HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
27/12
Lễ Thánh Gioan Tông Đồ
HỌC HỎI-CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Bài Ðọc I: 1 Ga 1, 1-4
"Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy".
Bắt đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, điều đã có từ thuở ban sơ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến về Ngôi Lời hằng sống: là sự sống đã tỏ hiện, và chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi làm chứng và chúng tôi loan truyền cho các con sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã tỏ hiện cho chúng ta. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan truyền cho các con, để các con hiệp nhất với chúng tôi, và chúng ta hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người. Chúng tôi viết các điều này để các con vui mừng và niềm vui của các con được trọn vẹn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12
Ðáp: Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.
3) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa và hãy ca tụng thánh danh Người. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 2-8
"Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Bao giờ cũng thế, năm nào cũng vậy, theo sự sắp xếp đầy ý nghĩa của Giáo Hội, Lễ Thánh Gioan Tông Đồ luôn được Giáo Hội cử hành vào ngày 27/12 trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một trong 5 thánh lễ Giáo Hội cố ý sắp xếp vào Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: Lễ Thánh Stephano Tử Đạo ngày 26/12, ngày 27/12 Lễ Thánh Gioan Tông Đồ, 28/12 Lễ Các Thánh Anh Hài, Lễ Thánh Gia vào Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật (nếu không có Chúa Nhật này, như năm 2016, vì Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật chính là ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa, thì mừng vào ngày 30/12), và Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1 ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật. Tất cả đều ở bậc Lễ Kính (có Kinh Vinh Danh), trừ Lễ Mẹ Thiên Chúa ở bậc lễ trọng buộc.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Lễ Thánh Gioan Tông Đồ lại được Giáo Hội sắp xếp vào Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, nhất là tại sao vị tông đồ tự nhận mình là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" này (xem Gioan 13:23; 19:26; 20:2; 21:7), có nghĩa là gần gũi nhất hay thân mật nhất với Chúa Kitô như thế, mà Giáo Hội vẫn cử hành lễ kính ngài sau lễ kính Phó Tế Tử Đạo Tiên Khởi Stephano?
Trước hết, về lý do tại sao Lễ Thánh Gioan Tông Đồ lại được Giáo Hội sắp xếp vào Tuần Bát Nhật Giáng Sinh là bởi vì vị tông đồ này, vị tông đồ khẳng định rằng thành phần "không công nhận Chúa Kitô sinh ra bởi xác thịt" (2Gioan 7) là phản kitô, đã tin Chúa Kitô Phục Sinh ngay vừa khi thấy dấu chứng phục sinh, so với tông đồ Phêrô, như được chính ngài thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ. Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin".
Tin Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết, từ trong một thân xác đã thật sự chết như chính mắt ngài đã chứng kiến thấy khi được đứng kề thập giá Chúa Kitô với Mẹ Chúa Giêsu (xem Gioan 19:25), chính là tin "Chúa Kitô đã đến trong xác thịt". Và chỉ có duy một mình người môn đệ được Chúa Giêsu yêu này (trong tất cả tông đồ đoàn) mới đích thân thấy được, nếu không muốn nói được tham dự một phần nào vào Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một cuộc vượt qua từ cõi chết (trên Đồi Canvê) sang cõi sống (trong ngôi mộ trống), mà cũng chỉ có mình ngài mới có thể minh chứng và loan truyền Tin Mừng Sự Sống là những gì chính ngài đã viết trong đoạn mở đầu Phúc Âm của ngài ở Bài Đọc 1 hôm nay rằng:
"Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã trở nên hữu hình, Chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người".
Sau nữa, về lý do tại sao vị tông đồ tự nhận mình là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" này (xem Gioan 13:23; 19:26; 20:2; 21:7), có nghĩa là gần gũi nhất hay thân mật nhất với Chúa Kitô như thế, mà Giáo Hội vẫn cử hành lễ kính ngài sau lễ kính Phó Tế Tử Đạo Tiên Khởi Stephano, là vì được sắp xếp sau không có nghĩa là kém hơn, như trường hợp loài người được tạo dựng sau cùng vào ngày thứ sáu trong 6 ngày tạo dựng chẳng những không phải là loài kém nhất mà lại là loài nhất đẳng tạo vật được Thiên Chúa dựng nên.
Thế nhưng, nếu Thánh Gioan Tông Đồ, theo vai trò của ngài liên quan đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Chúa Kitô thật sự là hơn Thánh Stephano Phó Tế Tử Đạo Tiên Khởi thì hơn ở chỗ nào?
Vẫn biết Phó Tế Stephano Tử Đạo Tiên Khởi không phải là tông đồ như Thánh Gioan nhưng tự việc tử đạo của ngài cũng cho thấy về tinh thần ngài quả thực là tông đồ của Chúa Kitô, vì tông đồ theo nghĩa Hy Lạp là làm chứng. Vị phó tế này tuy không được đích thân chứng kiến thấy Chúa Kitô khổ giá và tử nạn như Thánh Gioan Tông Đồ, nhưng nếu ngài không hiệp nhất nên một với Chúa Kitô thì ngay trước khi chết ngài sẽ không được thị kiến thấy nhân tính của Chúa Kitô nơi hình ảnh "Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa", và đồng thời ngài cũng khôngthể nào có một tác động giống hệt Chúa Kitô trước khi chết bởi tay kẻ thù mình là tác động xin tha cho kẻ thù của mình, như Bài Đọc 1 ở Sách Tông Vụ hôm qua cho thấy.
Tuy nhiên, dầu sao vị phó tế tử đạo tiên khởi này cũng chỉ được xem thấy và làm chứng cho một Chúa Kitô đến trong xác thịt bằng chính máu của mình, còn Thánh Gioan Tông Đồ được hơn ở chỗ tham dự vào chính biến cố Vượt Qua, đến độ, có thể nói chính vì đã tử đạo vì yêu với tất cả đớn đau đến tột cùng trước cuộc khổ giá của Thày vào chính lúc được thông phần ấy mà chỉ một mình ngài trong tông đồ đoàn là không tử đạo bằng máu của bản thân mà thôi.
Chưa hết, Thánh Gioan Tông Đồ còn hơn vị phó tế tử đạo tiên khởi ở chỗ người môn đệ được Chúa Giêsu yêu này đã thị kiến thấy, qua thị kiến Khải Huyền, vương quốc của Thiên Chúa trị đến, như được chính Chúa Giêsu ám chỉ về ngài qua câu nói: "có mấy người trong các con ở đây sẽ không chết cho tới khi thấy Con Người đến trong vương quốc của Người" (Mathêu 16:28; xem Marco 9:1; Luca 9:27).
Căn cứ vào nội dung của Phúc Âm thứ tư, so với bộ Phúc Âm Nhất Lãm 3 cuốn trước đó, thì phải nói rằng tác giả của cuốn Phúc Âm thứ tư này thật sự đã được chiêm nghiệm thần tính của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, một thần tính được Chúa Kitô là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), "hằng ở cùng Cha tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), như "ánh sáng thế gian... ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12).
Tuy nhiên, theo dự án thần linh cứu độ của Thiên Chúa thì tất cả đều bổ túc cho nhau. Bởi thế, có thế nói, Thánh Gioan Tông Đồ và Thánh Stephano Phó Tế Tử Đạo Tiên Khởi được Giáo Hội sắp xếp về phụng vụ như thể song song với nhau và bổ túc cho nhau. Lễ kính Thánh Stephano là vị tử đạo làm chứng cho một Chúa Kitô đến trong xác thịt, còn Thánh Gioan Tông Đồ là người môn đệ làm chứng cho "Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên