CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - QUÝ VÂN - TâM TÌNH THEO CHÚA CỦA PHAOLO

  •  
    Vicky Vu
     
    Mon, Jul 4 at 6:30 PM
     
     
    Năm 1407 giặc Minh tiến hành một cuộc chiến nhằm mục đích xâm chiếm Đại Việt, lúc ấy thuộc triều đại nhà Hồ và người sáng lập triều đại ấy chính là Hồ Quí Ly. Vua quan nhà Hồ bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc. Trong đoàn tù nhân bị giải đi ấy, có một người tên là Nguyễn Phi Khanh.
    Nguyễn Phi Khanh là một danh sĩ nổi tiếng đời nhà Hồ, năm 1400 ông giữ chức Hàn Lâm Học Sĩ, sau đó thăng lên chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (có vị trí như một Viện Trưởng đại học ngày nay). Con trai ông vì chữ hiếu và lòng thương cha, đã khóc lóc theo chân Nguyễn Phi Khanh đến tận Ải Nam Quan, không nỡ rời xa. Ông đã khuyên bảo con rằng: “Con là người có học, có tài, nên quay về tìm cách rửa nhục cho đất nước, trả thù cho cha, như thế mới là báo hiếu, đâu phải cứ theo cha khóc lóc như nhi nữ thường tình mới là báo hiếu sao?”. Những lời của cha đã làm cho chàng trai ấy tỉnh ngộ quay trở về. Sau đó, người ấy đã tìm đến Lê Lợi, dành hết tâm huyết sát cánh cùng Lê Lợi trong mười năm gian khổ chống quân Minh. Chàng trai ấy sau nầy chính là một khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, một danh sĩ, nhà chính trị thao lược, người đã viết bài Cáo Bình Ngô bố cáo trước thiên hạ nền độc lập, tự chủ của Đại Việt. Không ai khác hơn, người ấy chính là Nguyễn Trãi.
    Trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta cũng thấy được một tình cha con vô cùng cảm động, dẫu không phải tình thâm ruột thịt như Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh nhưng đó chính là một thâm tình cha con trong Chúa, hay là trong đức tin. Đó chính là tấm lòng yêu thương và ưu ái mà Phao-lô đã dành cho người con tinh thần của mình là Ti-mô-thê.
       
    Lịch sử Việt Nam sẽ không thể có một Nguyễn Trãi, nếu ông không có một người cha là Nguyễn Phi Khanh. Lịch sử Hội Thánh sẽ không có một Ti-mô-thê nếu không có một người cha tinh thần mang tấm lòng đầy yêu thương như sứ đồ Phao-lô. Trong những thư viết cho cá nhân, sứ đồ Phao-lô đã dành cho Ti-mô-thê đến hai thư tín.
    Khi viết bức thư lần thứ nhì gửi cho Ti-mô-thê, nhà truyền giáo có một không hai trong lịch sử đang đối diện với những giờ phút tăm tối nhất.Tình cảnh của ông đã hoàn toàn thay đổi, ông đang là một tử tù tại La Mã và chờ sự phán quyết cuối cùng: Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin (II Tim 4:6-7). Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe những lời tâm tình của Phao-lô. Những lời gửi gắm và nhắn nhủ đầy tình yêu thương, thân ái. Đó chính là sự hướng dẫn và dạy dỗ của những người hầu việc Chúa tiên phong truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó là lời tâm tình đầy sự khích lệ trên bước đường hầu việc Chúa trước mặt.
    Những lời ấy không chỉ làm xao động tấm lòng của Ti-mô-thê, mà còn dẫn dắt mọi người đến với đức tin trong cuộc hành trình theo Chúa.
    1. Tâm Tình Trong Tình Yêu của Phaolo
    Có nhiều người lầm tưởng rằng sứ đồ Phao-lô tử vì đạo sau khi sách Công vụ chương 28:30-31 chấm dứt. Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê. Người tiếp rước mọi người đến thăm mình, giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy dỗ về Đức Chúa Jêsus Christ cách tự do trọn vẹn, chẳng ai ngăn cấm người hết. Thật ra không hề như thế. Nhà truyền giáo bị bắt hai lần, và đều giải về Rô-ma (La Mã) để chờ xét xử. Năm 67 Phao-lô bị bắt lần thứ hai, và năm 68 ông bị xử chém đầu tại Rô-ma. Tuy nằm trong tình cảnh cô đơn và đau buồn như thế, nhưng mối quan tâm của Phao-lô không dành cho chính bản thân mình, mà tấm lòng ông tha thiết dành cho một chàng trai trẻ có tên là Ti-mô-thê. Với những lời lẽ chân thành, đầy ấm áp yêu thương, Phao-lô đã khích lệ người con tinh thần, người cộng sự trong đức tin, người dấn thân hầu việc Chúa hãy trung tín, hãy mạnh mẽ, hãy vững vàng trên bước đường truyền bá phúc âm.
    Trong thư tín thứ thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, vị sứ đồ viết rằng: gửi cho Ti-mô-thê là con thật của ta trong đức tin (I Ti-mô- thê 1:2a),
    còn trong thư thứ hai ông lại viết rằng: gửi cho Ti-mô- thê là con rất yêu dấu của ta (II Ti-mô-thê 1:2a), theo sự phân tích bằng ngôn ngữ Hy Lạp, đây không phải chỉ là niềm dấu yêu bình thường, nhưng chứa đựng một tâm tình yêu thương trong đức tin, một tình yêu vô cùng sâu đậm. Cha mẹ của Ti- mô-thê đã cho chàng trai trẻ sự sống thể chất, nhưng vị sứ đồ khả kính Phao-lô đã mang đến cho Ti-mô-thê đời sống thuộc linh vĩnh cửu: Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến (I Ti- mô-thê 6:12).
    Dù hoàn cảnh hiện tại của vị sứ đồ vô cùng khó khăn, nhưng đó không phải là điều mà ông lo lắng, vì ông nhận được ân điển qua sự thương xót và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời.
    Tuy nhiên điều làm cho Phao-lô cần phải giãi bày chính là tấm lòng của ông dành cho người nhận, đó chính là lời cầu nguyện, lòng nhớ thương và sự khích lệ Ti-mô-thê trên bước đường  theo Chúa .