HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - DIỀU RÂN THỨ BA
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
10 ĐIỀU RĂN CỦA CHÚA
ĐIỀU RĂN THỨ BA
1.Ngày sabat trong Cựu Ước
- Ngày sabat nhắc nhớ công trình tạo dựng : “Vì trong sáu ngày, Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat và coi đó là ngày thánh” (Xh 20,11).
- Ngày sabat nhắc nhớ biến cố giải thoát Israel : “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat” (Đnl 5,15).
- Ngày sabat là ngày “Thiên Chúa nghỉ ngơi” và con người cũng cần nghỉ ngơi. Vì thế ngày sabat mang ý nghĩa xã hội: chống lại sự nô lệ hóa việc lao động và sự sùng bái tiền bạc.
- Chúa Giêsu và ngày sabat : “Ngày sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat” (Mc 2,27); ngày “làm điều lành chứ không phải điều dữ, cứu sống chứ không giết chết” (Mc 3,4). Tóm lại, ngày sabat phải là ngày tôn vinh Thiên Chúa, ngày của lòng thương xót và ơn giải thoát.
2.Ngày của Chúa (Chúa nhật)
a. Ngày Đức Kitô phục sinh : Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2).
- Ngày thứ nhất trong tuần nhắc nhớ công trình tạo dựng lần thứ nhất, đồng thời công trình tạo dựng mới được khai mở với Đức Kitô phục sinh.
- Ngày thứ nhất trong tuần nhắc nhớ công trình cứu độ (giải thoát) được thực hiện trong Đức Kitô chịu chết và sống lại.
- Ngày của Chúa, Chúa nhật, hoàn thành ý nghĩa thiêng liêng của ngày sabat trong Cựu Ước.
b. Thánh Lễ Chúa nhật
- Cử hành bí tích Thánh Thể ngày Chúa nhật là trung tâm của đời sống Hội Thánh. Truyền thống này đã có từ thời các thánh Tông Đồ : “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp như vài người quen làm, trái lại phải khuyến khích nhau” (Dt 10,25).
- Giáo xứ là nơi các tín hữu tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể mỗi Chúa nhật : “Bạn có thể cầu nguyện ở nhà nhưng thật ra, bạn không thể cầu nguyện như ở nhà thờ được, vì ở nhà thờ có đông người đồng thanh kêu lên Chúa…Ở nhà thờ có sự đồng tâm nhất trí, có dây liên kết của đức mến và kinh nguyện của các linh mục” (Thánh Gioan Kim khẩu).
c. Giữ ngày Chúa nhật
-“Các tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ Chúa nhật và những ngày lễ buộc khác” (Giáo Luật, điều 1247). Cũng có thể tham dự Thánh Lễ vào chiều ngày áp lễ. Chỉ khi có lý do quan trọng (bệnh tật, chăm sóc trẻ sơ sinh…) mới được miễn chước.
-Tham dự Thánh Lễ Chúa nhật là bằng chứng cho sự liên kết và trung thành của chúng ta với Đức Kitô và Hội Thánh Người. Khi không thể có Thánh Lễ (vd. vì thiếu thừa tác viên), nên tham dự Phụng vụ Lời Chúa.
-Trong Ngày của Chúa, phải tránh những việc lao động hay hoạt động nào ngăn cản việc thờ phượng Chúa, đồng thời nên dành ngày này để vun trồng đời sống gia đình, văn hóa, xã hội.
-Theo truyền thống đạo đức Kitô giáo, Chúa nhật cũng là ngày làm những việc lành, phục vụ bệnh nhân, những người tàn tật và đau yếu.
Phút hồi tâm : Chúa nhật có ý nghĩa gì với tôi?