Thiên Chúa luôn luôn nói với chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không ý thức, không lắng nghe. Và như thế, nỗi đau chính là máy phóng âm của Thiên Chúa với thế giới điếc đặc này.
Trong truyền thống Hindu, có một câu chuyện sau:
Thượng đế và con người đang đi trên đường. Con người hỏi Thượng đế:
- “Thế giới này như thế nào?”
Thượng đế trả lời:
- “Ta muốn nói với con, nhưng cổ họng Ta đang khô rát. Ta cần một cốc nước mát. Nếu con có thể đi lấy cho ta một cốc nước mát, Ta sẽ cho con biết thế giới này như thế nào.”
Con người đi đến ngôi nhà gần nhất để xin cốc nước. Ông gõ cửa và gặp một phụ nữ trẻ đẹp. Ông xin một cốc nước mát. Cô trả lời:
- “Tôi sẽ sẵn lòng cho ông, nhưng bây giờ là giờ ăn trưa, tại sao ông không vào đây dùng bữa trước đã.” Người đàn ông làm theo.
Rồi ba mươi năm trôi qua, họ có với nhau 5 mặt con, ông trở thành một thương gia có tiếng, cô là một thành viên đáng trọng trong cộng đồng. Một tối nọ, cả hai đang ở trong nhà thì cơn bão ập đến lật tung nóc nhà. Người đàn ông kêu lên: “Lạy Thượng đế, xin giúp con!”
Và trong tâm cơn bão, một giọng vang lên: “Cốc nước mát của ta đâu rồi?”
Câu chuyện này không phải là một phê phán thiêng liêng cho bằng là bài học căn bản về nhân học và linh đạo rằng: Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm. Chúng ta không phải là những người sống với ý thức thiêng liêng một cách điều đặn, thỉnh thoảng mới phân tâm. Nhưng chúng ta là những người sống phân tâm một cách đều đặn và thỉnh thoảng mới có ý thức thiêng liêng. Chúng ta có khuynh hướng sa đà vào những chuyện thông thường của cuộc sống, phải có một cơn bão nào đó để nhờ đó Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta.
C.S. Lewis, khi nói về nguyên do vì sao chúng ta có khuynh hướng chỉ hướng lòng về Chúa khi gặp phong ba bão tố, ông đã bình luận như sau: Thiên Chúa luôn luôn nói với chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không ý thức, không lắng nghe. Và như thế, nỗi đau chính là máy phóng âm của Thiên Chúa với thế giới điếc đặc này.
Tuy nhiên, không ai trong chúng ta lại muốn kiểu đau đớn này, không ai trong chúng ta muốn có tai ương, suy sụp sức khỏe, hay một cơn bão đến lay chúng ta tỉnh dậy. Chúng ta thích một sự kiện mạnh mẽ tích cực, một phép lạ dù lớn dù nhỏ xảy đến để lay động làm cho chúng ta nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta. Điều này là vì chúng ta cứ nuôi trong lòng các ảo mộng viễn vông, nếu Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta bằng một cách thức kỳ diệu, thì chúng ta sẽ thắng vượt được tình trạng phân tâm của mình và chúng ta sẽ nghiêm túc hơn trong đời sống thiêng liêng. Nhưng chính xác đó là ảo tưởng của các nhân vật trong truyện Lazarô và ông phú hộ, khi người phú hộ giàu có xin tổ phụ Abraham cho phép mình từ cõi chết về để cảnh báo các anh em mình là họ phải thay đổi cách sống nếu không sẽ phải chịu lửa thiêu đau đớn. Lời cầu xin của ông phú hộ thể hiện chính xác một quy kết sai lầm: “Nếu ai đó trở về từ cõi chết, họ sẽ nghe người đó!” Abraham không chấp nhận lôgíc đó. Ông trả lời: “Họ đã có ông Môsê và các ngôn sứ. Nếu họ không chịu nghe các ông, thì họ cũng sẽ chẳng tin đâu cho dù có người trở về từ cõi chết.” Trong câu trả lời này, có một điều không nói ra nhưng hết sức quan trọng, một điều mà chúng ta dễ dàng bỏ sót, đó là Chúa Giêsu đã trở lại từ cõi chết và chúng ta cũng chẳng nghe Ngài. Tại sao chúng ta lại cho rằng mình sẽ lắng nghe một ai đó khác trở về từ cõi chết cơ chứ? Chúng ta quá đỗi bận tâm với những chuyện thông thường trong đời đến nỗi không chú tâm đến người trở về từ cõi chết.
Vì sự thật này mà câu chuyện Hindu mang tính an ủi hơn là khiển trách. Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm khỏi các vấn đề thiêng liêng. Bản chất con người là thế. Bản chất chúng ta là thế. Nhưng khi nhận thức được khuynh hướng phân tâm không ngừng này là một chuyện bình thường thì nó cũng không làm cho chúng ta thấy thoải mái với sự thật này. Không chỉ mình Chúa Giêsu, mà cả các thầy dạy linh đạo cũng đã mạnh mẽ thúc giục chúng ta phải tỉnh dậy, phải chuyển biến để vượt ra khỏi nỗi bận tâm quá mức với các khó khăn của đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu đã xin chúng ta đừng quá lo lắng về ăn gì mặc gì cho mình. Ngài đòi hỏi chúng ta phải đọc biết các dấu chỉ thời đại, cụ thể là, nhìn theo ngón tay Thiên Chúa, chiều kích thiêng liêng của mọi sự, trong mọi sự kiện hàng ngày của cuộc sống. Tất cả mọi tác phẩm thiêng liêng cũng đều nói như thế. Ngày nay, nhiều truyền thống thiêng liêng phong phú đòi hỏi chúng ta phải có ý thức, chứ không phải là cứ vô thức bận tâm với đủ chuyện thường nhật trong đời mình.
Nhưng văn học thiêng liêng cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa hiểu chúng ta, rằng ân sủng tôn trọng bản chất tự nhiên, rằng Thiên Chúa không lầm khi tạo dựng bản chất con người, và rằng Thiên Chúa không tạo tác nên chúng ta theo kiểu để cho chúng ta thấy mình phân tâm từ bẩm tính và rồi phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì đã thuận theo bản tính thân mình. Bản tính con người theo lẽ tự nhiên bị cuốn vào các chuyện của đời sống hàng ngày, và Thiên Chúa đã tạo tác nên bản tính con người như thế.
Vậy thì tôi nghĩ rằng, Thiên Chúa hẳn phải gần giống hình ảnh của một người cha, người ông đầy tình yêu thương, nhìn con cháu mình trong buổi họp mặt gia đình, hạnh phúc vì chúng có cuộc sống thú vị cuốn hút chúng, cũng như hài lòng khi không phải lúc nào mình cũng là tâm điểm chú ý có nhận thức của chúng.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái H