng như thế gian nhận biết Cha là Đấng đã sai Người vì yêu thương nhân loại. 

 

Nếu "Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô", thì cách thức làm sao cho họ nhận biết chính là cách thức Cha làm "vinh hiển" Người và đồng thời nhờ đó Người cũng làm "vinh hiển" Cha của Người. Mà cách thức ấy là gì, nếu không phải hoàn trọn ý muốn của Cha là Đấng đã sai Người: "Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con". 

 

Phải, Chúa Cha đã làm "vinh hiển" Con ở chỗ muốn Con của Ngài phải chịu khổ nạn và tử giá, và chính Chúa Kitô cũng chẳng còn cách nào khác hơn là tuân phục Cha của Người: "tuy thân phận là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu, để khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8), nghĩa là làm cho các môn đệ của Người và thế gian nhận biết Người là Con của Thiên Chúa, hay qua Người mà nhận biết Cha là Đấng đã sai Người, hầu được "sự sống đời đời". 

 

Đúng thế, theo thường tình thì được người khác biết đến là một vinh dự. Vậy làm cho ai được nhận biết hay nhận biết ai thì người ấy được vinh dự bởi mình và những người mình giới thiệu hay tỏ ra cho. Cũng vậy, Chúa Kitô làm vinh hiển Cha của Người là Đấng đã sai Người ở chỗ tỏ danh Cha ra cho riêng các tông đồ và qua các vị cho chung thế giới. Và chính nhờ việc Người tỏ Cha ra mà Người cũng được vinh hiển của Cha, với Cha và như Cha, ở chỗ Người được nhận biết thực sự là bởi Cha mà ra, chỉ làm theo Ý Cha, và Cha đúng là ở trong Người và với Người. 

 

"Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con" đây, chẳng những có thể hiểu ám chỉ về các môn đệ tông đồ của Chúa Kitô, mà còn cả về sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con, đến độ "Ai thấy Thày là thấy Cha... Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày" (Gioan 14:9-10), một sự sống thần linh vô cùng viên mãn chứng tỏ Người nhận biết Cha là Đấng đã sai Người qua chứng từ tuân phục cho đến chết trên thập tự giá của Người, cũng là sự sống thần linh nhờ đó, nhờ cái chết để làm chứng cho tất cả sự thật là Người được Cha sai như thế mà các môn đệ đã nhận biết Người và qua Người nhận biết Cha mà được thông hưởng sự sống thần linh của Người và với Người "là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Gioan 17:3). 

 

Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh được tỏ hiện một cách cụ thể nơi trường hợp của Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại. Ở chỗ, ngài cảm nhận được tác động thần linh của Thánh Thần nơi ngài, như chính ngài nói: "Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem"

 

Nếu không đạt được mức độ hiệp nhất thần linh cao cả, thì kinh nghiệm sống đạo cũng là sống đức tin cho thấy, không ai có thể nhậy cảm và cảm nghiệm được tác động thần linh của Chúa Thánh Thần như ngài. Mà cho dù có cảm nghiệm được tác động thần linh của Thánh Thần chăng nữa, nhiều khi Kitô hữu vẫn chối bỏ tác động ấy, bởi đụng đến bản thân của họ, bắt họ phải hy sinh hay chịu khổ, đến nỗi họ trốn chạy hay trấn át tác động thần linh của Ngài, điển hình là trường hợp của tiên tri Giona được sai đến rao giảng thống hối cho thành Ninivê (xem Giona 1:1-3).

 

Thế nhưng, ở đây, với Tông Đồ Phaolô, được hiệp nhất thần linh với Chúa Kitô là Đấng sống trong ngài (xem Galata 2:20), đến độ không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô (xem Roma 8:35-39), thì như ngài quả quyết trong bài đọc 1 hôm nay: "Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa". 

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

PS.VII-3.mp3  

----------------------------------------