CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - GIẢI ẢO CUỘC SỐNG

  •  
    Giải Ảo Cuộc Sống

    Vấn đề làm chính trị
    của giới tu sĩ trong các tôn giáo

    https://tamlinh-tongiao.blogspot.com/2022/02/van-de-lam-chinh-tri-cua-gioi-tu-si.html 

     

     «Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác
    mà không giết được linh hồn
    »
     (Matthêu 10:28).
    «Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!» (Maccô 6:50)

     

     

    https://www.youtube.com/watch?v=jkTzO3dwtmo

    Hiện nay, rất nhiều tu sĩ trong các tôn giáo để biện minh cho sự im lặng của mình trước những tội ác và bất công đang lan tràn trong xã hội Việt Nam hiện nay, bằng câu «Tu sĩ không nên/không được làm chính trị». Vin vào câu ấy, họ cảm thấy mình hoàn toàn vô trách nhiệm trước những tội ác và bất công trong xã hội. Theo họ, đó là trách nhiệm của ai khác, chứ hoàn toàn không phải của mình.

    Đối với họ, dường như những câu như «Giặc đến nhà đàn bà (cũng) phải đánh», hoặc «Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách» có nghĩa là tất cả mọi người – ngoại trừ họ ra – đều có trách nhiệm trước tình trạng giặc xâm lăng hay tình trạng hưng vong của quốc gia. Có lẽ ngay cả đứa con nít có trí khôn, khi đọc tới chữ «ngoại trừ họ ra» cũng đều cảm thấy phi lý, phải không ạ? Vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào câu «Tu sĩ không nên/không được làm chính trị»?

    Tôi hoàn toàn đồng ý với câu «Tu sĩ không nên/không được làm chính trị» khi việc «làm chính trị» ấy có hại cho công ích, cho dân tộc, hay chỉ đem lại lợi ích cho một đảng phái, hay cho một thiểu số người nào đó. Đương nhiên nếu đảng phái ấy đang gây hại hay gây bất lợi cho công ích hay cho đại đa số dân tộc, thì việc làm chính trị có lợi cho đảng phái ấy chính là một tội ác và đương nhiên tôn giáo cấm là phải, là quá đúng. Hoặc thiểu số nói trên được hưởng những lợi ích bất công nhờ sự tham gia chính trị của mình thì sự tham gia ấy đáng cấm, và chắc chắn không phải là điều tốt. Không biết các tôn giáo khác thì sao, nhưng tôi biết chắc chắn rằng Giáo Hội Công giáo không những cấm các tu sĩ, giáo sĩ không được làm chính trị loại có hại này, mà ngay cả giáo dân cũng không nên.

    Còn trường hợp làm chính trị mà có lợi cho công ích, có lợi cho cả dân tộc, chẳng hạn như để chống lại những tội ác xã hội, như tội diệt chủng, tội giết hàng loạt người vô tội và thai nhi trong bụng mẹ; hay để chống lại những bất công xã hội, chống lại những kẻ có dã tâm nô lệ hoá dân tộc mình, chống lại ngoại bang muốn xâm chiếm đất nước mình... thì Giáo Hội Công giáo không hề cấm các tu sĩ hay giáo sĩ làm chính trị loại này, thậm chí còn có thể khuyến khích. Để chứng minh cho lập luận trên, tôi xin đưa ra một vài sự kiện:

    Việc Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II được phong thánh, mặc dù ngài đã từng làm chính trị có lợi cho dân tộc Ba Lan của ngài, là một minh chứng hùng hồn. Ngày 23-08-1981, khi phong trào đấu tranh cho nhân quyền tại Ba Lan bị đàn áp mạnh mẽ, thì từ Rôma, ngài đã đưa ra một mệnh lệnh chính trị rõ ràng cho hàng Giám mục Ba Lan: «Tôi cầu mong với tất cả lòng nhiệt thành rằng: các Giám Mục của Ba Lan, thậm chí ngay bây giờ, có thể giúp đỡ đất nước trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, để dành lấy bánh hằng ngày, dành lấy công bằng xã hội, sự bảo đảm quyền bất khả xâm phạm cho sự sống và sự phát triển của Ba Lan» (xem [1] ở cuối bài). Khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Brezhnev có ý định đưa Hồng quân sang Ba lan để dẹp tan Công đoàn Liên kết, từ Rôma, ngài tuyên bố :«Nếu Liên Xô tiến quân sang Ba lan, tôi sẽ cởi áo Giáo Hoàng và trở về Ba lan để chiến đấu bảo vệ quê hương tôi.» Nhờ câu nói đanh thép của vị Giáo Hoàng dũng cảm, Brezhnev đã từ bỏ ý định tấn công Ba Lan (xem [2] ở cuối bài).

    Tôi chỉ giả sử thôi nhé, vì giả sử này có thể không có thật! Giả sử rằng Giáo Hội hay các bề trên trong Giáo Hội cấm một cách phi lý các tu sĩ hay giáo sĩ làm chính trị, thì khi đất nước lâm nguy, các tu sĩ hay giáo sĩ vẫn nên làm theo tiếng lương tâm của mình, theo mệnh lệnh cuối cùng này của Chúa Giêsu: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Gioan 13:34-35). Chả lẽ cả dân tộc gần 100 triệu người của mình không phải là anh em để mình phải ra tay cứu giúp khi họ lâm nguy? Trong thần học luân lý của đạo Công giáo có trường hợp đặc biệt gọi là «epikeia» rất phù hợp quan niệm «tòng quyền» trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: «Chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền», nghĩa là trong những trường hợp bình thường thì phải hành xử đúng theo nguyên tắc, luật lệ; nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì phải biết tuỳ theo lương tri hay lương tâm của mình mà xử trí.

    Gương các tu sĩ hay giáo sĩ chống tội ác và bất công xã hội, thậm chí tham gia làm chính trị theo lương tâm trong Giáo Hội Công giáo, không chỉ có một mình Đức Gioan Phaolô II (mà Giáo Hội đã phong thánh), mà còn nhiều vị khác như Tổng Giám Mục Oscar Roméro (1917-1980) của El Salvador (sắp được Giáo Hội phong chân phước); Tổng Giám Mục Helder Câmara (1909-1999) của Brazil (giải Nobel năm 1973); Đức Hồng Y Jaime Sin (1928-2005) của Philippines (từng cầm đầu hai cuộc biểu tình nửa triệu dân chống hai Tổng Thống tham nhũng là Ferdinand Marcos và Joseph Estrada); Giám Mục Ximenes Belo (sinh 1948, 74 tuổi) của Indonesia (giải Nobel Hòa bình 1996); Hồng Y 陳日君 Trần Nhật Quân (1932, 90 tuổi) luôn đấu tranh cho dân chủ tại Hong Kong; Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988) của Việt Nam (bị CSVN đầu độc vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền); Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt (sinh 1952, 70 tuổi) mà ai cũng biết; vân vân… Ở Âu Châu, nơi phát sinh chế độ cộng sản, cũng không ít Giám mục và linh mục chống tội ác và bất công xã hội, nếu kể ra thì chỉ làm dài giòng thôi.

    Phía Tin Lành cũng có Mục sư Martin Luther King (1928-1968) đấu tranh cho nhân quyền và sự bình đẳng của dân Da đen tại Mỹ (Giải Nobel Hoà bình 1964, được cả nước Mỹ tưởng nhớ vào ngày thứ hai của tuần thứ ba vào tháng giêng hàng năm). Bên Phật giáo cũng có Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng (sinh 1935, 87 tuổi) từng đấu tranh cho nhân quyền chống lại sự xâm lược và đàn áp của Trung cộng; vân vân. Tôi không rành về những tu sĩ của các tôn giáo khác từng đấu tranh cho nhân quyền hay tham gia chính trị vì lợi ích của dân tộc mình, nên không kể ra được nhiều vị.

    Những tu sĩ hay giáo sĩ trong các tôn giáo đấu tranh chống tội ác và chống bất công xã hội, dù có tham gia chính trị hay không, cũng được tôn giáo mình và cả người đời vinh danh và mang ơn.

    Vì thế, thiết tưởng các vị tu sĩ hay giáo sĩ nào cảm thấy mình không thể, không dám, hoặc vì hoàn cảnh riêng mà chưa thể làm được như lương tâm mình đòi hỏi, thì không nên sử dụng câu «Tu sĩ không nên/không được làm chính trị» để biện minh cho sự im lặng của mình. Nếu không dám lên án những linh mục hay tu sĩ làm thứ chính trị mà tôn giáo mình cấm (tức làm chính trị mà có lợi cho một đảng phái, nhất là những đảng phái có hại cho công ích), hoặc nếu không dám ủng hộ những người đấu tranh chống tội ác và bất công xã hội, thì đừng bao giờ lên án những người đã dám chấp nhận cả tù đày lẫn cái chết để làm theo tiếng lương tâm và tâm yêu thương của mình. Hành động lên án ấy là một tội ác!

    Chế độ nào rồi cũng có lúc kết thúc. Khi ấy, những tu sĩ hay giáo sĩ đã im lặng trong quá khứ lúc người dân đang bị khốn khổ vì bất công, vì bị đàn áp phi lý mong cầu họ lên tiếng bênh vực, sẽ trả lời sao đây?

    Nguyễn Chính Kết
    Houston, Texas, Hoa Kỳ
    ngày 4/2/2022


    [1] https://www.yeuchua.net/2018/10/thanh-gioan-phaolo-ii-va-su-sup-o-cua-cong-san.html

    [2] https://tiengnoidanchu.wordpress.com/2010/03/15/những-cau-noi-vượt-thời-gian/