CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - LÒNG TỪ BI - CS ANH DŨNG

  •  
    CƯ SĨ NGUYỄN ANH DŨNG CHUYỂN
    Sun, May 15 at 5:40 PM
     
     



    LÒNG TỪ BI

     

    Cung kính Đức PHẬT, cung kính Đức THẦY !

    Vì lòng Từ Bi mà Đức Phật đã trải 49 năm dùng đôi chân đi bộ xin ăn với vô vàn nắng mưa tuyết lạnh !!!.Vì lòng Từ Bi mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phải chịu 8 năm cam khổ để:

    Muốn lập Đạo có câu thành bại,

    Sự truân chuyên của khách thiền môn.

    Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,

    Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.

    (Bài SA-ĐÉC)

    Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa hai chữ Từ Bi (căn cứ trong Phật Học Từ Điển) hầu theo dõi gót của quí Ngài thể hiện, để chúng ta học và hành theo lòng Từ Bi đó cho ta và giúp cho đời sau có lòng Từ Bi nữa…

    TỪ: là lòng thương tất cả mọi người, tất cả chúng sanh, sẵn sàng giúp cho họ được vui sướng, lợi ích về vật chất và về tinh thần. Tấm lòng bình đẳng, không nhiễm mọi sự khổ sướng; đối với chúng sanh, không phân biệt kẻ oán thù, người thân thích, không lựa kẻ thông minh, người ngu độn, kẻ hiền hậu, người ác trược; với ai, cũng thương tất cả và giúp đỡ.

    Lòng TỪ của chư Phật, chư Bồ tát mênh mông, vô tận, phổ khắp tất cả mười phương các cõi thế giới. Nên cũng gọi là Đại Từ.

    Tiếng TỪ là tĩnh từ (adjective) đứng trước danh từ (noun), thường chỉ về Phật, Đại Bồ tát, vì là những bực có đủ lòng lành thương chúng sanh. Ví dụ như: Từ ân, Từ ý, Từ nhãn, Từ vân, Từ phụ..v.v…

    Các nhà học đạo Đại thừa cần phải tu tập đặng mở tấm lòng Từ, tu tập bằng cách tham thiền. Đại khái, cách mở lòng Từ như thế nầy: Với tấm lòng Từ, nhà đạo khi ngồi thiền, trông khắp cõi thế. Lòng Từ ấy càng mở rộng, nó bủa ra từ phương nầy sang phương kia, đủ cả mười phương. Kế đó, với một tấm lòng đầy sự Từ, sự Từ nầy càng mở rộng ra mãi mãi, nhà đạo trông ra các cõi thế, dùng lòng Từ mình mà bao quát các cõi thế giới và vạn vật, cho chí các nơi cùng tột. Phép tưởng cho lòng Từ phổ khắp tất cả chúng sanh, gọi là Tứ Vô Lượng định. Và nhà đạo cũng tu tập mà mở luôn ba tấm lòng: Bi, Hỷ, Xả. Vì bốn tấm lòng ấy có quan hệ với nhau, thảy đều giúp cho nhà tu hành mau thành Phật đạo.

    BI: là lòng thương xót của chư Phật, chư Bồ tát đối với sự đau khổ của chúng sanh. Thấy chúng sanh mê lầm, sa ngã, đau đớn, khổ não, hoạn nạn thì các Ngài lấy làm cảm động, mong cho mau thoát khỏi các cảnh ấy, và hằng tìm dịp mà vùa giúp, nâng đỡ, độ thoát họ nữa. Thường gọi là Đại Bi.

    Các nhà tu học, các bực xuất gia, tuy có sẵn lòng Bi, song cần phải tu tập thêm đặng mở rộng tấm lòng ấy ra, tu tập bằng cách tham thiền.

    Đại khái cách mở lòng Bi (Đại Bi) là như thế nầy: Với một tấm lòng Bi, nhà đạo khi ngồi thiền, trông khắp các cõi thế, lòng Bi ấy càng mở rộng, nó bủa ra từ phương nầy đến phương kia, bủa khắp sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thựơng, Hạ. Kế đó, với một tấm lòng đầy đức Bi, đức Bi nầy càng mở rộng ra mãi mãi, vô cùng vô tận, nhà đạo trông ra các cõi thế, dùng đức Bi của mình mà bao quát tất cả các cõi thế và vạn vật, cho chí các nơi cùng tột.

    Chẳng những là trong khi ngồi thiền nhập định, mà bất cứ lúc nào, trong những khi đi, đứng, nằm, ngồi, nhà đạo cũng làm một với lòng Bi luôn.

    Bi với Đại Bi khác nhau như thế nầy: Như chúng ta còn đang tu tập, chưa đắc Đạo thì có lòng Bi. Còn chư Đại Bồ tát, chư Phật, chư vị thành Đạo, các Ngài có lòng Đại Bi tràn trề, không bờ bến.

    Trong khi tu tập cái đức Bi thì ta cũng phải tu tập luôn ba cái đức: Từ, Hỉ, Xả. Bốn đức nầy, vì các chúng sanh vô lượng cho nên ta phải mở ra vô lượng mà độ chúnh sanh.

    Bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả gọi là Tứ vô lượng hay là Tứ vô lượng tâm.

    - Từ: Thương chúng sanh mà muốn giúp cho họ được an vui.

    - Bi: Xót vì chúng sanh đau khổ mà muốn giúp cho họ hết khổ.

    - Hỷ: Vui mừng cho chúng sanh, nếu họ được may mắn, lợi ích.

    - Xả: Tha thứ cho chúng sanh, đem nhũng điều vui vẻ của mình mà bù sớt cho họ, coi các chúng sanh như mình.

    Đức Huỳnh Giáo Chủ trong bài “Chư Phật có bốn Đại Đức” cũng đã giải thích rõ ràng về Tứ Vô Lượng Tâm như thế nầy:

    “1.- Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.

    2.- Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng.

    3.- Đức Hỷ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.

    4.- Đức Xã: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.”

    Nhà tu hành đạo Phật nếu tu bốn đức Vô lượng ấy thì mau thành công đắc quả; và trong khi tu Tứ Vô lượng, thường được chư Thiên, chư Thần, chư Phật hộ niệm..

    Ngoài ra sự mở thông cái tâm Tứ Vô lượng, các nhà tu Phật Đại thừa đều phải tu một lượt hai pháp môn: Bi và Trí, gọi là Bi Trí nhị môn.

    Trí: trên thì cầu quả Bồ đề, do sự đọc tụng Kinh điển và tu tập thiền định. Ấy là mục đích tự lợi.

    Bi: dưới thì hóa độ chúng sanh. Ấy vì mục đích lợi tha. Tức là những việc bố thí, vùa giúp các lợi ích cho chúng sanh, những phương tiện giáo hóa chúng sanh.

    Lúc nào Trí và Bi cũng đi đôi với nhau. Như mỗi bức tượng Tam tôn, giữa là Phật, bên tả là Bi, bên hữu là Trí. Bi và Trí ủng hộ nền Chánh giác. Ngay như Di Đà Tam tôn, Chánh giác là A Di Đà. Bên tả là Ngài Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Trí Đại Thế Chí Bồ Tát.

    TỪ BI là lòng lành thương yêu và đau xót. TỪ là thương tưởng, dốc làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh. BI là đau xót trước cảnh khổ não, hoạn nạn ưu sầu của chúng sanh, dốc chí ra tay cứu vớt họ.

    Phật đối với chúng sanh, coi như một nhà, lúc nào cũng thương tưởng họ, những lo giúp ích cho họ, làm cho họ hưởng được các sự an ổn, vui vẻ, nên gọi là TỪ. Phật thấy chúng sanh chịu các nỗi khổ, động lòng trắc ẩn, muốn cứu họ ra khỏi các tai nạn, nên gọi là BI.

    Gương Từ Bi của Đức Phật không thế nào kể cho xiết. Từ các tiền thân cho đến hiện thân lúc làm Phật, vì lòng Từ Bi, Ngài vùa giúp, tế độ cho biết bao nhiêu chúng sanh! Và từ khi thành Phật cho đến mãi về sau, sức Từ Bi của Ngài vẫn còn ủng hộ và phổ tế chúng sanh, tuy rằng Ngài đã nhập Niết Bàn. Cho nên khi xưng niệm danh hiệu Ngài, người ta tụng rằng: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !”.

    Sư rằng: Nầy đạo Từ Bi,

    Rộng đường phổ độ, hẹp gì giai duyên.

    (truyện Quan Âm Thị Kính)

    Chư Bồ Tát trong khi giáo hóa, tế độ chúng sanh, thường thi thố ba mối Từ Bi:

    1)- Chúng sanh duyên Từ bi: Bồ Tát đem cái trí bình đẳng mà quán xét tất cả chúng sanh, coi họ như con đỏ, vận chuyển lòng Đại bi mà hoằng tế họ, khiến cho tất cả đều được an lạc.

    2)- Pháp duyên Từ bi: Bồ Tát đem cái trí bình đẳng mà quán xét tất cả các Pháp, thấy tất cả đều do nhơn duyên hòa hiệp mà sanh ra, biết rõ các Pháp đều chẳng có tự tánh, chẳng thật. Tuy biết là chẳng có tự tánh, chẳng thật, nhưng cũng vận chuyển lòng Đại Từ Bi mà hoằng tế các chúng sanh, khiến cho tất cả đều an lạc.

    3)- Vô duyên Từ Bi: Bồ Tát đem cái trí bình đẳng một cách vô tâm mà vịnh dựa vào các chúng sanh, nhờ vậy mà họ hưởng nhờ các lợi ích an lạc.

    Bồ Tát vận chuyển cho ba mối Từ Bi ấy lan tràn, bao bọc Pháp giới, khiến cho chúng sanh dứt khổ và được vui.

    Nhờ lòng Đại Từ, Đại Bi, mà Đức Phật, thân vàng ngọc phải rảo bước khắp nơi 49 năm thuyết pháp độ đời; cuối cùng Ngài phải giã từ pháp thân vô thường bên rừng cây Ta La song thọ.

    Xưa kia, có ông Tiên A TƯ ĐÀ, khi viếng thăm Thái Tử mới sanh, Ông đoán biết sau nầy Thái Tử sẽ là một vị Phật:

    "Cõi hồng trần đau thương thống thiết,

    Nhờ Ngài mà diệt nẻo luân hồi."

    Điều đặc biệt của Đức Phật là Ngài đã dùng Tha Tâm Thông mà phân chia các loại bịnh khổ của chúng sanh từng thứ, từng loại, nhờ đó mà người ta mới trị từng căn, từng gốc một được. Điều nầy đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ giải thích rõ ràng trong quyển Tư, tức Giác Mê Tâm Kệ như sau:

    Nhãn thấy sắc thường hay bận bịu,

    Tai ưa nghe những điệu âm thinh.

    Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,

    Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.

    Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,

    Chốn xạ hương hay lết lại gần.

    Lưỡi ưa ngon là chuyện ân cần,

    Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.

    Thân tham sướng muốn tiền của đến,

    Đăng ăn xài cho phỉ tấm tình.

    Ý thì ưa sửa sắc soi hình,

    Với chức phận cho cao cho quí.

    Sáu đường ấy ở trong tâm ý,

    Ta mau mau dứt nó cho rồi.

    (Giác Mê Tâm Kệ, Quyển Tư)

    Ngoài ra, trong các quyển Sấm Thi của Đức Thầy, chúng ta còn có thể thấy Ngài đề cập rất nhiều về hai chữ TỪ BI trong đó:

    - “Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà,

    Trong các báu khó bì tánh thiện.” (Q.4)

    - “Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,

    Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng.” (Q.5)

    - “Thấy đời động tánh từ-bi,

    Điên chẳng bắt tì còn mách việc xa.” (Q.1)

    - “Phật từ-bi độ tử độ sanh,

    Là độ kẻ hiền-lương nhơn-ái.” (Q.2)

    - “Nam-Mô sáu chữ Di-Đà,

    Từ-bi tế-độ vậy mà chúng-sanh.” (Q.3)

    - “Văn-Thù Bồ-Tát từ-bi,

    Chèo thuyền Bát-Nhã cứu thì trần-gian." (Q.3)

    - “Các chư Phật không khi nào rảnh,

    Tâm từ-bi vẫn nhớ chúng-sanh.”(Q.2)

    - “Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,

    Xuống phước rộng Từ, Bi, Hỉ, Xả.” (Q.5)

    - “Khai ngọn đuốc từ-bi chí-thiện,

    Tìm con lành dắt lại Phật-đường.” (Q.4)

    - “Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,

    Chữ từ-bi ta diệt nó liền.” (Q.4)

    - “Tiếng kệ từ-bi quá diệu-trầm,

    Diệt lòng tham-vọng diệt thinh-âm.” (Q.5)

    - “Làm cho đời hiểu rõ thinh-danh,

    Công-đức Phật từ-bi vô-lượng.” (Q.5)

    - “Con lành mau lại Phật-đường,

    Cùng Thầy cọng hưởng một vườn từ-bi.”

    (Xuân hạ tác cuồng thơ)

    - “Nương theo đuốc huệ tầm chơn-lý,

    Lóng tiếng từ-bi diệt dục lòng.”

    (Cho bà Năm Cò ở Sài gòn)

    - “Qui-y thì khá làm y,

    Giữ lòng thanh-tịnh từ-bi giúp đời.”

    (Thức tỉnh 1 nữ tín đồ ở Bạc Liêu)

    Thêm vào đó, trong những mẩu “Chuyện bên Thầy”, chúng ta còn biết được nhiều việc có liên quan đến lòng Từ Bi của Đức Thầy. Chẳng hạn như chuyện về bộ đồ hàng lãnh Tân Châu như sau:

    "Vào năm 1944, khi Đức Thầy đang tạm trú ở căn phố đường Nguyễn Công Trứ, Sài gòn có một nữ tín đồ từ Phú Thuận, Châu Đốc mang đến dâng lên Ngài một gói quà và thưa rằng:

    - Bạch Thầy, trước tiên con xin phép đươc viếng Thầy, nhân tiện xin dâng Thầy một bộ đồ hàng Long Khánh, Tân Châu để Thầy thay đổi. Vì con thấy Thầy chỉ mặc toàn đồ trắng hay vải nhuộm dà mà thôi.

    Đức Thầy tươi cười nhận tặng vật và thốt lời cám ơn. Đồng thời Ngài bảo một nữ tín đồ trong nhà cất đi, nhưng dặn đừng mở gói.

    Sau đó ba ngày, có một nam tín đồ từ dưới quê lên thăm, Ngài cho người lấy gói quần áo hôm nọ ra, rồi tự tay đưa biếu cho người nam tín đồ nầy. Có người thắc mắc tại sao bộ đồ mới của môn đồ dâng cho, Thầy chưa mặc lần nào lại cho người khác. Đức Thầy nghiêm trang đáp:“Cô biết bộ đồ hàng nầy đã làm hết bao nhiêu con tằm không?”

    Nếu ai đã đọc hết các quyển Sấm Thi và tìm hiểu kỹ nhiều “Mẩu chuyện bên Thầy” phải đều nhận nơi lòng từ bi vô hạn của Ngài đối với chúng sanh thật vô cùng vô tận. Đức Thầy là một bậc đại giác đại từ nên lúc nào cũng ban vui cứu khổ cho chúng sanh, vì vậy Ngài từng dạy:

    “Hay vì sanh chúng còn lao lý,

    Nguyện uống cho đời chén thuốc cay.”

    (Vì sanh chúng)

    Hay trong bài “Luận về Tam nghiệp – Sát sanh), Ngài cho biết:“Sinh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống như nhơn loại vậy. Thế nên hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng.”

    Nói chung, vì thể hiện lòng Từ Bi nên Ngài dùng bộ đồ đắc giá đó để dạy khuyên người tín đồ, nếu đã là người tu thì không nên trang sức những loại hàng đắc giá mà làm mất đức kiệm, trong khi xã hội nầy còn biết bao kẻ rách rưới cơ hàn. Nhứt là trong bộ đồ đó, người ta dệt bằng chỉ tơ mà tơ là do hàng triệu con tằm đã rút ruột nhả tơ và bỏ mạng. Thế nên, lời phán dạy đầy từ bi nhơn ái của Ngài đáng cho chúng ta ghi khắc để học hành đức độ cao cả mà “Dĩ đức hiếu sinh” hầu tương lai sẽ được hưởng quả trọn lành và an lạc.

    Ôi! Đức PHẬT thì chia tay với Đệ tử bên rừng cây Ta La song thọ. Còn Đức Thầy thì chia tay trong đằng đằng sát khí của kẻ muốn giết mình là bọn Bửu Vinh. Thế nhưng vào lúc 9 giờ 15’ đêm 16-04-47, Ngài còn gởi thư về căn dặn: “Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ. Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi về sau. Phải triệt để tuân lịnh”.

    Ôi! thật là mầu nhiệm mà cũng là việc thiên cơ khó hiểu ? (Phải chăng đây là lòng Đại Từ, Đại Bi bao trùm cả Càn Khôn Vũ trụ của Đức Thầy). Vậy mà:

    Lòng Từ Bi đâu? Mà loài vật ngày đêm rình rập bắt giết nhau để ăn tươi nuốt sống.

    Lòng Từ Bi đâu? Mà loài người ngày đêm giết nhau không thương không tiếc!!! Miệng thì hô hào Nhân quyền, Nhân ái…còn trong Tâm thì lo nghiên cứu chế tạo đủ loại Bom, đủ loại súng, đủ thứ dụng cụ giết người, kể cả hủy diệt luôn Trái đất mà chúng ta đang sinh sống.

    Tóm lại, nếu loài vật, loài người, đều có lòng TỪ BI như Đức Phật, Đức Thầy thì thế gian quả nầy là một bầu trời chung hạnh phúc !!!.

    Kính dâng và tưởng nhớ ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi 1947.

    Nam Mô A Di Đà Phật !

    TRƯƠNG VĂN THẠO

    -------------------------------------------------

     


    HOA SEN 6.jpg