CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - BỐ THÍ

  •  
    'Tien Do' via PSXH>
     
    BỐ THÍ

    Toàn Không

                                                                                
    I). THẾ NÀO LÀ BỐ THÍ?

    Bố là chia bày ra, thí là trao tặng, cho.

    Bố thí là đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người, hoặc đem trí tuệ như giảng nói các điều hay lẽ phải trong đời sống, đem các chân lý do Phật dạy giải thích lại cho người. Bố thí được xem như phương tiện đối trị tính bỏn sẻn tham lam ích kỉ, và thể hiện lòng bác ái từ bi. Đây là: những việc làm để nuôi dưỡng công đức cho người bố thí.

         Bố thí được dùng chung cho mọi người, nó bao gồm sự giúp đỡ những kẻ nghèo đói bệnh tật hoạn nạn, những người cần sự giúp đỡ về một phương diện nào đó, như hành động bố thí thức ăn, tiền bạc vật dụng phẩm vật cho các vị Khất sĩ, các tịnh thất, chùa; ngược lại Tăng Ni giải thích các lời Phật dạy và hướng dẫn tu hành cho các Phật tử tại gia cũng gọi là bố thí. Đối với người tu hành, vì được kính trọng nên bố thí được gọi là cúng dường, cúng dàng Phật, cúng Tam Bảo, cúng dường trai Tăng, cúng chùa v.v…Tất cả các hành động bố thí cúng dàng đều được xem là để nuôi dưỡng phúc đức. 

    II). CÓ MẤY LOẠI BỐ THÍ?

        Có ba loại bố thí: Tài thí, Pháp thí, và Vô úy thí; để hiểu rõ tường tận của việc bố thí, chúng ta lần lượt phân tích từng loại.

    1). TÀI THÍ:

         Gồm tiền bạc của cải vật dụng cho đến cái qúy nhất là thân mạng, có hai loại:

    1. NỘI TÀI:

    Là những vật chí thân qúy báu như thân mạng, các bộ phận của mình đem bố thí cho người khác như xông vào lửa cứu người sắp chết cháy, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối, lấy thân mình che đỡ cho người sắp bị bắn hay bị đâm. Hoặc cho người một bộ phận của mình mà người đang cần đến như cho người một qủa thận chẳng hạn, nghĩa là người bố thí sẵn sàng chịu chết, chịu tật nguyền, chịu khổ để cứu người.

        Bố thí nội tài là: một cử chỉ cao đẹp nhất mà chỉ người có “từ tâm” (tâm thương người) mới làm được, nếu còn xem thân mạng mình là qúy, không thể thực hiện được loại bố thí này.

    2. NGOẠI TÀI:

         Là vật thường dùng của mình như tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, ruộng vườn, trân bảo, đồ đạc, quần áo, đồ ăn, thức uống v.v…, đem một trong những thứ ấy tặng cho người, gọi là bố thí ngoại tài.

       Về ngoại tài, có một vấn đề được nêu ra, đó là cách tạo dựng nên sản nghiệp. Có người tạo sản nghiệp bằng những nghề chân chính, nhưng cũng có người tạo nên bởi những nghề không chân chính như lừa đảo cờ bạc, lợi dụng sức khổ cực của người khác, hay tranh giành cướp đoạt dối trá, v.v… để làm giàu một cách phi pháp bất chính.

        Nếu sự tìm cầu tạo dựng của không quang minh chính đại, mà chỉ là của bất nhân bất chính do sự làm bất hợp pháp mang lại, sự bố thí không được coi là trọng, mà là thấp, vô ích. Tiền của mang ra bố thí phải là tiền của do công khó nhọc của chính mình, làm việc một cách hợp pháp, hợp lý, mới được kể là trọng.

       Chúng ta hãy trích một đoạn bài Tụng của Đức Phật trong Trung A Hàm quyển 3 trang 80:

    . . . Nếu kiếm của hợp pháp,
    Đã lo được tự thân,
    Cung cấp và tự dùng,
    Bố thí và tạo phước,
    Cả hai đều có đức.

    2). PHÁP THÍ:

         Pháp là vạn vật, pháp cũng là các lời dạy của Phật, các Kinh Luật Luận của Phật cũng gọi là pháp. Đem các lời hay lẽ phải, những chân lý qúy báu ra chỉ cho người, như đem các lời dạy của Phật ra chỉ lại cho người được hiểu. Hoặc thực hành các lời dạy của Phật để làm gương cho người khác bắt chước noi theo và cải tà quy chính, đều là bố thí pháp cả.

        Pháp thí có một giá trị lớn hơn tài thí, vì tài thí chỉ giúp cho người một thời gian hay một đời là cùng, còn pháp thí ảnh hưởng nhiều đời nhiều kiếp; ngoài ra, pháp thí còn giúp cho cả kẻ sang người hèn, kẻ nghèo lẫn người giàu, nên bố thí pháp lợi ích rộng lớn hơn bố thí tài.

    3). VÔ UÝ THÍ:

         Vô úy là không sợ, bố thí vô úy là cho người khác sự không sợ hãi, hết sợ hãi; tại sao phải bố thí vô úy?

        Bởi vì trong đời sống của con người có đủ thứ sợ hãi. Khi còn bé nhỏ sợ theo bé nhỏ như sợ thua bạn bè, sợ không làm vừa lòng cha mẹ, v.v… Khi lớn lên sợ không thành danh, sợ không chọn được người bạn đời như ý v.v… Khi về già sợ bệnh này bệnh kia, sợ chết v.v…. Mỗi người từ nhỏ tới lớn đều có trăm nghìn lo sợ, do đó, nếu có sự bố thí vô úy, người được thí vui mừng biết mấy, như trút được gánh nặng nghìn cân vậy. Tỉ dụ như người đang bị tai nạn, có người đến cứu giúp làm người này hết lo sợ, bớt lo sợ.

        Muốn bố thí vô úy, trước tiên người bố thí phải không còn sợ một điều gì; muốn được vậy, muốn không còn sợ bất cứ điều gì trong lòng, người ấy phải tìm đọc để hiểu lý sống của Phật giáo một cách tường tận và áp dụng thực hành đầy đủ rồi, đâu còn gì để sợ nữa; như khi biết rõ các vật đều là hư giả không thật, cái ngã tức cái thân ta cũng không thật không qúy, tham để làm gì?

         Không tham tức không còn ham muốn nữa, khi không còn ham muốn sẽ không tìm cách giữ gìn hay chiếm đoạt, như vậy có gì phải lo sợ? Tiền bạc của cải không ham nên không sợ mất, danh lợi địa vị không màng nên không sợ thiếu, sinh mạng thân mình xem như giả tạm nên không sợ chết, do đó sống rất bình tĩnh tự tại trước mọi đổi thay thăng trầm của cuộc đời.  Do vậy, người vô úy sẵn sàng can thiệp vào các việc cứu người khác gặp nguy hiểm mà người thường không thể làm được. 

    III). BỐ THÍ NHƯ THẾ NÀO?

        Sự bố thí xảy ra rất nhiều, có người giàu có bỏ ra rất nhiều tiền của để bố thí cho trẻ em xấu số như tàn tật câm điếc hoặc bệnh nan y. Có người lập nhà thương thí, trường học miễn phí, nhà dưỡng lão cho người già nghèo, trại cô nhi cho trẻ em không cha không mẹ. Có người bỏ cúng thật nhiều tiền của giúp Tăng Ni xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, hành đạo v.v…Lại có người lập qũy, gây qũy để giúp cho những người nghèo khó, có người nhảy xuống nước để cứu người sắp chết đuối, hoặc có người xông vào lửa cứu người sắp chết cháy v.v… Tất cả những hành động ấy đều là bố thí cả, nhưng xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, có hai trường hợp được nêu lên ở đây:

    1). BỐ THÍ CHẤP TƯỚNG:

         Nghĩa là bố thí với dụng tâm bên trong để cầu danh cầu lợi như bố thí để được đăng báo khen tiếng tốt về mình hay tổ chức của mình. Với dụng tâm ganh đua như mình bố thí nhiều hơn người kia, hoặc tổ chức của mình bố thí nhiều hơn tổ chức kia. Hoặc giúp đỡ các em tật nguyền bênh nan y hoạn nạn cô nhi là để sau này lớn lên các em sẽ biết ơn và là công cụ, người của mình hay thuộc tổ chức, tôn giáo của mình. Hoặc nhảy xuống sông cứu người để được người “đẹp” ngợi khen cảm phục v.v….

        Những hành động đẹp đẽ ấy được che đậy giấu kín bên trong như thế không còn giá trị nữa, về phúc đức của những hành động với động lực bên trong mờ ám không sạch như thế, kết qủa như làn gió mát thổi qua, như mây trôi trong hư không sẽ tan biến mất vào hư vô không còn gì cả.

        Lấy thí dụ của Trưởng giả Cấp Cô Độc thời Phật tại thế đã mang tiền của ức tỉ ra để xây Đạo tràng Kỳ Viên cúng Phật với một tâm không chấp trước, khi qua đời Trưởng giả đã được qủa báo sinh lên cõi Trời Đao Lợi. Còn Vua Lương Vũ Đế bên Trung Hoa, năm 528 Dương lịch, Tổ thứ 28 là Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Hoa. Khi gặp, Vua hỏi Tổ Bồ Đề về việc vua đã cho dựng lập được 72 chùa, đúc chuông, tạo tượng, tu sửa cầu cống, bồi đắp đường lộ v.v…  thì có những công đức gì?

         Khi nghe Vua hỏi một cách tự hào khoe khoang chấp tướng như thế, nên Tổ trả lời là “Không có công đức”; Vua hỏi tiếp “Tại sao lại không có công đức?”, Tổ trả lời “Công đức đó chỉ được ở qủa vị Trờị Người mà thôi”. Vua lại hỏi “Làm thế nào mới gọi là chân công đức?”, Tổ đáp “Trí thanh tịnh thể vốn vắng lặng, tròn đầy, trong sáng, nhiệm mầu, công đức như vậy chẳng thể lấy thế gian pháp (của cải, tiền bạc…) mà cầu được”, Vua lại hỏi “Vậy người trước Trẫm đây là ai?”, Tổ đáp “Không có ai cả”.

         Vua nghe câu trả lời chót của Tổ sinh ra nghi ngờ cho rằng Tổ chẳng phải người hiểu đạo, vì sự học hỏi và tu học của Lương Vũ Đế còn thấp, không hiểu được câu trả lời của Tổ Bồ Đề. Vì Tổ đã đắc đạo rồi, biết rõ cái “Vô ngã” nên đã trả lời như thế, nhưng Vua không hiểu, tự ái, vì cái ngã (cái ta) của Vua qúa to lớn, do đó Vua đã bực (nổi sân giận). Vì sự giận này, Vua không hỏi nữa, và sau sai người đem thuốc độc trộn trong thức ăn của Tổ, nhưng Tổ không chết.

         Sau gần một tháng, Tổ đã rời bỏ Kinh đô đi đến ngồi quay mặt vào vách 9 năm nhập định tại chùa Thiếu Lâm, như thế công đức bố thí của Vua Lương Vũ Đế tuy nhiều, nhưng không biết có đủ bù cái nghiệp đầu độc một bậc Thánh chăng?

    2). BỐ THÍ VÔ TƯỚNG: (Còn tiếp)

    (Còn tiếp)

     

     

    --