CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA - THỨ SÁU CN7PS-C

Thứ Sáu sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21

"Ðức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: "Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: "Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình". Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab

Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 21, 15-19

"Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy" Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 

 

 

Suy Nghiệm 

 

 

Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong bài Phúc Âm của Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh hôm nay là ở chỗ: 1- lòng yêu mến Thày nơi Tông Đồ Phêrô, và 2- vai trò thay Thày chăn đàn chiên của Thày và cho Thày. Thật vậy, nếu không yêu mến Thày, không phải bằng một lòng yêu tầm thường, mà là bằng một lòng yêu mến trổi vượt, "hơn những người này", tức là hơn các tông đồ khác, thì mới có khả năng và đủ tư cách để thay Thày chăn dắt đoàn chiên của Thày và chăn dắt đàn chiên như Thày. 

 

Mà chăn dắt đàn chiên của Thày như Thày đây nghĩa là gì, nếu không phải, như Người đã tiên báo trong bài Phúc Âm hôm nay cho vị tông đồ sẽ đại diện Người cai quản đàn chiên Giáo Hội của Người, đó là sẽ chịu chung số phận tử nạn giống Thày: "Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến'. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa".

 

 

Ở ngay câu tiên báo về số phận của tông đồ Phêrô, Chúa Giêsu đã cho thấy trước linh đạo Kitô giáo không phải ở chỗ con người có thể chủ động làm được gì cho Ngài theo ý mình: "khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý", mà là chính Thiên Chúa làm việc của Ngài qua con người và nhờ con người: "nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến", miễn là con người tin tưởng phó thác mọi sự: "Con hãy theo Thày", kể cả chính bản thân mình cho Ngài. "Người cần phải lớn lên còn tôi sẽ phải nhỏ lại" (Gioan 3:30).

 

Linh đạo Kitô giáo là linh đạo ngược chiều với đường lối tự nhiên: ở chỗ, thay vì trưởng thành, lớn lên thì lại phải càng nhỏ bé mới càng lớn trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4). Chúa Kitô sau 3 năm đi khắp nơi rao giảng và làm phép lạ, cuối cùng đã trở thành bất lực trên thập tự giá, không thể xuống khỏi thập giá đúng như lời thách thức đầy mỉa mai khinh bỉ của thành phần đầu mục Do Thái, thì lại chính là lúc cứu độ, là lúc Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Người và qua Người. Các môn đệ được Người kêu gọi "hãy theo Thày" cũng thế, theo đúng như nguyện vọng của Người: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con".

 

Về phần mình, cho dù biết trước thân phận của mình như thế, vì yêu Thày hơn ai hết, nhất là sau 3 lần trắng trợn chối bỏ Người mà vẫn được Người thứ tha và tin tưởng trao phó đàn chiên cao quí của Người cho mình, vị tông đồ này vẫn đáp ứng lời kêu gọi của Thày: "Con hãy theo Thầy", trong việc đóng vai trò là "vị mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11) như Thày, một đàn chiên không phải chỉ toàn dân Do Thái mà bao gồm cả dân ngoại trong đế quốc Rôma bấy giờ, một đế quốc đã sát hại ngài tại chính thủ đô Rôma mà cho tới nay đã trở Giáo đô của Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng. 

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay và ngày mai là hai bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc để kết thúc Mùa Phục Sinh về chủ đề "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Hai bài Phúc Âm này của Thánh Gioan là những câu cuối cùng của Phúc Âm Thánh Gioan. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy đoạn cuối cùng của các Phúc Âm nói chung và Phúc Âm Thánh Gioan nói riêng này không phải là một két thúc đóng mà là một kết thúc mở, ở chỗ, hướng về tương lai, hướng về Giáo Hội, hướng về truyền giáo, hướng về toàn thể thế giới nhân loại, hướng về cánh chung (như bài Phúc Âm ngày mai của Thánh ký Gioan sẽ cho thấy).

 

Thật vậy, đáng lẽ sau 3 bài Phúc Âm cho Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm tuần VII Phục Sinh này, theo Phúc Âm Thánh ký Gioan, đoạn 17 là đoạn về lời nguyện của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, một lời nguyện bao gồm tất cả dự án cứu độ và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, phụng vụ lời Chúa của chung Mùa Phục Sinh đã kết thúc rồi mới phải.

 

Thế nhưng, Giáo Hội vẫn còn giành 2 bài Phúc Âm, cũng của Thánh ký Gioan, 2 bài Phúc Âm cuối cùng của vị thánh này, một liên quan đến tông đồ Phêrô (hôm nay), và một liên quan đến tông đồ Gioan (ngày mai), để kết thúc phụng vụ lời Chúa Mùa Phục Sinh, vì thật ra Mầu Nhiệm Chúa Kitô không kết thúc ở Mầu Nhiệm Vượt Qua là Tử Giá (được Giáo Hội cử hành trong Tuần Thánh) và Phục Sinh (được Giáo Hội cử hành trong Mùa Phục Sinh), mà ở Mầu Nhiệm Cánh Chung, bao gồm cả Mầu Nhiệm Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, nơi Người "sẽ ở cùng cho đến tận thế" (Mathêu 28:20) bằng chính Thánh Thần của Người từ Cha sai đến trên các Tông Đồ vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, nhờ đó Người tiếp tục tỏ mình ra cho chung nhân loại, "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), cho đến khi "Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng".

 

Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến Thánh Phêrô là thủ lãnh Giáo Hội, là chủ chiên thay cho chính Chúa Kitô, một Chúa Kitô tiếp tục chẳng những chăn dắt đàn chiên của mình, cả chiên nhỏ (là giáo dân - lamb) lẫn chiên lớn (bao gồm cả hàng giáo sĩ - sheep, và giáo phẩm - sheep), nơi các vị giáo hoàng đại diện của Người trên trần gian này, mà còn "hiến mạng sống mình vì chiên... cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:11,10) qua các ngài nữa, như Người đã báo trước cho tông đồ Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay, vị tông đồ đã được Người gọi "hãy theo Thày" để có thể tỏ Thày ra cho thế gian bằng chứng từ của lòng mến đã đạt tới độ hiệp nhất nên một với Người "để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Gioan 17:23).

 

Bài Phúc Âm hôm nay còn chất chứa một câu Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô về số phần chứng nhân là: "Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa", một câu đã cho thấy ý nghĩa đích thực của những gì Người đã nguyện cùng Cha của Người ở Lời Nguyện Hiến tế kết thúc Bữa Tiệc Ly: "Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một". Đúng thế, chính lời kêu gọi của Chúa Giêsu với vị chủ chăn tối cao đại diện Người trên trần gian là tông đồ Phêrô: "Con hãy theo Thày" kết thúc Bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy ý nghĩa đích thực về thân phận bất khả phân ly giữa Thày trò với nhau ở câu: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian"

  

Ý nghĩa ấy là vinh hiển hay vinh dự của Người là Con Thiên Chúa cũng như vinh quang hay vinh danh của thành phần môn đệ tông đồ của Người đó là trở thành chứng từ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, qua Con cũng như qua những ai "thuộc về Cha" và "là của Cha" mà "Cha đã ban cho Con trên thế gian", để nhờ đó Ngài được vinh hiển, ở chỗ được thế gian nhận biết mà hoàn thành ý muốn cứu độ tối cao của Ngài trong việc tạo dựng nên con người theo hình ảnh thần linh như Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27): "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

 

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh ký Luca chỉ thuật lại lời của nhân vật Phesto của đế quốc Rôma ngỏ cùng vua Agrippa về trường hợp của bị cáo Phaolô, mà nguyên cáo của bị cáo này "chỉ tố cáo hắn về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống". 

 

Đây là chi tiết cho thấy tất cả chứng từ của vị tông đồ dân ngoại này là một Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã tỏ mình ra cho ngài trên đường ngài đang rong ruỗi bắt bớ Kitô hữu, và là Đấng đã làm cho ngài sáng mắt ra bằng quyền năng phục sinh của mình để biến đổi ngài thành "ánh sáng chư dân, thành phương tiện cứu độ cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47).

 

Thế nhưng vị tông đồ dân ngoại này sẽ không thể nào hoàn thành sứ vụ vô cùng khó khăn đầy khổ nạn của mình nếu không Hiệp Nhất Thần Linh với Đấng đã tuyển chọn mình và sai mình đi. Đến độ, ngài đã cảm nghiệm thấy rằng: "sự sống tôi đang sống đây không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

PS.VII-6.mp3  

-----------------------------------------