2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC -TGP SAIGON - THỨ SÁU

  •  TGM NGUYỄN NĂNG
     
     

    Thứ Sáu tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,13-19)

    Tin mừng: Mc 3,13-19

    13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người.

    14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ.

    16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có: ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi mọi người tiếp nối sứ mạng cứu thế mà ngày xưa Ngài khởi đầu và xây dựng trên nền tảng Mười Hai Tông đồ.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, còn hạnh phúc nào hơn khi con được Chúa yêu thương kêu gọi theo Chúa và ở với Chúa. Làm sao một thân phận thấp hèn, nhỏ bé và yếu đuối như con lại được Chúa đón nhận để sống với Chúa trong tinh thần thầy trò, tình anh em, và mật thiết hơn nữa là tình bạn hữu. Chúa lại muốn con cộng tác làm việc với Chúa như các tông đồ ngày xưa để làm chứng cho tình yêu của Chúa. Để trở nên một người môn đệ, người em, người bạn của Chúa, xin Chúa giúp con kiên trì tập luyện để trở nên con người mới, bởi Chúa đang hy vọng qua cuộc sống của con, sứ điệp tình yêu sẽ được triển nở nơi anh em mà con thường xuyên gặp gỡ.

    Con biết rằng tự sức mình, con không thể làm được. Vậy xin Chúa ban cho con sức mạnh của Chúa, để con luôn can đảm, hy sinh, quảng đại, sẵn sàng đón nhận và thực thi ý Chúa trong từng biến cố, từng phút giây của cuộc sống. Xin Chúa loại trừ trong con tính ích kỷ, những cách cư xử thiếu bác ái, thiếu kính trọng và yêu thương, khiến cho tha nhân không nhận ra được khuôn mặt tình yêu của Chúa, và vì thế mà làm cản trở sứ mạng cứu thế của Chúa.

    Dù đã bao lần lầm lỗi, xin Chúa thương tha thứ cho con, đừng để con phản bội Chúa. Xin dẫn dắt con từng bước để con xứng đáng là cộng tác viên trong sứ mạng đã được trao ban. Amen.

    Ghi nhớ: “Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người”.

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIÊM SỐNG LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
     

    NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG ĐÁNG TIN

    “Các thần ô uế kêu lên, ‘Ông là Con Thiên Chúa!’. Nhưng Ngài cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài”.

    Ngày kia, Satan đang đi dạo cùng với một trong những cơ binh của hắn. Tất cả cơ binh và lãnh chúa của chúng nhìn thấy một người đàn ông đi trước nhặt một thứ gì đó sáng bóng. “Người ấy đã tìm thấy gì?”, một tên quỷ hỏi. “Một phần của sự thật!”, Satan trả lời. “Ngài không lấy làm phiền khi anh ấy chỉ tìm ra một phần sự thật sao?”, tên quỷ hỏi. “Không!”, Satan nói, “Ta bảo đảm rằng, hắn sẽ biến nó thành một tôn giáo!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Một phần sự thật!’, đó là những gì ma quỷ thường dùng để lừa phỉnh con người! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách các thần ô uế và ra lệnh cho chúng không được tiết lộ Ngài. Tại sao? Bởi lẽ, với danh tánh và con người Ngài, hoặc nói cách khác, Chúa Giêsu là ai; ma quỷ sẽ nói lên ‘một phần sự thật’, nên sự thật của chúng là ‘những sự thật không đáng tin!’.

    Ma quỷ thường lừa dối người khác bằng cách nói một số sự thật theo cách ‘hơi sai lầm!’. Chúng trộn sự thật với sai lầm; vì vậy, ma quỷ không xứng đáng nói bất kỳ sự thật nào về Chúa Giêsu. Điều này sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về việc loan báo Tin Mừng cách chung. Có nhiều người rao giảng Tin Mừng, nhưng không phải mọi điều chúng ta nghe hay đọc đều hoàn toàn đáng tin! Có vô số ý kiến, vô số người đưa ra những lời khuyên và vô số nhà thuyết giáo trong thế giới ngày nay. Một đôi khi, các nhà giảng thuyết sẽ nói một điều gì đó khá đúng, nhưng sau đó, họ cố ý hoặc vô tình trộn lẫn sự thật đó với những sai lầm nhỏ; và đó sẽ là ‘những sự thật không đáng tin!’. Bởi lẽ, ‘một phần sự thật’ sẽ gây thiệt hại lớn và sẽ khiến nhiều người lạc lối!

    Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần rút ra từ phân đoạn này là, chúng ta phải luôn lắng nghe cẩn thận những gì được rao giảng và cố gắng phân biệt những gì được dạy có hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu không. Đây là lý do chính yếu mà chúng ta phải luôn dựa vào lời rao giảng của Chúa Giêsu khi nó được mặc khải qua Giáo Hội và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu bảo đảm rằng, chân lý của Ngài được nói ra qua Giáo Hội của Ngài. Do đó, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan trong thẩm quyền giảng dạy của huấn quyền phải luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta nghe và được dạy.

    Anh Chị em,

    “Ngài cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài”. Ma quỷ đủ ma mãnh để lừa gạt chúng ta khi chúng nói ‘một phần sự thật’ về Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài qua người này người kia, những người sẽ nói ‘những sự thật không đáng tin’. Phần chúng ta, con cái của Giáo Hội, chúng ta phải hết sức khôn ngoan. Vậy bạn và tôi hoàn toàn tin tưởng vào Giáo Hội, Mẹ của chúng ta như thế nào? Chắc chắn, Giáo Hội của chúng ta đầy những tội nhân, cũng như tất cả chúng ta là những tội nhân. Nhưng Giáo Hội của chúng ta cũng tràn đầy sự viên mãn của sự thật; ở đó, không có ‘một phần sự thật’ mà chỉ có toàn bộ Sự Thật là chính Chúa Giêsu, Đấng là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!”. Và chúng ta tin tưởng sâu sắc vào tất cả những gì Chúa Giêsu đã mặc khải và tiếp tục mặc khải qua Giáo Hội của Ngài. Hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện và bày tỏ lòng biết ơn đối với thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội và cam kết hoàn toàn chấp nhận thẩm quyền đó.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa về món quà giáo huấn rõ ràng và có thẩm quyền đến với con qua Giáo Hội; đặc biệt, qua Đức Thánh Cha. Cho con luôn biết cầu nguyện cho Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội, và bảo vệ Giáo Hội, Mẹ của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CAM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
     
     

    MỘT TRÁI TIM CỨNG

    “Người ta để ý quan sát Ngài”.

    Có hai cách để xử lý áp lực của nước: cách “cứng” và “mềm!”. Tiềm thuỷ cầu, đắp bằng một tấm thép cứng, rất bất tiện khi di chuyển; bên trong, các nhà hải dương nhìn qua một ô kính dày và hẹp. Họ thấy gì? Cá! Cá đối phó với áp lực hoàn toàn khác, “mềm!”. Không cần lớp da dày, cá dẻo dai, tự do. Cá bù đắp áp suất bên ngoài bằng áp suất bên trong; cân bằng và ngược chiều!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sự ghen tỵ của những người biệt phái khác nào tấm thép cứng của tiềm thuỷ cầu, vốn đã che khuất tầm nhìn của họ về Chúa Giêsu. Họ hẹp hòi “để ý quan sát Ngài” từ hành vi, cử chỉ đến ngôn từ để bắt lỗi Ngài. Thực tế đáng buồn là họ đã quá mù quáng đến nỗi không nhận ra, họ đang thực sự hành động một cách vô lý; bởi lẽ, họ mang trong mình ‘một trái tim cứng’ hơn thép!

    Đã từ lâu, các biệt phái cho mình là những thầy dạy lịch duyệt, đáng được trọng vọng; thế nhưng, từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ mất ảnh hưởng. Dân chúng trước đây nghe họ, nay quay sang và đi theo Ngài. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu vấp phải một sự phản đối gay gắt từ những con người lòng đầy ghen ghét này. Nơi họ, ghen tỵ đã trở thành tội, một tội đang phá huỷ đời sống tâm linh của họ; đó là tội kiêu hãnh, tỵ hiềm, giận dữ và lạnh lùng.

    Tin Mừng hôm nay buộc Chúa Giêsu phải chọn lựa giữa lề luật và xót thương! Ngài chọn xót thương khi chữa cho một người bại tay trong ngày Sabbat. Với Chúa Giêsu, luật của lòng thương xót phải đặt trên mọi luật; và dẫu đây là một phép lạ khó tin bắt nguồn từ một tấm lòng mẫn cảm yêu thương; thế nhưng, ‘một trái tim cứng’ khoá chặt lại coi hành vi này là một hành vi tội lỗi. Một suy nghĩ không thể kinh khủng hơn! Chính sự tỵ hiềm khiến lòng các biệt phái ra mù quáng, đến nỗi làm hỏng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, và huỷ hoại sự nhân đạo với tha nhân.

    Chúa Giêsu đau buồn trước sự cứng lòng của những con người này; sự đau buồn này đã nhen lên trong Ngài một cơn giận thánh, một cơn giận không khiến Ngài bộc phát những lời đắng cay nhưng là những lời yêu thương; Ngài ôn tồn giải thích, “Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?”. Cùng lúc, Ngài chữa lành người bệnh với hy vọng, may ra họ mềm lòng và tin. Buồn thay, điều đó không xảy ra! Tin Mừng ghi nhận, “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ngài”. Hai nhóm này là thù địch của nhau; vậy mà Tin Mừng tiết lộ một sự thật ớn lạnh rằng, họ hợp lực với nhau để âm mưu giết Ngài. Họ liên kết với nhau không phải bởi sức mạnh nội tại của điều thiện, nhưng bởi sự thâm độc và cứng cỏi của ‘một trái tim cứng’ vốn đã bị xiềng xích cùng nhịp đập với điều ác!

    Anh Chị em,

    “Người ta để ý quan sát Ngài”. Người ta để ý quan sát để bắt bẻ; Chúa Giêsu để ý quan sát để xót thương. Tại sao? Bởi lẽ, người biệt phái có những trái tim bằng thép tựa hồ lớp vỏ của tiềm thuỷ cầu; đang khi trái tim Chúa Giêsu thì dẻo dai, tự do, và chỉ biết xót thương. Noi gương Thầy Chí Thánh, giữa lòng thế giới, người môn đệ Giêsu không cần phải cứng cỏi và da phải dày, miễn sao chúng ta uyển chuyển, phù hợp với quyền năng của Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài để cân bằng áp lực cuộc sống với một trái tim mềm mại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay mời gọi bạn và tôi nhìn vào những ‘tấm gương mờ’ của các ‘biệt phái nghèo nàn’, để nhìn lại bản thân. Mong sao bạn và tôi không thuộc hạng người có ‘một trái tim cứng’ của những con người thực sự đã mắc phải chứng bệnh tâm linh khó chữa này!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con đừng ngần ngại cộng tác với Thánh Thần; vì cuối cùng, để có một trái tim mềm, việc giải phẫu ‘một trái tim cứng’ dẫu nghiệt ngã, vẫn đáng cho con phải trả giá!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Năm tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,7-12)

    Tin mừng: Mc 3,7-12

    7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người.

    Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.

    9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.

    11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”

    12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Dân chúng lũ lượt đến với Chúa để được Chúa cứu chữa khỏi những đau khổ bệnh tật. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ai tin vào Chúa và đến với Chúa sẽ được sống sung mãn.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng thương xót của Chúa thật bao la, Chúa cùng các môn đệ muốn lánh đi một chút trước con mắt ngờ vực và âm mưu của nhóm Biệt phái và phe Hêrôđê. Nhưng Chúa không thể cầm lòng được trước cảnh tượng người ta lũ lượt đến với Chúa. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân, nhiều kẻ bị quỷ ám. Chúa đã thương chữa lành tất cả.

    Lạy Chúa, Chúa nhìn thấy nhân loại ngày xưa và nhân loại hôm nay vẫn là một nhân loại gánh chịu nhiều khổ đau. Chúng con nhìn lên Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Con cảm tạ Chúa vì không một Danh hiệu nào dưới gầm trời này đã được ban cho chúng con để phải nhờ vào đó mà được cứu độ. Chỉ một mình Chúa mà thôi. Nhìn vào thế giới hôm nay, con thấy cũng có những người như luật sĩ và biệt phái lập thành bè nhóm để rình rập, bắt bẻ và chống đối Chúa. Nhưng trong khi đó, đông đảo tầng lớp dân chúng đau khổ thì đổ xô đến với Chúa, khao khát, lắng nghe Tin Mừng của Chúa, kêu cầu Chúa ban ơn cứu độ.

    Lạy Chúa, xin Chúa tỏ lòng thương xót chúng con. Những người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng Chúa biết chúng con cần đến Chúa. Con xin đặt vào bàn tay Chúa tất cả những yếu đuối, khổ đau và bệnh tật của con, của gia đình con và của toàn nhân loại. Mọi âu lo con xin trao phó cho Chúa. Con biết Chúa vui khi con chân thành và khiêm tốn kêu cầu Chúa. Và con muốn Tin Mừng Chúa lan rộng hơn nữa, để người người mọi nơi đến với Chúa và được ơn cứu độ. Amen.

    Ghi nhớ: “Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Ba tuần 2 Thường niên năm I - Lề luật (Mc 2,23-28)

    Tin mừng: Mc 2,23-28

    23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép!”

    25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

    27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta hiểu ý nghĩa tích cực của lề luật. Lề luật được làm ra để giúp con người thăng tiến. Hiểu được vậy, ta sẽ không giữ luật cách nô lệ, hình thức.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Rất nhiều lúc con chán ngán hoặc khiếp sợ đạo Chúa vì có quá nhiều lề luật phải giữ. Rất nhiều lúc con nhìn Chúa như một cảnh sát, như một kẻ đè bẹp làm con mất tự do. Rất nhiều lúc con coi thường luật Chúa hoặc đành phải giữ cho xong. Như người Biệt phái, con chỉ nhìn thấy những điều không được phép, những điều cấm đoán, mà chẳng hiểu tại sao.

    Lạy Chúa, hôm nay con hiểu được Chúa thương con. Chúa ban lề luật là vì thương con. Lề luật của Chúa không phải như một gánh nặng áp đặt trên con như chiếc gông cùm đè bẹp, nhưng là quà tặng giúp con bay cao, thăng tiến và bảo vệ sự tự do mà Chúa đã ban. Lề luật được làm ra để nâng đỡ con mà con cứ nghĩ Chúa kìm kẹp con. Chính vì con chẳng hiểu nên con đã giữ luật một cách nô lệ, câu nệ hình thức, con cảm thấy nặng nề gò bó.

    Con vui mừng dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa giải thoát con khỏi tinh thần nô lệ. Xin Chúa giúp con sống trong tự do của một người con. Xin Chúa dạy con hiểu được ý nghĩa của từng lề luật xuyên qua những điều được phép hay bị cấm. Xin Chúa cho con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong mọi lề luật. Và tình yêu sẽ giải thoát con. Amen.

    Ghi nhớ: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
    Kính chuyển:
    Hồng