HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THƯ BA 08-1-2019

Thứ Ba sau Hiển Linh 8/1

 

HỌC HỎI- CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 7-10

"Thiên Chúa là Tình Yêu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.

2) Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. - Ðáp.

3) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp. 

Alleluia: Mt 4,22

Alleluia, alleluia! - Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 6, 34-44

"Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: "Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn". Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các con hãy cho họ ăn đi". Họ thưa Người: "Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn". Người nói với họ: "Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem". Khi biết được rồi, họ thưa: "Có năm cái bánh và hai con cá". Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

Ðó là lời Chúa. 

 

image.png
image.png
 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, thời điểm vẫn còn trong Mùa Giáng Sinh cho tới Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, vẫn tiếp tục chủ đề cho riêng Mùa Giáng Sinh là "Lời ở cùng chúng ta" (Gioan 1;14), như "sự sống là sự sáng chiếu soi con người" (Gioan 1:4).

 

Đúng thế, "Lời ở cùng chúng ta" như "sự sống chiếu soi con người" trong Bài Phúc Âm hôm nay là ở chỗ Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi "năm ngàn người" từ "năm  bánh và hai con cá", chỉ vì Người "động lòng thương xót họ", thành phần "như chiên không người chăn giữ" và đã vất vả cùng chịu đói khát để đi theo nghe "Người giảng dạy họ nhiều điều".

 

Ở đây, qua phép lạ bánh hóa ra nhiều, được Chúa Giêsu thương tình thực hiện để nuôi đám dân chúng rất đông đảo theo Người trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy dường như Chúa Giêsu muốn ngầm khẳng định rằng: vẫn biết người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (xem Mathêu 4:4), người ta cũng không chỉ sống nguyên bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra mà còn phải sống nhờ ở lương thực hằng ngày nuôi sống thân thể nữa, như thể "có thực mới vực được đạo", miễn là đừng vì của ăn phần xác mà quên mất phần hồn, hay coi trọng phần xác hơn phần hồn, nhưng nhờ phần hồn thánh đức và tin tưởng mà phần xác được biến đổi và thánh hóa, ở chỗ sống bác ái yêu thương phục vụ.

 

Phép lạ bánh hóa ra nhiều đây, chẳng những được bộ Phúc Âm Nhất Lãm, bao gồm cả Thánh ký Marco và Thánh ký Luca thuật lại, mà còn cả Thánh ký Gioan nữa, ở nguyên đoạn thứ 6 của phúc âm thứ tư này. Thế nhưng, trong đoạn thứ 6 của mình, Thánh ký Gioan chẳng những thuật lại biến cố phép lạ bánh hóa ra nhiều mà còn bao gồm cả bài giảng rất quan trọng và cần thiết về Bánh Sự Sống của Chúa Giêsu nữa, để cho những ai ăn bánh được Người hóa ra nhiều nuôi sống phần xác của họ ấy hướng về một thứ bánh thần linh ban sự sống trường sinh bất diệt là chính bản thân Người:

 

"Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Gioan 6:47-51).

 

 

Thật vậy, "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14) chẳng khác gì như "bánh từ trời xuống", một thứ bánh không phải để nuôi phần xác của con người mà là nuôi phần hồn của họ, ở chỗ ban cho họ sự sống thần linh, bằng cách Người đã "hiến mạng sống mình vì chiên cho chiên được sự sống và là sự sống viên trọn" (Gioan 10:10), tức là Người lấy chính "thịt" của Người, ám chỉ thân xác tử giá và phục sinh của Người, cho phần rỗi của chung nhân loại, nhất là của riêng những ai tin vào Người, một tác động tin tưởng được biểu hiệu qua cử chỉ họ "ăn bánh này", cử chỉ cho thấy họ chấp nhận Người, chấp nhận Ơn Cứu Độ Người thực hiện cho họ.

 

Tuy nhiên, muốn được "sự sống và là sự sống viên mãn" nơi Bánh Sự Sống từ trời xuống là bản thân Chúa Giêsu Kitô, "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" đây, không phải chỉ ở chỗ tin tưởng chấp nhận Người, qua tiếng thưa công khai "amen", trước khi rước lấy Thánh Thể của Người lúc hiệp lễ. 

 

Kinh nghiệm sống đạo phũ phàng cho thấy không phải là ít tín hữu Công giáo hằng ngày rước lễ nhưng dường như Thánh Thể là Bánh Sự Sống, Bánh Trường Sinh chẳng có tác dụng thần linh tí nào ở nơi họ, trái lại, Thánh Thể hình như còn làm cho họ càng rước càng bị tẩu hỏa nhập ma nữa. Ở chỗ, họ vẫn cứ đoán xấu cho anh chị em mình, vẫn cứ nói hành nói xấu nhau, vẫn bỏ vạ cáo gian nhau, vẫn giận hờn ghen tức nhau, vẫn oán ghét thù hằn nhau, vẫn chấp nhất không chịu tha cho nhau hay không thể tha cho nhau v.v.

 

Chính vì "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), hay ngược lại, đức ái là hoa trái của đức tin, là chứng cớ hùng hồn nhất về đức tin, mà Thánh ký Gioan trong Thư thứ nhất của mình, ở Bài Đọc 1 hôm nay, mới huấn dụ Kitô hữu của ngài sống yêu thương bác ái như sau:

 

"Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta".

 

Qua đoạn Thư thứ nhất này của mình, Thánh Gioan Tông Đồ đã cho chúng ta biết tất cả lý do sâu xa tại sao chúng ta cần phải yêu thương nhau và phải yêu thương nhau như thế nào. 

 

Trưóc hết, về lý do, đó là "vì Thiên Chúa là tình yêu", Đấng "đã thương yêu chúng ta trước", như trong chính bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu đã "động lòng thương" dân chúng và tự động làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi họ, không đợi họ phải van xin Người, nên chúng ta cũng phải làm sao để có thể đáp ứng tình yêu của Ngài như Ngài đã yêu thương chúng ta. 

 

Sau nữa, về cách thức yêu thương, nếu "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước", ở chỗ "Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống", tức là Ngài "đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta", thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau như vậy, "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan 13:34, 15:12). 

 

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa như Ngài đã yêu thương chúng ta, thậm chí chúng ta cũng không nào yêu thương nhau như chính Chúa yêu thương chúng ta hay yêu thương anh chị em của chúng ta. Bởi thế, mới có chuyện "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14), mặc lấy nhân tính bất toàn, hữu hạn, yếu hèn và tội lỗi của chúng ta, để làm người như chúng ta mà lại có thể yêu mến Thiên Chúa một cách xứng đáng và tương hợp thay cho chúng ta và với chúng ta.

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải chỉ là biểu hiệu cho tình yêu vô biên bất tận của Thiên Chúa đối với loài người vô cùng khốn nạn đáng thương chúng ta, mà còn biểu hiệu cho tình yêu của nhân loại thấp hèn chúng ta đối với tình yêu vô cùng nhân hậu và trọn lành của Thiên Chúa đã yêu thương loài người chúng ta nữa.

 

Bởi vậy, cùng với Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay, chúng ta hãy hân hoan phấn khởi mà xướng lên rằng:

 

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. 

 

2) Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. 

 

3) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

Ngay.8-1.mp3

-----------------------------

 

  

 

--